Matt Mahan

ads header

Breaking News

Phim VIETNAMERICA được đón chào nồng nhiệt tại Úc Châu


Phim VIETNAMERICA Được Đón Chào Nồng Nhiệt Tại 9 Thành Phố Úc Châu Và Tân Tây Lan

•  VIETNAMERICA, món quà cuối năm 2017 đầy ý nghĩa dành cho đồng hương vùng Nam Bán Cầu
•  Thăm để biết sự thành công và hữu hiệu của Tổ chức Cộng Đồng Liên Bang Úc
•  Vận động để đưa VIETNAMERICA vào các trường học và thư viện tại Úc và Tân Tây Lan

 * Bản tin của hội VAHF (Hình ảnh của Phúc An, Nhân Nguyễn & Bùi Ngọc Triển)

LTG: Đáp ứng lời mời của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc, hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) đã thực hiện một vòng trình chiếu phim VIETNAMERICA tại 9 thành phố tại Úc và Tân Tây Lan với sự hỗ trợ nhiệt tình của Cộng Đồng các tiểu bang Úc, Tân Tây Lan và một số ân nhân tại đây. Để ghi lại những buổi gặp gỡ hiếm hoi giữa một tổ chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục và văn hóa tại Hoa Kỳ và đồng hương tại Úc qua chuyến trình chiếu phim đặc biệt này, một số người trong đoàn chiếu phim đã cùng nhau ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe, những cảm xúc và tâm tình của họ về chuyến đi hầu chia xẻ với đồng hương khắp nơi về một cộng đồng đầy sức sống với những thành quả tốt đẹp của cá nhân cũng như đoàn thể khiến người bản xứ phải kiêng nể, kính phục. Chuyến đi dài hơn 3 tuần lễ nên chúng tôi xin chia bút ký này thành nhiều bài để bạn đọc tiện theo dõi.

                                                                             Bài I

Chuyến bay UA916 của hãng hàng không United Air cất cánh vào lúc 4:30 chiều ngày 18 tháng 12, 2017 từ phi trường Auckland, cựu thủ phủ của nước Tân Tây Lan chấm dứt vòng trình chiếu phim VIETNAMERICA tại 9 địa điểm; gồm 8 thành phố thuộc 4 tiểu bang Úc Châu và thành phố Auckland, nước Tân Tây Lan, kéo dài hơn 3 tuần lễ của 11 thành viên và thân hữu hội Bảo Tồn Lịch Sử Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt còn được gọi tắt là hội VAHF, với mục đích giới thiệu tới đồng hương vùng Nam bán cầu những trang sử trung thực về chiến tranh Việt Nam và hành trình tìm tự do của người Việt tị nạn.

Những lo ngại ban đầu

Phim VIETNAMERICA đã được chọn vào 15 Đại hội Điện ảnh, thắng 5 giải quốc gia và quốc tế và được chọn trình chiếu tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông và Quốc Hội Hoa Kỳ, mới đây được hệ thống Thư viện Hoa Kỳ chọn là phim tài liệu hay nhất trong năm 2017. Tuy đã lần lượt được ra mắt khán giả của 17 thành phố tại Hoa Kỳ và Canada và được chào đón thật tích cực trong hơn 2 năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên cuốn phim được đem tới trình chiếu cho khán giả tại Úc Châu và Tân Tây Lan dưới sự bảo trợ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu và sự hỗ trợ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại các địa phương. Cả Ban Tổ chức lẫn đoàn chiếu phim đã khá hồi hộp vì chưa biết sự đón nhận của khán giả tại vùng Nam bán cầu ra sao?

Sự đón tiếp ân cần của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc

Đón phái đoàn chiếu phim VIETNAMERICA tại địa điểm đầu tiên là phi trường Melbourne thuộc tiểu bang Victoria vào sáng 28 tháng 12, 2017. Bốn thành viên của Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria gồm chị Phúc An, nhà báo Nhân Nguyễn, chị Hoàng Ái Chi, và anh Tư Đại với 2 chiếc xe van chở hành khách và 16 thùng, va ly chứa dụng cụ, hành lý, chưa kể xách tay nên công việc đón tiếp không chỉ những bắt tay ân cần và những nụ cười niềm nở, mà còn cần cả sức lực và mồ hôi cho một lượng hành lý đáng kể này.

Từ phi trường Melbourne tới khách sạn Quest tọa lạc trong khu trường đua ngựa nổi tiếng vào bậc nhất của thành phố, do Ban Chấp hành Cộng đồng Victoria đặt thuê cho phái đoàn. Khung cảnh thành phố vào buổi sáng thật vui mắt. Dù đang là những ngày tháng cuối năm, nhưng tại Úc Châu, đang là cuối mùa xuân đầu mùa hạ, không khí mát mẻ, cây cỏ xanh tươi và hoa đủ màu nở rộ khiến các anh chị trong phái đoàn cảm thấy thoải mái sau hơn 20 giờ đồng hồ của hai chuyến bay từ Texas hay New Orleans tới Los Angeles rồi trên 15 tiếng đồng hồ từ LA đến Melbourne. Thành phố với nhiều dinh thự không cao lắm nhưng có khá nhiều công viên tươi mát với những hàng cây phượng tím thơ mộng- phượng tím là loại hoa chùm màu tím có thân và lá hao hao giống cây phượng vĩ đỏ , và cây bạch đàn là loại cây thiên nhiên của địa phương mọc khắp nơi. Nhà báo Nhân Nguyễn và vợ là chị Hoàng Ái Chi báo trước khí hậu “bốn mùa trong một ngày” của Melbourne và nhắc nhở phái đoàn chuẩn bị xiêm y để ứng phó.

Trong khi mọi người ngắm thành phố, các anh Ngọc Long, John Hòa và Bùi Triển là 3 người đã nhận trách nhiệm lân đổi lái xe cho đoàn khi cần đang chú tâm vào việc lái xe phía tay trái và bánh lái nằm bên phải của xe . Chị Phúc An, với nghề nghiệp là Thầy dạy lái xe với nhiều chục năm kinh nghiệm vừa lái xe chở phái đoàn, vừa mở một lớp cấp tốc dạy lái xe phía tay trái và luật đi đường của Úc cho 3 học viên.

Hình trái: Phái đoàn chiếu phim được Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự Do Victoria đón tại phi trường Melbourne; từ trái chị Long Nguyễn (Austin), chị Từ Vân (New Orleans), chị Lily Quỳnh Hoan (Houston), Tiến sĩ Đặng Thiệu (Houston), ca sĩ Ngọc Long (Austin), nhà sản xuất Nancy Bùi (Austin), chị Hoàng Ái Chi (Melbourne) , anh Bùi Triển (Austin), chị Phúc An (Melbourne). Hình phải: Cổng Chào Sài Gòn tại Khu Footscray, Victoria.
Những dấu tích thành công của người Việt tại Victoria

Phái đoàn đã được đưa đi thăm khu chợ Sài gòn với Cổng Chào Sài Gòn hình 2 con hạc đẹp và đầy nghệ thuật được khánh thành vào năm 2015 sau 4 năm dài vận động với nhiều khó khăn để có đủ ngân khoản; gồm có: $350,000 của Hội Đồng Thành Phố Maribyrnong, $420,000 từ Bộ Đa Văn Hóa Sự Vụ Victoria (dưới thời Chính Phủ Tự Do), $200,000 của Cộng đồng Người Việt, Victoria . Hàng nhiều chục cửa hàng từ tiệm ăn, tiệm thuốc tây, chợ, văn phòng Bác sĩ, Nha sĩ, khai thuế…san sát nhau. Ở đây người bán kẻ mua phần đông là người Việt, nói tiếng Việt. Theo lời chị Phúc An thì khu này vừa mới xảy ra một trận hỏa hoạn và đường xá đang trong thời gian được sửa nên sự sầm uất ít nhiều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, chợ Sài Gòn đang được xây cất trở lại với quy mô lớn hơn với những con đường đang được nới rộng ra, khi hoàn tất chắc chắn khu thương mại người Việt này sẽ phồn thịnh trở lại.

Phái đoàn sau đó đã được chị Phúc An hướng dẫn đi thăm Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt tại Kevin Wheelahan Gardens - Sunshine – Victoria, đang trong những ngày hoàn tất. Công viên tọa lạc ngay trong khu trung tâm thành phố. Đất do chính quyền thành phố cấp, kinh phí xây cất trên $300,000 Úc Kim do chính đồng hương tại Úc quyên góp và cộng đồng đã từ chối sự giúp đỡ của chính quyền thành phố vì muốn sự vinh danh và tri ân mang ý nghiã đích thực từ tấm lòng và tiền túi của người Việt gửi tới những chiến sĩ Úc Việt đã hy sinh mạng sống để đồng hương tại Úc có cuộc sống tự do, no ấm ngày hôm nay. Ngay trung tâm của công viên là một bia đá đen cao khắc bốn chữ vàng lớn trang trọng “Tổ Quốc Ghi Ơn”, mặt trước, có 5 tấm bia thấp sắp theo hình rẻ quạt, khắc chân dung của 5 vị tướng VNCH đã tuẩn tiết khi miền Nam thất thủ. Bên trái là những bia đá lớn khắc tên của 521 binh sĩ Úc tử trận trong chiến tranh Việt Nam, bên phải là những tảng đá có bản đồ Nước Nam Việt Nam với những địa điểm đóng quân của binh sĩ Úc và trận đánh Long Tân tại núi Đất, nơi hơn 100 chiến sĩ Úc đã chiến đấu anh dũng trước sự tấn công của khoảng 2,000 quân Bắc Việt. Trên cao là những hàng cây dương, cây bạch đàn cao ngất, phía dưới là thảm cỏ và hoa viên tô điểm cho vẻ đẹp đầy an tĩnh của công viên.  Khi hoàn tất,  hai lá cờ Úc và cờ VNCH sẽ được bay phất phới liên tục và vĩnh viễn tại đây để vinh danh những người đã chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng tự do của hai quốc gia. Tin mới nhất, công viên này đã được đại diện chính quyền Úc, Cựu chiến binh Úc và Cộng Đồng Người Việt Tự Do long trọng cắt băng khánh thành ngày 16 tháng 12 vừa qua, đánh dấu thêm một thành công lớn của Cộng Đồng Người Việt Úc Châu về mặt bảo tồn lịch sử và văn hóa đã được ghi dấu vĩnh viễn tại đây cho thế hệ hôm nay và mai sau biết đến. Việc hoàn thành công viên này còn tạo một tiếng nói lớn mạnh và uy tín của cộng đồng người Việt trước chính giới và truyền thông Úc.

Được biết, đây là một trong những dự án do CĐ Người Việt Tự Do tại Victoria đề ra vào năm 2015 trong chương trình đánh dấu 40 năm người Việt tỵ nạn định cư tại Úc, lúc bấy giờ ông Nguyễn văn Bon là Chủ Tịch và cô Phượng Vỹ, Phó Chủ Tịch. Chúng tôi xin đính kèm Link với bài viết đăng trên Website: Người Việt Ly Hương Úc Châu để quý độc giả theo dõi:
(http://www.lyhuong.net/uc/index.php/shcd/3956-3956)

Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt tại Kevin Wheelahan Gardens - Sunshine – Victoria trong ngày cắt băng khánh thành 16 tháng 12, 2017
Buổi tối, Cộng đồng Liên Bang Úc với Phó chủ Tịch Nguyễn Thế Phong thiết đãi phái đoàn bữa cơm tối thân mật tại nhà hàng Nhị Nương, với phần giúp vui văn nghệ của hai cô chủ quán Nhất Nương và Nhị Nương và sự đóng góp nhiệt tình của ca sĩ Ngọc Long đã khiến buổi gặp mặt thật vui tươi, đầm ấm, và đầy cảm thông. Ngày hôm sau, phái đoàn được anh chị Bé Hà đãi một bữa chả cá, cánh gà chiên bơ thật thịnh soạn tại tư gia trước giờ chiếu phim.

Phim VIETNAMERICA được đón chào nồng nhiệt ngoài dự liệu

Buổi chiếu phim đầu tiên tại Úc Châu được tổ chức tại Springvales Town Hall thuộc phía Đông của thành phố Melbourne vào lúc 6:30pm ngày thứ Tư, 29 tháng 11, 2017. Dù là ngày thường, nhưng với gần 400 người tham dự, được coi là con số kỷ lục. Trong hàng quan khách, chúng tôi ghi nhận có thị trưởng Youhorn Chea, người Úc gốc Kampuchia, 3 nghị viên thành phố Greater Dandenong, Ban Chấp hành Cộng đồng Người Việt Tự Do Liên Bang Úc Châu với ông chủ tịch Nguyễn Văn Bon, Phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong làm MC lời lẽ thật khéo léo và đầy kinh nghiệm, cô Phượng Vỹ, chủ tịch và Ban Chấp Hành Cộng Đồng tiểu bang Victoria, cùng đại diện tôn giáo, một số hội đoàn Việt, Úc.

Buổi chiếu phim VIETNAMERICA đầu tiên tại Úc đã diễn ra tại Springvale City Hall, phía đông của thành phố Melbourne. Hình trái Poster của buổi chiếu phim. Hình giữa: mặt tiền của City Hall. Hình phải từ trái:John Hòa Nguyễn, Tú Vân, Long Nguyễn, Triển Bùi, Nancy Bùi, Thị trưởng Youhorn Chea, chủ tịch Cộng đồng Liên Bang Úc Nguyễn Văn Bon, ca sĩ Ngọc Long, Lily Quỳnh Hoan. Tiến sĩ Đặng Thiệu, chủ tịch Cộng đồng tiểu bang Victoria, Nguyễn Phượng Vỹ.
Sau phần nghi lễ chào cờ Việt-Úc, Ông Chủ tịch Nguyễn Văn Bon đã khai mạc buổi chiếu phim bằng bài diễn văn ngắn gọn, chân thành và súc tích. Ông cho biết lý do cũng như cơ duyên khiến cho Cộng Đồng Liên Bang mời hội VAHF đưa cuốn phim đến Úc là vì sự quan tâm của Cộng Đồng trong việc gìn giữ những trang sử trung thực của người tị nạn Việt Nam trước sự tuyên truyền giả dối của CSVN và nhóm phản chiến, một điều mà mọi người Việt Nam dù ở nơi nào trên thế giới cũng quan tâm, đặc biệt là cho giới trẻ biết đâu là sự thật và những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để cho các em được có đời sống tự do. Do đó, vào tháng 5 năm 2017, khi ông và Phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong đến Hoa Kỳ tham dự Hội nghị Quốc Tế về Thảm họa Formosa tại Hoa Thịnh Đốn, hai người đã gặp nhà sản xuất Nancy Bùi và qua sự giới thiệu của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, vòng trình chiếu phim VIETNAMERICA tại Úc Châu và Tân Tây Lan được thành hình với sự bảo trợ của một số thân hào nhân sĩ, thương gia và của Cộng Đồng các tiểu bang tại Úc.

Phó Chủ Tịch Nguyễn Thế Phong cùng với quan khách cử hành Lễ chào cờ Việt-Úc

Thị trưởng Youhorn Chea chúc mừng buổi chiếu phim. Ông chia xẻ: vì cũng là người tị nạn CS, ông tùng chứng kiến thảm cảnh người Việt cùng người Kampuchia phải chạy trốn ra sao. Ông hy vọng rằng cuốn phim sẽ ghi lại những sự thật về người tị nạn tại Đông Dương cho thế giới được biết.
Giới thiệu Thư Khố Điện Tử của Hội VAHF

Nhà sản xuất Nancy Bùi đã thay mặt hội và đoàn chiếu phim cám ơn Ban Tổ chức và quan khách. Bà trình bày sơ lược về lý do thành lập cũng như mục đích của hội VAHF trong gần 14 năm qua nhắm chỉnh sửa những trang sử sai sót, bị bóp méo, xuyên tạc về chiến tranh Việt Nam, về người Việt tị nạn. Lấy môi trường học đường để bắt đầu, Hội đã và đang hợp tác với các Đại học Texas tại Austin, Rice University tại Houston, Texas Tech tại Lubbock và Đại học California Irvine để cung cấp tài liệu cho các lớp học trong ngành Người Mỹ Gốc Á Châu, và giúp các sinh viên thực hiện những cuộc phỏng vấn cha mẹ, ông bà, người thân hay người trong cộng đồng qua chương trình Oral History để ghi chép bằng phim ảnh những kinh nghiệm của họ. Cuốn phim VIETNAMERICA được hình thành từ chương trình này. Thiện nguyện viên của Hội đã cùng với sinh viên của các Đại học nói trên cho đến hôm nay đã thực hiện được trên 700 cuộc phỏng vấn và đã và đang được đưa vào thư khố điện tử qua địa chỉ trang mạng: http://vietdiasporastories.omeka.net/

Bà mong mỏi cuốn phim sẽ giúp trong việc soi sáng lịch sử để thế giới hiểu được sự thật để thông cảm và nhất là để giới trẻ Việt Nam thương yêu và hãnh diện về nguồn gốc của mình. Cuốn phim cũng được sản xuất với mục đích ghi nhận những gúp đỡ và hy sinh của các quốc gia đã giúp Nam Việt Nam chiến đấu bảo vệ tự do cũng như giang rộng vòng tay đón người tị nạn sau khi miền Nam thất thủ. Bà cũng tâm sự rằng với thời lượng 90 phút, cuốn phim sẽ không thể nào bao gồm hết được những sự kiện quan trọng của 75 năm lịch sử mà chỉ có thể đặt trọng tâm vào lý do, diễn tiến, kết thúc của cuộc chiến tranh, và hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt của người tị nạn. Bà tỏ ý mong mỏi khán giả sau khi xem phim sẽ dành cho bà và đoàn làm phim những câu hỏi để đóng góp thêm ý kiến.

Nhà sản xuất Nancy Bùi nhân dịp này cũng đã giới thiệu 8 thành viên có mặt trong chặng đầu của chuyến đi; những người  đã hy sinh thời giờ cũng như tiền bạc để thực hiện chuyến đi gồm Tiến sĩ Đặng Thiệu, trưởng Ban Nghiên cứu, chị Lily Quỳnh Hoan Tạ, Ban Phỏng vấn, anh John Hòa, trưởng Ban liên lạc, chị Từ Vân, Ban yểm trợ, ca sĩ Ngọc Long, Ban văn nghệ và kỹ thuật, chị Long Nguyễn, Ban kỹ thuật và yểm trợ, anh Bùi Triển, phu quân của nhà sản xuất Nancy Bùi đặc trách kỹ thuật.

Nhà sản xuất Nancy Bùi  (phải) giới thiệu phái đoàn chiếu phim đến từ Hoa kỳ

Hình trái: từ trái: Tiến sĩ Đặng Thiệu, anh John Hòa Nguyễn và chủ tịch Nguyễn Phượng Vỹ chuẩn bị tặng plaque tri ân. Hình phải: Tiến sĩ Đặng Thiệu tặng plaque cho chủ tịch Nguyễn Văn Bon
Anh chị Tom Vũ và ca sĩ Ngọc Long đã phụ trách việc chiếu phim. Khán giả đã im lặng theo dõi cuốn phim từ đầu đế cuối. Khi đèn bật sáng, nhiều đôi mắt vẫn còn ướt vì xúc động. Cuốn phim khiến mọi người gần gũi, cảm thông nhau hơn vì nó đã nhắc nhở cho mọi người dù người Việt tị nạn có ở nơi đâu, chúng ta đã đến từ một nguồn gốc, cùng gánh chịu bao đau thương, mất mát vì hai chữ tự do, khiến Ban Tổ Chức và đoàn chiếu phim như trút bỏ được nỗi lo ban đầu là không biết khán giả Úc sẽ đón nhận cuốn phim ra sao?

Vận động đưa phim VIETNAMERICA vào học đường và thư viện tại Úc

Phần đặt câu hỏi và trả lời cũng khá sôi nổi. Có thể nói không khác gì khán giả tại Mỹ và Canada, nhìn chung, giới trẻ và người bản xứ rất xúc động và bày tỏ sự mang ơn những người làm cuốn phim đã cung cấp cho họ những thông tin mới mẻ, những cảnh người thật, việc thật sống động trong phim đã thu hút được họ. Họ hiểu hơn về lý do của cuộc chiến tranh tự vệ của người miền Nam Việt Nam và nhìn tận mắt hành trình tìm tự do đầy máu và nước mắt của người Việt Tị Nạn. Đã có những ý kiến đề nghị vận động đưa cuốn phim vào thư viện và các trường học tại Úc để giới trẻ và khán giả người Úc được hiểu biết thêm. Ông chủ tịch Cộng đồng Liên Bang Nguyễn Bon, cô chủ tịch Cộng đồng Victoria Phượng Vỹ đã ghi nhận ý kiến này và sẽ có những vận động trong những ngày tháng tới. Với với một số khán giả lớn tuổi đã từng sống và có nhiều kinh nghiệm với cuộc chiến tranh thì thường muốn cuốn phim thêm nhiều chi tiết hơn nữa.

Hình trái: Một vị cao niên đạt câu hỏi cho nhà làm phim. Hình phải: giới trẻ tham gia đông đảo.
Một ngày  có bốn mùa tại Melbourne

Ngày hôm sau 30 tháng 11, chị Phúc Anh dã đưa phái đoàn đi xem thành phố và sở thú của Melbourne để xem kangaroo, con vật biểu tượng cho úc Châu. Sở thú được xây dựng như một khu rừng với những cây cỏ và khung cảnh thích hợp cho từng loài thú nên rất đẹp và mát. Chuồng Kangaroo nằm gần cuối sở thú. Những con Kangaroo không lớn lắm đang trốn trong chuồng và chỉ ló một phần ra ngoài nên việc chụp hình hơi khó khăn. Ngày hôm ấy cũng là ngày đoàn chiếu phi được thưởng thức khí hậu 4 mùa trong một ngày của Melbourne. Buổi sáng mới đến khu sở thú khoảng 9 giờ, nhiệt độ mát mẻ, gió xuân hiu hiu, mọi người tấm tắc khen thời tiết đẹp. Buổi trưa khi đang đứng trước chuồng voi thì nhiệt độ trở nên nóng bỏng, không khí thật khô làm da nóng rát. Khi chiếc xe của chị Phúc An đến đón phái đoàn thì mọi người đang thở phì phò vì nóng. Khi lên xe và được chở vào thành phố thì cơn mưa đột nhiên kéo đến, nhiệt độ xuống thấp nhanh đến độ không nhận ra. Không khí của mùa thu đã hiện diện. Nhưng sau đó phái đoàn ghé chợ để mua một số vật dụng cần thiết, vừa ra khỏi chợ, thì khí lạnh đã ào đến, cộng vào cơn mưa chưa dứt, khiến cảnh mùa đông lạnh giá co ro đang xảy ra trước mắt. Chị Phúc An giải thích: “cảnh 4 mùa trong một ngày cũng thường xảy ra nên việc sửa soạn trang phục cho một ngày ở đây lắm khi cũng rất khó”.

Đền Thờ Quốc Tổ và Tượng Đức Thánh Trần do Cộng Đồng Seatle tặng

Buổi chiều hôm đó, phái đoàn được chị Phúc An chở đi thăm Đền thờ Quốc Tổ và được các chị trong Ban Chấp hành Cộng Đồng Victoria mời bữa cơm thân mật với những món ăn ngon được chính tay các chị nấu. Một chương trình văn nghệ bỏ túi với sự góp tiếng hát của các ca sĩ chuyên nghiệp và tài tử như ca sĩ Ngọc Long, chí Hoàng Ái Chi, chị Quỳnh Hoan và đặc biệt ông chủ tịch trẻ Nguyễn Bon cũng đã đóng góp một bản đơn ca rất có giọng và nhiều triển vọng.

Đền thờ quốc Tổ là một cơ sở do chính Cộng Đồng Victoria xây dựng. Bắt đầu từ thời ông Nguyễn Thế Phong còn làm chủ tịch. Lúc đó Cộng đồng mua nhà kho trên một miếng đất nhỏ rồi được trùng tu và  nới rộng ra khi Cộng đồng Victoria mua thêm lô đất kế bên. Cho đến hôm nay thì Đền thờ Quốc Tổ khá khang trang với sức chứa trên 400 người cùng với bãi đậu xe. Ông Nguyễn Thế Phong giới thiệu tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo đang được đặt ngay khuôn viên phía trước cột cờ với hoa viên nhỏ xinh xắn. Bức tượng của Đức Trần Hưng Đạo bằng đá hoa cương mầu trắng xám do Cộng đồng Người Việt Tự Do tại thành phố Sealttle thuộc tiểubang Washington, Hoa Kỳ tặng vừa được chuyên chở về đây vào trung tuần tháng 10, 2017 còn trong thùng gỗ và đang chờ được định vị vào ngày 19 tháng 1, 2018 sắp tới.

Hình trái: Phái đoàn chiếu phim chụp hình kỷ niệm với Ban Chấp hành Cộng đồng Liên Bang Úc và tiểu bang Victoria trước Đền Thờ Quốc Tổ. Hình phải: Đoàn chiếu phim chụp hình trước tượng Đức Thánh Trần, do Cộng đồng Sealtle tang, còn nằm trong thùng gỗ chờ ngày định vị.
Trong Đền thờ, tượng Đức Thánh Trần bằng đồng được đặt tại bàn thờ chính, tượng của các vị anh hùng dân tộc kể cả năm vị tướng VNCH tuẩn tiết, Cựu Thủ Tướng Malcom Fraser, vị Đại Ân Nhân của người Việt  Úc Châu, là người đã thay đổi chính sách di trú của Úc và đã đón nhận gần 56, 000 Người Việt tỵ nạn trong thời gian ông làm Thủ Tướng, một số chiến binh Úc tử trận tại Việt Nam, một số anh hùng hi sinh trong cuộc đấu tranh chống cộng như Trần Văn Bá, Hoàng Cơ Minh, Ngụy Văn Thà… cũng được thờ ở đây khiến người thăm như chứng kiến được dòng lịch sử dựng nước và cứu nước của dân tộc Việt Nam và lịch sử người Úc gốc Việt. Ông phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong cho biết Cộng Đồng đang thiết lập một thư khố điện tử để thu thập thêm những tài liệu để giới thiệu Đền thờ Quốc Tổ tới độc giả khắp thế giới trên mạng internet.

Buổi chiếu phim thứ hai tại Victoria với sự điều hành của giới trẻ
Cuộc gặp gỡ hi hữu của Ban Đại Diện trại tị nạn Galang

 Buổi chiếu phim thứ hai tại Đền thờ Quốc Tổ của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria vào lúc 6:30 chiếu ngày 1 tháng 12, 2017, thuộc phía Tây còn được gọi là khu Footscray của thành phố Melbourne, nơi có đông đảo người Việt sinh sống. Ban tổ chức đã lo ngại cơn bão và mưa giông được đài khí tương khẩn báo là sẽ là cơn bão nặng nhất trong 20 năm qua. Buổi sáng mây đen kéo vần vũ và mưa nặng hạt. Nhưng may mắn vào khoảng giữa trưa mưa tạnh. Buổi chiều mây đen lại kéo tới nhưng chỉ lất phất mưa, đồng hương đến đông đảo khiến nhiều người không có chỗ ngồi phải đứng để xem phim.

Ông chủ tịch Nguyễn Văn Bon, phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong của Cộng Đồng Liên bang cùng với cô chủ tịch Phượng Vỹ và Ban Chấp hành cộng đồng tiểu bang Victoria là những người trẻ thuộc thế hệ một rưỡi hay là thế hệ thứ hai đều có mặt. Hai MC trẻ thuộc thế hệ thứ hai: Angie Bùi và Timothy Đinh đã hướng dẫn phần khai mạc với nghi lễ chào cờ và phát biểu của quan khách thật linh động bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Quan khách gồm một số cựu chiến binh Úc từng tham chiến tại VN, cô Trương Việt Hương, một người trẻ vùa trúng cử làm dân biểu (Đảng Xanh) của Quốc Hội Victoria, LM Hoàng Kim Huy, là một cựu thuyền nhân, đại diện một số hội đoàn, và đồng hương sinh sống tại phía Tây của thành phố.

Một cuộc gặp gỡ hi hữu đã xảy ra trong buổi chiếu phim này: Tiến sĩ Đặng Thiệu từng là trưởng trại của trại tị nạn Galang vào năm 1980-1981 đã bất ngờ gặp cả ông Phó Chủ tịch, ông Trưởng Phòng Trật Tự, và Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Sinh Hoạt Thanh Thiếu Niên tại đây. Họ mừng vui bắt tay nhau chia sẻ những câu chuyện năm xưa rồi chụp hình kỷ niệm.

Hình trái: LM. Hoàng Kim Huy phát biểu trước quan khách. Hình phải. Tiến sĩ Đặng Thiệu (thứ hai từ trái) cùng với nhà sản xuất Nancy Bùi (thứ hai từ phải) chụp hình với Ban Đại Diện trại Tị Nạn Galang năm 1980-1981.
Vì sao người Việt chống Cộng

LM. Hoàng Kim Huy là diễn giả chính đã phát biểu về sự quan trọng của việc tìm hiểu lịch sử để hiểu đâu là sự thật. Bằng giọng nói đầy xúc động, LM. Huy chia sẻ: là một thuyền nhân lúc mới 10 tuổi, Linh mục không hiểu nhiều về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng khi đi tìm hiểu và chứng kiến cảnh vượt biên của những người phải bỏ nước ra đi vì không thể sống với CS tàn ác, cũng như những vi phạm nhân quyền liên tục của nhà nước CSVN, đã khiến Linh mục trở thành một người chống cộng triệt để.

Hính trái: Hai MC trẻ Angie Bùi và Timothy Đinh giới thiệu chương trình cho buổi chiếu phim tại Đền Thờ Tổ Quốc. Hình phải: Khán giả trẻ tham gia đông đảo.
Buổi thảo luận hỏi đáp đã do MC phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong điều hợp với sự góp mặt của nhà sản xuất Nancy Bùi, Tiến sĩ Đặng Thiệu, Dân biểu mới đắc cử Trương Việt Hương đã giải đáp một số thắc mắc của khán giả, Nhìn chung mọi người cám ơn nhà làm phim đã nói lên được quan điểm về cuộc chiến tranh Việt Nam qua kinh nghiệm của người Việt Nam, phim đem đến những hình ảnh đau thương của cuộc trốn chạy tìm tự do và những thành công của người Việt tại Mỹ. Một số ý kiến khác muốn cuốn phim nói thêm tội ác CS. Nhà sản xuất Nancy Bùi giải thích ngoài vấn đề thời lượng không cho phép, cuốn phim còn làm với mục đích đưa vào học đường nên những cảnh quá mạnh bạo đã phải bỏ bớt đi thì cuốn phim mới dùng trong lớp học được. Bà hi vọng nếu có phương tiện để làm phim VIETNAMERICA thứ 2, thứ 3… như phim The Vietnam War dài 18 tiếng gồm 10 tập mới có thể đưa hết những dữ kiện lịch sử dài 75 năm

Hình trái: Chủ tịch Nguyễn Phượng Vỹ khuyến khích người trẻ đặt câu hỏi. Hình phải: thuyết trình đoàn từ trái LM. Hoàng Kim Huy, phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong, điều hợp uổi thảo luận, Tiến sĩ Đặng Thiệu, nhà sản xuất Nancy Bùi, và Dân biểu Trương Việt Hương.
Buổi chia tay tiếc nuối những ngày vui ngắn ngủi

Sáng mùng 2 tháng 12, trước khi đoàn chiếu phim rời phi trường Melburne để đi Adelaide bằng hãng máy bay Virgin Australia, Ban Chấp hành Cộng Đồng Victoria gồm chủ tịch Nguyễn Phương Vỹ, chị Phúc An, nhà báo Nhân Nguyễn, chị Hoàng Ái Chi, anh Tư Đại và còn nhiều anh chị đến đưa tiễn và đãi phái đoàn một bữa phở, món phở của Châu Úc với thịt bò ngon nổi tiếng và bánh phở tươi nên hương vị không khác gì tô phở Sài gòn ngày xưa. Buổi chia tay bịn rịn như còn tiếc nuối những ngày vui ngắn ngủi, mọi người cám ơn nhau và hẹn ngày tái ngộ. Chị Phúc An và anh Tư Đại chở đoàn chiếu phim ra tận phi trường. Chị Phúc An còn cho số điện thoại của thân hữu tại Adelaide và chiếc iphone cũ có SIM của Úc để dễ liên lạc. Ông chủ tịch Nguyễn Văn Bon gọi điện thoại nhắn nhủ từng bước. Ông có chút lo ngại vì  Cộng đồng Adelaide vừa có Tân Ban Tân Chấp Hành vừa nhậm chức chưa đầy 2 tuần lễ. Tấm thịnh tình chăm sóc và lo lắng của những người bạn mới gặp nhưng như đã hiểu nhau từ thuở nào khiến các anh chị trong đoàn chiếu phim thật ấm lòng.

Buổi tiệc thân mật do các chị trong Ban Cáp hành Cộng đồng Victoria khoản đãi tại Đền Thờ Quốc Tổ. Từ trái: Đông đảo quý chị tham gia, nhà báo Nhân Nguyễn và ca sĩ tãi tử Hoàng Ái Chi, Lily Quỳnh Hoan, chủ tịch Nguyễn Văn Bon đang trình bày bản nhạc với ca sĩ Ngọc Long đệm đàn và sự cổ võ của phu nhân ông chủ tịch, và phó chủ tịch Nguyễn Thế Phong.
(Xin xem tiếp Bài Số 2: Phim VIETNAMERICA trình chiếu tại Adelaide, vườn thượng uyển của Úc Châu)

Xin đính kèm một số Link của truyền thông Úc châu đưa tin về vòng trình chiếu phim VIETNAMERICA tại Úc Để kính tường:

Đài SBS phỏng vấn nhà sản xuất Nancy Bùi:
http://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/audiotrack/vietnamerica-cuon-phim-cac-he-va-tat-ca-nhung-nguoi-yeu-chuong-tu-do-phai-xem?language=vi

https://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/vi/audiotrack/du-3-nam-bao-ton-van-hoa-lich-su-viet?language=vi

Phóng sự của đài SBTN về buổi trình chiếu tại Wollongong và Sydney:
https://www.youtube.com/watch?v=k31cpJS1JWM

Bài tường thuật của Đài TVTS online
https://tvtsonline.com.au/vi/tv_online/hoi-vahf-chieu-phim-vietnamerica-tai-7-thanh-pho-uc/