Matt Mahan

ads header

Breaking News

TQ đòi thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế

Chủ tịch Toà Án Tối Cao Trung Quốc, ông Chu Cường (Zhou Qiang), tại phiên họp toàn thể lần thứ 3, kỳ họp Quốc hội, ngày 13/03/2016. REUTERS/Kim Kyung-hoon
Trung Quốc đòi thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế

(RFI) Phát biểu trước Quốc hội ngày 13/03/2016, chủ tịch Tòa Án Tối Cao Trung Quốc Chu Cường (Zhou Qiang) không che giấu : Bắc Kinh đang chuẩn bị một chiến lược để trở thành một « siêu cường về hàng hải ». Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với nhiều quốc gia trong khu vực tại Biển Đông và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Báo cáo trước Quốc hội, ông Chu Cường tuyên bố các tòa án trên toàn quốc sẽ cùng nhau thực hiện một nhiệm vụ chiến lược quốc gia, đưa Trung Quốc thành một « cường quốc về hàng hải » và trở thành « trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế ». Mục tiêu đề ra nhằm « kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, các quyền hàng hải và lợi ích cốt lõi khác của Trung Quốc ».

Ông Chu Cường không đi sâu vào chi tiết về trung tâm này và không nói rõ về thời điểm trung tâm đó sẽ được hình thành cũng như về chức năng của định chế này.

Người đứng đầu Tòa Án Tối Cao Trung Quốc nhắc lại là trong năm 2015 tòa án các cấp của Trung Quốc đã xử lý hơn 16.000 vụ tranh chấp liên quan đến hàng hải và theo ông thì đây là con số được coi là « cao nhất thế giới ».

Tuyên bố về ý định thành lập trung tâm tư pháp hàng hải quốc tế của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền đối với gần 90% Biển Đông, bồi đắp đảo nhân tạo tại Hoàng Sa, Trường Sa, nơi có tranh chấp chủ quyền với nhiều nước láng giềng như Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Còn tại Biển Hoa Đông, tàu của Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản chung quanh khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.