Matt Mahan

ads header

Breaking News

Đâu là sự thật đằng sau vụ Việt Nam bắt cóc tại Đức?


Đâu là sự thật đằng sau vụ Việt Nam bắt cóc tại Đức?

Zachary Abuza
The Diplomat, 11-8-2017
Bản tiếng Việt © Nguyễn Quốc Khải

Tin tiết lộ vào ngày 2-8 cho thấy rằng nhân viên mật vụ Việt Nam bắt cóc một kẻ lãnh nạn kinh tế, Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi, ở đường phố của Bá Linh. Họ bị tố giác là đã sử dụng võ khí đe dọa và cưỡng bức Ô. Thanh về Việt Nam vì ông ta liên hệ đến vụ thất thoát $150 triệu Mỹ kim trong nhiệm kỳ làm chủ tịch một công ty nhánh của PetroVietnam, một đại công ty nhiên liệu quốc doanh.

Chánh phủ Việt Nam phủ nhận việc bắt cóc vào ngày 23-7 và lấy làm tiếc về quyết đoán của chánh phủ Đức.  Chánh phủ Việt Nam cho Ô. Thanh xuất hiện trên đài truyền hình do nhà nước kiểm soát, ở đây, Ô. Thanh thừa nhận rằng ông “tình nguyện” trở về, sau khi đổi ý. Ông nói “Tôi đã không suy nghĩ chin chắn và đã quyết định bỏ trốn và trong thời gian này tôi đã nhận thức được rằng tôi cần phải trở về để đối mặt với sự thật và … thú nhận những sai lầm và xin lỗi.” Ít người tin rằng đây là lời phát biểu tự nguyện.

Việc bắt Ô. Thanh là một ưu tiên của chánh phủ Việt Nam. Họ đã theo rõi đường đi nước bước của ông ta kể từ khi ông chạy trốn ra khỏi Việt Nam vào 2016. Vào tháng 12, 2016 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng việc bắt Ô. Thanh là ưu tiên cao nhất.

Chánh phủ Việt Nam biểu lộ sự hoảng hốt khi được biết rằng Ô. Thanh vừa mới xin tị nạn chánh trị tại Đức. Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc trước đó đã nêu vấn đề dẫn độ Ô. Thanh theo pháp lý khi ông thăm viếng nước Đức mới đây.

Chánh phủ Việt Nam sẵn lòng có một hành động trơ tráo, vi phạm trắng trợn luật quốc tế và quy tắc tiêu chuẩn ngoại giao, là một chỉ dấu rõ ràng. Các viên chức Đức nói rằng Không còn nghi ngờ nghiêm trọng nào về sự liên hệ của lực lượng an ninh Việt Nam, rất có thể làm việc qua biên giới Cộng Hòa Séc. Chính phủ Đức công bố đại diện tình báo Việt Nam là một người không được hoan nghênh và cho ông ta 48 giờ để rời khỏi nước Đức. Bộ Ngoại Giao Đức chỉ trích Việt Nam bằng những ngôn từ ngoại giao gay gắt.

Nhưng hệ quả ngoại giao sẽ lớn hơn nhiều. Đức là nước đứng hang đầu trong Liên Hiệp Ấu Châu (European Union – EU), một đối tác thương mại và một nước tài trợ lớn. Vào ngày 7-8, Văn Phòng Ngoại Giao Đức nói rõ rằng vấn đề này sẽ không được dẹp sang một bên một cách yên lặng.

Dẫn độ không bao giờ nhanh chóng hay dễ dàng đối với chánh phủ Việt Nam, nhưng nó không thể không khắc phục được hoặc không có tiền lệ. Rõ ràng Hà Nội lo ngại rằng Bá Linh gần đây đã hoan nghênh những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Biển thủ công quỹ sẽ bị tử hình. Điều này làm phức tạp hóa yêu cầu dẫn độ của Việt Nam. Nhưng những cách chữa trị pháp lý chưa được sử dụng hết.

Ô. Thanh chắc chắn sẽ bị kết tội và xét xử. Với mức độ mất mát và thiếu sự độc lập của ngành tư pháp, việc xét xử sẽ rất nhanh chóng.


Việt Nam rõ ràng đầy tham nhũng, một di sản của tình trạng nhà nước kiểm soát quá nhiều tích sản với rất ít trách nhiệm hay giám sát, và chắc chắn là không có tự do báo chí. Những nhà lãnh đạo Đảng CSVN nhận thức được rằng sự tức giân của quần chúng về tình trạng tham nhũng trong chánh quyền sẽ làm giảm bớt tư cách chính đáng của họ, và rõ ràng họ muốn tìm ra một ít kẻ vi phạm nổi tiếng để làm gương.

Nhưng chiến dịch chống Ô. Trịnh Xuân Thanh không liên hệ nhiều đến biển thủ công quỹ như đã tố cáo, và mọi thứ đều liên quan đến chính trị. Sau hết, đây là một vụ tham nhũng ở cấp thấp mà mọi người dân Việt Nam đều phải đối diện hàng ngày, hoặc ở ngoài đường phố hay ở trong hệ thống giáo dục.

Đại Hội Đảng CSVN lần thứ 12 vào tháng 1, 2016 đã không giải quyết nhiều vấn đề. Ô. Nguyễn Phú Trọng tiếp tục giữ chức tổng bí thư, ở tuổi của ông là một điều ngạc nhiên đối với nhiều người. Ông rõ ràng là một ứng viên được nhóm bảo thủ nhất trí hỗ trợ và những người không muốn Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng vào thời điểm đó chiếm được vị thế cao nhất.

Từ đó, Ô. Trọng làm việc một cách có phương pháp để loại trừ những kẻ được Ô. Dũng bao che. Tại Đại Hội Đảng giữa khóa vào tháng 5, 2017, Ô. Trọng không những tiếp tục giữ chức tổng bí thư, mặc dù người ta trông đợi ông ra đi, mà ông còn đụng tới những người thân cận nhất của Ô. Nguyễn Tấn Dũng.

Ủy Ban Trung Ương bỏ phiếu loại Ô. Đinh La Thăng ra khỏi Bộ Chánh Trị gồm 19 thành viên, vì lý do bề ngoài là tham nhũng. Việc cách chức này hầu như không bao giờ được nghe đến. Lần cuối cùng một người bị trục xuất là vào năm 1996. Nhưng trường hợp này cũng liên hệ rất ít đến tham nhũng. Ô. Thăng tiếp tục nằm trong Ủy Ban Trung Ương và được đặc trách về Ban Kinh Tế Trung Ương của Đảng. Ông bị giảm bớt quyền hành chính trị, nhưng không bị kết tội hình sự. Ô. Thăng, giữ chức chủ tịch của PetroVietnam trong những năm 2009-2011, là một người thân cận với Ô. Trịnh Xuân Thanh.


Có những tường trình nói rằng chánh phủ đang điều tra về mạng lưới của Ô. Dũng trong khu vực quốc doanh cũng như tư nhân. Ô. Dũng cho đến nay không có thể phòng thủ một cách hữu hiệu, chứ chưa nói đến phản công.

Làm phức tạp thêm là Ô. Đinh Thế Huynh, một nhà lãnh đạo tư tưởng hành đầu của Đảng CSVN, ứng viên lâu năm để thay thế Nguyễn Phú Trọng, đang đau nặng. Theo một báo cáo, Ông đang nghỉ để chữa bệnh ung thư tại Nhật Bản.

Trách nhiệm chủ tịch Văn Phòng Bí Thư của Đảng CSVN của Ô. Đinh Thế Huynh được trao cho Ô. Trần Quốc Vượng, chủ tịch của Ủy Ban Kiễm Tra Trung Ương, đứng đầu phụ trách chống tham nhũng.

Ô. Nguyễn Phú Trọng, 73 tuổi, xem ra ở một vị thế không thể bị tấn công, với những đối thủ chính trị rõ rang ở trong thế thủ. Ông ta không cho thấy một dấu hiệu nào là sẽ thoái vị một ngày gần đây, đặc biệt với bệnh tình của Ô. Đinh Thế Huynh. Ông có vẻ bố trí hoàn tất nhiệm kỳ của ông vào năm 2021. Và nếu ông từ nhiệm, điều này sẽ do ông tự quyết định hoàn toàn theo điều kiện của ông.

Nhưng chiến dịch chống Trịnh Xuân Thanh có thể là một mưu tính để làm suy yếu Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang. Ông này cũng chuẫn bị để trở thành một tổng bí thư sắp tới. Nhưng Ô. Quang thân cận với Ô. Dũng. Xem ra Ô. Trọng cũng muốn cắt vây cánh của Ô. Trần Đại Quang. Ô. Trịnh Xuân Thanh trốn ra khỏi nước khi Ô. Trần Đại Quang còn làm Bộ Trưởng Công An và ông bị chỉ trích là không làm đủ để điều tra Ô. Thanh và mạng lưới của ông này.

Với trách nhiệm của Văn Phòng Bí Thư nằm trong tay của Ô. Trần Quốc Vương, người đứng đầu cơ quan chống tham nhũng, chúng ta có thể thấy những dấu hiệu ông chuẩn bị trở thành một ứng viên để kế nghiệp Ô. Trọng. Chống tham nhũng là một công cụ mạnh mẽ để sử dụng trong một nước mà vận động tranh cử không được tán thành.

Ngoài chương trình chống tham những một cách hung hăng, chánh phủ gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến, bao gồm kết án nặng nề Mẹ Nấm và việc bắt giữ gần đây những bloggers khác, chiếu theo điều 79. Thái độ thờ ơ với nhân quyền của chính quyền Trump đã khuyến khích sự đàn áp này.


Làm cho rắc rối thêm là việc một chi nhánh của công ty dầu Repsol của Tây Ban Nha rút lui khỏi việc thăm dò hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (exlusive economic zone - EEZ) của Việt Nam sau khi bị Trung Quốc đe dọa. Ban lãnh đạo của CSVN nhanh chóng đầu hàng, một sự sỉ nhục thảm hại cho CSVN, không quyết tâm chống lại Trung Quốc. Hà Nội rõ ràng từ bỏ quyền khoan dầu trong vùng đặc quyền kinh tế của chính mình, được bảo vệ bởi Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (United Nations Convention on the Law of the Sea – UNCLOS). Phân tách gia Anton Tsvetov lập luận rằng trường hợp Trịnh Xuân Thanh quan trọng đối với Đảng CSVN để chuyển sự chú ý ra khỏi quyết định của Repsol, và thụt lùi của chủ nghĩa dân tộc.

Có thể đây là một việc đánh lạc hướng. Nhưng chánh phủ không chấp nhận rủi ro. Họ thi hành một biện pháp làm mất lòng dân – nhưng không phải không có tiền lệ - ngăn chặn Facebook, một phương tiện thông tin xã hội phổ thông, và là một môi trường cho quyền tự do phát biểu và tranh luận.