Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nguy cơ tái nhiễm của những người đã mắc Covid-19


Nguy cơ tái nhiễm của những người đã mắc Covid-19

Hai nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí New England ngày 16/2 cho thấy vaccine Pfizer mang tới hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm nCoV tốt hơn.

Theo CNN, các phát hiện mới được đánh giá là mang tới cái nhìn sâu sắc hơn về khái niệm “kháng thể lai” hay “miễn dịch lai”. Đây là thuật ngữ chỉ những người đã có miễn dịch tự nhiên (sau khi mắc Covid-19) và có thêm kháng thể từ vaccine.

Bảo vệ tốt những người đã mắc Covid-19 khỏi nguy cơ tái nhiễm

Một nghiên cứu do nhóm chuyên gia ở Viện nghiên cứu Clalit, Israel thực hiện. Họ phát hiện những người đã khỏi Covid-19 nhưng không tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm nCoV cao gấp 4 lần nhóm đã được tiêm một mũi Pfizer.

Nghiên cứu thực hiện trên 149.000 người có tiền sử mắc Covid-19, từ 1/3/2021 đến 26/11/2021, cùng thời điểm biến thể Delta bùng phát mạnh tại Israel.

Nó cũng cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer bị suy giảm ở nhóm trên 65 tuổi. Ở người 16-64 tuổi, hiệu quả của nó là 82%. Trong khi nhóm trên 65 tuổi, con số này chỉ còn 60%.

Các tác giả cũng phát hiện không có sự khác biệt đáng kể về hiệu quả của vaccine ở người mắc Covid-19 được tiêm một mũi và hai mũi. Điều này củng cố thêm giả thuyết của các nghiên cứu trước đó về việc người khỏi Covid-19 vẫn được bảo vệ khỏi nguy cơ tái nhiễm sau một mũi vaccine.

Nhà virus học, GS Shane Crotty, Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm và Thuốc chủng tại Viện Nghiên cứu Miễn dịch La Jolla, chia sẻ với CNN phát hiện trên rất có ý nghĩa với chiến lược tiêm chủng. Dựa trên kết quả nghiên cứu, giới chức Mỹ có thể đưa chính sách yêu cầu người từng mắc Covid-19 chỉ cần phải tiêm một liều vaccine.

Tại Israel, từ tháng 3/2021, Bộ Y tế nước này đã đưa ra khuyến nghị tương tự. Các người từng mắc Covid-19  sau khi khỏi bệnh nên tiêm một mũi vaccine Covid-19 sau 3 tháng kể từ lần mắc đầu tiên.

GS Ronen Arbel, Viện nghiên cứu Clalit, tác giả chính của bài báo, nhận định hồi phục sau Covid-19 giống “liều vaccine tự nhiên”. Nếu tiêm vaccine Covid-19, liều này có vai trò như mũi tiêm tăng cường.

“Miễn dịch lai” có hiệu quả bảo vệ trong ít nhất một năm

Trong khi đó, nghiên cứu thứ hai được thực hiện tại Anh, chứng minh khả năng miễn dịch mạnh và tồn tại lâu hơn ở người khỏi Covid-19 sau khi tiêm vaccine Pfizer.

Ở những tình nguyện viên được tiêm Pfizer, không có tiền sử mắc Covid-19, hai liều vaccine giúp giảm 85% nguy cơ nhiễm bệnh trong hai tháng sau tiêm. Tuy nhiên, sau 6 tháng, con số này giảm xuống còn 51%.


Ngược lại, những người hồi phục Covid-19 và được tiêm chủng vẫn duy trì mức kháng thể bảo vệ hơn 90% sau một năm kể từ lần mắc bệnh đầu tiên và hơn 6 tháng sau khi tiêm vaccine.

TS Monica Gandhi, chuyên gia về virus, bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco, Mỹ, cho biết: “Có thể nhận thấy việc tiêm chủng trước hoặc sau khi mắc Covid-19 đã tạo ra siêu miễn dịch bảo vệ người bệnh”.

Phát hiện của nhóm chuyên gia Vương quốc Anh sử dụng dữ liệu từ nghiên cứu SIREN của các nhân viên chăm sóc sức khỏe. Hơn 35.000 người tham gia đã được theo dõi trong thời gian từ ngày 7/12/2020 đến 21/9/2021, được làm xét nghiệm rRT-PCR hai lần/tuần.

Các tác giả phát hiện trong số những người đã bị nhiễm trước đó, nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 86% so với nhóm chưa được tiêm chủng. Tuy nhiên, mức bảo vệ này đã giảm xuống 69% sau hơn một năm kể từ khi bị nhiễm virus. Điều này cho thấy khả năng bảo vệ khỏi nguy cơ tái mắc Covid-19 không thể duy trì mãi mãi.

Theo GS Crotty, miễn dịch lai cho phép cơ thể tạo ra nhiều kháng thể đa dạng hơn để vô hiệu hóa nhiều biến thể hơn. Điều này cũng xảy ra khi một người tiêm đủ hai liều sau đó tiêm thêm mũi nhắc lại. Song, tốc độ này ở người từng mắc Covid-19 sau khi tiêm vaccine diễn ra nhanh hơn gấp nhiều lần.

"Miễn dịch lai tạo ra rất nhiều lợi ích bổ sung. Điều mà chúng ta thấy rõ ràng nhất ở nghiên cứu này là độ bền mạnh mẽ của nó” – GS Crotty nói thêm.

Cả hai nghiên cứu đều củng cố thêm bằng chứng cho thấy miễn dịch lai có thể tăng cường khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ tái mắc Covid-19 trong tương lai. Song, điểm hạn chế của nó là đều không có dữ liệu về sự gia tăng của biến thể Omicron.

“Nguy cơ tái nhiễm với Omicron cao hơn nhiều so với Delta. Vaccine có bảo vệ người tiêm khỏi Omicron không? Chúng tôi cho rằng có, nhưng chưa có dữ liệu đầy đủ”, GS Arbel nói.

Ngoài hai nghiên cứu trên, một số công trình khác cũng khẳng định vaccine và miễn dịch tự nhiên giúp bảo vệ tốt hơn trước nguy cơ tái nhiễm, đặc biệt, nó vẫn có tác dụng với Omicron.

Điển hình như phát hiện từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe châu Phi ở Nam Phi. Theo Bloomberg, các thí nghiệm với huyết tương cho thấy hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh có triệu chứng khi nhiễm Omicron đạt 73% ở người đã tiêm chủng và từng mắc Covid-19.

Sự kết hợp giữa vaccine và miễn dịch tự nhiên cũng giúp giảm 95% nguy cơ phát triển thành bệnh nặng ở người nhiễm chủng mới, nhóm nhà khoa học, dẫn đầu bởi giáo sư Alex Sigal, cho hay. Nghiên cứu này chưa được bình duyệt.

Các nhà khoa học thông tin thêm với những người chỉ tiêm chủng, hiệu quả chống lại bệnh có triệu chứng khi nhiễm Omicron là 35%, và ngăn bệnh trở nặng là 77%. Điều này cho thấy vaccine vẫn cung cấp "sự bảo vệ đáng kể".

Trong khi đó, theo nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia tại Israel, những người được tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm thấp hơn 82% so với nhóm bệnh nhân chưa được tiêm vaccine. Ngoài ra, nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng của họ cũng giảm 76%.