Việt Nam ‘đi cửa sau’ tại Tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc?
Nhiều cuộc biểu tình phản đối hành động lấn lướt của Trung Quốc ở biển Đông đã bùng ra ở Việt Nam. |
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Để bảo vệ các quyền và lợi ích pháp lý của mình ở Biển Đông có thể bị ảnh hưởng bởi vụ kiện Trọng tài biển Đông, Việt Nam đã bày tỏ với Tòa trọng tài về lập trường, quan điểm của mình đối với vụ kiện và đề nghị Tòa trọng tài quan tâm đến các quyền và lợi ích pháp lý đó của Việt Nam”.
Trung Quốc ngay lập tức lên tiếng kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền của Bắc Kinh và một lần nữa lặp lại quan điểm từ chối tham gia tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Manila nói rằng hành động của Việt Nam là điều “hữu ích” nhằm “thúc đẩy ổn định và hòa bình trong khu vực”.
Bộ Ngoại giao Philippines nói: “Quan điểm của Việt Nam hữu ích trong việc thúc đẩy pháp quyền và tìm các giải pháp hòa bình, phi bạo lực đối với các tranh chấp ở biển Đông, dựa trên luật pháp quốc tế”.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam, từ Australia, nhận định rằng quyết định của Việt Nam ít nhiều cũng có tác động tới vụ kiện của Philippines.
Ông đánh giá: “Bằng việc bày tỏ quan tâm đối với vụ kiện, Việt Nam không cùng với Philippines có hành động pháp lý đối với Trung Quốc. Nhưng tuyên bố bày tỏ lập trường và quan điểm của Việt Nam sẽ được tòa trọng tài lưu tâm. Điều này sẽ có tác động làm tăng tầm quan trọng của vụ kiện, dù ít ỏi. Nói cách khác, dù đây là vụ kiện giữa hai bên, phán quyết của tòa trọng tài cũng cần phải xem xét tới các quyền lợi của các bên liên quan có thể bị ảnh hưởng bởi phán quyết này”.
Việt Nam bày tỏ quan điểm với Tòa trọng tài vào ngày 5/12, trùng ngày Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo về biển Đông.
Trung Quốc công bố tài liệu bày tỏ lập trường của mình về biển Đông cũng như vụ kiện của Philippines hai ngày sau đó.
Các nhà phân tích được báo chí Philippines trích lời nói rằng “quan điểm pháp lý của Việt nam sẽ có thêm sức nặng mang tính chính trị đối với vụ kiện của Philippines”.
Một số người còn cho rằng điều Việt Nam làm thực ra là “ủng hộ hành động pháp lý” của Manila.
Trước đó, hồi tháng Mười, trong chuyến thăm châu Âu, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rằng Philippines 'là một quốc gia độc lập, có chủ quyền' nên việc làm đó là 'quyền của Philippines'.
Thủ tướng Việt Nam nói tiếp rằng Việt Nam “sẽ làm hết sức mình, bằng các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ độc lập, chủ quyền thiêng liêng của mình và biện pháp pháp lý là một biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, là một biện pháp tiến bộ, văn minh, trong giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, kể cả chủ quyền lãnh thổ”.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Hà Nội có thể có cơ hội được trình bày lý lẽ của mình: “Với việc bày tỏ quan điểm như vậy, Tòa trọng tài có khả năng sẽ mời Việt Nam trình bày các quyền lợi cũng như lợi ích của Việt Nam. Nói một cách khác, Việt Nam có thể trình bày lý lẽ pháp lý ‘qua cửa hậu’”.
Kể từ khi Manila đưa vụ kiện ra tòa Trọng tài quốc tế hồi đầu năm 2013, chính quyền Bắc Kinh đã lên tiếng bác bỏ, gọi đó là hành động sai trái cả về mặt luật pháp lẫn lịch sử.
Ông Paul Reichler, luật sư đại diện của chính quyền Manila trước tòa trọng tài quốc tế, từng nói với VOA Việt Ngữ rằng quyền lợi của Việt Nam ‘hoàn toàn giống với hai điểm chính mà Philippines mang ra tòa’.