Matt Mahan

ads header

Breaking News

Lễ Khánh thành Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt


Buổi lễ Khánh thành Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt tại Kevin Wheelahan Gardens, Sunshine, Victoria
Nguồn: lyhuong.net

"Đối với người Việt Nam, sự biết ơn không phải là một sự lựa chọn, nó là một nghĩa vụ trong cuộc sống" (For a Vietnamese person, gratitude is not an option, it’s an obligation in life) là một lời phát biểu chứa đựng cái đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của người Việt đã được ông Nguyễn Thế Phong nhấn mạnh trong buổi Lễ Khánh thành, và chính cái đạo lý ấy đã đưa đến sự hình thành của Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc-Việt cũng còn được gọi là Tượng Đài Chiến Tranh Việt Nam - Vietnam War Memorial.

Đây là một trong những dự án do CĐNVTD/VIC đề ra vào năm 2015 trong chương trình đánh dấu 40 năm người Việt tỵ nạn định cư tại Úc, lúc bấy giờ ông Nguyễn văn Bon là Chủ Tịch và cô Phượng Vỹ, Phó Chủ Tịch (http://www.lyhuong.net/uc/index.php/shcd/3956-3956)


Sáng ngày 16/12/2017, đã có trên 500 người - các quan khách Úc-Việt, các vị Cựu Chiến Binh Úc, các Cựu Quân Nhân QLVNCH và đồng bào tề tựu về đây tham dự buổi lễ khánh thành Tượng Đài Chiến Tranh Việt Nam, một tượng đài mang đầy ý nghĩa và có giá trị lịch sử.

Dưới một bầu trời nắng ấm, trong xanh, buổi Lễ Khánh thành đã diễn ra trong một bầu không khí thật trang nghiêm, long trọng với thật nhiều cảm xúc.

Ông Steve Lowe
Ông Steve Lowe (Đội Huấn Luyện Quân Sự Úc - Australian Army Training Team Vietnam) bắt đầu buổi lễ bằng một bài thơ truy điệu (tưởng niệm) truyền thống của Quân Đội Hoàng Gia Úc Châu - The Ode of Remembrance:

They went with songs to the battle, they were young.
Straight of limb, true of eye, steady and aglow.
They were staunch to the end against odds uncounted,
They fell with their faces to the foe.
They shall grow not old, as we that are left grow old:
Age shall not weary them, nor the years condemn.
At the going down of the sun and in the morning,
We will remember them.





Tiếp theo là nghi thức một phút mặc nịêm và chào Quốc kỳ Úc-Việt được cử hành rất trang nghiêm với các Thiếu sinh quân Úc và một đội CQN QLVNCH trong quân phục oai phong đứng dàn chào. Quốc ca Úc được cất lên qua tiếng hát của các em thuộc thế hệ thứ hai (Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc) và quốc thiều VNCH được Hội Phụ Nữ CĐNVTD/VIC hùng hồn ca vang theo điệu nhạc. Hai lá cờ Úc, Việt được từ từ kéo lên theo tiếng quốc ca, đặc biệt lá Cờ Vàng sẽ được tung bay vĩnh viển tại nơi đây.

Các bạn trẻ thuộc Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc hát Quốc Ca Úc

Các cô thuộc Hội Phụ Nữ CĐNVTD/VIC hát Quốc Ca VNCH
Sau đó một số quan khách, thân hào nhân sĩ Úc Việt đã được mời lên mở băng khánh thành. Tượng Đài, được làm toàn bằng đá hoa cương đen, gồm có:

Bia Tưởng Niệm nằm ở giữa với hàng chữ - "IN MEMORY OF 521 AUSTRALIANS WHO DIED DEFENDING THE REPUBLIC OF VIETNAM" ở mặt trước, và ở mặt sau "TỔ QUỐC GHI ƠN - Quân Dân Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh". Lùi ra phía sau là hai cột cờ Úc, Việt.

Mặt trước & mặt sau bia tưởng niệm





Bên trái là một bức tường, phía trước, khắc tên 521 chiến binh Úc hy sinh tại Việt Nam. Phía sau, một bên ghi sơ lược về các biến cố quan trọng (có liên quan ít nhiều đến Úc) đã xảy ra trong và sau cuộc chiến, và một bên là tên những người đã "bảo trợ" 521 tử sĩ Úc.

Mặt trước & mặt sau bức tường đá nằm bên phải bia tưởng niệm

Mặt trước & mặt sau bức tường đá nằm bên trái bia tưởng niệm
Bên phải, một bức tường khác, mặt trước, một bên là bản đồ Miền Nam Việt Nam với những nơi có sự hiện diện của quân đội Úc, và một bên là bản đồ tỉnh Phước Tuy, nơi đã xảy ra trận đụng độ lớn nhất giữa quân đội Úc và CSVN tại đồn điền cao su Long Tân. Mặt sau, một bên là hình ảnh người chiến binh Úc đang chăm sóc một em bé Việt Nam - nói lên tình dân quân thắm thiết giữa hai quốc gia, và một bên là bản đồ Miền Nam Việt Nam với sự hiện diện của QLVNCH trên khắp 4 vùng chiến thuật.

Nằm theo một vòng cung, bọc phía sau bia Tưởng Niệm và hai bức tường, là 5 bệ đá khắc hình và tên tuổi của năm vị tướng đã anh dũng tuẩn tiết vào những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến - Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Chuẩn Tướng Trần Văn Hai và Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ.






Trước khi long trọng cử hành thánh lễ, làm phép cho Tượng Đài và tưởng niệm những chiến sĩ đã nằm xuống, LM Hoàng Kim Huy đã cho biết trước đây Cha được sinh ra và lớn lên ở vùng Núi Dinh, tỉnh Phước Tuy, và Cha cũng như đồng bào trong vùng đã nhận được những sự chăm sóc, giúp đở tử tế trong thời gian quân đội Úc trú đóng tại đây.

Theo nghi thức Công Giáo, Cha Huy đọc kinh, xin Chúa ban phép lành cho Tượng Đài để nhắc nhở chúng ta về sự hy sinh của những chiến binh trong chiến tranh - hy sinh để mang lại hoà bình, tự do và cuộc sống ấm no. Tên họ của các chiến binh hy sinh không chỉ được ghi khắc trên đá mà còn được ghi đậm trong tâm trí của chúng ta. Chúng ta phải có một cuộc sống tốt đẹp, luôn luôn tranh đấu cho hòa bình và nhân quyền để sự hy sinh của họ không trở thành vô nghĩa mà còn được tôn vinh, nhắc nhở mãi về sau.

Kế tiếp là phần tế lễ theo nghi thức cổ truyền do ông Nguyễn Thế Phong làm chủ tế cùng với hai phụ tế - em Huy Bảo và Tommy Nguyễn. Sau khi kính cẩn dâng hương và các phẩm vật, trong làn khói nhang nghi ngút, ông Phong đã xướng đọc một bài văn tế chiến sĩ trận vong Úc-Việt thống thiết, bày tỏ lòng thương tiếc đến với những người đã nằm xuống vì chính nghĩa Tự Do.


Khi nói về buổi lễ, những từ ngữ "thật nhiều cảm xúc", "đầy ý nghĩa", "có giá trị lịch sử" chỉ nói lên được một khái niệm tổng quát, chung chung. Do đó sự chia sẽ về những cảm xúc, cảm nghĩ của các vị lãnh đạo Cộng Đồng, các vị dân cử chính quyền địa phương và tiểu bang, các vị đại diện Hội Cựu Chiến Binh Úc, Hội CQN QLVNCH và giới trẻ lần lượt được cô MC Elisa Huỳnh mời lên phát biểu, (qua những trích đoạn dưới đây) sẽ cho chúng ta có được một sự cảm nhận trọn vẹn và đầy đủ hơn về buổi lễ và Tượng Đài theo sự nhận thức của mỗi cá nhân và cái nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau.

- Cô Phượng Vỹ (Chủ Tịch CĐNVTD/VIC) đã xúc động đến lạc giọng khi nói về cuộc hành trình xây dựng Tượng Đài, trải qua bao nhiêu khó khăn, trở ngại từ lúc đưa ra dự án cho đến lúc được hoàn thành. Và hôm nay đây, thay mặt cho CĐ và Uỷ Ban Công Viên Tưởng Niệm, cô Phượng Vỹ xin kính dâng Tượng Đài này đến cho tất cả các vị Cựu Chiến Binh Úc, Cựu Quân Nhân QLVNCH, gia đình cũng như những đồng đội bị thương phế, đang còn sống tại đây hay ở quê nhà với tất cả lòng tôn kính.

Cô Phượng Vỹ cho rằng - Chiến đấu, phục vụ cho quốc gia (của mình) đã là một sự hy sinh cao cả cho nên đối với những chiến binh Úc khi phải chiến đấu để bảo vệ tự do cho người dân của một quốc gia xa lạ không chỉ là một sự hy sinh cao cả mà còn là danh dự của một người chiến sĩ tự do. Xin mãi mãi nhớ ơn sự hy sinh của những người đã nằm xuống hay vẫn còn sống. Và xin thưa cùng các vị CQN QLVNCH - quý vị đã làm tất cả những gì mà quý vị đã phải làm cho đất nước Việt Nam. Và ngày hôm nay, trên đất nước Úc, đây chính là đất nước của quý vị, đất nước của chúng ta (người Việt tỵ nạn), Tượng Đài này được xây dựng để vinh danh tinh thần chiến đấu can trường và những sự hy sinh cao cả của quý vị.

(Today is specially dedicated to Vietnam Veterans, to the Vietnamese Veterans, your families, your comrades, those who are still living and those who are incapacitated, this memorial is dedicated to you.
…..
We are here today to pay respect to you. It’s hard enough to serve your nation, it’s even more of an honour for you to fight for freedom for us in another country that is why we are eternally grateful for your sacrifice, the living and the dead. To all of our Vietnamese Veterans, you did what you had to do for your country. And today in Australia, this is your country, this is our country, this memorial is dedicated to you.)

- Bà Margaret Giudice (Thị Trưởng Thành Phố Brimbank) - Một Công Viên Tưởng Niệm như thế này là nơi mà người dân thành phố Brimbank không phải chỉ đến để bày tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ người thân mà còn thấu hiểu được sự hy của những chiến binh đã anh dũng nằm xuống. Tượng Đài này được xây dựng để tỏ lòng tri ân 521 chiến binh Úc và người dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến và cũng để vinh danh cộng đồng người Việt hiện đang định cư trên đất nước Úc ... Những công viên như thế này đóng một vai trò quan trọng trong việc hồi tưởng và nói về quá khứ - là những trang sách quý giá đã chiếm một phần đáng kể trong lịch sử và văn hóa Úc.

(I’m very happy indeed to be here today on this very special and emotional day for the dedication of the new Memorial Vietnam War … Memorial such like this through our community as a place of remembrance and reflection. There are places where people of the Brimbank cannot only spend time honouring love ones but also can understand the sacrifices made by our brave fallen soldiers. This memorial pays tribute to the 521 Australian who lost their lives in the Vietnam War, it recognises and pays respects to their memory and the sacrifices they made but it also pays tribute to the Vietnamese people involved in the war and the Vietnamese community who now resides in Australia, a large number of whom has chosen to call Brimbank their home. … Public places such as this play significant role reflecting and retelling the stories that are such an important part of our history and culture …)

- Bà Natalie Suleyman (Dân Biểu vùng St. Albans, đại diện cho Chính Phủ tiểu bang Victoria) ca ngợi sự quyết tâm của CĐNVTD/VIC trong việc xây dựng Tượng Đài để phát huy tình thân hữu và thiện chí giữa hai Cộng đồng Úc-Việt. Và Bà nói tiếp - Đáng kể hơn hết, với nhiều dấu mốc lịch sử về cuộc chiến tranh Việt Nam, Công Viên Tưởng Niệm này được hình thành không phải chỉ để bày tỏ lòng tri ân đối với các chiến sĩ đã hy sinh mà còn ca ngợi tình đồng đội và sự trợ giúp lẫn nhau giữa các cựu chiến binh Úc-Việt trong chiến tranh và sau cuộc chiến. Đây là nơi mà mọi người có thể đến để cầu nguyện và tưởng nhớ đến những vị anh hùng đã hy sinh vì tự do, cho tự do để cho những thế hệ tương lai có một cuộc sống tốt lành hơn.

Và hôm nay, buổi Lễ Khánh thành Công Viên Tưởng Niệm đã thể hiện tinh thần vị tha của Cộng đồng người Việt ngay tại thành phố Brimbank, điều này giúp chúng ta hiểu nhau hơn và gắn bó với nhau hơn. Người Việt định cư trên đất nước Úc đã hơn 4 thập niên qua, và Công Viên Tưởng Niệm này cũng là để vinh danh những người Úc gốc Việt đã đóng góp và vẫn tiếp tục có những đóng góp đáng kể cho tiểu bang nhà. Những sự đóng góp lớn lao của cộng đồng người Việt phải được ghi nhận và tôn trọng.

(On the very historic Vietnam War Memorial Commemorative Park dedication day … I’d like to commend the Vietnamese Community in Australia for organising this very special day and for your dedication and your commitment in promoting friendship and goodwill between Vietnamese and Australian communities. The Victoria Government applauds and appreciates the valuable work you do in presenting and supporting Victoria Vietnamese Community. Today we gather to pay tribute the Australian and Vietnamese soldiers who served during the Vietnam War. We reflect on many soldiers who paid the ultimate price fighting for freedom. Significantly this public space symbolically rich in history pays tribute to mateship of these veterans and marks the friendship and support they’ve had for each other during and after the war. It’s a place where everyone can reflect and remember those heroes who lost their lives in the name of freedom so that future generations could live better lives. With more than 4 decades the Vietnamese settlement in Australia, this memorial also pays tribute to the Vietnamese settlement in Australia in honour of all Vietnamese Australians who, as one of the largest cultural group in Victoria, have made and continue to make wonderful contributions to our state. And today, dedication day, embodies the generous spirit of the Vietnamese community right here in the city of Brimbank … it allows us to understand each other better and become united … Your contributions and commitments to our strong socially coercive and resilient Victorian community cannot be underestimated …)

- Ông Bernie Finn (Dân Biểu của vùng Western Metropolitan, đại diện cho Đảng Đối Lập - Tự Do) dõng dạc - Hôm nay là một ngày đặc biệt và đây cũng là một nơi đặc biệt. Đây là một nơi để bày tỏ lòng tri ân và tôi xin nói thẳng, theo tôi nhận thấy thì Cộng đồng người Úc gốc Việt là cộng đồng nổi bật nhất về nghĩa cử và tấm lòng tri ân. Cộng đồng người Việt không bao giờ quên sự yểm trợ và hy sinh của quân đội Úc trong công cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lăng của CS Bắc Việt. Ngày hôm nay, Tượng Đài này là một thí dụ điển hình về tấm lòng tri ân của Cộng đồng người Việt.

Những chiến sĩ đã chiến đấu dũng cảm, nhất là những tử sĩ, xứng đáng được tri ân và tôn vinh vì họ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh cho một cuộc chiến có chính nghĩa. Chừng nào mà hai lá cờ Úc-Việt còn tung bay tại nơi đây thì đây là một nơi chốn tự do, và bất cứ ở đâu mà có hai lá cờ này tung bay là ở đó có tự do ... Có những người sinh ra tại Úc đã không quan tâm đến sự tự do mà họ được hưởng, nhưng cộng đồng người Úc gốc Việt thì rất quý trọng sự tự do. Người Việt tỵ nạn đã phải chiến đấu gian khổ, phải trả bằng xương máu để có được tự do, họ đã phải vượt qua bao hiểm nguy và đánh đổi ngay cả tính mạng để có thể đến được nước Úc, cho nên họ rất trân quý sự tự do.

Tượng Đài này là nơi để tưởng niệm, để bày tỏ lòng tri ân và lòng quý trọng đối với sự tự do mà chúng ta đang có. Xin các Cựu Chiến Binh Úc hãy quên đi những sự đối xử lạnh nhạt sau khi quý vị trở về từ Việt Nam, vì bây giờ chúng tôi đã nhận chân được rằng quý vị là những người đã làm rạng danh quốc gia (Úc), là những công dân rất đặc biệt, khả kính của đất nước Úc - tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước những mất mát, hy sinh của quý vị!

(Very, very exciting to be here as we were early this year … when we turned the sod to see this magnificent memorial come to fruition. This is very special day but this also, now, a very special place. This is a place of remembrance, this is a place where people can come and remember those who sacrificed their all, who have made extraordinary sacrifices all those years ago. People who would not remember at the time shamefully, but are now. Too late but it is never too late. This is also a place of gratitude and I have to say to you that the Australian-Vietnamese community in the gratitude state is first, way ahead of anybody that I can see. They have never ever forgotten the contributions that our diggers made to their freedom and to their struggle all those years ago. They have never forgotten and they have never stopped giving and showing that gratitude today is another example of that. Those who fought, particularly those who died … they deserve our gratitude because they died fighting a worthy cause, they died fighting for a noble cause just as those who went to Vietnam and came back, fought a noble war and a noble cause. We should give them all the respect that they deserve … Finally this is a place of freedom as long as those two flags are flying in this place and wherever these two flags fly we will have freedom. Freedom is something that Australians love, freedom is something that the Vietnamese love, is something that we really cherish, we‘re very much having in common … Even though there are some people in Australia who were born here who might take our freedom for granted, but the Australian-Vietnamese community will never, never take our freedom for granted. They have had to fight too hard for that freedom, they have had to go through extraordinary length to get to Australia and they appreciate that freedom now. … It is an extraordinary special place – remember, show gratitude, and appreciate the freedom that we all have. Those who went to Vietnam, came back and were treated so abysmally should try to forget that treatment because now we see to each and every one of you, God bless you and thank you, we do know that you have done our country proud, we do know that you are very, very special Australians, and for that we salute you.)

- Ông Nguyễn Công Minh (Chủ Tịch Tổng Hội CQN QLVNCH Úc Châu) - Công Viên Tưởng Niệm này sẽ có một giá trị lịch sử vô cùng to lớn không những đối với chúng ta bây giờ mà còn cho những thế hệ mai sau biết rõ sự thật của cuộc chiến tranh xâm lược của CS Bắc Việt và Miền Nam Việt Nam, nêu rõ chính nghĩa bảo vệ tự do cho Miền Nam của quân đội hoàng gia Úc Đại Lợi và sự hy sinh của 521 chiến binh Úc là chính đáng mà chúng tôi những người Việt tỵ nạn không bao giờ quên. Công trình hôm nay đã hoàn tất sau nhiều khó khăn lúc ban đầu tưởng chừng bế tắc ... Nhưng với quyết tâm và sự hợp tác cùng nổ lực của tất cả những tâm huyết ngày hôm nay chúng ta có mặt nơi đây để thấy công trình đã được hoàn thành.

- Ông Nguyễn văn Bon (Chủ Tịch CĐNVTD Liên Bang Úc Châu) - Cám ơn sự đóng góp của đồng bào cũng như sự làm việc cực nhọc của Uỷ Ban (thiết kế & xây dựng) để chúng ta có được Tượng Đài ngày hôm nay là một điều đã được ấp ủ trong lòng hơn 40 năm qua. Đây là một nghĩa cử để bày tỏ sự kính trọng và lòng tri ân đến với những sự hy sinh của các chiến binh Úc cũng như của quân dân cán chính VNCH, của các bậc cha anh để bảo vệ tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải. Tinh thần "Anh Hùng Tử Khí Hùng Bất Tử" sẽ bảo vệ cho Việt Nam và tiếp lữa cho công cuộc đấu tranh đòi tự do, dân chủ tại quê nhà.

Tiếp theo, ông Bon giải thích về ý nghĩa của việc "bảo trợ" 521 tử sĩ Úc được khắc tên trên bức tường đá - Các chiến binh Úc khi bước chân đến Việt Nam là họ đã bỏ lại sau lưng cha mẹ, anh chị em, vợ con hay người yêu, bạn bè,... Họ đến Việt Nam không chỉ để yễm trợ về mặt quân sự mà còn mang tình yêu thương đến với người dân Việt bằng tấm lòng của những con người nhân bản. Do đó ngoài việc đóng góp tài chánh vào việc xây dựng tượng đài, sự "bảo trợ" các tử sĩ Úc đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam còn có nghĩa là nhận họ như một thành viên trong gia đình để chúng ta có thể, mỗi khi có dịp, cầu nguyện, thắp nhang, đặt một cánh hoa tưởng niệm để bày tỏ lòng tưởng nhớ đến với họ như là người thân của chính mình. Ngoài ra còn tạo cơ hội cho chúng ta thăm hỏi, làm quen, thân thiết với gia đình của tử sĩ để bày tỏ lòng tri ân và xoa dịu phần nào nổi đau mà gia đình của họ đã mang nặng trong lòng suốt bao nhiêu năm qua.

- Ông Bob Elworthy (Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Binh Úc /Victoria – VVAA Victoria Branch) sâu sắc - Hôm nay là một ngày thật đáng ghi nhớ! Và đây là một Tượng Đài thật đáng trân quý! Tượng Đài này đã dấy lên trong lòng chúng tôi những cảm xúc sâu đậm đã chìm lắng bao lâu nay ... Những thành phần chi tiết (bia tưởng niệm, 2 bức tường, hình ảnh 5 vị tướng tuẫn tiết) cấu tạo thành Tượng Đài này đã nói lên tinh thần và đạo lý của Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đặc biệt là CĐNVTD/VIC. Tượng Đài này là tiêu biểu của những đức tính tốt đẹp nhất của người Việt đang sinh sống tại Úc - sự gắn bó sâu sắc trong tinh thần bảo tồn lịch sử phong phú của người Việt, sự tôn kính đối với tổ tiên và các chiến sĩ tranh đấu cho tự do, lòng tri ân đối với các vị Cựu Chiến Binh Úc, và nhận lấy nước Úc như là quê hương thứ hai với tất cả tấm lòng.

Thật khó mà tưởng tượng và thấu hiểu được nổi uất ức, khổ đau mất nước mà người Việt đã và vẫn còn đau đớn mang nặng trong lòng cho mãi đến ngày hôm nay. Sau biến cố 30 Tháng Tư 1975, người Việt đã phải chiến đấu, bôn ba, chịu bao nhục nhằn, đắng cay để sống còn. Sự quyết tâm và lòng can đảm của người Việt tỵ nạn đã nói lên được rất nhiều về giá trị, lòng tự trọng, sự hy sinh và sức chịu đựng của họ khi vượt qua được tất cả mọi nghịch cảnh, những nổi bất hạnh, và đã đóng góp cho đất nước Úc ngày càng trở nên phong phú hơn. Với Tượng Đài này, Cộng đồng người Việt muốn bày tỏ lòng tôn kính và niềm tự hào đối các vị anh hùng VNCH và lòng tri ân đối với các vị chiến binh Úc đã hy sinh để bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam. Đây là một cái gương về mức độ bày tỏ lòng tôn kính và tri ân đối với sự hy sinh của các chiến sĩ mà chúng ta cần phải noi theo.

Tôi xin chân thành cám ơn cộng đồng người Việt đã ôm lấy đất nước Úc vào lòng, đã ôm lấy các Cựu Chiến Binh, tử sĩ Úc vào lòng và đón họ về nhà của quý vị. Xin đời đời nhớ ơn!

(Ghi chú: Lời cám ơn này xác nhận ý nghĩa của sự "bảo trợ" các tử sĩ Úc mà ông Nguyễn văn Bon đã giải thích như đã nêu trên)


(It’s an extraordinary day! What an amazing memorial! Already as I said in this place, it stirs … I extend congratulations to everybody involve in bringing this most remarkable memorial to reality. The elements of this memorial say much about the Australia-Vietnamese community and in particular the Vietnamese Community in Victoria. The memorial today represents the finest attributes of the Vietnamese people here in Australia - a deep and a binding connection to the preservation of their rich history, the reverence in which they hold their ancestors and their freedom fighters, and their wholehearted and uncompromising embrace their adopted Australian home and their genuine respect for the Australian Vietnam veterans. As one born in Australia, I cannot, for one moment, begin to imagine the trauma that the Vietnamese people felt and still feel at the lost of their beloved homeland. They struggle thereafter to simply survive … Their determination and courage to strike out for the great unknown and to make a peril journey to Australia … so glad that they did. It speaks volumes of the dignity and resilience of the Vietnamese people that they’ve risen above such adversity and made Australia a much richer nation. And it says much that the Vietnamese people that they want in their own way through this … very public memorial to display their respect and pride to their own heroes and their gratitude to the Australian Vietnam veterans who died trying to protect their homeland. It’s a level of honour and respect to others in this nation would do well to try to emulate. To the Vietnamese community, I say thank you for taking this nation to your heart and thank you for taking the Australian Vietnam veterans to your heart and into your home. Lest we forget!)

- Ông Peter Smith (Đại diện cho Chủ Tịch RSL Victoria) - Mỗi cái tên khắc trên bức tường đá là tên của một người đã hy sinh để bảo vệ tự do cho Miền Nam Việt Nam trong khi thi hành công tác, phục vụ cho quốc gia Úc. Họ là những người đã có một cuộc sống không trọn vẹn, và có thể đã để lại một gia đình không trọn vẹn (mất mát) ... Chúng ta bày tỏ lòng thương tiếc sâu xa đối các tử sĩ nhưng đồng thời cũng tôn vinh cuộc đời của họ vì họ là một tấm gương sáng. Tấm gương hy sinh của các chiến binh Úc là một món quà ở mãi trong lòng của chúng ta.

Đây là một Tượng Đài có giá trị và trang trọng nhất, không chỉ về phương diện thiết kế và xây dựng mà còn về tâm ý và tấm lòng bao dung (của người Việt tỵ nạn) đã đưa đến sự hình thành của Tượng Đài này.

Hy vọng rằng những ai khi đi ngang qua đây sẽ dừng chân lại, lắng đọng, hồi tưởng về quá khứ, đặt tay lên bia đá, đọc tên các chiến sĩ đã hy sinh, ..., để cho Tượng Đài được ấm cúng và gần gũi với chúng ta hơn. Chúng tôi xin ghi nhận và ca ngợi tấm lòng quảng đại của cộng đồng người Việt và cách bày tỏ tấm lòng tri ân đáng quý của quý vị (qua việc xây dựng Tượng Đài này) đối với sự hy sinh của những người được khắc tên bức tường đá tại đây.

(As we dedicate this provocative and seating memorial, each of the names inscribed here belongs to a person who died in the service of this country while seeking freedom for another. They’re the life not fully lived and perhaps their family not raised. They are known to us, both names are known to many here today. We mourned their lost greatly but we also celebrate their life because they inspire us. Their inspiration is the ever lasting gift to us all. This memorial is the most seating tribute not only in design and construction but also in the origin and the generosity that made that happens. But instead of standing solemnly in this place as memorial often do, I hope that all who pass by here will stop, will pause and reflect. I hope they touch the memorial, I hope they touch a name, and I hope they say that name out loud. Because by doing so those names will live on. RSL acknowledge and commend the generosity of the Vietnamese community and their beautiful expression of their gratitude for the service and sacrifice of those whose names are inscribed here. Lest we forget!)

- Ông Hoàng Chính Đan (Chủ Tịch Hội CQN QLVNCH Victoria) - Năm 1962, toán cố vấn đầu tiên của Quân Đội Hoàng Gia Úc đã đến Việt Nam. Khoảng giữa năm 1973, đơn vị canh gác tòa đại sứ Úc tại Sài Gòn là đơn vị cuối cùng rời Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó hàng ngàn chiến sĩ Úc đã luân phiên đến Việt Nam để trợ giúp và cùng chiến đấu với quân dân VNCH chống lại cuộc xâm lăng của CSVN. Không ai có thể tranh cải về lòng can đảm, tinh thần chiến đấu và kỷ luật của quân đội Úc, trận chiến Long Tân là một chứng minh hùng hồn cho việc này. Tuy nhiên thật là đau buồn và thương tiếc, vì trong cái khoảng thời gian đó 521 chiến sĩ Úc Đại Lợi đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam. Việc tạo dựng tượng đài kỷ niệm không những là để bày tỏ lòng tri ân của Cộng đồng Việt Nam đối với 521 anh hùng đó mà là sự nhắc nhở cho các thế hệ mai sau và hình ảnh của sự hy sinh 521 chiến sĩ Úc Đại Lợi tử trận tại Việt Nam sẽ mãi mãi trong trái tim của cộng đồng Người Việt tại Úc Châu.

- Ông Nguyễn Thế Phong (PCT CĐNVTD/VIC đại diện cho CĐNVTD/VIC) hùng hồn - "…. Tượng Đài này tượng trưng cho một đặc tính rất sâu xa và thiêng liêng của nền văn hoá Việt Nam của chúng tôi. Đó là mọi người Việt Nam, kể cả những người đã sinh ra ở Úc, không được quyền quên là chúng tôi đã đến từ đâu, tại sao chúng tôi lại có mặt ở đây và chúng tôi ở đây để làm gì. Nó cũng là một lời nhắc nhở quan trọng rằng chúng tôi phải luôn luôn nhớ đến những hy sinh của những người đã từng sống và chết trước chúng tôi và cho chúng tôi. Đối với người Việt Nam, sự biết ơn không phải là một sự lựa chọn, nó là một nghĩa vụ trong cuộc sống.
…..
Đối với tôi, Tượng đài và đài Tưởng niệm sẽ không có nghĩa gì cả nếu những người xây dựng hoặc tham dự những đài tưởng niệm này không tiếp tục làm các nhiệm vụ hoặc mục đích của những người mà những di tích hoặc đài tưởng niệm này được dựng lên tưởng nhớ họ.
…..
Chúng ta hãy đánh dấu ngày hôm nay không chỉ như một ngày LỊCH SỬ mà còn là một ngày của những BÀI HỌC LỊCH SỬ và những LỜI NHẮC NHỠ LỊCH SỬ để rồi từ đó chúng ta có thể rút ra sức mạnh, nguồn cảm hứng, sự khôn ngoan và quyết tâm để làm nhiều hơn cho Australia với cuộc đời của chúng ta và tiếp tục chiến đấu hết mình cho tự do của người dân Việt Nam hầu hoàn thành sứ mệnh chưa hoàn tất mà những người lính dũng cảm, anh hùng của chúng ta đã bắt đầu cách đây hơn 50 năm. "
(…..
"This memorial symbolizes the very profound and sacred function in our Vietnamese culture. That is, every Vietnamese person, including those who were born in Australia must not forget where we came from, why we are here and what we are here for. It also acts as an important reminder that we must always remember the sacrifices of those who had lived and died before us and for us. For a Vietnamese person, gratitude is not an option, it’s an obligation in life.
.....
For me, monuments and memorials are meaningless if those who build or attending these memorials are not continuing the mission or the purpose of those the monuments or memorials are dedicated to. That is why I like one of the mottos used by the Australian VN War veterans a lot.
.....
Let us mark today NOT just as a historical day but as a day of HISTORICAL LESSONS and HISTORICAL REMINDERS from which we can draw strength, inspiration, wisdom and resolution to do more for Australia with our lives and to continue fighting like hell for the freedom of the people of Vietnam in order to fulfil the not yet accomplished mission that these brave soldiers had begun more than 50 years ago.")

(Ghi chú: Trên đây là những đọan được trích dẫn từ bài phát biểu - Anh & Việt - do ông Nguyễn Thế Phong)


Đến đây, cô Phượng Vỹ ngỏ lời cám ơn đến với Hội Đồng Thành Phố Brimbank, đặc biệt là Uỷ Ban Công Viên Tưởng Niệm (mà cô cũng là một thành viên) gồm có: ông Bruce Davies (Đội Huấn Luyện Quân Sự Úc - Australian Army Training Team Vietnam), ông Steve Lowe (Đội Huấn Luyện Quân Sự Úc), ông Gary Collins (Chủ Tịch RSL Sunshine), ông Nguyễn Việt Long (Chủ Tịch RSL Footscray), ông Nguyễn Công Minh (Chủ Tịch Tổng Hội CQN QLVNCH Úc Châu), ông Đỗ văn Thắng (Hội CQN QLVNCH/VIC), ông Trần Vĩnh Triều (Uỷ Ban Chống NQ36), bà Bé Hà (Hội Trưởng Hội Tương Trợ Người Đông Dương vùng Springvale - SICMAA), cô Phan Đình Bảo Kim (Nữ Quân Nhân trong Quân Đội Hoàng Gia Úc - con gái Cố Chuẩn Tướng Lam Sơn Phan Đình Thứ), ông Nguyễn Thế Phong (PCT CĐNVTD/VIC).

Một lần nữa cô Phượng Vỹ lại lạc giọng vì cơn xúc động khi nhắc lại và cám ơn lời phát biểu của ông Peter Smith về cuộc sống không trọn vẹn của 521 tử sĩ Úc, và dựa theo ý đó cô nói tiếp - "Đã có 521 chiến binh Úc không có một cuộc sống trọn vẹn và cũng đã có hàng trăm ngàn chiến sĩ VNCH và người dân Việt Nam không có một cuộc sống trọn vẹn, chính vì thế chúng tôi xin kính cẩn tri ân sự hy sinh của những người đã nằm xuống. Chúng ta sẽ không bao giờ quên, không thể nào quên và Tượng Đài này sẽ nhắc nhở các thế hệ tương lai rằng đã có bao người không có được một cuộc sống trọn vẹn vì họ đã hy sinh (cuộc đời thanh xuân) để cho chúng ta ngày nay có được một cuộc sống thật trọn vẹn."

(I thank Peter for reminding us that there are 521 Australian soldiers, 521 lives perhaps not fully lived and there thousands and thousands more of South Vietnamese soldiers, men and women whose lives may not have fully lived and for that we are grateful. And that is why we don’t forget, we cannot forget and this memorial will remind the future generations that there were people whose lives were not fully lived so that ours can be fully lived.)

Riêng ông Bruce Davies đã được trao tặng một bảng tưởng lệ về công sức đóng góp cho đồ án và những chi tiết quan trọng (tên các đơn vị, địa danh của những nơi trú đóng hay có sự hiện diện của quân đội Úc,...) mang tính chất lịch sử cho công trình xây dựng tượng đài.


Trong một bầu không khí đầy xúc động, tiếng vĩ cầm của em Tommy Nguyễn trỗi lên bản nhạc Exodus với những âm điệu bi hùng, lúc trầm buồn, lúc cao vút làm mọi người càng thêm xúc động. Bản nhạc này thực sự có tựa đề "This land is mine" (Ernest Gold và Pat Boone), được dùng làm nhạc nền cho cuốm phim nổi tiếng Exodus nên được nhiều người biết đến dưới cái tên Exodus. Nội dung cuốn phim Exodus cũng như bản nhạc "This land is mine" nói về lịch sử thăng trầm hàng ngàn năm của người Do Thái đã từng bị xua đuổi, đàn áp, thảm sát ở tại nhiều nơi và ở ngay trên chính quê hương của mình. Và dân tộc Do Thái đã trải qua một cuộc hành trình đầy gian truân để trở về lại quê hương sau bao năm ly hương, lưu lạc, phân tán trên khắp thế giới.


Nhìn về lịch sử của người Do Thái trong quá khứ rồi nhìn lại thực tại của dân tộc Việt Nam - có phải chăng đây là một sự trùng hợp trong lịch sử nhân loại?

Và nếu ai biết/nhớ lời của bản nhạc "This land is mine" thì sẽ thấy đây chính là tiếng lòng của người Việt tỵ nạn (nằm ở 4 câu cuối) -

.....

To make this land our home
If I must fight, I'll fight
To make this land our own
Until I die, this land is mine.

Càng xúc động hơn khi chương trình được tiếp nối với hai giọng ca thuộc hai thế hệ - em Huy Bảo và ông Nguyễn Long với lời "Cám Ơn Anh" (Trầm Tử Thiêng) thật ý nghĩa cho buổi lễ -


.....

Một đời cha hy sinh anh linh xương máu đệ huynh
Một đời anh nghe chưa an thân sau nỗi nhục vinh
Chờ cuộc sống bao dung, chờ mặt đất hoan ca
Chờ đợi mãi lao đao lòng gỗ đá.
Người nằm yên bao lâu quên trong sương khói quạnh hiu
Người về mang thương đau chưa nghe ai nhắc tuổi tên
Nghìn lời hát không vơi tình ẩn khuất trong tôi
Cám ơn anh, cám ơn anh, Người Chiến Sĩ Vô Danh!

Bước sang phần đặt vòng hoa tưởng niệm, vì số quan khách và thân hào nhân sĩ khá đông nên được tuần tự mời lên đặt vòng hoa theo từng nhóm - (1) các vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo, (2) các vị dân cử thuộc chính quyền địa phương & tiểu bang, chủ tịch CĐNVTD và Tổng Hội CQN QLVNCH Liên Bang Úc Châu, (3) các vị thuộc Uỷ Ban Công Viên Tưởng Niệm, (4) các nghị viên của các Hội Đồng Thành Phố, (5) các vị mạnh thường quân, (6) các bạn trẻ thuộc thế hệ thứ hai (Khóa Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc).


Mặc dầu đây là một việc làm có tính cách cá nhân, riêng tư khi bà Tuyết Lowe trao cho cô Cheryl Kincade cây thập tự giá có ghi tên người anh/em trai của cô để bày tỏ lòng thương tiếc và tri ân đối với người quá cố, và bày tỏ tình cảm quý mến đến với cô Cheryl, nhưng đây chính là biểu tượng cho nghĩa cử "bảo trợ" đầy tình nghĩa đối với 521 tử sĩ Úc và gia đình của họ.

Thay mặt cho giới trẻ, cô Cammy Lu (Bích Cầm), thuộc thế hệ thứ hai, đã tỏ ra thật trong sáng và trung thực:

"Kính chào quý vị có mặt ngày hôm nay,

Con tên là Bích Cầm, con là thành viên của nhóm Lãnh Đạo Hai Nguồn Gốc, con rất hãnh diện có mặt ngày hôm nay để nói lên lòng biết ơn sâu xa của chúng con.

Con không phải là người tỵ nạn, mẹ con và con tới nước Úc theo diện di dân. Là một người trẻ sinh ra ở Việt Nam dưới chế độ CS, con rất bất ngờ khi được học về lịch sử (Việt Nam) có một chiều dài hàng ngàn năm đầy đau thương.

Hôm nay tuy con đại diện cho giới trẻ của người Úc gốc Việt nhưng con không thể nói lên hết lòng biết ơn của con bằng lời nói. Họ là người đã đứng lên và chiến đấu cho sự tự do của những người mà họ không bao giờ biết tới và không bao giờ được gặp mặt, đó là một sự đáng kính và họ là những anh hùng thật sự. Con đường chiến đấu của họ tuy bi thảm, khó khăn và nhiều đau khổ nhưng trái tim của họ đã giúp họ tiếp tục từng bước tiến tới.

Trong chiến tranh không có kẻ chiến thắng và các trận chiến sẽ ở mãi trong lòng những người lính tuy họ đã rời bỏ chiến trường. Nhưng trong sự hy sinh của họ chúng ta có được một cơ hội để sống thêm lần nữa, không phải chỉ là sinh sống mà là sống thật sự, sống với lòng can đảm, chính trực và một phương châm đạo đức luôn luôn hướng về sự công bằng.

Có nhiều lý do tại sao mà giới trẻ Úc Việt của ngày hôm nay nợ họ sự quyết tâm tranh đấu cho công lý là vì ngày hôm nay chúng con có thể hãnh diện đứng ở đây. Hãy để dòng máu của họ không chảy một cách vô ích, sự dũng cảm và những kỹ niệm của họ sẽ sống mãi trong lòng chúng ta và luôn nhắc nhở chúng ta là chúng ta được sống trong sự tự do. Do đó phải tiếp tục chiến đấu cho công lý và tự do cho những người không có. Con xin gởi đến những người lính Úc Việt lời cảm tạ sâu đậm nhất của chúng con. Xin cám ơn! "

(Ghi chú: Chính cô Bích Cầm đã tự dịch những lời phát biểu bằng Anh ngữ sang tiếng Việt)

(My name is Cammy, I am a member of the DILP Alumni. I am honoured to be here today to express my deep gratitude. I was not a refugee, my mother and I had arrived in Australia as migrants in 2002. As a young person who was born in Vietnam under a communist regime, it came as a shock to me to learn about this history of ours that is, ever so deep.

I speak today on behalf of young Vietnamese Australians yet I don't think I could ever express our eternal gratitude in words alone. For you to stand and fight in a war for the freedom of those you never knew or met is altruistic and truly heroic. Your journey was harrowing but your hearts kept you moving forward, step by step.

In war, there are no real winners and the battle lives on in you, long after you leave the battlefield. But in your sacrifices we were given another chance to live, not just to be alive, but to live, to really live, with courage, integrity and a moral compass that points, always, towards justice.

In many ways, we the young generation of today owe it to you and your sense of justice to stand proud as Vietnamese Australians who reap the rewards of your sacrifice. Let your blood not shed in vain and your bravery and memories live on in us and is always, a reminder of what a privileged it is to be here, and to live in a freedom that is priceless. For us to continue to fight for freedom and justice for those who have none. To you we say our deepest gratitude - Thank You!)




Với y phục toàn màu trắng (áo dài trắng, quần trắng, khăn trắng) nhóm múa AVA (Autralian Vietnamese Arts Inc.) đã trình diễn một màn vũ "truy điệu", với hai bản nhạc nền Trái Tim ở Lại (Hà Thúc Sinh) & Quân Lệnh Cuối Cùng (Việt Dzũng), để ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm và sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ vị quốc vong thân. Đồng thời cũng để nói lên nổi đau chất ngất của người ở lại (cha mẹ anh chị em, vợ con hay người yêu) khi màu tang trắng phủ xuống đời mình, phủ xuống quê hương, với những hình ảnh đau thương đầy uất hận của những vị tướng, những người lính đủ mọi cấp bực, thuộc mọi quân binh chủng đã anh dũng tuẫn tiết vào những ngày cuối của cuộc chiến.

(Quân Lệnh Cuối Cùng)

Nhắm mắt lại anh có còn nhìn thấy quê hương
Quê hương buồn giờ phút thê lương
Nhắm mắt lại anh có còn thấy rừng lửa cháy
Đêm tăm tối khóc than vời vợi
Người lính chiến đấu trong lẻ loi
Nhắm mắt lại anh có còn nhìn thấy anh em
Trong hoang tàn giờ phút oan khiên
Nhắm mắt lại anh có còn thấy người tình cũ
Ngồi trong bóng tối đêm đau buồn
Đễ mãi mãi nhớ anh vô cùng

.....

Sau cùng mọi người được mời lên đặt một cánh hoa ở chân tượng đài để bày tỏ lòng tưởng niệm các tử sĩ. Đây cũng là lúc mọi người được dịp tận mắt nhìn ngắm Tượng Đài, hàn huyên trò chuyện, chụp hình lưu niệm hoặc đứng suy tư trong im lặng. Có nhiều vị chỉ vào các địa danh trên bản đồ nhắc lại những chuyện xưa ở các nơi đóng quân hay các vùng đụng trận,... Đứng trước bức tường đá khắc tên 521 tử sĩ Úc, có nhiều vị chỉ vào tên của người thân, tên của các đồng đội và bồi hồi xúc động chia sẽ tình cảm hay những mẫu chuyện về người quá cố.

Những người "bảo trợ" thì dò tìm và hãnh diện chỉ vào tên của mình hay người thân. Thật ra người "bảo trợ" không chỉ ghi tên của mình mà còn có thể ghi tên của ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em trong gia đình nếu nhận bảo trợ nhiều tử sĩ. Có người thay vì ghi tên mình thì lại ghi tên người thân - một chiến sĩ QLVNCH đã vị quốc vong thân.

Dù không có hay không có tên trên bức tường đá đồng bào ai ai cũng tự hào về sự hình thành của Tượng Đài, một công trình đã được xây dựng hoàn toàn bằng tấm long, công sức và sự đóng góp của cộng đồng người Việt với một kinh phí không nhỏ - $300,000.00.

Có một vị cựu chiến binh Úc chưa bao giờ tham dự các sinh hoạt của CĐNVTD/VIC nhưng hôm nay cũng đã có mặt trong buổi lễ và đã thốt lên: "Đúng ra chính phủ Úc đã phải xây dựng một tượng đài như thế này để tưởng niệm và vinh danh chúng tôi, nhưng điều này đã không xảy, chỉ có Cộng đồng người Việt (tỵ nạn) là còn nhớ đến chúng tôi!"

Hệ thống truyền thông chính mạch hiếm khi để mắt tới các sinh hoạt của CĐNVTD, nhưng trong buổi lễ khánh thành này đã có các đài truyền hình số 7, ABC và đài truyền thanh SBS đến lấy tin.

Đài SBS có bài tường trình về buổi lễ, viết rằng - "Đã có hàng ngàn khách mời và các cựu chiến binh Úc tham dự buổi lễ khánh thành Công Viên Tưởng Niệm Chiến Sĩ Úc Việt tại khu vườn Kevin Wheelahan, Sunshine, tiểu bang Victoria" (Thousands of guests and Vietnam War veterans participate in the opening of the Australian-Vietnam War Monument at Kevin Wheelahan Park in Sunshine Victoria - https://www.sbs.com.au/yourlanguage/vietnamese/en/audiotrack/lauching-memorial-australian-vietnamese-soldiers-sunshine-victoria).

Theo con mắt của người thường thì số người tham dự không lên đến "hàng ngàn người" (Thousands of ...) như đài SBS đã đưa tin, thực sự thì có khoảng từ 500 đến 600 người tham dự. Tuy nhiên nếu nhìn bằng con mắt tâm linh thì buổi lễ có thể đã có hàng ngàn người khuất mặt mỉm cười hãnh diện đến tham dự buổi lễ, trong đó có hương hồn của 521 chiến binh Úc và của hàng trăm ngàn chiến sĩ QLVNCH.

Melbourne
16/12/2017





















Một số hình ảnh của buổi lễ -

Hình ảnh của cô Phúc An

Hình ảnh của ông Nguyễn Trường Hưng

Channel 7 News

Channel ABC News