Matt Mahan

ads header

Breaking News

Điểm Tin Thứ Hai 27/07/2020

Ảnh minh họa: Chiến hạm ba nước Mỹ, Nhật và Úc tham gia cuộc thao diễn hỗn hợp ba bên trên Biển Philippines ngày 21/07/2020. Thái độ cứng rắn của Úc trên hồ sơ Biển Đông khiến Trung Quốc rất bực tức. Commander, Task Force 70 / Carri - Petty Officer 2nd Class Codie So
Điểm Tin Thứ Hai 27/07/2020
Anh Tuấn Phạm
  • Bắc Kinh lại đe dọa Canberra sau khi yêu sách Biển Đông bị Úc thẳng tay bác bỏ (RFI) - Trọng Nghĩa - Ngay sau khi Úc chính thức gởi công hàm lên Liên Hiệp Quốc – đề ngày 23/07/2020 - bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền trên biển của Trung Quốc tại vùng Biển Đông mà không phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Bắc Kinh ngày 25/07 đã phản ứng gay gắt, và như thông lệ, đã lớn tiếng đe dọa Canberra là sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề, nhất là về mặt kinh tế. Trong một bài bình luận đăng trên trang web của mình, tờ Hoàn Cầu Thời Báo, được cho là cái loa của Bắc Kinh, đã cho rằng nước Úc đã “thiếu khôn ngoan” khi leo lên “con tàu bị thủng” của Mỹ để xen vào vấn đề Biển Đông. Đối với tờ báo, trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và Úc hiện đang xấu đi đáng kể, nếu Canberra tiếp tục theo sát Washington và “khiêu khích” Bắc Kinh, thì “thiệt hại đối với Úc nên được dự kiến, không chỉ về quan hệ chính trị, mà cả về quan hệ kinh tế”.
  • Biển Đông : Úc phản đối yêu sách của Trung Quốc lên LHQ (RFI) - Thu Hằng - Trong công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc ngày 23/07/2020, phái bộ thường trực của Úc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Công hàm được Úc gửi lên Liên Hiệp Quốc chỉ một tuần sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/07/2020. Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
  • Đảo nhân tạo của Trung Cộng trong cuộc chiến Thái Bình Dương (BoxitVN) - Trần Trung Đạo - Trong buổi họp báo tại Rose Garden nhân chuyến viếng thăm Hoa Kỳ ngày 25 tháng 9, 2015, Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình phát biểu “Hoạt động xây dựng liên hệ mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Nam Sa [Trường Sa] không nhắm mục tiêu hay tác động đến bất kỳ quốc gia nào và không có ý định quân sự hóa”. Trong lúc Tập mặt dày nói dối trước thế giới, các mục tiêu quân sự hóa Biển Đông gần hoàn tất
  • Cuộc chiến công hàm (BoxitVN) - Nguyễn Nam - Từng có lo ngại Việt Nam ‘đứng một mình’ nếu Trung Quốc lập vùng nhận diện phòng không ở Hoàng Sa, giờ cũng tạm thời bớt lo rồi… Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. “Chính phủ Úc bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”, Úc nhấn mạnh trong công hàm ngày 23-7(*) Công hàm Úc cũng nhấn mạnh cái gọi là quyền lịch sử và quyền hàng hải “đã được thiết lập từ lâu” mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho Đường 9 đoạn là “trái với UNCLOS” và “vô giá trị”. Canberra khẳng định phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đã làm rõ điều này. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay Trung Quốc vẫn phớt lờ, thậm chí gọi tòa án và phán quyết của tòa là “bất hợp pháp”.
  • Đại hội 13: Vì sao đầu tư công bị ‘nghẽn’? (RFA) - TS. Phạm Quý Thọ - Đối với Việt Nam chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế không chỉ mang tính pháp lệnh, mà hơn thế thể hiện tính chính danh của chế độ, bởi vậy như ‘cứu cánh’, đầu tư công được Chính phủ coi là ‘mũi đột phá’ cho tăng trưởng. Từ đầu tháng 7/2020 đến nay Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị về phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19, được cho là ‘quyết liệt’ với lãnh đạo các bộ, ban ngành, địa phương trong toàn quốc và, trong đó đầu tư công được coi là ‘mũi nhọn’. Thực trạng và số liệu đầu tư công cho thấy chính sách này đang bị ‘nghẽn’. Có hai nguyên nhân chủ yếu. Một là, xu hướng thay đổi tất yếu của đầu tư công khi nền kinh tế chuyển sang thị trường; Hai là, cải cách thể chế đã không theo kịp thực tế, trong đó bộ máy chính quyền các cấp bị ‘đóng băng’ khi chiến dịch chống tham nhũng được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nếu đầu tư công nóng vội, kém hiệu quả sẽ làm giảm chất lượng tăng trưởng.
  • VNTB – Nếu cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài, thì… (VNTB) - Xuân Minh (VNTB) – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có tài lãnh đạo hay không? Câu trả lời dễ được cho là ‘phạm thượng’, và cũng dễ đối mặt với án hình sự về tội danh nào đó cho chuyện đơm đặt, gây mất uy tín lãnh đạo. Bài viết này xin được ‘chấp nhặt’ đôi nhận định của chính khách từng trong bộ máy công quyền, qua đó để bạn đọc có thể lựa chọn một lý giải thích hợp. “Người có đức mà không có tài thì dễ trì trệ; người có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ – nguyên Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp viết” – trích bài báo “Cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài”, đăng trên báo điện tử VietnamNet (1).
  • Covid-19 kéo dài sẽ ảnh hưởng Đại hội Đảng 13? (BoxitVN) - Sông Hàn - Sau 4 lần xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với Covid-19, nhưng mới chỉ là ‘nghi nhiễm’, còn phải chờ xét nghiệm tiếp lần thứ 5. Vậy là sau 99 ngày ở Việt Nam không phát hiện ca nhiễm virus corona ngoài cộng đồng, thì giờ đây đã xuất hiện với tiên lượng chuyển sang giai đoạn nặng rất nhanh chóng. Tuy nhiên ca này lạ ở chỗ là sau 4 lần xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus corona, song nhà chức trách vẫn tuyên bố mới chỉ là ‘nghi nhiễm’, còn phải chờ xét nghiệm tiếp lần thứ 5. Bốn lần xét nghiệm trước được thực hiện ở các nơi có thứ tự như sau: ngày 20-7, bệnh nhân đến Bệnh viện C Đà Nẵng khám do ho có đờm và mệt, sau khi chẩn đoán viêm phổi, bác sĩ đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 23-7 thực hiện bằng phương pháp Realtime PCR – phương pháp chính xác nhất hiện nay là dương tính.
  • Vui buồn chuyện cái khẩu trang (BoxitVN) - Nguyễn Ngọc Duy Hân - Nội hai chữ “khẩu trang” thôi cũng đã làm tôi nghi ngại, chần chừ mãi mới viết bài tản mạn về đề tài này, vì thấy danh từ này lấn cấn làm sao. Thứ nhất nó có vẻ Tàu, “khẩu” là miệng, “trang” là trang bị. Thứ nhì nó đâu chỉ che miệng, mà còn che mũi và mặt nữa. Còn nếu dùng chữ “mặt nạ” dịch từ chữ “gauze mask / face mask” trong tiếng Anh, thì lại có thể hiểu lầm là các mặt nạ đeo để hóa trang vào các ngày xin kẹo Halloween hay trong các phim ảnh. Thôi thì tạm thời gọi nó là “khẩu trang” theo số đông vậy, cho tới khi biết chữ khác tốt hơn.
  • Đảng tranh ở Hoa Kỳ thời đại dịch (BoxitVN) - Trần Hữu Thục We don’t see things as they are, we see them as we are. (Chúng ta không nhìn thấy sự vật như chính sự vật, mà nhìn thấy chúng như chính chúng ta) Anaïs Nin [1] …Where I could stand in the middle of Fifth Avenue and shoot somebody and I wouldn’t lose any voters…" (…Dù tôi có đứng ngay giữa Đại Lộ Thứ Năm và bắn [chết] một ai đó thì tôi vẫn sẽ không mất bất cứ cử tri nào…) [2] Donald Trump. I. Đảng. Vào đầu tháng 6/2020, giữa lúc cái chết của người đàn ông da đen George Floyd đưa đến những cuộc biểu tình liên tục trên toàn quốc của phong trào Black Lives Matter, một số khuôn mặt nổi tiếng của Đảng Cộng hoà (CH) như Thượng nghị sĩ Mitt Romney, cựu Tổng thống George Bush (Con) tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump; riêng tướng Colin Powell, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Bush (Con), thì tuyên bố thẳng thừng là sẽ bỏ phiếu cho ông Biden, ứng cử viên Đảng Dân chủ (DC), vì hai người có quan điểm rất gần gũi về xã hội và chính trị [3]
  • Thăm dò ý kiến bầu cử TT Mỹ: Donald Trump ngày càng bị Joe Biden vượt xa (RFI) - Thùy Dương - Chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 03/11/2020. Theo kết quả tổng hợp từ nhiều cuộc khảo sát ý kiến cử tri, tổng thống đương nhiệm Donald Trump ngày càng bị đối thủ Joe Biden của đảng Dân Chủ vượt xa, số điểm cách biệt hiện giờ là hơn 8 điểm. Từ Houston, thông tín viên RFI Thomas Harms giải thích : "Chỉ còn 100 hôm là đến ngày bầu cử và ứng viên Joe Biden đang mỉm cười hài lòng. Theo nhiều cuộc thăm dò ý kiến, tính bình quân, ứng viên đảng Dân Chủ đang dẫn trước đối thủ Donald Trump khoảng 8,6 điểm. Khảo sát của đại học Quinnipiac thậm chí còn cho thấy Joe Biden được số người ủng hộ hơn 15% so với ông Trump. Cần nói là trong 10 kỳ bầu cử tổng thống gần đây nhất, các ứng viên dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến 100 ngày trước hôm bỏ phiếu đều đắc cử tổng thống, trừ ứng viên Mikael Dukakis trong cuộc bầu cử năm 1988 (trước ứng viên George Bush cha).
  • Căng thẳng Mỹ- Trung: Nhân viên ngoại giao Mỹ sẵn sàng rời Thành Đô (RFI) - Thanh Hà - Từ chiều 25/07/2020 nhân viên ngoại giao Mỹ tại Thành Đô ráo riết dọn dẹp để trao trả chìa khóa lại cho phía Trung Quốc. Đám đông đã tụ tập trước cửa văn phòng cơ quan đại diện ngoại giao này để chứng kiến sự kiện. Mọi chú ý nhắm vào phía lãnh sự Mỹ. Sử dụng thành thạo tiếng Hoa, Jim Mullinax là một trong những nhà ngoại giao Mỹ có uy tín nhất tại Trung Quốc. Vợ ông là một người Đài Loan và bà nhận được nhiều tiếng khen trong cộng đồng người Hoa. Nhưng căng thẳng càng lúc càng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ đã đảo ngược tình thế. Vợ chồng lãnh sự Mỹ tại Thành Đô đang trở thành mục tiêu tấn công của một phần dư luận Trung Quốc
  • Mặt trận Vaccin (BoxitVN) - Từ Thức - Lý do chính khiến xung đột ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng bùng nổ, leo thang đột ngột là vaccin (vaccine), thuốc chủng ngừa Covid. Chuyện gián điệp núp bóng ngoại giao, văn hoá để ăn cắp tài liệu quốc phòng hay kinh tế xưa như trái đất, nhưng ít khi đưa tới những biện pháp ngoạn mục như chuyện đóng cửa toà Tổng lãnh sự trong 72 giờ, chuyện đốt tài liệu trước mắt thiên hạ, hay chuyện công khai lùng bắt những người bị nghi làm tình báo. Vaccin trở thành một ưu tiên hàng đầu của các cường quốc.
  • Lịch sử những đại dịch bắt nguồn từ Trung Quốc (BoxitVN) - Isabelle Lassere (le Figaro) Phong Uyên chuyển ngữ Dịch giả gửi tới Dân Luận - Năm 1347, trong trận bao vây cửa khẩu Caffa thuộc thành Gene, Djanibeg, một cháu nội của Thành Cát Tư Hãn đã khai mào cuộc chiến tranh vi trùng đầu tiên trong lịch sử khi bắn xác những người bị chết vì dịch hạch qua tường thành, khiến thủy binh Gene phải bỏ chạy qua Marseille Âu châu và Constantinople Cận Đông, làm lan tỏa khắp Âu châu đại dịch hạch thứ hai trong lịch sử loài người. Cũng có nguồn nói rằng đại dịch đó, kéo dài từ năm 1347 đến năm 1352, giết một phần ba dân số Âu châu, bắt nguồn từ những con chuột bị bệnh, đã đi theo hàng hóa qua Con đường tơ lụa, xâm nhập vào châu Âu.
  • Nga: Phong trào chống Vladimir Putin lan rộng (RFI) - Thanh Hà - Ngày 25/07/2020 hơn 10.000 người biểu tình tại Khabarovsk, vùng Viễn Đông Nga, để phản đối việc cựu thống đốc bang này bị bắt giữ. Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ định người thay thế nhưng cử chỉ hòa hoãn của điện Kremlin chưa đủ để xoa dịu công luận. Làn sóng phản kháng chống Putin lan rộng ra nhiều nơi trên toàn lãnh thổ. Thông tín viên Jean-Didier Revoin từ Matxcơva cho biết thêm : "Phẫn nộ vẫn chưa ngớt ở Vùng Viễn Đông Nga. Từ hôm 11/07 vừa qua dân cư tại thành phố Khabarovsk xuống đường phản đối vụ cựu thống đốc Sergueï Furgal bị bắt giữ. Thành viên đảng LDPR theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa này đã đánh bại ứng cử viên của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử hồi tháng 9 năm 2019. Việc thống đốc Furgal bị bắt khiến công luận cảm thấy chính quyền Nga cướp đoạt lá phiếu của dân cư trong vùng. Một sự kiện hiếm thấy là số người biểu tình tại đây đông hơn hẳn so với ở Matxcơva hay Saint Petersbourg.
  • Van Gogh – hoạ sỹ vĩ đại nhất của mọi thời đại (BoxitVN) - (Để nhớ 130 năm ngày mất của Vincent van Gogh) Lê Phú Khải - Van Gogh có lần suýt bị chết đói nếu người em của ông là Théo không gửi cho ông một ít tiền. Càng vẽ tranh của ông càng vô danh. Khi từ giã Hà Lan quê hương của mình, Van Gogh đã để cho mẹ mình tất cả các bức tranh của ông. Năm 1886, bà mẹ Van Gogh trước khi dời khỏi thành phố bé nhỏ Bréda của mình lại gửi tất cả tranh cho một anh hàng thịt. Anh hàng thịt này vì phải giữ cái thứ vô ích đó đã đốt đi nhiều tác phẩm của Van Gogh, còn lại chất lên xe đem đi bán cho một người chuyên mua đồng nát. Nhưng chẳng ai muốn mua hết. May mắn làm sao, có một người thợ may tên Mouwen đã mua tất cả các tác phẩm đó. Nhờ người thợ may này mà ngày nay người ta biết những gì Van Gogh đã vẽ ở Hà Lan