Xin Chào Giã Biệt, Voyager!
Lời dẫn: Khoa học đã phóng nhiều phi thuyền vào vũ trụ, vượt ra khỏi hấp lực của mặt trời, của thái dương hệ, thênh thang về tận chốn mịt mù. Bổng liên tưởng đến một ngày, linh hồn mình cũng như thế, không cần phi thuyền, phi đạn đón đưa. Liệu rồi có gặp “ai” trên đó? Thân xác này có giống thân xác ai kia? Có những điều tưởng chừng như không tưởng đã trở thành sự thật. Ai dám bảo là không? Mời theo dõi hành trình của những lữ khách không gian qua ngòi bút của tiến sĩ Trần Hồng Văn . . .
[NLG73-Lê Phú Nhuận]
Mười hai năm sau ngày phóng 2 phi thuyền Voyager 1 và Voyager 2 vào không gian, đêm 24 tháng 8 năm 1989, 130 khoa học gia các nước Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Pháp, Tây Đức, Nga Sô tụ họp quanh màn ảnh lớn tại Trung Tâm kiểm soát thuộc trung tâm Jet Propulsion Laboratory, Pasadena, California. Họ reo mừng, bắt tay nhau và những chai sâm banh được khui ra để ăn mừng mỗi khi một hình ảnh hiện lên. Những hình ảnh này được gửi về từ một nơi thật xa trái đất, đó là những tín hiệu với một cường độ thật yếu, một phần mười triệu triệu của một Watt được gửi từ phi thuyền Voyager 2 với những dữ kiện của ngôi hành tinh xa nhất trong thái dương hệ.
Ngày càng tiến dần tới Hải Vương Tinh (Neptune) với vận tốc 60,980 miles/giờ, phi thuyền không người Voyager 2 đã ở độ cao 3,048 miles phía trên đám mây khí methane vùng bắc cực. Nó ghi nhận những hình ảnh, dữ kiện về của ngôi hành tinh xa xăm và lạnh lẽo này để gửi về trái đất bằng những tín hiệu với vận tốc ánh sáng; tuy vậy phải mất 4 giờ 6 phút sau các trạm kiểm soát mới nhận được. Vài phút sau đó, hệ thống điện tử tối tân mới biến đổi những tín hiệu này thành các hình ảnh và dữ kiện được.
Đây là lần đầu tiên Voyager 2 cho con người biết được rất nhiều điều về ngôi hành tinh này kể từ ngày nhà thiên văn học người Đức Johann Galle xác định vị trí của nó trong thái dương hệ vào năm 1846.
Vào đầu tháng 9 năm 2012 các nhà khoa học lại tụ tập tại Pasadena để ăn mừng những thành quả thu thập được của 2 phi thuyền không người Voyager 1 và Voyager 2, ba mươi lăm năm sau khi rời trái đất. Chỉ hai tuần sau đó, vào cuối tháng 9 năm 2012 cơ quan NASA đã khẳng định là Voyager 1 đang bỏ loài người lại phía sau, hiện nay nó đã ở biên giới thái dương hệ và đang lao vào khoảng không gian u tối, trống rỗng, đó là không gian giữa các tinh tú trong vũ trụ ngút ngàn. Đây là một thắng lợi của nền khoa học của con người vì Voyager là phi thuyền do con người tạo ra đã vượt ra khỏi những hấp lực của mặt trời cũng như của các hành tinh trong thái dương hệ, như các lực từ trường hay gió mặt trời. Tính cho tới ngày 17 tháng 1 năm 2014, phi thuyền Voyager 1 đã ở xa trái đất là 19.04 tỉ ki-lô-mét (127 AU) và phi thuyền Voyager 2 đã xa trái đất được 15.6 tỉ ki-lô-mét (104.6 AU).
Phi Thuyền song sinh: Voyager 1 và Voyager 2:
Hai phi thuyền Voyager 1 và Voyager 2 được phóng lên không gian vào cuối thập niên 1970 với mục đích quan sát những hành tinh nằm ở phần ngoài của thái dương hệ, đó là Mộc Tinh (Jupiter) và Thổ Tinh (Saturn). Voyager 2 được phóng đi ngày 20 tháng 8 năm 1977, chỉ hai tuần sau vào ngày 5 tháng 9, Voyager 1 mới được phóng đi. Sở dĩ phi thuyền Voyager 2 được phóng đi trước vì nó được bay theo một qũy đạo khác với qũy đạo của Voyager 1, hai phi thuyền bay theo tốc độ khác nhau nên Voyager 2 tới Thổ Tinh sau Voyager 1. Một lý do khác nữa là lợi dụng vị trí thận lợi của các hành tinh (chỉ 175 năm mới xẩy ra một lần), người ta phóng Voyager 2 đi trước với hy vọng sau khi quan sát xong hai hành tinh trên, nó có thể đi xa hơn để tới Thiên Vương Tinh (Uranus) và Hải Vương Tinh (Nepturn). Chương trình thám hiểm của hai phi thuyền Voyager nguyên thủy là chương trình thám hiểm Mariner, khởi đầu chúng được đặt tên là Mariner 11 và Mariner 12, sau đó được tách ra với một đề án riêng gọi là Mariner- Jupiter-Saturn, sau đó được đổi là chương trình Voyager. Chúng cũng là 2 phi thuyền kế bước của phi thuyền trước, đó là Pioneer 10 và Pioneer 11.
Pioneer 10 được phóng đi ngày 3 tháng 3 năm 1972 là phi thuyền đầu tiên đi qua được giải tinh hà (Asteroid Belt, là một vòng đai tập họp những thiên thạch nằm phía ngoài Hỏa Tinh). Nhiệm vụ chính của nó là quan sát giải tinh hà, quan sát Mộc Tinh, gió mặt trời. Tính cho tới ngày 2 tháng 12 1973, trái đất nhận được trên 500 tấm hình về hành tinh khổng lồ Mộc Tinh, trong đó bao gồm những đặc điểm về hai vệ tinh Ganymede và Europa. Liên lạc giữa phi thuyền này với trạm kiểm soát tại trái đất chấm dứt hẳn vào ngày 23 tháng 1 năm 2003 và lúc này nó ở cách xa trái đất 12 tỷ ki-lô mét hay 80 đơn vị thiên văn để âm thầm đi vào không gian đen tối của vũ trụ (một đơn vị thiên văn, AU, là khoảng cách từ trái đất tới mặt trời hay 149,597,870 ki-lô mét tức 92,955,807 miles.)
Một
tấm bảng bằng vàng gắn trên phi thuyền Pioneer 10 và Pioneer 11 chỉ dẫn
vị trí của thái dương hệ và trái đất cũng như loài người sống ở đây, hy
vọng mộtnền văn minh nào đó bắt gặp mà tìm tới.
Một tấm bảng bằng vàng gắn trên phi thuyền Pioneer 10 và Pioneer 11
chỉ dẫn vị trí của thái dương hệ và trái đất cũng như loài người sống ở
đây, hy vọng mộtnền văn minh nào đó bắt gặp mà tìm tới.Voyager 1 được phóng đi vào ngày 5.9.1977, 2 tuần sau Voyager 2, nhưng thoát ra khỏi giải tinh hà (Asteroid belt) trước Voyager 2, nó gửi những hình ảnh đầu tiên của Mộc Tinh về trái đất vào ngày 1.4.1978 khi cách xa trái đất 165 triệu miles. Hình ảnh một vòng đai mỏng quay quanh ngôi hành tinh này được Voyager 1 gửi về trái đất trong tháng 3, 1979 làm ngạc nhiên các nhà khoa học tại trung tâm NASA, ngoài ra còn hai vệ tinh mới được tìm thấy, đó là Thebe và Metis. Voyager 1 cũng gửi về những bức hình các vệ tinh chính và lớn nhất là Io, Europa, Callisto, Amalthea thật chi tiết và rõ ràng. Voyager còn khám phá ra những vệ tinh còn đang ở trong thời kỳ hoạt động, như những núi lửa trên vệ tinh Io hay đại dương phía dưới lớp nước đá trên vệ tinh Europa. Voyager 1 tiến tới gần Mộc Tinh nhất ở độ cao 174,000 miles trước khi bay tới Thổ Tinh.
Hình
chụp Mộc Tinh từ phi thuyền Voyager 1. Điểm nâu khổng lồ trên mặt hành
tinh này là một trận bão lớn cỡ hành tinh trái đất, bao gồm gió mang
theo cát nóng và sắt hay muối nóng chẩy.
Từ 4 thế kỷ trước, vào ngày 7.1.1610, Galileo Galilei nhìn thấy 3
điểm thật nhỏ bên cạnh Mộc Tinh, ông chú ý quan sát chúng suốt một tuần
sau đó. Vào ngày 11.1, một điểm sáng thứ tư xuất hiện và sau đó ông thấy
4 điểm trên không rời khỏi hành tinh này. Cuối cùng ông kết luận những
điểm sáng trên không phải là những ngôi sao nhưng là những vật thể quay
quanh Mộc Tinh theo những qũy đạo nhất định. Đây là mấu chốt để ông tin
“không phải trái đất đứng im một chỗ và mọi tinh tú quay quanh”.
Hình chụp ngọn núi lửa khổng lồ trên vệ tinh Io từ phi thuyền Voyager 1 ngày 4/3/1979.
Với những tấm hình phi thuyền Voyager 1 và 2 gửi về trái đất người ta
có một cái nhìn thật chính xác về các vệ tinh của hành tinh này: Vệ
tinh Io có những ngọn núi cao hơn cả núi trên trái đất, có ngọn cao tới
16 ki-lô-mét, những ngọn núi lửa phun khí sulfur cao trên 500 ki-lô-mét
cũng như thành phần chính của lớp khí quyển bao quanh Io là chất Sulfur
dioxide. Vệ tinh Europa là vệ tinh thứ 6 nằm gần Mộc Tinh, có kích thức
tương tự như ngôi mặt trăng của trái đất. Chất khí oxygen là thành phần
chính trong bầu khí quyển là một đặc điểm của ngôi vệ tinh này, thêm nữa
là bề mặt có nhiều nước đóng băng. Rất nhiều nghi vấn được đặt ra là có
thể dưới lớp băng đá là đại dương và có một dạng đời sống nào đó ở nơi
đây.
Những
đường nứt chằng chịt trên mặt vệ tinh Europa (có đường đo được 20
ki-lô-mét chiều ngang) được cho là hậu quả của hơi nóng làm chẩy lớp
nước đá nằm ở phía bên dưới.
Một máy thăm dò từ phi thuyền Huygens thả xuống vệ tinh Titan.
Hình chụp những vòng quay quanh Thổ Tinh từ phi thuyền Voyager 1 vào ngày 4.11.1980.
Hình
chụp từ phi thuyền Voyager 2 Thổ Tinh cùng những vệ tinh: Titan là vệ
tinh lớn nhất (lớn gấp 1.5 lần mặt trăng của trái đất) và trên 40 vệ
tinh nhỏ khác.
Tính tới ngày 13.8.2011, Voyager 2 là phi thuyền bay dài nhất, phá vở kỷ lục của phi thuyền Pioneer 6 là 12,758 ngày. Phi thuyền Pioneer 6 được phóng đi ngày 16/12/1965 và tín hiệu cuối cùng gửi về trái đất là ngày 8/12/2000. Sau khi cùng Voyager 1 quan sát Mộc Tinh và Thổ Tinh, Voyager 2 được hướng dẫn bay về phía hai hành tinh ngoài cùng của thái dương hệ là Thiên Vương Tinh (Uranus) và Hải Vương Tinh (Neptune).
Hình
chụp Hải Vương Tinh từ phi thuyền Voyager 2. Điểm đen khổng lồ trên mặt
hành tinh này là cơn lốc mạnh với vận tốc 1,500 miles/giờ, chạy từ tây
sang đông.
Bốn lần lớn hơn trái đất và quay quanh mặt trời với khoảng cách 4.5
tỉ ki-lô-mét, Hải Vương Tinh nhận được một cường độ ánh sáng thật yếu,
chỉ bằng một phần ngàn ánh sáng trái đất nhận được. Giống như Thiên
Vương Tinh, nó là một khối khổng lồ được một lớp khí quyển gồm hỗn hợp
khí methane, hydrogen và helium bao phủ. Các trận gió dữ dội với vận tốc
1,500 miles/giờ thổi quanh Hải Vương Tinh là đặc điểm không thấy ở nơi
nào trong thái dương hệ. Trước kia người ta tưởng chỉ ở Thổ Tinh mới có
những cơn gió lốc mạnh như vậy (vận tốc gió ở đây là 1,100 miles/giờ).
Ngôi hành tinh này quay quanh trục mất 16 giờ 3 phút, nghĩa là một ngày ở
đây chỉ dài 16 giờ 3 phút thôi, một giờ nhanh hơn dự đoán trước kia của
các nhà khoa học. Phi thuyền Voyager 2 mang lại thích thú cho các nhà
khoa học trong việc khám phá các vòng quay quanh hành tinh này. Từ năm
1984, quan sát từ trái đất người ta nhìn thấy có những vòng quay quanh
hành tinh không liên tục được gọi là các vòng cung. Nếu các vòng cung
nói trên là đúng thì đây là đây hành tinh độc nhất có đặc điểm này. Khi
phi thuyền bay gần đến Hải Vương Tinh vào ngày 24/8/1989, hình ảnh gửi
về trái đất cho thấy các vòng cung trên chỉ là một phần của vòng quay
khép kín. Nhiều đoạn của vòng quay được thành lập bởi các hạt bụi hoặc
các vật thật nhỏ, do đó rất khó thấy từ xa. Tất cả có 5 vòng quay quanh
Hải Vương Tinh, người ta phỏng đoán là hàng tỉ năm về trước, một khối
thiên thạch to lớn đụng vào một vệ tinh, những mảnh vụn của vệ tinh này
bắn tung tóe vào không gian, rơi vào qũy đạo để thành lập nên các vòng
quay quanh hành tinh này. Từ trái đất, qua viễn vọng kính tối tân, người ta nhìn thấy 2 vệ tinh Triton và Nereid, tuy vậy Voyager khám phá ra thêm 6 vệ tinh nhỏ khác nữa. Những vệ tinh mới tìm thất này quá nhỏ, đường kính chỉ đo được từ 50 đến 200 ki-lô-mét, trọng lực không đủ mạnh để tạo nên một khối tròn do đó chúng có những hình thù không đều đặn và giữ nguyên hình dáng từ khi mới thành lập. Hình ảnh của Triton gửi về làm ngạc nhiên và thích thú cho các nhà khoa học với những dãy núi cao, những thung lũng rộng lớn cùng những đường nứt rộng. Triton có đường kính đo được 2,720 ki-lô-mét, nhỏ hơn mặt trăng của trái đất (đường kính là 3,470 ki-lô-mét). Các chất methane và nitrogen lỏng đóng thành băng đá tại 2 cực. Nó là vật thể lạnh lẽo nhất trong thái dương hệ, nhiệt độ trung bình là 37 Kelvins (khoảng 400 độ dưới không độ, Zero độ Kelvin tương đương với –273.16 độ C.). Ngoài ra Triton còn có một đặc điểm khác là có những ngọn núi lửa phun lên cao cả 20 miles để lại những vằn đen trên mặt phía nam của vệ tinh. Điều này chứng tỏ những ngọn núi lửa đã hoạt động nhiều năm nay và đưa đến một vấn đề phải suy nghĩ cho các nhà khoa học là tại sao một vệ tinh nhỏ lại có núi lửa và đây cũng là nơi thứ 3 trong thái dương hệ có đặc tính này, ngoài trái đất và vệ tinh Io của Mộc Tinh. Có nhà khoa học đặt giả thuyết trước kia nó là một tinh thể nóng hơn hiện nay, một hành tinh biệt lập giống như Pluto (Diêm Vương Tinh), sau đó vì một lý do nào đó nó bị kéo lại gần và nhập vào qũy đạo của Hải Vương Tinh rồi trở thành một vệ tinh của hành tinh này. Việc này có thể xẩy ra từ một tới 2 tỉ năm về trước.
Sau khi quan sát xong hai hành tinh ngoài cùng của thái dương hệ vào đầu tháng 9/1989, Voyager 2 được hướng dẫn bay theo hướng phía nam mặt phẳng thái dương hệ để tới vùng biên giới rồi cùng với Voyager 1 mang theo một sứ mệnh cao cả khác của loài người.
Giám Đốc Chương Trình: Edward Stone.
Đối với nhiều người, Voyager đồng nghĩa với Edward Stone, sứ mạng của
2 phí thuyền và con người này như có một sợi dây buộc chặt với nhau mặc
dù hiện nay 2 phi thuyền đã bước sang một giai đoạn khác: Trên 19 tỉ
kilô-mét cách xa trái đất, Voyager 1 đang ở biên giới giữa thái dương hệ
và không gian ngoài vũ trụ. Stone là linh hồn của chương trình thám
hiểm Voyager ngay từ khi còn là một khái niệm. Ông là khoa học gia đầu
tiên và duy nhất của đề án này. Hiện nay đã 79 tuổi nhưng nếu có ai đề
cập tới việc nghỉ hưu, ông tỏ vẻ ngạc nhiên và nghĩ là người đó đang nói
đùa.
Ed Stone cùng các tổng thống George Bush, Ronald Reagan và Jimmy Carter.
Sinh trưởng tại một tỉnh nhỏ bên dòng sông Mississippi thuộc tiểu
bang Iowa, ông tốt nghiệp bậc trung học vào thời đại nguyên tử bùng
phát. Khi một giáo sư nói với ông về chương trình nổi tiếng thế giới về
ngành Vật Lý Học tại đại học Chicago, ông liền ghi danh theo học môn Vật
Lý hạt nhân tại đây. Cho đến tháng 10, 1957, vào lúc phi thuyền Sputnik
của Nga phóng đi, ông đổi môn học sang ngành Vật Lý Không Gian. Trong
luận án đệ trình bằng Tiến Sĩ, ông giúp các nhà khoa học chế tạo ra vệ
tinh khám phá ra những hạt và các tia quang tuyến vũ trụ bắn vào bầu khí
quyển của trái đất. Năm 1964 được nhận vào giảng dạy tại đại học
Caltech, ông bắt đâu chương trình thám hiểm không gian. Vào năm 1972, cơ
quan JPL tuyển dụng ông là trưởng đề án Mariner Jupiter-Saturn với 2
phi thuyền trang bị nhiều máy móc tinh vi hơn 2 phi thuyền đã phóng đi
từ trước là Pioneer 10 và Pioneer 11 để quan sát các hành tinh phía
ngoài giải tinh hà. Sau đó hai phi thuyền này được đặt tên là Voyager 1
và Voyager 2, phóng đi vào tháng 8 và tháng 9 năm 1977.Stone và các cộng sự viên hiểu rõ thời gian có giới hạn. Hiện nay Voyager cách xa mặt trời 127 AU và mỗi năm xa thêm 3.6 AU nữa. Những tín hiệu gửi về mờ nhạt dần. Tất cả có 10 máy móc trên mỗi phi thuyền, Voyager 2 còn 5 máy hoạt động và trên Voyager 1 chỉ còn 4 máy hoạt động. Cho tới năm 2020, nguồn năng lượng cạn kiệt, các trạm kiểm soát trên trái đất phải tắt dần từng máy một. Cho tới năm 2025, máy móc trên cả 2 phi thuyền hoàn toàn ngưng hẳn và sau đó chúng âm thầm bay vào khoảng không gian đen tối và lạnh lẽo của vũ trụ.
Tuy vậy, Stone không có thời giờ để luyến tiếc quá khứ vàng son của mình. Hiện ông đang là phó chủ tịch cho chương trình xây dựng một viễn vọng kính khổng lồ có đường kính là 30 mét và sẽ được hoàn thành vào năm 2020. Một ngày nào đó, viễn vọng kính này sẽ hướng về 2 phi thuyền Voyager đang rời khỏi thái dương hệ để hướng về phía các chòm sao xa xăm. Stone cũng có chân trong chương trình thám hiểm mặt trời, sứ mạng này được dự tính phóng một phi thuyền lên gần sát mặt trời để khảo sát tường tận việc phát sinh ra gió mặt trời: nó được thành lập tại đâu và cơ chế ra sao. Phi thuyền này sẽ bay quanh Kim Tinh 7 lần rồi bay thẳng về phía mặt trời. Điểm gần nhất sẽ cách xa 10 lần bán kính ngôi định tinh này, một vỏ bọc phi thuyền được chế tạo sao cho chịu được sức nóng 2,000 độ C. Phi thuyền này được dự trù phóng đi vào năm 2018 và sẽ tới phạm vi mặt trời vào năm 2024, lúc đó ông đã 89 tuổi. Ông hy vọng là lúc đó sẽ cùng các khoa học gia trên thế giới nâng ly rượu sâm banh ăn mừng cho sứ mạng thành công cùng lúc 2 phi thuyền Voyager vẫn đang tiếp tục mờ nhạt dần trong vũ trụ tối tăm và lạnh lẽo.
Lời Kết
Phi thuyền 1 và 2 đã thoát ra ngoài phạm vi hấp lực trái đất để tiến về vùng không gian vô tận sau 36 năm du hành trong thái dương hệ. Hiện nay cả hai phi thuyền vẫn gửi về trái đất những dữ kiện về môi trưòng chung quanh. Với tốc độ ánh sáng cũng phải mất 15 giờ tín hiệu gửi từ trái đất mới tới phi thuyền Voyager 2 và 18 giờ mới tới phi thuyền Voyager 1. Chúng còn có một sứ mệnh cao cả khác là mang một thông điệp của loài người cho các nền văn minh khác biết, nếu có. Cả 2 phi thuyền mang theo tấm bảng đồng ghi rõ vị trí của trái đất, những tín hiệu của loài người như máy ghi âm, những đĩa chứa đựng lời chào mừng với 55 thứ tiếng và những bản nhạc được lựa chọn từ những nền văn hoá và địa phương khác nhau trên trái đất.
Việc này làm một số người hoảng sợ, họ lý luận rằng nếu có một giống sinh vật khác văn minh hơn loài người thì đây là một việc làm dại dột vì đã chỉ rõ vị trí trái đất để giống sinh vật này có thể tấn công chúng ta.
Hai
phi thuyền Voyager mang theo 55 tiếng nói khác nhau của loài người,
trong đó có tiếng Việt Nam với câu chào mừng: “Thành thực gửi đến bạn
lời chào mừng thân ái”. Những lời chào mừng này được thâu vào một đĩa,
trong đó có những bản nhạc nồi tiếng của Bach, Beethoven, Chuck Berry,
tiếng chim hót, tiếng cá voi và cả 115 hình ảnh về phong cảnh trên trái
đất.
Nhưng, vũ trụ quá bao la, liệu trong suốt cuộc hành trình dài đằng
đẵng, các phi thuyền này có thể gặp một hành tinh nào chăng? Việc này
rất khó có thể xẩy ra.Mặt trời phóng thích vào không gian những hạt điện tử theo đủ mọi chiều, được gọi là “gió mặt trời”. Gió mặt trời yếu dần và đến nay phi thuyền Voyager 1 đã thoát khỏi vùng này và đang ở vùng biên giới. Tới năm 8,571, Voyager 2 đã cách xa mặt trời 0.42 năm ánh sáng (tốc độ ánh sáng là 186,000 miles/giây), tức là đã đi xa được 2,500 tỉ miles. Lúc này nó nó gần ngôi Barnard nhất và ở khoảng cách là 4.03 năm ánh sáng (tức là 24,000 tỉ miles).
Vào năm 20,319 Voyager ở cách xa mặt trời một năm ánh sáng (5,900 tỉ miles) và ở vị trí gần ngôi sao Proxima Centauri nhất. Đây là ngôi sao gần chúng ta (khoảng cách 4.3 năm ánh sáng hay 25,000 tỉ miles). Tuy vậy Voyager 2 không bay về phía ngôi sao này mà chỉ đi sát bên mà thôi. Vị trí gần nhất sẽ là 3.21 năm ánh sáng. Khoảng 310 năm sau, nó tiến lại gần ngôi Alpha Centauri và điểm gần nhất là 3.47 năm ánh sáng.
Sau đó Voyager sẽ tiến tới một vùng có hàng trăm tỉ vật thể nhỏ, gọi là đám mây Oort. Đây là tên một nhà thiên văn học đã đưa ra giả thuyết về sư hiện diện của đám mây này. Nó tới vùng đám mây Oort vào năm 26,262 và phải mất 2,400 năm sau nữa mới băng qua vùng này. Có thể nó sẽ đụng vào một trong hàng trăm ngàn tỉ vật thể bay lơ lửng trong đám mây này được không? Vì không gian quá rộng lớn, xác xuất phi thuyền đụng phải rất nhỏ, có thể là Zero phần trăm. Vào năm 28,635, Voyager sẽ giã biệt đám mây Oort và tiếp tục du hành trong vũ trụ u tối. Sau một triệu năm du hành, Voyager đã cách xa mặt trời 50 năm ánh sáng và lúc đó cách xa ngôi sao gần nhất là 1,900 tỉ miles; cơ hội một sinh vật khác tiếp nhận nó thật mong manh.
Biết như vậy tại sao người ta lại mất công, bỏ tiền của ra trang bị những dữ kiện về trái đất, về thái dương hệ, những tín hiệu đắt tiền và thông điệp của loài người để hy vọng một nền văn minh nào đó tiếp nhận được?
Ta nên hiểu là một triệu năm chỉ là một quãng thời gian thật ngắn ngủi so với lịch sử của vũ trụ. Vũ trụ đã có khoảng 15 tỉ năm và còn duy trì nhiều tỉ năm nữa. Nếu một lúc nào đó trái đất bị hủy diệt hay loài người biến mất khỏi quả địa cầu này thì ít nhất dấu vết của nền văn minh loài người còn được ghi lại trên những phi thuyền đang bay trong vũ trụ mênh mông để truyền đạt cho một nền văn minh nào đó biết, chứ chúng ta không muốn sống rồi biến mất mà không để lại một vết tích nào.
Cho đến nay, phi thuyền Voyager 2 và các phi thuyền Pioneer đang theo chân Voyager 1 thoát ra khỏi vùng hấp lực của mặt trời để mang sứ mệnh cao cả trên.
Xin chào giã biệt!
*Trần Hồng Văn. 1/2014
-----------------------------
Tài liệu tham khảo
1- Chang, Alicia: 35 Years Later, Voyager 1 Is Heading for the Stars. 9/4/2012. Associated Press.
2- Cook, Jia-Rui: How do we Know When Voyager Reaches Interstella Space? 9/12/2013. Jet Propulsion Laboratory, California.
3- Howell, Elizabeth: Earth’s Farthest Spacecraft. 9/12/2013. Space.com.
4- Laudau, Elizabeth: Voyager 1 Becomes First Human-Made Object to Leave Solar System. 10/2013. CNN.
5- Space.com Staff: Voyager Spacecraft: Beyond the Solar System. 8/21/2012.
6- Van, T.H. Giã biệt Voyager 2. 1992. Trong “Triệu Năm Trước Ngàn Năm Sau”.
7- Wall, Mike: It’s Official! Voyager Spacecraft Has Left Solar System. 9/12/13. Space.com.
8- Zimmerman, Robert. Does Methane Flown on Titan? 2/2014. Astronomy.
9- Witze, Alexandra: Voyager: Outward Bound. 5/22/2013. Nature.
Và nhiều tài liệu khác nữa.