Matt Mahan

ads header

Breaking News

Cuộc truy lùng "tội phạm ấu dâm" qua ảnh chụp Internet

Stephen Keating bị kết án 110 năm tù, cảnh sát giải cứu được 14 nạn nhân. 
Cuộc truy lùng "tội phạm ấu dâm" qua ảnh chụp Internet

Sử dụng các công nghệ tối tân nhất, kể cả các công nghệ chưa công bố rộng rãi như "ADN ảnh chụp", cơ quan điều tra Mỹ đã truy tìm thành công thủ phạm nhiều vụ xâm hại trẻ em chỉ qua ảnh chụp đăng trên mạng xã hội.

Trong phòng tắm, kẻ xâm hại đặt đứa trẻ lên bục chụp ảnh để chuẩn bị ghi lại hành động xấu xa của hắn. Nền đằng sau bức ảnh gồm nhiều sản phẩm khác nhau, bao gồm cả thuốc kê theo toa. Tuy nhiên nếu chỉ phóng to lên theo cách thông thường sẽ không thể đọc được, theo CNN.

Công nghệ truy tìm tội phạm

Trong một phòng thí nghiệm nhỏ và tối, Jim Cole, đặc vụ kiêm giám sát của Trung tâm An ninh nội địa Điều tra tội phạm qua mạng Mỹ phải sử dụng các công nghệ hiện đại nhất để đọc được những dòng chữ này.

"Bằng cách dùng một số công nghệ thậm chí chưa được công bố rộng rãi, chúng tôi có thể đọc được nhãn của các chai lọ và đảo ngược được các hình ảnh chuyển động nhanh bị mờ", Cole nói.

Họ có thể nhìn thấy tên của kẻ tấn công, "Stephen", hai chữ cái đầu tiên của họ và 3 chữ số đầu của toa thuốc.

Từ những manh mối này, Cole đã cho liên hệ với các hiệu thuốc, đề nghị cung cấp chi tiết thông tin về những khách hàng khớp với những đặc điểm trên. Danh sách cuối cùng chỉ còn lại một cái tên "Stephen Keating".

Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả những gì công nghệ cao có thể làm được. Nhóm điều tra thậm chí còn lấy được vân tay kẻ phạm tội từ trong bức ảnh.

"Đó là lần đầu tiên chúng tôi làm được việc này", Cole nói.

Với những chứng cứ không thể chối cãi này, Stephen Keating đã bị kết án 110 năm tù. Các nhà điều tra đã giải cứu được 14 nạn nhân.

Không bỏ sót nạn nhân nào

Cole là đồng sáng lập của dự án VIC (Trung tâm nạn nhân), tập trung điều tra tội phạm lạm dụng trẻ em nhờ sử dụng các công nghệ tối tân về ảnh và video, với mục tiêu "không bỏ sót nạn nhân nào".

"Chúng tôi cố gắng tìm thấy trẻ em càng nhanh càng tốt", Cole nói, "thời gian tìm kiếm càng kéo dài, đứa trẻ càng gặp nhiều nguy hiểm".

Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Theo Cole thì họ phải xem tới 500,000 bức ảnh mỗi tuần, hay 25 triệu bức ảnh mỗi năm.

Những vụ như vụ Keating mất thời gian điều tra khoảng 3 tuần, trong khi trong quá khứ có thể phải tới hàng tháng, hoặc tệ hơn, vụ án không được phá giải.

Sử dụng công nghệ "ADN ảnh chụp", máy tính của họ có thể quét qua hàng trăm ngàn bức ảnh một cách nhanh chóng, bỏ qua những cái đã được thấy để tập trung tìm kiếm các nạn nhân mới.

"Quá trình điều tra 9 tháng trước đây được rút xuống còn một tháng", Cole cho biết. "Công nghệ này giúp chúng tôi duyệt qua các video với tốc độ nhanh hơn 100 lần trước đây".

Giảm bớt gánh nặng tâm lý

Không chỉ tiết kiệm thời gian, công nghệ mới còn giúp giảm bớt gánh nặng tâm lý cho các điều tra viên.

"Chúng tôi chắc chắn sẽ có lợi ích về mặt sức khỏe tinh thần, vì những kẻ tấn công trẻ em luôn bán những thứ mà chúng tôi bắt buộc phải xem hàng trăm nghìn lần", Cole cho biết.

Trong một trường hợp cụ thể, công nghệ này đã giúp các điều tra viên phá được một vụ án nhờ một bức ảnh dường như vô hại chụp một kẻ tấn công đã biết với nạn nhân đang trong kỳ nghỉ, bức ảnh chụp cả hai đang cầm một con cá tại khu cắm trại.

Con cá sau đó được tách khỏi bức hình và gửi tới Đại học Cornell, nơi cung cấp cho các điều tra viên thông tin về vị trí địa lý nơi câu cá. Bức ảnh về nơi cắm trại sau khi đã xóa đi nạn nhân và kẻ tấn công đã được gửi tới tất cả các nhà quảng cáo khu cắm trại tại địa điểm đó. Từ đó đã tìm ra được một bức ảnh giống như vậy được treo tại phòng tiếp tân của một khu cắm trại.

"Trong vòng 4 giờ, chúng tôi đã xác định được danh tính kẻ tấn công", Cole nói. Đứa trẻ đã được giải thoát và nữ tội phạm phải chịu án phạt 25 năm tù giam.

Một trường hợp khác, từ một bức ảnh kẻ tấn công chụp với một nạn nhân nữ trẻ, nhóm điều tra của dự án VIC nhận thấy một logo công ty trên áo của người đàn ông nhưng không thể đọc được chữ.

Một vài công nghệ tiên tiến đã phục hồi được gần như hoàn toàn hình ảnh logo. Tìm kiếm trên mạng theo các tên công ty phù hợp với hình ảnh phục hồi đã dẫn các điều tra viên tới một doanh nghiệp đường ống dẫn nước. Kẻ phạm tội là một cựu nhân viên tại đây và 4 nạn nhân đã được giải cứu.

Vấn đề toàn cầu

Những tấm ảnh như trong các ví dụ trên được chia sẻ trên mạng ngày một tăng. Năm 2015, Trung tâm Quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC) của Mỹ đã nhận được 4,4 triệu báo cáo tới hệ thống CyberTipline của mình, tăng 8 lần so với năm 2013.

Thông tin đến từ mọi nơi, cả từ các công ty như Facebook, Google và Twitter, được chính phủ Mỹ ủy quyền cung cấp báo cáo bất kỳ hình ảnh nào đáng nghi ngờ. Theo Lindsay Olson, giám đốc bộ phận trẻ em bị bóc lột tại NCMEC, 94% các trường hợp năm 2015 là ở ngoài biên giới nước Mỹ.

"CyberTipline nhận báo cáo về khiêu dâm trẻ em, dụ dỗ trực tuyến trẻ em đối với hành vi tình dục, buôn bán tình dục trực tuyến, lạm dụng tình dục trẻ em; bất kỳ loại hình khai thác trẻ em nào cũng có thể được báo cáo", Olson cho biết.

"Báo cáo của chúng tôi luôn sẵn sàng cho việc thực thi pháp luật trong khoảng 100 quốc gia, chúng tôi cũng làm việc với Europol và Interpol".

Công ty Griffeye của Thụy Điển là một trong những thành viên sáng lập của dự án VIC. Giám đốc Johann Hofmann cho biết họ sẽ tặng một phần mềm miễn phí có thể được sử dụng trong các trường hợp bóc lột trẻ em.

"Khi tội phạm kỹ thuật số ngày càng gia tăng do dữ liệu được phân bố trực tuyến”, Hofmann nói. "Bạn sẽ thấy xuất hiện một loại hình cảnh sát mới, chuyên ngồi sau màn hình máy tính với các công cụ thích hợp để phá các vụ án này".

Internet không có biên giới nên các cơ quan thực thi pháp luật cần phải vượt qua ranh giới địa lý truyền thống để làm việc cùng nhau.

Dự án VIC hiện đang được sử dụng bởi Interpol, Europol và các cơ quan tại 35 quốc gia trong đó có Anh và Canada. Nó cũng sắp được đưa vào Australia.

"Chúng tôi rất bất ngờ trước thành công của dự án VIC", Cole nói. "Tại Mỹ chỉ tính riêng năm 2015, đã có hơn 1,000 nạn nhân được giải cứu chỉ nhờ Cơ quan điều tra An ninh nội địa Mỹ (HSI), một bộ phận của Cơ quan di trú và Hải quan Mỹ (ICE) và các kết quả khả quan khác từ các cơ quan tương tự".