Matt Mahan

ads header

Breaking News

Mỹ đánh thẳng vào hệ thống đầu não của Nhà nước Hồi giáo

'Lực lượng công kích viễn chinh đặc biệt' của Mỹ sẽ bao gồm khoảng 200 lính biệt kích, và có thể có mặt tại Iraq trong vài tuần nữa.
Mỹ đánh thẳng vào hệ thống đầu não của Nhà nước Hồi giáo

(VOA) Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry hôm nay tuyên bố chính phủ Iraq đã được tường trình trước khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter loan báo các toán lính đặc nhiệm của Hoa Kỳ có thể đến Iraq trong vài tuần nữa.

'Lực lượng mục tiêu viễn chinh đặc biệt' này bao gồm khoảng 200 nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt, theo các giới chức thông thạo với các kế hoạch nhắm tấn công vào hệ thống đầu não của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi ca ngợi lực lượng của ông trong một thông cáo hôm qua, và nói rằng tuy hoan nghênh sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế, Iraq không cần đến binh sĩ tác chiến ngay tại chiến trường. Ông nói hình thức hỗ trợ đó và lực lượng đặc biệt phải được tiến hành với sự chấp thuận của chính phủ và sự phối hợp với lực lượng Iraq.

Ngoại trưởng Kerry bày tỏ sự ủng hộ mạnh cho ông Abadi và hôm nay nói rằng các kế hoạch của Hoa Kỳ đang được thực hiện với sự chấp thuận đầy đủ của chính phủ Iraq.

Dùng một tên gọi tắt khác cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo, ông Kerry nói, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác hết sức chặt chẽ với các đối tác Iraq về chính xác ai sẽ được điều động, họ sẽ được bố trí ở đâu, các hình thức sứ mạng được giao phó là gì, họ sẽ hỗ trợ như thế nào cho các nỗ lực của Iraq nhằm hạ cấp và phá hủy ISIL.”

Ông Kerry cũng lập lại quan điểm của Hoa Kỳ cho rằng chấm dứt cuộc chiến Syria là bước quan trọng nhất trong việc đánh bại các phần tử chủ chiến và nói thêm rằng Nga có thể đóng một “vai trò cực kỳ xây dựng” ở Syria.

"Mục đích của việc phái lực lượng đặc biệt đến Iraq sẽ là tận dụng tình báo ngay khi biết được để “hạ cấp ban lãnh đạo và chỉ huy chủ chốt cùng các thành phần kiểm soát của ISIL” ở cả Iraq lẫn Syria. Một giới chức Hoa Kỳ cho đài VOA biết như thế với điều kiện không nêu danh tính."

Bộ trưởng Carter thoạt đầu loan báo việc điều động lực lượng mới hồi hôm qua trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện, với lời cam kết sẽ gieo rắc sự sợ hãi trong hàng ngũ Nhà nước Hồi giáo.

Ông nói với các nhà lập pháp: “Ta không biết được ban đêm ai sẽ lẻn qua cửa sổ, và đó là cảm giác mà chúng ta muốn toàn bộ giới lãnh đạo ISIL và những kẻ đi theo họ sẽ mang.”

Ông Kerry nói tiếp: “Những người làm công tác đặc biệt này dần dà sẽ có khả năng thực hiện những vụ bố ráp, phóng thích con tin, thu thập tình báo và bắt giữ các thủ lãnh ISIL. Việc đ1o tạo ra một chu kỳ tình báo tốt đẹp, đem lại thêm các mục tiêu, các cuộc bố ráp và thêm động năng.”

Ông Carter nói “lực lượng mục tiêu viễn chinh đặc biệt”sẽ hợp tác với cả lực lượng Iraq lẫn lực lượng Peshmerga của người Kurd ở Iraq, và có khả năng hành động đơn phương ở Syria.

Quyết định xây dựng trên các kế hoạch đã được loan báo hồi tháng 10 là gửi dưới 50 lực lượng đặc biệt để trợ giúp cho các nhóm đối lập đang chống lại IS. Các lực lượng đó còn đang chuẩn bị bắt đầu hoạt động, nhưng các giới chức Hoa Kỳ cho rằng đã đến đúng thời điểm để tiến hành bước kế tiếp.

Việc sử dụng đến lực lượng gọi là ETF, tức lực lượng mục tiêu viễn chinh, không phải là chưa từng có bao giờ trong nỗ lực của Hoa Kỳ chống lại IS.

Ông Carter nói lực lượng mới sẽ có khả năng hành động giống như vụ bố ráp hồi đầu năm nay ở Syria đã hạ sát Abu Sayyaf, một viên chức cấp cao về tài chính của Nhà nước Hồi giào, đã dẫn tới việc bắt giữ vợ ông ta và giúp lực lượng Hoa Kỳ thu hồi điều được mô tả là “một khối lượng đáng kể tin tức tình báo.”

Một cuộc bố ráp chung hồi tháng 10 thực hiện bởi Lực lượng Hoa Kỳ và lực lượng Peshmerga của Iraq đã làm một quân nhân Hoa Kỳ thiệt mạng.

Một giới chức cấp cao trong chính quyền nói với đài VOA: “ISIL đã bị cắt đứt về mặt chiến lược ở một số khu vực chủ chốt. Đây là một điểm tốt trong chiến dịch đưa các hoạt vụ đặc biệt của Mỹ thực sự là những yếu tố nhân lực lượng lên gấp nhiều lần.”

Giới chức này nói tiến bộ trên thực địa của lực lượng Iraq và lực lượng người Kurd, cũng như của các chiến binh đối lập được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cũng đã đem lại cho các giới chức tình báo một cơ hội tìm hiểu thêm về nhóm khủng bố và những điểm yếu của chúng.

Tuy nhiên, các giới chức Hoa Kỳ cảnh báo rằng quyết định kèm thêm hoạt vụ đặc biệt không phải là một dấu hiệu Nhà nước Hồi giáo ở vào thế nghiêng ngả, sẵn sàng sụp đổ.

Bất kể thành quả của lực lượng địa phương trên thực địa tại Iraq và Syria, và một chiến dịch không kích do Hoa Kỳ lãnh đạo đã hạ sát khoảng 23.000 phần tử chủ chiến Hồi giáo, nhóm khủng bố này vẫn rất kiên gan.

Giới chức cấp cao nhất của quân đội Hoa Kỳ nói với các thành viên của ủy ban Quân vụ Hạ viện hôm qua rằng, “Chúng ta chưa kiềm chế được ISIL.”

Chủ tịch ban Tham mưu Liên quân, Tướng Joseph Dunford, nói, “Về mặt chiến lược, thì chúng đã lan tràn từ năm 2010. Ông Dunford gọi Nhà nước Hồi giáo là “những tay cơ hội tệ hại nhất.”

Khả năng sống còn của Nhà nước Hồi giáo gây lo ngại cho các nhà phê bình và phân tích, vẫn tự hỏi liệu lực lượng đặc biệt bổ sung của Hoa Kỳ có sẽ làm được gì nhiều để đẩy nhóm khủng bố này đến chỗ chết hay không.

Một cựu giới chức tình báo được gài vào lực lượng Peshmerga ở Mosul, Iraq từ năm 2005 đến năm 2006, ông Micheal Pregent, nói: “Đó là một khả năng lẽ ra chúng ta phải thiết lập cách đây 1 năm rưỡi.

Nay là một phụ tá giảng viên ở Viện Hudson, ông nói ngay cả nếu lực lượng mới của Hoa Kỳ thành công trong việc tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao, thì có thể vẫn chưa đủ.

Ông giải thích, “Phải mất từ 10 đến 15 vụ bố ráp một đêm trong 5 năm với 130.000 binh sĩ tại thực địa và 90.000 người Sunni trong một lực lượng an ninh do Hoa Kỳ lãnh đạo để triệt hạ al-Qaida ở Iraq. Con số hiện này chỉ bằng 1/20 con số đó.”

Những người khác nhìn thấy tiềm năng của ít nhất là một sự gia tăng “nhỏ nhoi” trong hiệu năng các cuộc hành quân của Hoa Kỳ, và nêu ra khả năng tình báo tốt hơn và nhắm mục tiêu chính xác hơn. Nhưng ông Christopher Harmer thuộc Viện Nghiên cứu Chiên tranh nói để thực sự gây sứt mẻ cho các hoạt động của Nhà nước Hồi giáo, cần phải gửi thêm nguồn lực và các lực lượng đặc biệt đến khu vực.

Từng là một chỉ huy Hải quân Hoa Kỳ, ông Harmer nói, “Ta cần nhiều ngàn người. Ta cần phải có những hoạt vụ đặc biệt ở ngay đầu ngọn giáo. Ta phải có những nguồn lực tình báo để hướng dẫn họ đến mục tiêu. Ta phải có một khả năng phản công nhanh đáng kể.”

Hoa Kỳ hiện có khoảng 3.500 binh sĩ tại 6 địa điểm ở Iraq để hỗ trợ cho lực lượng Iraq, với hàng chục ngàn lực lượng khác của Hoa Kỳ trú đóng ở khắp Trung Đông.