Truyền thông Hàn Quốc kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân
Truyền thông Hàn Quốc kêu gọi phát triển vũ khí hạt nhân
(RFI) Cho đến nay, bất chấp các đe dọa tấn công từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn tự tin do có được “lá chắn hạt nhân” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 08/2017, theo AFP, báo chí Hàn Quốc đồng loạt lên tiếng yêu cầu Seoul xem xét việc phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh Bình Nhưỡng có những tuyên bố ngày càng táo tợn hơn, trước các áp lực quốc tế gia tăng buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử. Nhiều nhà quan sát cảnh báo “hiệu ứng dây chuyền” của một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á.
Hiện tại, khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc, để bảo vệ quốc gia này. Theo một thỏa thuận ký năm 1974, giữa Seoul và Washington, Hàn Quốc không có quyền chế tạo vũ khí nguyên tử, đổi lại, đồng minh Đông Bắc Á được “lá chắn hạt nhân” Mỹ che chở. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hoa Kỳ từng triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, nhưng đã rút đi vào lúc Seoul và Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên vào năm 1991.
Năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, và chính thức tuyên bố từ bỏ cam kết vào năm 2009. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ dâng cao, đặc biệt với việc Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa liên lục địa ICBM, được nhiều chuyên gia coi là “thành công”. Hai tên lửa có khả năng bắn tới một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, có nhiều thông tin về việc Bắc Triều Tiên đang nhanh chóng tiến đến làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, để gắn vào tên lửa.
Theo các nhà quan sát, một câu hỏi ngày càng ám ảnh nhiều người Hàn Quốc : Liệu Washington có thực sự sẵn sàng bảo vệ Seoul, khi nhiều thành phố Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên ?
Seoul có thể chế bom nguyên tử trong vài tháng
Xã luận nhật báo Korea Herald hôm nay, 11/08, cảnh báo : “Niềm tin vào lá chắn hạt nhân Mỹ có thể bị lay chuyển” và “đây là thời điểm xem xét việc phát triển vũ khí nguyên tử”. Báo Koreal Herald kêu gọi Washington đưa tên lửa hạt nhân trở lại Hàn Quốc, nếu không muốn Seoul tự trang bị hệ thống vũ khí nguyên tử.
Nhật báo Chosun hồi đầu tuần cũng khẳng định : “Tai họa đang lơ lửng”, “Mọi đề xuất, kể cả những điều vốn bị coi là cấm kỵ, nên được bàn thảo”. Nhật báo kinh tế Korea Economic Daily nghiêng về giải pháp vũ khí nguyên tử chống lại Bắc Triều Tiên, với quan điểm “dùng đe dọa hủy diệt đối lại đe dọa hủy diệt”. Quan điểm của báo chí Hàn Quốc nói trên khá tương hợp với lập trường ủng hộ hạt nhân của người Hàn Quốc. Theo AFP, trong một cuộc điều tra hồi năm ngoái, khoảng 57% dân Hàn tán đồng giải pháp này, và 31% có ý kiến ngược lại.
Theo nhiều chuyên gia, với trình độ công nghệ hiện tại, Hàn Quốc hoàn toàn đủ khả năng có được tên lửa hạt nhân chỉ vài tháng sau khi quyết định. Có điều là việc Seoul xây dựng hệ thống vũ khí riêng sẽ để lại nhiều hệ quả tồi tệ.
Giảng viên Đại học về Bắc Triều Tiên tại Seoul, ông Yang Moo Jin, cho rằng lập trường “dùng đe dọa hủy diệt đối lại đe dọa hủy diệt” sẽ biến bán đảo Triều Tiên thành đấu trường chạy đua vũ trang quyết liệt. Nếu việc này xảy ra Bình Nhưỡng càng có thêm lý do để biện minh cho chương trình tên lửa hạt nhân, khiến việc trở lại đàm phán vốn đã khó, càng thêm khó. Vẫn theo chuyên gia Yang Moo Jin, quyết định của Hàn Quốc cũng sẽ mở ra cơ hội cho Nhật Bản và Đài Loan tự trang bị vũ khí. Tokyo “chắc chắn sẽ hoan nghênh việc này”, bởi đây là yếu tố hết sức thuận lợi giúp cho chính quyền Shinzo Abe trong chủ trương xét lại Hiến pháp chủ hòa của Nhật.
Bối cảnh khẩu chiến gia tăng
Tuyên bố của báo chí Hàn Quốc có phản ánh quan điểm của Seoul ? Để trả lời câu hỏi này cần đặt các phát biểu nói trên trong bối cảnh khẩu chiến đang gia tăng về cường độ giữa Washington và Bình Nhưỡng, với các đe dọa “nhấn chìm trong biển lửa” của tổng thống Mỹ hay kế hoạch “tấn công gần Guam (Mỹ)” của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo cho biết Seoul “hoàn toàn có khả năng” tự chế bom nguyên tử, nhưng chưa tính đến.
Chính quyền Seoul đang đàm phán với Mỹ nhằm nới lỏng thỏa thuận song phương về các tên lửa tầm trung 800 km của Hàn Quốc. Seoul muốn nâng trọng lượng đầu đạn lên 1.000 kg, so với 500 kg hiện nay. Đây là loại hỏa tiễn có thể tấn công mọi địa điểm trên đất Bắc Triều Tiên. Đầu tuần, Lầu Năm Góc thông báo đang “tích cực” xem xét vấn đề này.
(RFI) Cho đến nay, bất chấp các đe dọa tấn công từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc vẫn tự tin do có được “lá chắn hạt nhân” của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những ngày đầu tháng 08/2017, theo AFP, báo chí Hàn Quốc đồng loạt lên tiếng yêu cầu Seoul xem xét việc phát triển vũ khí hạt nhân, trong bối cảnh Bình Nhưỡng có những tuyên bố ngày càng táo tợn hơn, trước các áp lực quốc tế gia tăng buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí nguyên tử. Nhiều nhà quan sát cảnh báo “hiệu ứng dây chuyền” của một cuộc chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân tại Đông Bắc Á.
Hiện tại, khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc, để bảo vệ quốc gia này. Theo một thỏa thuận ký năm 1974, giữa Seoul và Washington, Hàn Quốc không có quyền chế tạo vũ khí nguyên tử, đổi lại, đồng minh Đông Bắc Á được “lá chắn hạt nhân” Mỹ che chở. Sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Hoa Kỳ từng triển khai vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc, nhưng đã rút đi vào lúc Seoul và Bình Nhưỡng đạt thỏa thuận về “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên vào năm 1991.
Năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, và chính thức tuyên bố từ bỏ cam kết vào năm 2009. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ dâng cao, đặc biệt với việc Bình Nhưỡng tiến hành hai vụ thử tên lửa liên lục địa ICBM, được nhiều chuyên gia coi là “thành công”. Hai tên lửa có khả năng bắn tới một phần lãnh thổ của Hoa Kỳ. Cùng lúc đó, có nhiều thông tin về việc Bắc Triều Tiên đang nhanh chóng tiến đến làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân, để gắn vào tên lửa.
Theo các nhà quan sát, một câu hỏi ngày càng ám ảnh nhiều người Hàn Quốc : Liệu Washington có thực sự sẵn sàng bảo vệ Seoul, khi nhiều thành phố Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của vũ khí nguyên tử Bắc Triều Tiên ?
Seoul có thể chế bom nguyên tử trong vài tháng
Xã luận nhật báo Korea Herald hôm nay, 11/08, cảnh báo : “Niềm tin vào lá chắn hạt nhân Mỹ có thể bị lay chuyển” và “đây là thời điểm xem xét việc phát triển vũ khí nguyên tử”. Báo Koreal Herald kêu gọi Washington đưa tên lửa hạt nhân trở lại Hàn Quốc, nếu không muốn Seoul tự trang bị hệ thống vũ khí nguyên tử.
Nhật báo Chosun hồi đầu tuần cũng khẳng định : “Tai họa đang lơ lửng”, “Mọi đề xuất, kể cả những điều vốn bị coi là cấm kỵ, nên được bàn thảo”. Nhật báo kinh tế Korea Economic Daily nghiêng về giải pháp vũ khí nguyên tử chống lại Bắc Triều Tiên, với quan điểm “dùng đe dọa hủy diệt đối lại đe dọa hủy diệt”. Quan điểm của báo chí Hàn Quốc nói trên khá tương hợp với lập trường ủng hộ hạt nhân của người Hàn Quốc. Theo AFP, trong một cuộc điều tra hồi năm ngoái, khoảng 57% dân Hàn tán đồng giải pháp này, và 31% có ý kiến ngược lại.
Theo nhiều chuyên gia, với trình độ công nghệ hiện tại, Hàn Quốc hoàn toàn đủ khả năng có được tên lửa hạt nhân chỉ vài tháng sau khi quyết định. Có điều là việc Seoul xây dựng hệ thống vũ khí riêng sẽ để lại nhiều hệ quả tồi tệ.
Giảng viên Đại học về Bắc Triều Tiên tại Seoul, ông Yang Moo Jin, cho rằng lập trường “dùng đe dọa hủy diệt đối lại đe dọa hủy diệt” sẽ biến bán đảo Triều Tiên thành đấu trường chạy đua vũ trang quyết liệt. Nếu việc này xảy ra Bình Nhưỡng càng có thêm lý do để biện minh cho chương trình tên lửa hạt nhân, khiến việc trở lại đàm phán vốn đã khó, càng thêm khó. Vẫn theo chuyên gia Yang Moo Jin, quyết định của Hàn Quốc cũng sẽ mở ra cơ hội cho Nhật Bản và Đài Loan tự trang bị vũ khí. Tokyo “chắc chắn sẽ hoan nghênh việc này”, bởi đây là yếu tố hết sức thuận lợi giúp cho chính quyền Shinzo Abe trong chủ trương xét lại Hiến pháp chủ hòa của Nhật.
Bối cảnh khẩu chiến gia tăng
Tuyên bố của báo chí Hàn Quốc có phản ánh quan điểm của Seoul ? Để trả lời câu hỏi này cần đặt các phát biểu nói trên trong bối cảnh khẩu chiến đang gia tăng về cường độ giữa Washington và Bình Nhưỡng, với các đe dọa “nhấn chìm trong biển lửa” của tổng thống Mỹ hay kế hoạch “tấn công gần Guam (Mỹ)” của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc Song Young Moo cho biết Seoul “hoàn toàn có khả năng” tự chế bom nguyên tử, nhưng chưa tính đến.
Chính quyền Seoul đang đàm phán với Mỹ nhằm nới lỏng thỏa thuận song phương về các tên lửa tầm trung 800 km của Hàn Quốc. Seoul muốn nâng trọng lượng đầu đạn lên 1.000 kg, so với 500 kg hiện nay. Đây là loại hỏa tiễn có thể tấn công mọi địa điểm trên đất Bắc Triều Tiên. Đầu tuần, Lầu Năm Góc thông báo đang “tích cực” xem xét vấn đề này.