Matt Mahan

ads header

Breaking News

TRÔNG NGƯỜI MÀ NGHĨ ĐẾN TA | Ngô Quốc Sĩ

Người dân Hồng Kông vẫn biểu tình bất chấp mưa gió.
Ít nhất 1.7 triệu người ra đường biểu tình, bất chấp mưa gió. (Hình: Chris McGrath/Getty Images)
TRÔNG NGƯỜI MÀ NGHĨ ĐẾN TA
Ngô Quốc Sĩ

Phong trào chống dẫn độ và đòi quyền tự trị của Hồng Kông đang làm Bắc Kinh điên đầu. Trên 2 triệu người mặc áo đen xuống đường trước đây đã gợi hứng cho Trúc Hồ cảm tác ca khúc Biển Đen (Sea of Black). Hôm nay các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục với sự tham gia của mọi giới, quyết phế bỏ chính quyền Hồng Kông tay sai, và phản đối Bắc kinh âm mưu bóp chết nền dân chủ của bán đảo nhỏ bé này.

Trước ý chí quật khởi của bán đảo, vỏn vẹn chỉ trên 7 triệu người, chống lại một đại cường gần 1.4 tỷ, Trần Văn Lương đã liên tưởng tới cuộc đấu tranh hôm nay của dân Việt. Qua bài thơ “Hai Cuộc Xuống Đường”, ông đã bày tỏ nỗi lòng tủi hận trước khí thế hào hùng của Hồng Kông, so với hiện tình lặng im khó hiểu của Việt Nam hôm nay, khi kẻ thù đã tra thòng lọng vào cổ dân Việt!

Vào thơ, Trần Văn Lương đã biểu tỏ sự cảm phục ý chí hào hùng của người dân Hồng Kông, dám đứng lên thách đố với bạo quyền để tôn vinh tự do dân chủ. Đây là sức mạnh quần chúng tự phát, chẳng ai bảo ai, chỉ có con tim cùng rung nhịp, cánh tay cùng dương cao, bàn chân cùng bước tới:
Đường phố rộng, người nen gần kín chỗ,
Dòng áo đen như nước đổ tràn sông,
Thấm loang dần khắp ngõ ngách Hồng Kông,
Chẳng ai bảo, nhưng ai lòng cũng hiểu.

Tiếng nói dân chủ cuộn lên như thác đổ, chính vì người nguời như một, quyết tâm hy sinh, chấp nhận rủi ro, quyết mở đường sống khi cánh cửa tự do đang dần dần khép lại, vòi bạch tuộc Bắc Kinh đang siết dần cổ họng:
  Dân số chỉ tròm trèm chưa tám triệu,
Mà phần tư đã khứng chịu hy sinh,
Tạm quên đi giấc yên ổn thanh bình,
Vì dân chủ lao mình vào tranh đấu.
Dẫu biết sẽ bị "chúng" nghiền nát ngấu,
Vẫn kiên trì làm châu chấu đá xe..

Trần Văn Lương, một gã tị nạn Việt Nam, đã từ Hồng Kông nhìn về Việt Nam mà cảm thấy xót xa, cảm thương cho dân tộc Việt đang ngộp thở trong cùm gông nghiệt ngã, trong bạc phước bất hạnh:
Người tỵ nạn khẽ buông tờ báo xuống,
Nghe trong lòng cuồn cuộn nỗi xót xa.
Nhìn dân người lại nghĩ đến dân ta,
Mà nhỏ lệ thương quê nhà bạc phước.

Thực ra, dân tộc Việt Nam cũng đâu thua kém gì Hồng Kông? Trước đây không lâu, dân Việt từ Nam chí Bắc đã tràn ngập đường phố, hô to khẩu hiệu  chống Tàu cộng xâm lăng và chống Việt cộng tay sai. Khí thế hào hùng chống Formosa,  chống giàn khoan HD 981, đòi Hoàng sa Trường Sa, nhất là chống đặc khu kinh tế,  đã tạo hứng khởi, tưởng như Phù Đỗng đã vươn vai, Bạch Đằng đã nổi sóng, kình ngư đã khuấy nước biển Đông:
  Buồn nhớ lại chuyện ít lâu về trước,
Vừa nghe tin người trong nước sục sôi,
Lầm tưởng cây hy vọng đã đâm chồi,
Nên xớn xác vội tươi cười hớn hở.

Lúc ấy, tác giả đã thật sự hớn hở, tự hỏi phải chăng  dân Việt đã nghe theo tiếng gọi của lương tâm, vượt qua bức tường sợ hãi, không còn giả điếc giả câm:
Phải chăng đã đến giờ dân bất phục,
Vì nghe lời thúc giục của lương tâm,
Vì ngấy trò phải giả điếc giả câm,
Hay vì bởi một nguyên nhân nào khác?

Lúc ấy, phải chăng dân Việt đã nhận thức được bản chất phản bội, bán nước buôn dân của tập đoàn lãnh đạo, lấy máu dân lành xây ngai vàng đao phủ:
Có phải tại lũ cầm quyền bạc ác,
Xuất cảng dân đen đi các nước ngoài,
Trai cu li, gái bán xác miệt mài,
Còn hay mất, chẳng ai thèm hay biết?

Và cũng lúc ấy, phải chăng dân Việt đã nhận ra bộ mặt khiếp nhược của Hà Nội, quay mặt làm ngơ trước nỗi chết kéo dài hàng thế hệ của dân Việt?
Có phải tại giặc Tàu làm cá chết,
Giết ngư dân, đầu độc hết môi trường,
Mà bạo quyền, vốn hèn nhát bất lương,
Chẳng dám nói Chệt bồi thường thiệt hại?

Rồi cũng lúc ấy, phải chăng dân Việt đã nhân chân được bộ mặt ăn cướp của bọn vô lại, cướp tài sản và quyền sống của dân, cướp gia tài của mẹ, cướp luôn cả thần thánh tôn thờ!
Có phải tại bầy đảng viên vô lại
Cướp đất đai, của cải... của toàn dân,
Chiếm ngay luôn chốn thờ phượng thánh thần,
San bằng cả mộ phần người quá cố?

Trước đây là thế. Còn hôm nay thì sao? Niềm hớn hở thuở ấy đã vội lắng xuống. Từ đó, dân Việt hầu như “án binh bất động” một cách khó hiểu trong khi tội ác của địch thù càng ngày càng gia tăng! Nhất là hôm nay, bãi Tư Chính, huyết mạch kinh tế của dân Việt đang bị tàu cộng xâm lấn với  hàng chục chiến hạm đầy khiêu khích, bừng bừng sát khí, mà dân Việt vẫn im lìm! Chỉ một nhóm nhỏ xuống đừờng tại Hà Nội. Xin hỏi tại sao?
Một câu hỏi kéo theo ngàn câu hỏi,
Càng đoán mò lại càng rối ren thêm.
Đám đông kia tựa ánh chớp qua thềm,
Vừa thấy đó, bỗng nhiên liền mất hút.

Một sự im lìm khó hiểu! Hẳn nhiên, rút kinh nghiệm trước đây, dân Việt không muốn bị lừa vào bẫy sập, xuống đường rồi bị nhân diện ngồi tù mục xương. Nhất là dân Việt không muốn bị cộng sản lợi dụng, làm công cụ cho chế độ trong mục tiêu nhất thời. Nhưng xét cho cùng, thái độ dè dặt đó không hợp thời, hợp tình hợp lý chút nào, bởi lẽ càng bước lùi hay đứng yên tại chỗ thì kẻ thù càng lấn tới. Im lặng có thể là vô tâm, khiếp nhược hay đồng lõa, phản bội tổ tiên:
Công dựng nước mấy ngàn năm vất vả,
Giờ đây đành tất cả thả trôi sông.
Những tiền nhân của dòng giống Lạc Hồng,
Nay chắc hẳn nát lòng nơi tiên giới.

Hơn thế nữa, đại họa diệt chủng đã gần kề, chẳng lẽ dân Việt ngồi yên chờ chết? Chỉ còn lại một con đường cứu nguy và cứu sống duy nhất, là đồng tâm quật khởi tiêu diệt nghịch thù:
Nếu dân Việt không cùng nhau quật khởi,
Mãi tranh giành chút quyền lợi cỏn con,
Và chẳng màng đến vận mệnh nước non,
Ngày diệt chủng ắt chẳng còn xa nữa.

Dân tộc tự quyết. Sức mạnh tự phát.Mặc kệ những toan tính xảo quyệt của Hà Nội, dân Việt phải cứu nguy tổ quốc và tự cứu lấy mình...