Matt Mahan

ads header

Breaking News

Trung Quốc điều tra một nhân vật thân cận với cựu Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào

Ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua)
Tân Hoa Xã ngày hôm nay, 22/12/2014 cho biết, trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng, cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành điều tra một quan chức cao cấp, nguyên là trợ lý của cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào.

Ban Kỷ luật và Thanh tra Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc ra một thông báo ngắn, theo đó cuộc điều tra nhắm vào các hoạt động « vi phạm kỷ luật » của ông Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), cụm từ được dụng để chỉ hành vi tham nhũng của các quan chức tại Trung Quốc.

Ông Lệnh Kế Hoạch, 58 tuổi, giữ chức Phó Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân (Chính Hiệp) Trung Quốc. Ông đã bị thất thế sau khi vụ bê bối liên quan đến cái chết của con trai ông ta trong một tai nạn xe hơi.

Theo giới quan sát, vụ điều tra nhắm vào Phó Chủ tịch Chính Hiệp mang một màu sắc chính trị đặc biệt. Ông Lệnh Kế Hoạch được coi là người cộng sự rất thân cận với Hồ Cẩm Đào, với chức vụ Chánh văn phòng Trung ương đảng, khi ông Hồ giữ chức Tổng Bí thư.

Trong giai đoạn chuyển đổi quyền lực cuối năm 2012, Lệnh Kế Hoạch vẫn còn là một trong số hơn 200 ủy viên của Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, ông bị điều xuống phụ trách bộ phận « Mặt trận thống nhất » của Đảng, phụ trách các quan hệ giữa đảng Cộng sản với các tổ chức được gọi là « không cộng sản », thường bị coi là các tổ chức ngoại vi của Đảng. Việc điều chuyển nói trên thực chất là một hình thức giáng cấp.

Trong con mắt của dư luận, Lệnh Kế Hoạch bị thất thế sau vụ tai nạn xe hơi của con trai. Ngày 18/03/2012, vào lúc mờ sáng, xác chết của con ông Lệnh được tìm thấy trong xe trên một đoạn đường xa lộ vành đai thủ đô Bắc Kinh. Bên cạnh thi thể nạn nhân, còn có hai phụ nữ trẻ khác, cũng bị thương nặng trong vụ đụng xe. Một người hoàn toàn trần truồng, người kia nửa không quần áo.

Cái chết của con trai cựu lãnh đạo Chính Hiệp trên chiếc xe hơi trị giá hơn 600.000 euro gây khó xử cho đảng Cộng sản Trung Quốc. Người dân đặt câu hỏi về nguồn gốc của tài sản lớn nói trên và cho rằng cuộc sống xa hoa, giàu có của con cái các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc khác biệt hẳn với quảng đại quần chúng. Tiếp đó, hồi tháng 06/2014, anh trai của ông Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Chính Sách (Ling Zhengce), cũng đã bị điều tra do « vi phạm nghiêm trọng pháp luật và kỷ luật » và bị cách chức Phó Chủ tịch cơ quan Chính hiệp tỉnh Sơn Tây.

Dù liên tục nhiều nhân vật có quyền chức bị hạ bệ thời gian gần đây, giới chuyên gia vẫn nghi ngờ vào tính hiệu quả của « chiến dịch chống tham nhũng » dưới sự chỉ đạo của ông Tập Cận Bình, do sự vắng mặt của một nền tư pháp độc lập và các cải cách chính trị thực chất tại Trung Quốc.

Vụ cựu Ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai – một ngôi sao đang lên của Đảng – bị kết án chung thân hồi năm ngoái càng cho công chúng thấy rõ thêm những ưu đãi hết sức lớn mà giới đặc quyền được thụ hưởng trong chế độ độc đảng tại Trung Quốc.

Chiến đấu cơ Trung Quốc bay sát phi cơ P-8 Posseidon của Hải quân Mỹ, cách Hải Nam khoảng 215 km về phía nam. Ảnh chụp ngày 19/08/2014. Đây là sự cố được cho là dấu hiệu về việc Trung Quốc đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông.REUTERS/Hải quân Hoa Kỳ

Theo Kanwa Defense Review, một tạp chí chuyên về quân sự, tiếng Hoa, có trụ sở tại Canada, thì Trung Quốc đã bí mật lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông, trước khi xẩy ra sự cố tiêm kích của Không quân Trung Quốc ngăn chặn máy bay do thám Mỹ P-8, hồi tháng Tám vừa qua.

Nguồn tin của tạp chí Kanwa được báo Đài Loan Want China Times, ngày hôm nay, 22/12/2014, dẫn lại, cho biết, khác với việc thiết lập vùng nhận diện phòng không ở biển Hoa Đông, hồi tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc chưa bao giờ thông báo lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông và máy bay do thám Mỹ P-8 bị không quân Trung Quốc ngăn chặn vì đã đi vào vùng phòng không này.

Mặt khác, quân đội Trung Quốc coi sự hiện diện của máy bay do thám Mỹ P-8 trong khu vực là một mối đe dọa. Các chuyến bay của P-8 do thám vùng Biển Đông, đều xuất phát từ căn cứ Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản.

Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc chỉ có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản, trong khi ở Biển Đông, Bắc Kinh có tranh chấp với nhiều quốc gia láng giềng, do vậy, việc lập vùng phòng không nhậy cảm hơn vì có liên quan đến các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.

Vẫn theo nhận định của tạp chí Kanwa, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á và đón tiếp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương - APEC, hồi tháng 11. Một số nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia có thể không cử đại diện tới dự, nếu Bắc Kinh thông báo lập vùng phòng không và kiểm soát toàn bộ không phận vùng Biển Đông.

Sony bị tin tặc, Trung Quốc tránh nêu tên Bình Nhưỡng
Theo một số chuyên gia, Bắc Triều Tiên hiện có khoảng 3.000 chuyên viên trong đội quân tin học tin tặc - DR
Bắc Kinh « chống đối mọi hình thức khủng bố tin học ». Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định như trên trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Mỹ John Kerry hôm qua 21/12/2014. Tuy nhiên, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối trả lời câu hỏi của báo giới về quan điểm của Hoa Kỳ lên án Bắc Triều Tiên đánh cắp thông tin mật của hãng phim Sony Pictures

Thông cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc đề ngày 22/12/2014 ghi rõ lập trường của Bắc Kinh về các vụ tấn công tin học, nhưng không hề đả động đến trường hợp của Bắc Triều Tiên trong vụ tập đoàn làm phim Sony Pictures vừa bị đánh cắp hàng loạt thông tin mật.

Sau khi đã khẳng định trách nhiệm của chính quyền Bình Nhưỡng trong vụ tấn công Sony, hôm qua, 21/12/2014, tổng thống Barack Obama đã tỏ ra dè dặt hơn khi cho rằng, vụ tấn công nhắm vào Sony không phải là « một hành vi khiêu chiến », mà đó là một hình thức « phá hoại, rất tốn kém (…) Nước Mỹ sẽ hết sức thận trọng và sẽ trả đũa một cách xứng đáng ».

Về phần Hoa Kỳ, Washington vận động các nước đồng minh và kể cả Trung Quốc hay Nga phối hợp hành động chống lại các hành vi tấn công trên mạng ở cấp quốc tế.

Nhật Bản, một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ vụ hãng phim Sony Pictures bị tấn công, nhưng tuyệt đối cũng không đả động đến Bắc Triều Tiên. Seoul vào sáng nay cũng cho biết là máy vi tính của một tập đoàn năng lượng hạt nhân Hàn Quốc bị đột nhập nhưng các dữ liệu mật không bị đánh cắp. Seoul không nêu tên Bắc Triều Tiên trong vụ tấn công này.

Tổng thống Hoa Kỳ nêu khả năng đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Thứ sáu tuần trước,19/12, đích thân tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama cáo buộc Bình Nhưỡng đứng đằng sau các cuộc tin tặc nhắm vào Sony Picture, buộc công ty điện ảnh này phải hủy bỏ việc cho ra rạp bộ phim hài về lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-Un, nhân dịp Noel theo dự kiến. Hôm qua, 21/12, Bình Nhưỡng đe dọa trả đũa Nhà Trắng, nếu Hoa Kỳ trừng phạt Bắc Triều Tiên về vụ tin tặc
này.