LHQ tiếp xúc với 13 người Thượng bỏ chạy sang Campuchia tị nạn
Nhiều người Thượng từ Tây Nguyên Việt Nam đã tìm cách vượt biên sang Campuchia để xin tị nạn. |
Sau khi chạy khỏi Việt Nam cách đây hơn 1 tháng, nhóm người Jarai này đã trốn vào các khu rừng rậm ở tỉnh Ratanakkiri thuộc Đông Bắc Campuchia vì sợ bị chính quyền sở tại trục xuất về nước. Họ đã được dân làng địa phương cùng sắc tộc Jarai giúp đỡ.
Liên hiệp quốc cho hay nhóm này được đưa tới Phnom Penh tối ngày 21/12 và đang trong tình trạng cực kỳ gieo neo, nhiều người trong nhóm đang chống chọi với bệnh sốt rét và sốt xuất huyết.
Đại diện của Văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên hiệp quốc, Wan Hea Lee xác nhận nhóm này đã tới nơi an toàn.
Trước đó, toán công tác Liên hiệp quốc từng tố cáo cảnh sát Campuchia ngăn trở họ trong các nỗ lực tiếp cách tiếp cận nhóm người Thượng.
Kể từ các cuộc biểu tình hồi năm 2001 đấu tranh đòi quyền tự do tôn giáo và quyền lợi đất đai dẫn tới các cuộc bố ráp, đàn áp của chính quyền, nhiều người Thượng từ Tây Nguyên Việt Nam đã tìm cách vượt biên giới sang Campuchia để lánh nạn.
Từ Campuchia, hàng trăm người đã được Liên hiệp quốc can thiệp và được sang định cư ở các nước thứ ba. Tuy nhiên, cũng có nhiều người bị bắt và bị trục xuất về Việt Nam, nơi họ có thể đối mặt với các bản án tù dài hạn.
Sau khi nhóm mới nhất gồm 13 người Jarai tới được Campuchia, nhà cầm quyền Việt Nam đã yêu cầu phía Campuchia bắt giữ và trục xuất họ về nước.
Bộ Nội vụ và cảnh sát địa phương Campuchia công khai xem nhóm này là ‘những người nhập cư bất hợp pháp.’
Phát ngôn nhân Bộ Nội vụ Campuchia, Đại tướng Khieu Sopheak, cho biết nhóm 13 người này đang chịu sự kiểm soát của chính quyền Campuchia và được bảo vệ an ninh chặt chẽ.
Ông Sopheak nói phía Campuchia đang hợp tác với Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc và Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc soạn thảo những câu hỏi để điều tra, chất vấn. Vẫn theo lời ông, nếu phát hiện họ không phải thật sự là những người Thượng Tây Nguyên chạy lánh nạn vì bị đàn áp, họ có thể bị trục xuất về nước.
Phát ngôn nhân Sopheak nhấn mạnh:
“Chính quyền Campuchia sẽ ra quyết định dựa trên luật lệ của Campuchia nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình tuân thủ luật quốc tế.”
Chủ tịch Sáng hội người Thượng Tây Nguyên có trụ sở tại Mỹ, ông Ksor Kok phát biểu với VOA Việt ngữ:
“Tôi thật sự cảm kích nếu thật sự họ đang được Liên hiệp quốc can thiệp và bảo vệ họ cho tới khi vấn đề được giải quyết vì trước đây đã từng có những người Thượng Tây Nguyên bị Campuchia trục xuất về Việt Nam phải chịu đựng nhiều nghịch cảnh.”
Nhật báo Cambodia Daily dẫn lời phó giám đốc phụ trách khu vực Châu Á trong Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, Phil Robertson, nói rằng nhóm 13 người Thượng được đưa tới thủ đô Phnom Penh là một bước quan trọng nhưng cảnh báo rằng con đường của họ phía trước còn nhiều gian truân, nhất là khi quyết định về quy chế tị nạn của họ sẽ phải được giới chức chính phủ Campuchia quyết định.
Human Rights Watch kêu gọi Campuchia nên quyết định một cách minh bạch, không thiên vị, và không bị chi phối bởi quan hệ ngoại giao gần gũi giữa Phnom Penh với Hà Nội.