Mỹ từ chối các dự án BOT ở Việt Nam vì tham nhũng
Ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội. (Hình: nhadautu) |
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Các nhà đầu tư Mỹ từ chối tham gia các dự án BOT tại Việt Nam vì đòi hỏi “lại quả” của giới quan chức nhà cầm quyền Việt Nam.
Đó là tiết lộ của ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng Thương Mại Mỹ (Amcham) tại Hà Nội, để giải thích tại sao đến nay người ta không thấy giới đầu tư Mỹ đầu tư vào các dự án BOT giao thông tại Việt Nam dù kỹ thuật xây dựng cầu đường, cao ốc của Mỹ vốn nổi tiếng trên thế giới.
BOT là từ viết tắt tiếng Anh “Build -Operate-Transfer” nay đã quen thuộc tại Việt Nam cho các dự án công ích nhưng được giao cho nhà thầu tư nhân tự bỏ tiền xây dựng (Build) rồi vận hành và lấy lệ phí sử dụng (Operate) rồi chuyển giao lại cho nhà nước (Transfer).
Ông Adam Sitkoff được thuật lời trên báo điện tử Nhà Đầu Tư hôm Thứ Hai, 11 Tháng Mười Hai, 2017, nói rằng, “thứ nhất là tình trạng tham nhũng tại các dự án trước đó.” Và, “trước khi tham gia bất kỳ lĩnh vực nào, dự án nào, chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu thông qua các nhà đầu tư trong nước trước.”
“Hiện có rất nhiều dự án xây dựng sân bay, tàu điện ngầm tại Trung Quốc, Nhật Bản mà chính phủ Mỹ rất muốn hợp tác. Chính phủ Mỹ không hứng thú với việc đầu tư lớn vào những dự án như BOT,” ông Sitkoff nói thêm.
Ông cũng cho rằng, đối với Việt Nam, năng lượng là tiềm năng phát triển kinh tế, xã hội như năng lượng điện gió và năng lượng mặt trời. “Đây là một lĩnh vực mới của Việt Nam mà Mỹ rất quan tâm,” lãnh đạo Amcham khẳng định, theo Nhà Đầu Tư.
Theo tờ Nhà Đầu Tư, hiện nay, mới có dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý là dự án BOT giao thông đầu tiên mà doanh nghiệp nước ngoài nhận quyền khai thác. Phải mất hơn 1 năm nghiên cứu, hai công ty Nhật Bản là NEXCO và JEXWAY mới hoàn thành đàm phán mua lại 20% cổ phần của công ty cổ phần FECON Việt Nam tại dự án BOT tuyến tránh thành phố Phủ Lý.
Dù vậy, “Nhà đầu tư Nhật Bản mới dừng ở việc mua lại cổ phần của dự án BOT đã hoàn thành. Gần 10 năm trước, một trong 2 doanh nghiệp Nhật Bản này đã từng có ý định đầu tư mới dự án BOT tại Việt Nam nhưng rồi lại bỏ cuộc.”
BOT, món mồi béo bở cho tham nhũng và ‘tư bản đỏ’
Dư luận cả nước tại Việt Nam đang đặc biệt theo dõi xem nhà cầm quyền Việt Nam giải quyết thế nào về vấn đề thu phí tại quốc lộ 1A ngang qua thị trấn Cai Lậy. Một đường tránh dài khoảng 12km được làm mới, “chỉ định thầu” cho tư nhân bỏ tiền ra làm nhằm giảm áp lực xe cộ qua thị trấn này, nhưng trạm thu phí lại đặt trên QL 1A làm giới tài xế phản ứng bằng cách “trả tiền lẻ,” tức mệnh giá nhỏ nhất cho những số tiền phí hàng chục ngàn hay hơn một trăm ngàn, kéo dài thời gian thu phí cho một xe, dẫn đến kẹt đường. Đích thân ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải loan báo “xả trạm” một hai tháng để tìm cách giải quyết dứt khoát.
Giới tài xế liên tục dùng tiền lẻ để trả phí dẫn đến tranh cãi và kẹt xe tại BOT Cai Lậy thời gian qua. (Hình: Báo Lao Động) |
Thay vì cho đấu thầu công khai, tất cả các dự án đó đề được “chỉ định thầu” và được giữ bí mật.
Trong cuộc phỏng vấn trên tờ Người Lao Động hôm 17 Tháng Chín, 2017, ông Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, cho rằng nếu áp đặt mức lợi nhuận cố định cho nhà đầu tư dự án BOT là “trấn lột.”
Tờ Người Lao Động phỏng vấn ông Doanh khi có tin bị xì ra cho biết, Bộ Giao Thông Vận Tải “kiến nghị chính phủ cho phép nâng mức lợi nhuận của nhà đầu tư vào các dự án BOT hiện ở mức 11%-12%/năm lên 14%/năm.”
Ông Lê Đăng Doanh là người thứ hai lên án các dự án BOT tại Việt Nam là “trấn lột” người dân. Ngày 8 Tháng Chín, 2017, ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội, cũng đã phát biểu như vậy tại buổi hội thảo “Dự án BOT – Chính sách và giải pháp” do Trung Tâm Trọng Tài Quốc Tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Viện Nghiên Cứu Chính Sách, Pháp Luật và Phát Triển (Viện PLD) tổ chức.
Thống kê của nhà cầm quyền nhìn nhận rằng, trên cả nước có 88 trạm thu phí thì một số nơi đã có các trạm thu phí gần nhau hơn quy định phải cách nhau 70km.
Một cuộc thanh tra hồi Tháng Tám, 2017, thấy loan báo trên báo chí, nói không ít các trạm thu phí đã khai gian số tiền thu được hàng ngày. Số lượng xe đi qua và phải trả phí nhiều gấp bội so với con số được báo cáo. Nếu nhà thầu vẫn cứ thu phí theo đúng thời hạn ấn định trong hợp đồng, tiền họ thu được nhờ khai gian, không phải chỉ giúp họ lời 11-12% như quy định mà nhiều gấp bội, thành siêu lợi nhuận.
“Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết và nhận xét rất chung chung. Tính toán chi phí đầu vào, dù tăng gấp đôi, cũng không có con số chứng minh. Rồi để được thu nhiều hơn thì hạ lưu lượng xe xuống, tù mù về đếm xe, sau đưa ra mức thu phí cao nhất, với thời gian dài nhất.”
Đó là lời tiết lộ với báo Tuổi Trẻ của ông Thứ Trưởng Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Đặng Huy Đông bên lề buổi hội thảo “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” do Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ tổ chức sáng ngày 23 Tháng Tám, 2017.
Trên một số tờ báo, người ta thấy phanh phui ra dự án BOT “Pháp Vân-Cầu Giẽ” mới chỉ sửa chữa đoạn đường 30% nhưng lại thu phí rất cao như phí của con đường làm mới. Ai là chủ đầu tư? Báo chí tiết lộ, chủ đầu tư dính dáng tới ông anh vợ kế của cựu Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh.
Theo một facebooker tiết lộ trên mạng xã hội, có nhiều chỉ dấu cho thấy chủ nhân thật sự của dự án BOT Cai Lậy là con trai ông Ngô Văn Dụ, ủy viên Bộ Chính Trị nay đã nghỉ hưu. Địa chỉ trụ sở công ty Bắc Ái (chủ đầu tư góp vốn 65% trong dự án BOT Cai Lậy) đặt tại số nhà 215, đường Mê Linh, phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, là nhà con trai ông Dụ tên Ngô Hồng Thắng. Lê Tiến An, 25 tuổi, người mới được loan báo làm ông chủ mới của Bắc Ái cũng chỉ là bình phong cho ông chủ thật hiện giấu mặt.
Ông Ngô Văn Dụ, nguyên ủy viên Bộ Chính Trị khóa XI, nguyên bí thư Trung Ương Đảng, nguyên chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, nguyên chánh Văn Phòng Trung Ương Đảng, nguyên đại biểu Quốc Hội Việt Nam khóa XII.
Người ta từng thấy có những lời tố cáo dự án BOT qua tỉnh Đồng Nai đứng tên chủ đầu tư là của người nhà một ông công an cấp cao tại địa phương.
Trong phiên họp cuối Tháng Tám của chính phủ, ông Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh “không để lợi ích nhóm trong dự án BOT.” Những gì báo chí trong nước nêu ra đầy dẫy những dấu hiệu “lợi ích nhóm.” Chúng là một thứ liên minh ma quỷ giữa đám quan chức tại Bộ Giao Thông Vận Tải và các công ty sân sau của các ông. (TN)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/