Người lao động Việt Nam tại Malaysia nghĩ gì về ngày 30/4 ?
Một cô gái làm cho quán ăn đang mời khách |
Sinh sau thời điểm 30/4/1975
Là những người sinh sau thời điểm 30/4/1975, công nhân xuất khẩu lao động đa số ở lứa tuổi 20-40, phần lớn, họ xuất thân từ nông thôn, không hề tiếp cận với thế giới bên ngoài. Từ giã luỹ tre làng họ đến với đất nước tự do nhưng không mang trong người một hành trang về hai chữ dân chủ hay nhân quyền, cuộc sống của họ lại tiếp tục khép chặt trong những bức tường công xưởng. Với đầu óc giản đơn và quen kiếp chịu đựng, dù bị đối xử tệ bạc, họ vẫn nghĩ đó là số phận của họ và là quyền của các chủ nhân ông. Ở Việt Nam , quảng đường dài nhất của họ được đếm từ nhà đến ruộng với hình ảnh của « Bác » lồng lộng từ các loa phường. Vì thế, không ngạc nhiên gì khi họ vẫn nghĩ rằng 30 tháng tư là ngày giải phóng, là một niềm vui. Từ Malaysia, một công nhân quê ở Nghệ An làm việc trong công ty nhựa nói về ngày 30 tháng tư đối với anh :
« 30/4 là ngày…giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước …Hôm ấy bọn em được nghĩ 2 ngày : ngày 30/4 và ngày 1/5. Hai ngày ấy bọn em về giúp đỡ gia đình, không đi đâu chơi cả. »
Với một công nhân quê ở Bến Tre, làm việc trong một xưởng gỗ thì ngày 30/4 là một niềm vui, mặc dù ý nghĩa về ngày này đã quá xa vời với anh sau 11 năm làm việc tại Malaysia :
« 30 tháng 4 là một ngày quá xa vời rồi, không biết ngày đó là ngày gì ! Nói chung là em không nhìn thấy được ngày đó là ngày nào nhưng mà lớn lên người ta nói là ngày thống nhất miền Nam thôi. Em là người Việt Nam thì em phải vui mừng chứ, vì đó là ngày thống nhất đất nước, ngày mà mình hoàn toàn độc lập, hoàn toàn tự do »
Theo chị Liên, quê ở Thanh Hoá, ngày 30 tháng 4 là ngày giải phóng …Điện Biên Phủ ! Chị nói :
« 30/4 là ngày giải phóng Điện Biên Phủ, em cũng là gia đình cách mạng nên làm sao mà em không nghe nói được ? Bố em làm trong ngành kiểm lâm, Bác em làm trong quân đội. Ngày đó, mọi người vẫn đi làm bình thường. Ngày đó là ngày giải phóng Điện Biên Phủ nên người có điều kiện thì đi lên thăm Điện Biên Phủ. Dân binh thường thì người ta cũng vẫn đi làm bình thường »
Với một công nhân khác quê ở Nghệ An thì trong ngày trọng đại đó, ở quê anh… :
« Ngày đó thì quê em đi trồng mía thôi, có làm gì đâu…. !!! »
Thực sự độc lập, tự do đến bây giờ có hay không
Và thật bất ngờ, khi giữa đầu óc đơn giản của những công nhân cần cù, lam lũ kia nổi bật lên một ý nghĩa thật khác về « ngày Giải phóng » của một cô công nhân còn rất trẻ :
« Cái ngày ấy thì em chưa ra đời, nhưng theo sử sách ông bà, cha mẹ kể lại và theo sử sách em học thì mình gọi đó là ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thống nhất đất nước có nghĩa là thống nhất miền Bắc và miền Nam, giao thông, phương tiện đi lại thống nhất, không bị chế độ Mỹ, Pháp đàn áp. Nhưng những người hiểu ra được thì đấy không phải là giải phóng đất nước mà là đưa đất nước Việt Nam đi xuống, tuột dốc. Bởi vì nếu ngày xưa không đánh đuổi Mỹ mà để cho Mỹ đầu tư có thể Việt Nam bây giờ rất là giàu có, con người Việt Nam không phải tha phương cầu thực kiếm ăn như bây giờ. Mình nghĩ rằng Mỹ đàn áp mình, nó đánh, nó cướp bóc, nó giết người mình, mình phải đuổi nó ra khỏi đất nước mình để mình dành lại cái độc lập, tự do. Nhưng thực sự cái độc lập, tự do ấy đến bây giờ có hay không ? Đến bây giờ vẫn chưa có ai có câu trả lời chính thức là có độc lập tự do hay không ? Có giải phóng hoàn toàn không ? Để mà nói là hoàn toàn giải phóng đất nước thì đến bây giờ cũng chưa chắc là hoàn toàn giải phóng đất nước »
Trong khi những công nhân khác đã quen với nếp sống quy củ, không biết gì ngoài những tuyên truyền từ phường xã thì cô công nhân quê Phú Thọ này đã dám nhìn lại vai trò của đảng cầm quyền trong đời sống công nhân xuất khẩu lao động :
« Nếu như thời cha ông, bố mẹ mình, các cụ già nhà mình nghĩ rằng : À, chế độ Cộng sản rất là tốt, bởi vì nghĩ rằng Mỹ, Pháp sang đàn áp. Chế độ Cộng sản vươn lên đuổi Mỹ, đuổi Pháp ra khỏi để dành độc lập tự do. Mình phải xem nền độc lập tự do này có đúng là độc lập tự do hay không ? Độc lập tự do trên danh nghĩa. Em thì em ít tuổi thôi, nhưng em nghĩ chế độ cộng sản nhà mình quá tồi tệ chứ không phải là tồi tệ nữa. Ngay con người Việt Nam mình thôi, đến đấu tranh đòi hỏi một cái gì cũng không có quyền lợi. Anh có tiền, anh có người quen, có chức, có quyền giải quyết cho anh. Anh không có tiền, anh không có quyền, không giải quyết cho anh, anh về, còn anh làm ồn ào nơi công cộng, sẵn sàng bắt anh bỏ tù, chẳng có một cái ngôn luận, ngôn quyền nào của con người cả ! Chứng tỏ cái đảng nhà mình nó không thể phát triển được về ngôn luận, về nhân quyền và về kinh tế. Theo em thì em nghĩ như thế »
Với những nông dân chân quen lấm bùn, hiểu biết của họ chỉ dừng lại ở loa phường và những bài học tuyên truyền ở trường lớp. Trong những bài học về lịch sử ấy không hề có chữ « thuyền nhân » như một công nhân nói :
« Không chị ạ, em chưa nghe nói bao giờ vì lịch sử là em không tiếp thu nhiều »
Một nữ công nhân khác cũng nói :
Người ta vượt biên đi sang nước ngoài ở thì em không được nắm bắt, không được biết… »
Và nếu có, thì danh từ « thuyền nhân » luôn được kèm theo bằng tỉnh từ « phản động »
« Nói chung là làm nghề nông thì cũng không xem tin tức, báo chí, thời sự gì nhiều đâu cho nên cũng không am hiểu được nhiều. Thầy cô có dạy bảo là cũng có những người phản động vượt biên đi bằng thuyền, đi ra nước ngoài, sống ở nước ngoài và không bao giờ quay về Việt Nam nữa. Đấy ! gọi là phản động đấy ! »
Một công nhân khác, quê ở Bến Tre cũng không biết gì hơn về thuyền nhân qua sách vỡ nhà trường :
« Chỉ nói sơ qua thôi cô ạ, với lại dưới thời tụi em học là nói về lịch sử địa phương, còn lịch sử thì nói chung chung thôi chứ đâu có nói cái nào cụ thể rõ ràng như là mình đi học chuyên về cái ngành đó đâu ! »
Mãi đến khi qua Malaysia, qua những đĩa video hải ngoại, người công nhân Bến Tre này mới biết đến thuyền nhân và thảm cảnh vượt biên, anh nói tiếp :
« Trong đĩa hải ngoại nó vẫn có những video clip nói về thuyền nhân Việt Nam nè, rồi về những người tử nạn trên biển Đông, rồi thời gian đầu đi…..Mã Lai này cũng có nè….nhưng mà Mã Lai nó không chấp nhận người Việt.Theo em hiểu là tại vì những người đó họ theo chế độ tự do, họ đi ra ngoài họ không muốn sống trong nước nữa…Như vậy thôi chứ còn nói nhiều hơn thì em không biết…(cười).. vì…mình là người bình thường thôi mà ! »
Riêng cô công nhân Phú Thọ khẳng định một các dứt khoát quan điểm của mình :
« Có thể là những người ấy người ta nghĩ : À, có khi chịu sống dưới sự đàn áp, bóc lột của Mỹ nó lại tốt hơn. Người ta không thích cái đảng Cộng sản , người ta thích cái đảng Tư bản, người ta đi theo cái đảng Tư bản người ta vượt biên. Bản thân em bây giờ nếu mà để cho được quyền lựa chọn, em cũng không theo đảng Cộng sản bởi vì theo đảng Cộng sản chẳng có cơm ăn, áo mặc, không ấm no, hạnh phúc. Các ông to bà lớn đều nói rằng dân tôi phát triển giàu mạnh này, no ấm, hạnh phúc này ! Nhưng nào thấy no ấm, hạnh phúc ? 15, 20 tuổi đều bỏ xứ xa quê đi ra nước ngoài Thái Lan, Đài Loan để kiếm cơm. Nào có thấy cái chế độ Cộng sản nhà mình nó tốt đâu ? Có chế độ Cộng sản nào quan tâm đến con người Việt Nam mình đâu ? Nếu như chế độ Cộng sản nhà mình mà tốt hơn chế độ Tư bản thì làm sao con người Việt Nam mình phải tha phương cầu thực kiếm ăn ?
Người Myanmar kia, người Indo kia…người ta rất bảo vệ công nhân của người ta. Công nhân người ta bị bắt, nhà nước người ta đứng ra với làm việc với nhà nước Mã lai, nộp thuế cho công nhân người ta về. Nói ngay nhà nước nhà mình tại Malaysia này lên đại sứ quán kêu à ? Xin lỗi, không có tiền mời chị ra ngoài, không giải quyết. Làm gì có cái chế độ đảng Cộng sản nhà mình liên hệ với nhà nước Mã Lai đưa công nhân nước tôi về. Làm gì có ! Nếu như bản thân em, để mà lựa chọn, em cũng không lựa chọn đảng Cộng sản ! »
Khi ngọn gió Tự do không thổi được đến ruộng đồng, khi truyền thông đại chúng không xuyên qua được luỹ tre làng thì tầng lớp nông dân, công nhân thấp cổ bé miệng mãi mãi chỉ là tầng lớp bị trị của một chế độ độc tài khoát lớp áo Dân chủ. Với gần 70% dân số là lực lượng lao động nông thôn, cho đến bao giờ thì tầng lớp này mới thoát ra khỏi vũng lầy của học thuyết nhồi sọ như cô công nhân Phú Thọ kia ?