Vành đai phòng vệ mới của Nhật có lợi cho Đông nam Á
Chiến hạm mang trực thăng Izumo hiện đại của Hải quân phòng vệ Nhật ( MSDF) trên cảng Tokyo ngày 1/9/2015.REUTERS/Thomas Peter |
Cho dù đụng phải sự phản kháng mãnh liệt của đối lập và một phần công luận với những cuộc biểu tình hàng trăm ngàn người, Thủ tướng Shinzo Abe, lãnh tụ phe dân tộc chủ nghĩa tại Nhật Bản đã thành công vượt lách bản Hiến pháp chủ hòa. Theo phe ủng hộ, đạo luật mới về an ninh là vấn đề sinh tử của nước Nhật, mở lối cho quần đảo Phù tang đóng vai trò then chốt trên trường quốc tế và đối đầu với những mối đe dọa chủ quyền lãnh hải từ Trung Quốc và nguy cơ chiến tranh hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Cho đến nay, bị giới hạn trong vai trò phòng thủ diện địa vì bản Hiến pháp chủ hòa do Hoa Kỳ áp đặt lên nước chiến bại từ sau đệ nhị Thế chiến, quân đội Nhật Bản, hải - lục - không quân, chỉ có khoảng 227.000 quân không bằng một phần mười quân đội Trung Quốc.
Với luật mới, qui định nhiệm vụ mới của quân lực Nhật Bản, bên cạnh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, còn có trách nhiệm hỗ trợ một nước đồng minh, hoặc bảo vệ một nước bạn, bị chiến tranh cho dù an ninh của Nhật không bị ảnh hưởng trực tiếp. Đây là chính sách được gọi là « phòng vệ tiền phương » mà tên mới là « phòng vệ tập thể ».
Thủ tướng SHinzo Abe giải thích là nước Nhật cần phải canh tân quốc phòng để bảo vệ xứ sở trước thế mạnh của Trung Quốc và tình hình bất trắc khó lường ở Bắc Triều Tiên. Trong khi đó, đối lập và một phe phản chiến e ngại Nhật Bản bị Hoa Kỳ lôi cuốn vào một cuộc chiến tranh không cần thiết cho quyền lợi nước Nhật cũng như biến thành mục tiêu cho Thánh chiến Hồi giáo khủng bố trả thù.
Không phải ngẫu nhiên mà Úc và Philipines chào mừng đạo luật an ninh của Nhật. Câu hỏi đặt ra là Nhật Bản với đạo luật an ninh mới sẽ thay đổi chính sách phòng thủ ra sao ? Điều này mangh hại hệ quả tốt hay xấu cho các nước trong vùng ? Mời quý thính giả theo dõi phần phân tích của Nhà báo Lưu Tường Quang từ Sydney.
Nhà báo Lưu Tường Quang : « Vấn đề này liên quan đến quan niệm quốc phòng mà nước Úc cũng đã trăn trở nhiều lần và đã thay đổi nhiều lần từ sau Thế chiến thứ hai đến nay mà Nhật có lẽ cũng đang áp dụng. Một là « phòng thủ diện địa » và hai là « phòng thủ tiền phương ». Phòng thủ diện địa là chỉ lo bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của mình mà thôi.
Úc đã từng theo đuổi chính sách đó.Ngày nay trong thế giới toàn cầu hóa, quyền lợi ngày nay chằng chịt, quyền lợi của Úc, của Nhật không nhất thiết phải chờ lúc người ta xâm nhập vào lãnh hải, lãnh thổ của mình rồi mới bảo vệ thì có khi đã quá trễ…. »