Matt Mahan

ads header

Breaking News

RMS: Hồi ký 4 năm tù của Blogger Phạm Thanh Nghiên

Ban Văn Nghệ Văn Lang đang trình bày ca khúc “Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ” của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh
“Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” Hồi ký 4 năm tù 
của Blogger Phạm Thanh Nghiên ra mắt đồng hương Bắc California

“Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” Hồi ký 4 năm tù của Blogger Phạm Thanh Nghiên ra mắt đồng hương Bắc California Vào trưa chủ nhật, 07 tháng 01, 2018, giữa tiết trời se lạnh của mùa đông, tác phẩm “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” của blogger Phạm Thanh Nghiên đã ra mắt đồng hương miền Bắc California, Hoa Kỳ. Buổi ra mắt cuốn hồi ký về tù cộng sản – cuốn hồi ký đầu tiên do một nữ tù nhân viết -- do chi hội Phụ Nữ Âu Cơ Bắc California tổ chức tại thư viện San Jose trên đường Tully Road, thành phố San Jose. Mặc dù không khí bên ngoài trời se lạnh, nhưng bên trong hội trường không khí thật ấm áp với sự tham dự của nhiều quan khách, gồm đại diện các đoàn thể cộng đồng, chính trị, xã hội như Cộng đồng Người Việt Bắc Cali, Lực Lượng Cứu Quốc, Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, Khu hội cựu Tù Nhân chính Trị Bắc Cali, Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang, vv… Đặc biệt, các cơ quan truyền thông trong vùng cũng tham dự dông đảo như báo mõ San Francisco, SBTN, Việt Vùng Vịnh, Đài Đáp Lời Sông Núi, vv….

Cô Minh Nguyệt, Trưởng BTC
Sau nghi thức khai mạc vào lúc 1 giờ 30, cô Nguyễn Minh Nguyệt, trưởng Ban Tổ Chức và cũng là Chi hội trưởng Chi Hội Phụ Nữ Âu Cơ Bắc California ngỏ lời chào mừng quan khách và trình bày ý nghĩa của buổi Ra Mắt Sách này. Giải thích lý do Hội Phụ Nữ Âu Cơ đứng ra tổ chức giới thiệu tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, Cô Minh Nguyệt cho biết, một trong những mục tiêu của Hội là yểm trợ những nữ chiến sĩ dân chủ đang trực diện đương đầu với bạo quyền CSVN trong nước. Thêm vào đó, cô còn nhấn mạnh “ngoài việc thi hành theo tôn chỉ kể trên của Hội Phụ Nữ Âu Cơ, việc các chị em chúng tôi quyết định đứng ra tổ chức các buổi giới thiệu tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt của blogger Phạm Thanh Nghiên cũng là để mỗi cá nhân chúng tôi chia sẻ phần nào những tủi hổ, nhọc nhằn của tác giả và cũng như của bao nhiêu nữ tù nhân chính trị khác đang bị đày đoạ trong ngục tù của chế độ phi nhân “Hèn với giặc Tàu, Ác với dân Việt”. Đó là Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, là Trần Thị Nga, là Ngô Thị Minh Ước, Phạm Thị Phượng, Trần Thị Thúy, Nguyễn Đặng Minh Mẫn, Huỳnh Thị Kim Quyên, v.v…” Trong phần cảm tạ, Cô Minh Nguyệt đã đặc biệt cám ơn Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương đã giúp chuyển nhượng số sách đã in cho Hội Phụ Nữ Âu Cơ để Hội có dịp giới thiệu tác phẩm này đến đông đảo quần chúng khắp nơi.

Cô Phạm Thiên Thanh
Mở đầu phần giới thiệu tác giả tiếp đó, bà Phạm Thiên Thanh, Tổng bí thư Tổ Chức Phục Hưng Việt Nam, và cũng là một trong những người sáng lập Hội Phụ Nữ Âu Cơ, cho biết: thật ra thì có lẽ không cần phải giới thiệu Phạm Thanh Nghiên vì có thể nói với quá trình đấu tranh kiên cường và cụ thể, chứng tỏ bằng 4 năm tù và 3 năm quả chế, hầu như người Việt hải ngoại đều biết tác giả Những Mảnh Đời Sau Song Sắt. Vì vậy thay vì giới thiệu về thân thế và quá trình tham gia đấu tranh của blogger Phạm Thanh Nghiên, bà Thiên Thanh đã nêu lên các nét đặc thù của tác giả, trong đó các chi tiết nổi bật như “sinh ra và lớn lên trong lòng chế độ CS, cả bố mẹ đều là đảng viên (nhưng cả hai đã từ bỏ đảng), nhưng Phạm Thanh Nghiên đã nhìn ra bộ mặt thật của Đảng rất sớm và đã có lập trường rất dứt khoát: phải loại bỏ chế độ này và quyết tâm thực hiện quan điểm này bằng hành động cụ thể”. Hoặc như “Là một phụ nữ vóc dáng mảnh mai, có thể nói là sức khoẻ rất yếu kém, thế nhưng Phạm Thanh Nghiên lại rất can đảm, kiên cường, … đọc hồi ký của Cô để thấy sự chống đối dũng cảm của cô đối với guồng máy công an hung dữ của CSVN” và “dù tác giả không có điều kiện và cơ hội để học cao, nhưng lại là người rất thông minh, mẫn cán, và linh hoạt. Các đức tính này thể hiện qua các hành động, các bài viết của Cô…”

GS Ngô Đức Diễm (Ngô Quốc Sĩ)
Trong phần giới thiệu tác phẩm, giáo sư Ngô Quốc Sĩ, cũng là nhà thơ Ngô Đức Diễm, một nhân vật rất quen thuộc trong giới văn học - nghệ thuật, cũng như trong các sinh hoạt chính trị, đã phân tích tính chất đấu tranh trong tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt. Ông đã nhận định: “Điều đáng nói thêm là ở tù cộng sản, nhiều nguời muốn tìm cái chết để giải thoát. Riêng Phạm Thanh Nghiên, nàng phải sống để chứng kiến và hứng chịu những độc ác chế độ hầu nuôi chí phục thù. Bước vào con đường tự do đầy chông gai, nhưng Phạm Thanh Nghiên luôn luôn tin tưởng mãnh liệt vào sự tất thắng của lẽ phải và chính nghĩa dân tộc. Trong niềm tin chiến thắng đó, Phạm Thanh Nghiên đã bất chấp bạo lực, dấn thân tranh đấu cho tự do dân chủ và sự vẹn toàn lãnh thổ. Phạm Thanh Nghiên quyết góp bàn tay với các chiến sĩ dân chủ, tranh đấu dẹp bỏ nhà tù nhỏ cũng như nhà tù lớn hiện nay tại Việt Nam để giải cứu dân tộc”.

Cũng trong phần giới thiệu tác phẩm, nhưng chú trọng về tính cách văn hoá, đặc biệt phân tích về thân phận người phụ nữ trong chế độ độc tài CS thể hiện qua tác phẩm “Những Mảnh Đời Sau Song Sắt”, nữ văn sĩ Kathy Trần đã nói, “Sinh hoạt của các người phụ nữ trong chế độ cộng sản cũng giống như của chế độ tù cải tạo cách đâu 40 năm, đói khát triền miên, bị gông cùm, bị biệt giam, bị khủng hoảng tinh thần. Con người có khả năng tồn tại vô cùng mầu nhiệm, Phạm Thanh Nghiên đã sống sót qua những tù đày, qua những tàn bạo của chế độ cộng sản họ vẫn sống sót, để họ kể lại một thời Việt Nam dưới chế độ cộng sản man rợ”.

Nhà văn Kathy Trần
Tiếp theo đó, hội trường đã im lặng để chăm chú theo dõi đoạn video dài 10 phút trình chiếu tác giả Phạm Thanh Nghiên tâm tình cùng độc giả. Mở đầu, tác giả cho biết động lực đã thôi thúc Cô hoàn thành tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, dù trong hoàn cảnh khá nghiệt ngã, là ý nguyện „muốn cho thế giới thấy tính cách phi nhân và hèn hạ của CSVN đối với những nữ tù nhân trong nhà tù cộng sản, những hình phạt người tù dã man chỉ vì một lỗi lầm nhỏ... Theo cô, không chỉ những người sống trong lãnh thổ VN mới là những tù những tù nhân, tù nhân còn là những người VN ở nước ngoài, đang định cư ở những nước Tự Do, nhưng đã góp tiếng nói về quốc nội để mong VN có nhân quyền, mong đất nước được thay đổi, vì thế họ đã không được nhập cảnh vào VN. Cô gọi đó là những người tù bên ngoài biên giới. Với lối trình bày dí dỏm và giản dị, mặc dù chỉ qua video thu sẵn, tác giả Phạm Thanh Nghiên đã thu phục được cảm tình và sự cảm mến của toàn thể đồng hương tham dự, thể hiện bằng những tràng pháo tay không dứt khi phần chiếu hình vừa kết thúc. Trong phần phát biểu cảm tưởng sau đó, nhà báo Huỳnh Lương Thiện, chủ nhân Báo Mõ San Francisco đã nhiệt liệt hoan nghênh việc Hội Phụ Nữ Âu Cơ đứng ra tổ chức giới thiệu quyển hồi ký của blogger Phạm Thanh Nghiên. Ông nói, “tôi rất cảm động, cảm phục và cảm mến khi đọc tác phẩm này. Mặc dầu cô sanh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản, nhưng cô đã tự phấn đấu để không bị tuyên truyền, không bị là công cụ của chế độ, cô đã chiến đấu để trở thành một chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền rất đáng cảm phục”. Tiếp đó, bác sĩ Trần Công Luyện, đã kêu gọi đồng hương tích cực hỗ trợ cô Phạm Thanh Nghiên bằng cách quảng bá rộng rãi tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt, vì “ngoài việc yểm trợ cá nhân cô, đây còn là dịp quảng bá để người ngoại quốc, cũng như con em không rành tiếng Việt, biết rõ được sự dã man, vô nhân tính của chế độ CSVN”.


Video tác giả Phạm Thanh Nghiên tâm tình cùng độc giả.
Xen kẽ trong các phần trình bày trên là chương trình văn nghệ do Ban Văn Nghệ Văn Lang với các thầy cô giáo thuộc Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang San Jose phụ trách, đã làm cho không khí của hội trường thêm sôi nổi, các quan khách cùng vỗ tay hòa theo lời ca tiếng hát qua hai bài hát “Vẫn Còn Đây Các Con Của Mẹ” và “Hát Cho Ngày Sài Gòn Quật Khởi”, đều là những sác tác của ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh. Cuối chương trình, cô Minh Nguyệt đại diện Ban Tổ Chức lên ngỏ lời cảm tạ quý quan khách và thân hữu đã dành cho tác giả, blogger Phạm Thanh Nghiên những ưu ái đầy cảm kích. San JoseBuổi ra mắt tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt kết thúc lúc 4 giờ chiều cùng ngày sau phần quan khách dùng tiệc trà thân mật và hàn huyên trò chuyện cùng nhau. Được biết, Hội Phụ Nữ Âu Cơ được thành lập từ năm 2010 với tôn chỉ bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Việt, yểm trợ Phong Trào Dân Chủ tại Quốc Nội và Hải Ngoại, hỗ trợ các anh thư nước Việt can đảm đứng lên đòi hỏi dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam, và cứu giúp những phụ nữ bất hạnh và bị ngược đãi do các tệ nạn buôn người, làm gái mãi dâm hay làm nhân công nước ngoài. Hội hiện có các chi hội trên nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ, cũng như tại Canada, Pháp và Úc Châu. Ngoài địa phương Bắc California, Hội Phụ Nữ Âu Cơ còn tổ chức các buổi ra mắt tác phẩm Những Mảnh Đời Sau Song Sắt tại một số thành phố khác như Denver, tiểu bang Colorado, tại Dallas và Houston, tiểu bang Texas, cũng như tại Paris và có thể tại Đức quốc trong những ngày tháng tới.

Tường trình: Minh Nguyệt
Hình Mỹ Lợi


Quý vị muốn mua sách "Những Mảnh Đời Sau Song Sắt" của Phạm Thanh Nghiên, với giá $25 Mỹ kim, xin liên lạc với: 
Tủ Sách Tiếng Quê Hương, 
P.O Box 4653 Fall Church - VA 22044. 
Email: uyenthaodc@gmail.com 
hoặc uyenthao174@yahoo.com
Sách giao tận nhà, thêm lệ phí Bưu Điện là $3 Mỹ kim tại Hoa Kỳ hoặc $10 Mỹ kim ngoài Hoa Kỳ. Check Money Order xin ghi trả cho: VLAC/Tiếng Quê Hương.

Mời quý vị bấm xem video buổi giới thiệu hồi ký 4 năm tù 
của blogger Phạm Thanh Nghiên


Một vài hình ảnh buổi giới thiệu hồi ký 4 năm trong tù Việt Cộng của phạm Thanh Nghiên
Nhà báo Huỳnh Lượng Thiện đang phát biểu

Quan khách trong hội trường

Quan khách trong hội trường

Ban tiếp tân