Loài Người Bị Tuyệt Chủng Như Thế Nào?
Nhiệt độ trái đất ngày càng nóng |
Khoa học đã xác định được một số nguyên nhân có thể đưa loài người đến chỗ diệt vong mà tiến sĩ Trần Hồng Văn đã tóm lược trong bài viết công phu dưới đây. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.
NLG73- Lê Phú Nhuận.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn bị tiêu diệt và loại trừ ra khỏi vũ trụ? Các tôn giáo đã nói nhiều đến sự việc này như Do Thái Giáo với sách của nhà tiên tri Daniel, Ky Tô Giáo với sách Khải Huyền, Hồi Giáo với lời tiên tri của Imam Mahdi, đạo thờ thần lửa (Zoroastrianism) tại Ấn Độ và Ba Tây nói về việc trở lại của người con thứ ba của Zoroaster để cứu nhân loại (Đạo này rất thịnh hành ở Ấn Độ, sau được Zoroaster mang vào xứ Ba Tư vào thế kỷ thứ 6 trước tây lịch, những khái niệm như Chúa Trời, thiên đàng địa ngục, ngày phán xét cuối cùng … có ảnh hưởng sâu xa tới các tôn giáo khác như Do Thái Giáo, Ky Tô Giáo và Hồi Giáo). Ta hãy nhìn vào những lý do có thể đưa đến thảm hoạ cho loài người, như do thiên nhiên, thiên tai do con người thúc đẩy, tự hủy diệt hay do những lực siêu nhiên.
Khoảng 500,000 năm về trước, giống người Homo sapiens xuất hiện trên mặt đất, dần dần họ xây dựng lên các đô thị, tạo ra các thứ tiếng nói khác nhau rồi gửi người đi thám hiểm các hành tinh lân cận. Như vậy có lý nào mà nền văn minh này lại đang ở trong giai đoạn bị tiêu diệt? Nhìn lại quá khứ, 99 phần trăm sinh vật từng hiện diện trên trái đất này đã biến mất, ngay cả những loài người tiền sử. Các nhà nghiên cứu đang lo nghĩ về sự tuyệt chủng của loài rùa biển, loài sóc đỏ … và loài người có thể là loài động vật sẽ ở trong danh sách này chăng?
A. Thảm hoạ do thiên nhiên:
1- Siêu thiên thạch: Không còn nghi ngờ việc trái đất bị thiên thạch đụng phải. Năm 1908, một mảnh của sao chổi có đường kính rộng 60 mét rơi vào bầu khí quyển rồi phát nổ trên bầu trời vùng Tunguska, Siberia thuộc Nga Sô. Sức nổ phát ra một năng lượng lớn gấp 1,000 lần trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Các nhà thiên văn học ước tính là cứ từ một tới ba thế kỷ thì biến cố tương tự lại xẩy ra. Benny Peiser, giáo sư môn nhân chủng học tại đại học Liverpool John Moores, Luân Đôn viết là những đụng chạm tương tự như vậy trong quá khứ đã liên tiếp làm gián đoạn nền văn minh của loài người. Ông lấy một ví dụ thiên thạch rơi xuống tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc năm 1490 đã giết chết 10,000 người. Tuy các thiên thạch thường rơi xuống biển và những tảng nhỏ rơi vào đất liền nhưng thường là những vùng hoang vu, những tảng thiên thạch lớn thì thường gây tai hoạ bất kể nó rơi ở nơi nào. Cứ mỗi 250,000 năm, một tảng đá rộng hơn nửa dặm đụng vào trái đất một lần gây nên những trận bão lửa, sau đó là thời đại băng giá. Con ngưòi có thể sống sót nhưng nền văn minh bị tiêu diệt. Một thiên thạch rộng 5 dặm sẽ làm đa số loài sinh vật trên trái đất bị tiêu diệt, như đã từng chấm dứt thời đại loài khủng long vào 65 triệu năm trước: một thiên thạch có bề rộng 9 dặm rơi xuống bán đảo Yucatan, Mễ Tây Cơ được coi là nguyên nhân chính cho biến cố này.
Lưu
Lệ Hằng, sinh năm 1963 tại Saigon, theo gia đình tỵ nạn tại Hoa Kỳ vào
tháng 4/1975, hiện là giáo sư môn thiên văn học tại đại học Harvard.
Vòng đai Kuiper (Chú thích: vòng đai Kuiper nằm ngoài Hải Vương Tinh
chứa trên 100,000 tảng đá có đường kính rộng trên 50 dặm, vòng đai này
được khám phá bởi một khoa học gia gốc Việt Nam vào năm 1992, cô Lưu Lệ
Hằng.) là nơi phát xuất những sao chổi nhỏ bay hướng về phía trái đất.
Nếu một tảng thiên thạch cỡ lớn đâm thẳng vào trái đất thì đời sống các
sinh vật tại nơi đây sẽ bị tiêu diệt, ngay cả loài dán. Theo ước tính
thì vào năm 2028, thiên thạch 1997XF11 sẽ tới gần trái đất nhưng các nhà
khoa học trấn an dân chúng khi nói rằng nó sẽ không đụng vào hành tinh
chúng ta. Tuy vậy, nếu viên đá có chiều rộng một dặm này lao xuống trái
đất với tốc độ 30,000 dặm/giờ, phần lớn đời sống sẽ bị xoá sạch, sinh
vật sống sót sẽ trải qua một thời đại thật đen tối vì tro bụi bắn tung
và hiện diện trong bầu khí quyển suốt nhiều năm, ngăn chặn ánh sáng mặt
trời, phá hủy đời sống các loài thảo vật và ngập lụt suốt địa cầu. Vào năm 2004, các nhà khoa học tính toán là thiên thạch Apophis với chiều rộng 300 mét có một xác xuất là 2 phần trăm cơ hội đụng vào trái đất vào năm 2029. Cơ quan NASA đưa ra một kết luận là cứ mỗi 100 năm, một thiên thạch lớn cỡ 20 mét đụng vào trái đất và gây nên những thảm hoạ cho địa phương như lụt lội, phá hủy đô thị và nền nông nghiệp nơi đó, và cứ mỗi 100,000 năm tiếng nổ trong bầu khí quyển của một viên đá rộng cỡ 3/5 dặm gây nên những hậu quả tai hại như tạo nên mưa acid, mùa màng bị phá hủy, bụi bặm che ánh nắng mặt trời, những trận bão lửa … NASA cũng khám phá có khoảng 900 tới 1,000 viên đá rộng cỡ 3/5 dặm bay qua qũy đạo trái đất. Nhà khoa học hành tinh Erik Asphaug làm việc tại đại học California, Santa Cruz phát biểu: “Không có gì chắc chắn là chúng ta sống hay phải chết với những thiên thạch này”. Các nhà khoa học Nga mới đây đưa ra một bản báo cáo là theo lý thuyết thì thiên thạch tên là Apophis có chiều rộng bằng hai sân banh có thể đụng vào trái đất vào ngày 16.4.2036. Sergei Smirnov, phát ngôn viên của đài quan sát thiên văn Pulkovo tại St. Petersburg, Nga tuyên bố: “Hiện tại thì chưa thể kết luận về sự đe doạ này mà phải đợi tới năm 2028 khi thiên thạch này ở vị trí gần trái đất. Nếu nó đụng vào trái đất, nhân loại sẽ trải qua một tại hoạ ghê gớm và nhiệt độ trên trái đất sẽ hoàn toàn biến đổi.
2- Hố đen: Khi một thiên thể bị hủy hoại sẽ phát sinh ra hố đen (Black hole), trọng lực ở mức vô cùng lớn, nó có thể hút mọi vật, kể cả ánh sáng. Qua các nghiên cứu và quan sát, các nhà khoa học ước tính là rải rác trong giải ngân hà Milky Way có chừng 10 triệu hố đen như vậy. Chúng ta có thể nhận biết một ngôi sao tiến gần lại trái đất, nhưng với một hố đen thì rất khó mà phát hiện ra được. Khi một hố đen tiến lại gần thì ta có thể nhận ra việc các qũy đạo của các hành tinh nằm phía ngoài hệ thống thái dương hệ bị nhiễu loạn. Hố đen không cần phải tiến gần để nuốt chửng trái đất mà chỉ đi qua hệ thống thái dương thôi cũng đủ làm qũy đạo trái đất bị sai lệch đi, qũy đạo này có thể bị kéo dài ra thành hình bầu dục khiến khí hậu trên trái đất trở nên khắc nghiệt, đời sống sinh vật bị đảo lộn, hoặc là trái đất bị kéo ra khỏi hệ thống thái dương hệ để bay lang thang trong vùng đen tối lạnh lẽo của vũ trụ.
3- Hoạt động của mặt trời: Mặt trời trải qua một giai đoạn hoạt động tối đa với những trận nổ khủng khiếp theo một chu trình 11 năm một lần. Những vụ nổ tại mặt trời như vậy khiến trái đất phải hứng chịu những trận bão các hạt nhỏ hơn nguyên tử và những tia quang tuyến điện từ đổ xuống và được gọi là bão mặt trời. Mặc dù bầu khí quyển và từ trường của trái đất có thể ngăn chặn một phần những loại hạt này nhưng có nhiều hậu quả to lớn khác như làm hư hỏng các nguồn cung cấp điện cho hàng 100 triệu người riêng trong nước Hoa Kỳ, thiệt hại hàng triệu tỉ dollars và nhiều năm để sửa chữa, giao thông bị gián đoạn, mậu dịch quốc tế phải đình trệ và hàng triệu người chết. Theo tính toán của các nhà khoa học thì trong năm 2013 này hoạt động của mặt trời ở mức mạnh nhất. Bradley Schaefer tại đại học Yale đã chứng minh là nhiều ngôi sao tương tự như mặt trời có hoạt động mạnh hơn gấp 20 lần. Khi mặt trời có hoạt động tương tự thì trái đất sẽ bị nung nóng như lò lửa. Măc dù chứng cớ cho thấy là ngôi mặt trời này không có những hoạt động mạnh mẽ như vậy nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu tại sao nó lại có những hoạt động theo một chu kỳ đều đặn. Ngược lại, Sallie Baliunas tại trung tâm nghiên cứu Vật Lý Thiên Văn Học tại Harvard-Smithsonian tuyên bố là nhiều ngôi sao giống mặt trời trải qua những giai đoạn yên tĩnh, lúc đó chúng sẽ mờ đi khoảng một phần trăm. Nghe như chẳng đáng bao nhiêu nhưng lúc đó trái đất sẽ trải qua một thời kỳ băng đá. Baliunas kể tới việc cường độ hoạt động của mặt trởi giảm đi đã gây nên 17 tới 19 thời đại băng đá trên trái đất trong vòng 10,000 năm qua.
Ngôi mặt trời đốt cháy liên tục, chất hydrogen trong lõi biến đổi thành helium khiến nó trở nên nóng hơn, sáng hơn và phình ra to lớn hơn và dần dần tới một lúc sẽ nuốt chửng trái đất. Khoảng một tỷ năm nữa, các nhà khoa học tiên đoán là ngôi mặt trời sẽ sáng hơn bây giờ 10 phần trăm, lúc đó nhiệt độ trên trái đất cao hơn 200 độ F, nước trong các đại dương sẽ bốc hơi hết, cả hệ thống sinh thái trên mặt đất bị suy sụp. Lúc đó, theo như giáo sư môn vật lý thiên văn học Klaus-Peter Schoeder tại đại học Guanajuato tại Mễ Tây Cơ thì: “Chúng ta phải tìm một hành tinh khác để sinh sống” hoặc là theo như giáo sư Robert Smith tại University of Sussex thì lúc đó các nhà khoa học phải nghĩ tới việc nới rộng qũy đạo của trái đất ra.
5- Siêu Hoả Diệm Sơn: Vào năm 1783, ngọn núi lửa Laki tại Băng Đảo Quốc hoạt động phun ra 3 dặm vuông chất phún xuất thạch. Lụt lội, tro bụi và khói đã lấy đi 9,000 nhân mạng và 80 phần trăm gia súc, tiếp theo đó nạn đói xẩy ra làm một phần tư dân số quốc gia này tử vong. Bụi bặm tung lên bầu khí quyển khiến nhiệt độ vào mùa đông năm đó tụt xuống 9 độ. Nhưng đây chỉ là “gãi ngứa” nếu so với hoạt động của hệ thống núi lửa trong quá khứ. Sáu mươi lăm triệu năm trước, một cột đá nóng bỏng tử lớp vỏ trái đất phun lên tại vùng đất Ấn Độ và kéo dài suốt từ thế kỷ này sang thế kỷ kia, một phần tư dặm vuông chất phún xuất thạch trào ra nhiều gấp 100,000 lần nhiều hơn tại Laki. Có nhà nghiên cứu đã cho rằng chính sự hoạt động này đã tiêu diệt loài khủng long trên thế giới chứ không phải do thiên thạch gây ra. Trước đó, biến cố trọng đại về hoạt động của núi lửa xẩy ra tại Siberia vào cuối kỷ nguyên Permian-Triassic (250 triệu năm trước) khiến 95 phần trăm sinh vật trên trái đất bị tiêu diệt.
Núi lửa phun hơi lưu huỳnh sẽ tạo nên mưa acid, hỗn hợp chứa Chlorine phá hủy lớp ozone. Núi lửa thải ra chất carbon dioxide (CO2) có hậu quả lâu dài là tạo nên tình trạng nhà kiếng hâm nóng nhiệt độ trên toàn trái đất
Trong hơn 500 ngọn núi lửa đang hoạt động trên trái đất, có ba ngọn siêu hoả diệm sơn tại Hoa Kỳ, thêm vào đó là ngọn Toba tại Nam Dương, Taubo tại Tân Tây Lan, Aira Caldera tại Nhật Bản. Mỗi ngọn này khi hoạt động có thể gây sức tàn phá cho một vùng 240 dặm vuông. Sức tàn phá rất lớn, ví dụ như ngọn Yellowstone có thể phóng thích ra 2000 triệu tấn sulfuric acid, tro bụi ngăn ánh nắng mặt trời trong nhiều năm. Theo các nhà nghiên cứu về hoả diệm sơn thì một ngọn siêu hoả diệm sơn hoạt động cách đây 75,000 năm, đó là ngọn núi Toba tại Sumatra, Nam Dương. Hàng ngàn kilô mét vuông tro bụi và chất sulfur dioxide bắn tung vào bầu khí quyển, ngăn cản ánh nắng mặt trời xuống toàn bộ trái đất hậu quả là nhiệt độ trên trái đất tụt xuống 21 độ C., ba phần tư sinh vật trên vùng bắc bán cầu bị tiêu diệt. Các nhà khoa học nói về hoạt động tương tự xẩy ra trong tương lai với siêu hoả diệm sơn Yellowstone, Wyoming. Hỏa diệm sơn này nằm ngay trên lớp phún xuất thạch và có nhiều dấu hiệu nó đang ở trong giai đoạn hoạt động. Nếu xẩy ra, nửa nước Hoa Kỳ sẽ bị phủ một lớp phún xuất thạch dầy một mét. Theo tính toán, hoạt động của siêu hoả diệm sơn chỉ xẩy ra trong khoảng 600,000 năm nhưng lần cuối siêu hoả diệm sơn hoạt động đã hơn 640,000 năm rồi, có nghĩa là nó có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào và nếu xẩy ra, cả vùng bắc Mỹ sẽ bị tiêu hủy.
Hoạt động của siêu hoả diệm sơn gây nên nạn tuyệt chủng nhiều hơn là do thiên thạch. Những nghiên cứu mới đây cho thấy là chỉ vài trăm năm sau khi núi lửa thành lập, tai hoạ mang lại có thể lớn hơn gấp ngàn lần xẩy ra cho núi lửa St. Helen vào năm 1980, nhiệt độ trên trái đất sẽ bị hâm nóng, tro bụi tung vào bầu khí quyển ngăn chặn ánh sáng mặt trời và sau đó là tình trạng băng giá kéo dài hàng trăm năm, tiêu diệt hàng triệu loài sinh vật. - Ngọn núi St. Helens nằm tại quận Skamania, tiểu bang Washington, 96 miles (154 km) phía nam Seattle và 50 miles (80 km) đông bắc Portland. Núi St. Helens hoạt động vào ngày 18.5.1980, lúc 8:32 sáng, gây tử thương cho 57 người, 250 căn nhà, 47 cây cầu, 15 miles (24 km) đường rầy xe lửa và 185 miles (298 km) xa lộ bị phá hủy.
6- Dịch tể toàn cầu: Nếu thiên nhiên không gây ảnh hưởng cho con người thì các loài vi sinh vật sẽ là nguyên nhân tiêu diệt nhân loại. Con người và các loài vi sinh vật thường sống cộng sinh, nhưng tới một lúc nào đó cân bằng này bị phá vỡ. Trận dịch tễ xẩy ra giết hại một trong bốn người tại Âu Châu trong thế kỷ thứ 14, trận cúm giết hại 20 triệu người trong những năm 1918 và 1919. Bệnh AIDS có những hậu quả tương tự. Từ năm 1980 tới 1992, phúc trình của trung tâm phòng chống bệnh tật cho biết là các chứng bệnh lây nhiễm trên nước Mỹ tăng lên 58%. Các vi trùng gây bệnh như dịch tả, bệnh sởi đã phát triển thành những loài chống lại thuốc kháng sinh. Khai thác đất đai và nông nghiệp triệt để đưa con người gần lại với các loài vi khuẩn gây bệnh cho loài thú. Du lịch xuyên quốc gia làm bệnh tật lan tràn nhanh chóng hơn bao giờ hết. Khoảng 12,000 năm trước, một trận dịch thình lình xẩy ra khiến hầu hết loài thú có vú bị tiêu diệt tại Mỹ Châu. Ross MacPhee tại viện bảo tàng Lịch Sử Thiên Nhiên cho rằng một trận bệnh dịch do siêu vi trùng gây ra là nguyên nhân chính gây nên thảm hoạ này khi người ta di cư sang tân thế giới mang theo và reo rắc mầm bệnh.
Các nhà khoa học Hoa Kỳ và Hòa Lan khi nghiên cứu siêu vi trùng trên loài chồn đã đưa đến kết luận là sự đột biến trong di thể (genes) làm cho chúng trở nên rất nguy hiểm. Trước khi di thể bị biến đổi thì các con chồn chỉ bị lây bệnh qua tiếp xúc, nhưng khi các di thể trong cơ thể siêu vi trùng đã có sự thay đổi thì bệnh có thể lây lan qua không khí.
Như vậy siêu vi trùng có thể tiêu diệt loài người được chăng?
Nhà nghiên cứu khủng bố về sinh học tại đại học UCLA Peter Katona cho rằng một loại siêu vi trùng đơn thuần không thể nào tiêu diệt loài người hay động vật trên trái đất được vì sinh động vật tính đa dạng, vài loài có thể có khả năng miễn nhiễm. Giáo sư môn siêu vi trùng học Alice Huang tại Caltech đồng ý khi cho rằng: “Nếu loài siêu vi trùng nào tiêu diệt loài người trên trái đất thì phải tiêu diệt thật nhanh, trong vòng một tuần hay nhanh hơn nữa. Nếu lâu hơn, hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể con người có khả năng sản xuất ra kháng thể để chống lại”.
B- Thảm hoạ do con người tạo ra:
7- Hâm nóng toàn cầu: Nhiệt độ trái đất ngày càng nóng và các nhà khoa học đều đồng ý là con người phải chịu trách nhiệm cho hiện tượng này. Các nhà nghiên cứu như giáo sư Paul Epstein tại trường đại học y khoa Harvard đã cảnh cáo là các chứng bệnh truyền nhiễm, ký sinh trùng và các bệnh nhiệt đới lây lan mạnh hơn, bao gồm cả những bệnh cho thảo mộc. Nạn đói trầm trọng sẽ xẩy ra cho nhân loại trong tương lai gần. Các chất hơi trong bầu khí quyển thu hút nhiệt nhiều hơn khiến nước bốc hơi nhanh, các tảng băng đá tan ra, chất carbon dioxide trong các tảng đá bị phóng thích nhanh làm trái đất bị nung nóng nhiều hơn và tới một lúc trái đất sẽ ở trong tình trạng như Kim Tinh, một hành tinh hỏa ngục mà nhiệt độ tại đó lên tới 900 độ F.
IPCC (The International Panel on Climate Change, Hội Đồng Nghiên Cứu về Thay Đổi Nhiệt Độ Quốc Tế) đưa ra một dự đoán là nếu nhiệt độ tăng lên 6 độ C. nữa thì rừng nhiệt đới trên toàn cầu sẽ biến mất, đất đai sẽ khô cằn không còn màu mỡ để trồng trọt, những tảng băng đá ở Bắc cực tan hết, dù cho là ở giữa mùa đông. Thành phố Luân Đôn sẽ nóng như mùa hè ở Ai Cập, chất lượng của không khí thật tồi tệ và có ảnh hưởng nhiều đến hệ thống hô hấp con người. Những thành phố đông dân cư và thấp trên thế giới như Tokyo, Nữu Ước, Mumbai, Thượng Hải, Dhaka sẽ bị ngập lụt sau khi nước biển dâng cao 11 mét. Những thảm hoạ khác liên quan tới thời tiết như bão tố, hạn hán xẩy ra thường hơn, các bệnh truyền nhiễm lan tràn nhanh chóng hơn. Tổ chức y tế quốc tế ước tính là hiện nay mỗi năm có 150,000 chết vì những nguyên nhân liên hệ tới sự thay đổi của khí hậu và Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cũng báo động là hiện tượng hâm nóng trái đất cũng gây thiệt hại về nhân mạng tương tự như chiến tranh.
8- Hệ sinh thái bị suy sụp: Việc tiêu diệt các đàn voi hay đốt rừng nhiệt đới gây cảm xúc mạnh cho người ta, nhưng còn vấn đề to lớn hơn mà ít người lưu tâm tới, đó là sự mất quân bằng trong hệ sinh thái. Sau hàng tỉ năm qua tiến trình biến hoá và tiến hoá, thế giới ở trong một trạng thái quân bình giữa các loài thực và động vật. Tuy vậy một nghiên cứu tại công viên quốc gia Isle Royal, Đại Hồ, đưa ra một ví dụ cho tình trạng sinh thái hiện nay đang bị mất quân bằng. Mùa đông kéo dài, chó sói phải đi săn nhiều hơn đưa đến tình trạng mật độ loài chuột giảm sút. Số chuột trong vùng giảm đi khiến cây tùng non nẩy nở nhiều hơn, rồi những cây tùng này tiêu thụ chất oxygen và thải chất carbon dioxide vào bầu khí quyển nhiều hơn, tác động tới nhiệt độ của trái đất, tất cả đều có những liên hệ hỗ tương. Để cung cấp cho nhu cầu sinh sống, con người phá hủy rừng để lấy gỗ làm nhà và canh tác thâm canh, nhiều hoá chất được dùng và thải vào môi trường. Khoảng chừng 30,000 sinh vật trên trái đất bị hủy diệt mỗi năm do tác động của con người, điều này nói lên một điều là chúng ta đang ở trong giai đoạn sinh vật bị hủy diệt mạnh mẽ nhất trong lịch sử của trái đất.
9- Rủi ro của các máy gia tốc: Theodore Kaczynski tức là Unabomber, cho là máy gia tốc hạt nhân sẽ tạo ra những phản ứng dây chuyền và phá hủy trái đất. Lạ lùng là nhiều nhà bác học khác cũng có cùng một ý nghĩ trên. Nhật báo London’s Sunday Times cũng có một bài nói về máy gia tốc RHIC (Relativistic Heavy Ion Collider) tại Long Island, New York, bài báo cho rằng máy này có thể sẽ tạo nên một hố đen và phá hủy trái đất. Tuy vậy một số nhà vật lý học làm việc tại đây đưa ra những lý lẽ bênh vực và cho rằng máy này không đủ mạnh để có thể tạo ra một hố đen mà một số người lo ngại.
10- Tai hoạ của kỹ thuật điện tử: Kỹ thuật điện toán tiến triển hàng ngày, nhiều người cho rằng một ngày nào đó loại máy móc này có thể tự hoạt động mà không cần tới con người. Khi đó chúng sẽ tự lập và quay ra chống lại với kẻ tạo ra chúng. Khoa học gia lừng danh Stephen Hawking nghĩ là máy điện toán là một đe doạ, nhân loại phải chuẩn bị đối phó với nền văn minh máy móc này: “Nguy hiểm này là có thực, máy điện toán có thể tự phát triển và tạo nên một nền văn minh mới để ngự trị trái đất”.
Các nhà khoa học đang nghĩ cách chế tạo ra những loại máy robot thật nhỏ như những nguyên tử, ngành này được gọi là kỹ thuật nano. Vài thập niên nữa hay sớm hơn, những con robot thật nhỏ này được chế tạo ra, chúng có thể tự sao chép (sinh sản) và được sử dụng trong việc giải phẫu trong cơ thể bệnh nhân, chế tạo ra những sản phẩm mong muốn từ sản phẩm thô hay là khám phá thế giới mới. K. Eric Drexler tại Foresight Institute nói những máy móc nhỏ như những nguyên tử này sẽ sinh sản nhiều như phấn hoa và có thể sẽ biến thế giới này thành tro bụi trong thời gian thật ngắn. Bill Joy, đồng sáng lập ra hãng Sun Microsystems báo động là loại máy móc này sẽ trở thành công cụ cho mục tiêu quân sự hay khủng bố.
Người ta đã chế tạo ra những con robot thông minh nhưng một ngày nào đó chúng sẽ quay ngược lại để thống trị thế giới này. Hans Moravec, một trong những người sáng lập khoa robot, đại học Cargenie Mellon, tiên đoán là tới năm 2040, những con robot sẽ có trí thông minh như con người. Marvin Minsky tại đại học MIT cũng nhìn thấy một viễn ảnh tương tự: Con người sẽ sao chép bộ não họ vào con robot để những máy móc này có những dữ kiện và kinh nghiệm,
11- Thế chiến: Chỉ riêng hai nước Hoa Kỳ và Nga Sô đã có 19,000 đầu đạn nguyên tử. Ngoài các võ khí nguyên tử ra, võ khí sinh học cũng được nhiều quốc gia nghiên cứu và là một mối đe doạ toàn cầu. So sánh với các loại bom nguyên tử, việc sản xuất võ khí sinh học rẻ, đơn giản và cất dấu dễ dàng hơn.
Có những tác nhân khác ngấm ngầm tiêu diệt con người như phẩm chất của không khi, nước uống, thực phẩm độc hại cũng mang đến những hậu quả nguy hiểm không kém gì võ khí nguyên tử, gây tử vong cho cả một hay nhiều dân tộc trong khoảng thời gian dài vài chục năm.
C- Do các lực siêu nhiên
12- Sinh vật ngoài hành tinh: Cơ quan SETI tại California trong nhiều năm qua đã cố gắng phóng những tín hiệu mong liên lạc được với sinh vật ngoài hành tinh nhưng vẫn chưa đạt được kết quả nào. Nhiều nhà khoa học đã báo động là không những không nên liên lạc mà còn phải tìm cách ngăn chặn không cho họ tới hành tinh này. Các nhà khoa học lý luận là kinh nghiệm trong quá khứ với các cuộc thám hiểm và khai phá lục địa mới đã đưa đến những kết quả thật nguy hiểm, như thổ dân và cả nền văn minh cũ bị tiêu diệt. Tương tự như vậy, sinh vật ngoài hành tinh có thể khai thác những tài nguyên có trong thái dương hệ, như nước trong đại dương là nguồn giầu chất hydrogen, họ sẽ sẵn sàng tiêu diệt con người nếu ta ngăn cản, giống như người ta tiêu diệt giống ruồi muỗi vậy. Nhà vật lý học Gerard O’Neill phát biểu “Nền văn minh tây phương đã từng tiêu diệt những nền văn minh địa phương khác và tôi cũng thấy không một lý do nào mà nền văn minh ngoài hành tinh sẽ không tiêu diệt chúng ta”.
Kết Luận.
Bạn nói với tôi là có thể vào một lúc nào đó bừng tỉnh dậy thấy mình ở một nơi hoàn toàn xa lạ, rồi nhớ lại là vừa trải qua một giấc mộng, trong giấc mộng đó thấy mình đã sống một quãng thời gian tại một nơi gọi là hành tinh trái đất. Giấc mộng của bạn làm tôi nhớ tới câu chuyện: “Trang Chu Mộng Hồ Điệp” (Chú thích: Trang Chu tức Trang Tử, 365-290 trước công nguyên, người nước Tống, Trung Quốc, sống vào thời Chiến Quốc). Chuyện kể như sau:
“Trang Chu nằm mộng thấy mình hoá bướm vui vẻ bay lượn mà không biết mình là Chu nữa. Rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu chứ không phải là bướm. Chu tự hỏi không biết có phải mình là Chu nằm mộng thấy hoá bướm hay là bướm mộng thấy hoá ra Chu”.
Tác giả xin lấy hai câu thơ của Lý Thương Ẩn để kết thúc cho bài viết:
Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp
Thục đế xuân tâm thác đỗ quyên.
*Trần Hồng Văn.
thv1987@hotmail.com
Tài liệu tham khảo:
1- Bourne, David. My Boss, The Robot. May 2013. Scientific American. P. 39-41.
2- Drexle, Kim Eric: Nanosystems: Molecular Machinery Manufacturing and Computation. 1992.
3- Dye, Lee. This Is The Way The World Ends? 6.6.2012. ABC News.
4- Hernandez, Daniela. Ways The World Could Actually End. 01.17.2012. Science.
5- Horatiu, Nastase. The RHIC fireball as a dual black hole. 2006. Cornell University.
6- Leslie, Gaby. Five Ways The World Could End. 12.22.2011. Yahoo! News.
7- MacPhee, R.D.E. In press. The Legacy of the Mastodon: The Golden Age of Fossils in America. (2008)]. Nature.
8- Powell, Corey S. and Diane Martindale. Twenty Ways The World Could End. 10. 01. 2000. Discover.
9- Rees, Martin. Is This Our Final Century? July 2013. Astronomy. P 30-35.
10- Roco Mihail C. Rise of the Nano Machines. Science American. P. 48
11- Sanders, Robert. What Can Happen When Computers Take Over. 01/1998. University of California at Berkeley.
12- Stern, Alan. Secrets of the Kuiper Belt. April 2010. Astonomy. P. 3035