Nguyễn Tấn Dũng 'hết cửa' tranh chức tổng bí thư
Ông Nguyễn Tấn Dũng (trái) tại hội nghị trung ương 14 khi nghe ông Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. (Hình: Chụp qua Youtube) |
Một nguồn tin khả tín của báo Người Việt cho hay, tại cuộc “bỏ phiếu kín” để đề cử nhân sự cho 4 chức danh lãnh đạo chóp bu là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 sẽ được bầu tại đại hội lần thứ 12, ông Dũng chỉ nhận được 1/16 phiếu đề cử của các thành viên Bộ Chính Trị. Trong khi đó Nguyễn Phú Trọng được 6 phiếu và Trương Tấn Sang được 5 phiếu.
Tương tự, tại hội nghị 14, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ được “rất ít ủy viên trung ương giới thiệu.”
Kết quả bỏ phiếu kín đề cử cho 4 chức danh chóp bu hay gọi nôm na là “tứ trụ” bao gồm: Nguyễn Phú Trọng - Tổng bí thư: 137/175 phiếu, Trần Đại Quang - Chủ tịch Nước: 157/175 phiếu, Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng: 153/175 phiếu và Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc Hội: 161/175 phiếu.
Cả 4 nhân vật này sẽ được bầu chính thức tại đại hội đảng lần thứ 12, diễn ra vào ngày 20 Tháng Giêng tới đây.
Như vậy, cùng với Nguyễn Tấn Dũng, hai nhân vật còn lại trong “tứ trụ” hiện nay là Trương Tấn Sang (chủ tịch Nước) và Nguyễn Sinh Hùng (chủ tịch Quốc Hội) sẽ rời khỏi chức vụ sau đại hội 12.
Trong khi đó, theo tin chính thức từ Thông Tấn Xã Việt Nam, trong bài phát biểu bế mạc hội nghị 14, ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng, hội nghị “biểu quyết thông qua nhân sự đề cử bổ sung một số đồng chí Ủy Viên Trung Ương khóa 11 thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa 12; nhân sự là Ủy Viên Bộ Chính trị, Ban Bí Thư khóa 11 thuộc trường hợp “đặc biệt” tái cử khóa 12 và danh sách đề cử các đồng chí ứng cử các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà Nước nhiệm kỳ khóa XII với số phiếu rất tập trung.”
Quang cảnh hội nghị 14 khi ông Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc hội nghị. (Hình: Chụp qua Youtube) |
Trước đó, cũng trong bài diễn văn bế mạc, ông Trọng cho biết, trung ương đảng CSVN “đã tập trung thảo luận, thống nhất cao về chủ trương ký kết, phê duyệt Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) theo quy định của pháp luật về ký kết, tham gia các điều ước quốc tế.” Đồng thời khẳng định, cơ hội mà Hiệp Định TPP đem lại cho Việt Nam là rất lớn, nhưng thách thức, khó khăn cũng không nhỏ.”
Trước và trong lúc 175 ủy viên của đảng CSVN họp hội nghị trung ương lần thứ 14, dư luận tại Việt Nam tiếp tục bàn luận và đồn đoán về cuộc tranh giành quyền lực với chức tổng bí thư giữa Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng.
Một số trang blogger và trên mạng xã hội đồn đoán rằng, Nguyễn Phú Trọng đã “đánh bại” Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua quyền lực và số phiếu mà các ủy viên bộ chính trị đề cử ông Dũng vào chức tổng bí thư là “thấp chưa từng thấy.”
Tuy nhiên, thông qua các trang mạng “lề trái” và mạng xã hội thời gian qua, người ta nhận thấy các lãnh đạo chóp bu CSVN thông qua các băng nhóm của mình đã tấn công nhau một cách quyết liệt bằng mọi thủ đoạn trong đó phát tán đủ mọi tài liệu liên quan đến đời tư, gia đình, con cái, tài sản cả trong lẫn ngoài nước bằng cả tên thật lẫn thư nặc danh, trong đó đáng kể là các thông tin cả bênh và chống về cá nhân ông Nguyễn Tấn Dũng.
Điều đặc biệt, sau khi hội nghị 14 bế mạc, và có vẻ như ông Nguyễn Tấn Dũng thất bại, các trang mạng bênh vực và ủng hộ ông Dũng như “Ý kiến đảng viên” (ykiendangvien.com) hay “daihoi12.com” đều đã đóng cửa và mọi đường link đều dẫn về trang nhà của... báo Nhân Dân. (KN)
Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=220846&zoneid=1