Matt Mahan

ads header

Breaking News

Hỗn loạn tại công viên nước Hồ Tây: lỗi tại ai?

Cảnh tượng hỗn loạn tại Công viên nước Hồ Tây ngày 19 tháng 4, 2015
Hàng chục nghìn người đổ xô vào Công viên Nước Hồ Tây khi nơi này mở cửa đón khách miễn phí trong hai tiếng đồng hồ. Khi không vào được cổng chính, người ta trèo rào xông vào. Bên trong công viên nước, cảnh tượng hỗn loạn chưa từng có diễn ra. Nhiều cô gái còn kể lại việc bị sàm sỡ giữa đám thanh niên trần trùng trục. Hải Ninh tìm hiểu nguyên nhân tại sao sự việc như thế này lại diễn ra.

Đây là âm thanh trong một đoạn video ghi lại cảnh tượng người ta trèo hàng rào nhọn hoắt của Công viên nước Hồ Tây hôm 19/4. Nếu chú ý   lắng nghe, người ta có thể thấy tiếng dân chúng giục nhau “cứ trèo vào đi”.

Đây là một cảnh tượng hỗn loạn có thể nói chưa từng có tại công viên nước ở Hà Nội. Nhà văn Trang Hạ, một chuyên gia về các vấn đề xã hội ở Việt Nam, nhận định những chương trình khuyến mại dựa trên lòng tham của con người dễ xảy ra hiện tượng hỗn loạn như thế này. Chị Trang Hạ nói:

Lòng tham của con người là khi họ thấy miễn phí, thấy được lợi, thấy không có một rào cản gì ngăn giữa họ với lợi ích thì họ sẵn sàng lao tới với một vận tốc rất nhanh. Ví dụ như đứng ở giữa ngã tư ở quận Ba Đình để phát áo mưa miễn phí [của đại sứ quán] Hà Lan, hoặc cửa hàng sushi ở [phố] Đoàn Trần Nghiệp mở cửa cho người ăn miễn phí hoặc siêu thị Trần Anh năm ngoái phát vé khuyến mại giảm giá vào đầu giờ sáng hoặc năm nay là công viên nước mở cửa vào miễn phí. Tất cả các chương trình đó đều tạo nên một mớ hốn độn vì nó thiết kế dựa trên lòng tham của con người, nó là một cái bản năng rồi.

Lỗi ở nhà tổ chức

Tuy nhiên, không giống như nhiều chuyên gia bình luận xã hội học khác, nhà văn Trang Hạ không đổ lỗi cho giáo dục hoặc ý thức của người dân kém. Theo chị, lỗi ở đây là thuộc về phía nhà tổ chức, khi mà họ không xây dựng được một chương trình hoàn chỉnh, cũng như không lường trước được những diễn biến như vừa rồi. Chị Trang Hạ nói:

Mỗi năm có hàng vạn chương trình khuyến mại lớn, thậm chí có những chương trình có cả vạn người tham dự như đại nhạc hội miễn phí, nhưng mà người ta vẫn kiểm soát được người vào cửa, thậm chí chưa diễn ra mà người ta đã biết bao nhiêu người sẽ tham gia, công tác an ninh, hỗ trợ, cứu trợ rất hoàn hảo và chưa từng để xảy ra sự kiện tương tự như thế này.

Nhà văn Trang Hạ cho rằng, nhà tổ chức Công viên Nước Hồ Tây đã coi thường những nguyên tắc tổ chức sự kiện cơ bản và coi thường khách hàng. Trang Hạ cho biết:

Có một điều rất kinh khủng đã xảy ra là sự miệt thị cư dân thành phố và điều này làm tổn thương tới sự văn minh của cộng đồng. Cá nhân mình tôi cho rằng cần nhiều hơn một lời xin lỗi, cần một chiến dịch CSR [chiến dịch về trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng] để lấy lại thương hiệu, lấy lại niềm tin của con người với thành phố, với không gian sống của thành phố, lấy lại niềm tin của những cô gái đã bị xâm phạm.

Một trong những hình ảnh được lan truyền nhiều nhất trên mạng xã hội trong những ngày vừa qua là hình ảnh một cô gái bị rách bikini và bị vây quanh bởi một loạt các cậu thanh niên cởi trần. Những người này thả sức trêu đùa cô gái mà không một ai giúp đỡ cô. Sau đó, trên mạng xã hội Facebook cũng có nhiều cô gái cho biết bị các cậu thanh  niên sàm sỡ ngay tại công viên nước.

Một số thiếu nữ mặc bikini còn bị đám trai trẻ sàm sỡ tập thể.
Nhà xã hội học Nguyễn Xuân Mai thì cho rằng chuyện người ta đổ xô vào công viên nước là hoàn toàn bình thường bởi tâm lý con người thích đồ miễn phí. Ông cho biết chuyện này cũng xảy ra ở nước ngoài chứ không chỉ một mình Việt Nam. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận trình độ văn hoá của người tham gia cũng là một phần yếu tố. Ông Xuân Mai nói:

Ở các thành phố lớn thì người nhập cư có thể chiếm hơn một nửa. Đứng về mặt văn hoá thì họ có thể kém hơn. Thực ra, để tiếp thu một lối sống mới, những nét văn hoá mới thì nó là cả một quá trình chuyển biến lâu dài, và có thể kéo dài nhiều thế hệ chứ không phải là trong một vài chục năm có thể có bước chuyển biến cơ bản.

Hà Nội ít chỗ chơi

Bản thân nhà xã hội học Nguyễn Xuân Mai cũng đã có cháu, tuy nhiên, con cháu của ông không có nhiều chỗ chơi bời. Ông cho biết, đi loanh quanh ở Hà Nội chỉ có những chỗ như Bờ Hồ Hoàn Kiếm, một số đài phun nước, một số công viên nhỏ. Trong khi đó, các khu chung cư khi xây dựng mới đều không chú ý đến việc xây dựng chỗ chơi cho thanh niên và trẻ em. Ông Xuân Mai cho biết:

Họ cũng có quy hoạch những điểm vui chơi, công viên ở các phường, xã thành phố hoặc các khu đô thị mới, nhưng thường các nhà đầu tư rất ít đầu tư cho các công trình xã hội. Họ ưu tiên cho việc xây nhà ở để bán trước, còn các công trình xã hội họ ít đầu tư hoặc đầu tư rất chậm so với nhu cầu. Đấy cũng là một cái khiếm khuyết trong quản lý đô thị.

Nhà văn Trang Hạ cũng đồng tình về việc người dân Hà Nội đói khát chỗ vui chơi. Chị nói:

Các ngôi nhà cao tầng càng xây càng cao, những đô thị ngày càng mở rộng với giá cao nhưng không gian sống, chất lượng sống hoạt động vui chơi, giải trí hoặc những hoạt động ít nhất là đáp ứng nhu cầu tinh thần thì gần như không có một chuẩn nào đó được tôn trọng trong lòng thành phố này cả.

Cả nhà xã hội học Nguyễn Xuân Mai và nhà văn Trang Hạ đều cho rằng rất may trong sự kiện ở công viên nước vừa qua, không có ai bị thương hoặc không có cô gái nào bị lạm dụng tập thể.

Hải Ninh, phóng viên RFA