Matt Mahan

ads header

Breaking News

Thủ tướng Malaysia cáo buộc Bắc Hàn sát hại công dân

Đoàn Thị Hương (trái) được một nữ cảnh sát đi kèm khi rời tòa
Thủ tướng Malaysia Najib Razak hôm 8/3 lần đầu tiên trực tiếp cáo buộc Triều Tiên đứng đằng sau vụ sát hại công dân nghi là Kim Jong-nam.

"Những gì mà chúng ta đang đối mặt hiện nay là kết quả từ hành động ám sát chính công dân của họ ở Malaysia, trên đất Malaysia, sử dụng một vũ khí hóa học bị nghiêm cấm", ông Najib nói với hãng thông tấn Bernama.

Cáo buộc của ông Najib có khả năng làm gia tăng căng thẳng đang diễn ra trong quan hệ giữa Malaysia và Triều Tiên quanh vụ việc một người đàn ông bị sát hại tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2.

Căng thẳng quan hệ ngoai giao Malaysia và Bắc Hàn

Quan hệ giữa Malaysia và Bắc Hàn càng trở nên căng thẳng khi Đại sứ Kang Chol của Bắc Hàn được Malaysia coi là "người không được chào đón" vào ngày 4/3 và yêu cầu rời Kuala Lumpur trong vòng 48 giờ, sau khi ông không đến Bộ Ngoại giao Malaysia theo lệnh triệu tập.

Bắc Hàn cũng ra thông báo coi đại sứ Malaysia tại nước này Mohamad Nizan Mohamad là "người không được chào đón", đề nghị ông rời Bình Nhưỡng trong vòng 48 giờ, quan chức Bộ Ngoại giao Malaysia, xác nhận thông tin trên, nói động thái đáp trả của Bắc Hàn là "bình thường" trong ngoại giao.

Giới chức Nam Hàn và Phó thủ tướng Malaysia cho rằng Kim Chol chính là Kim Jong-nam, anh trai nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, dù việc xác định danh tính chưa hoàn tất. Bắc Hàn không xác nhận nạn nhân là Kim Jong-nam, cho biết người bị giết tên là Kim Chol như trong hộ chiếu, "không phải bất cứ cái tên nào khác".

Đại sứ Kang tháng 2 tuyên bố Bắc Hàn "không thể tin tưởng" vào cách Malaysia điều tra, cáo buộc Kuala Lumpur thông đồng với "các thế lực bên ngoài", ám chỉ Nam Hàn. Malaysia sau đó quyết định hủy chế độ miễn thị thực cho công dân Bắc Hàn nhập cảnh vào nước này từ ngày 6/3 để đáp trả.

Đại sứ Bắc Hàn tại Malaysia lên máy bay về nước

Ông Kang cùng vợ và con trai 5 tuổi lên chuyến bay MH360 của hãng Malaysia Airlines lúc 6:25 chiều ngày 6/3, khởi hành đến Bắc Kinh, Trung Quốc. Ba người mang vẻ mặt buồn và ngồi ở hàng ghế phổ thông.

Máy bay hạ cánh xuống Bắc Kinh vào lúc 12:20 sáng ngày 7/3 (giờ Bắc Kinh). Gia đình ông Kang sau đó đón chuyến bay về Bình Nhưỡng.

Phát biểu tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Đại sứ Bắc Hàn chỉ trích Malaysia hành động cực đoan và thành kiến: "Tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về các biện pháp cực đoan của chính phủ Malaysia, gây tổn hại lớn đến quan hệ song phương".

Theo AFP, ông cho rằng cuộc điều tra về vụ sát hại nam công dân Bắc Hàn có mang thành kiến. "Họ khám nghiệm pháp y mà không được sự đồng ý, không có sự tham dự của đại sứ quán Bắc Hàn, sau đó bắt một công dân Bắc Hàn mà không có bằng chứng rõ ràng về việc ông này tham gia vụ việc".

Bắc Hàn đáp trả, trục xuất đại sứ Malaysia

Bắc Hàn hôm 5/3 thông báo coi đại sứ Malaysia Mohamad Nizan Mohamad tại nước này là "người không được chào đón", đề nghị ông rời Bình Nhưỡng trong vòng 48 giờ.

"Bộ Ngoại giao Bắc Hàn thông báo đại sứ Malaysia tại Bình Nhưỡng được coi là một người không được chào đón... và yêu cầu ông rời Bắc Hàn". Tin tức trên được thông báo ngay sau khi đại sứ Bắc Hàn tại Malaysia là Kang Chol bị trục xuất phải rời khỏi Malaysia trong vòng 48 tiếng từ ngày 4/3.

Bắc Hàn, Malaysia ngăn không cho công dân hai bên rời khỏi nước

Hôm Thứ Ba 7/3, cơ quan thông tấn nhà nước Bắc Hàn KCNA cho hay Bình Nhưỡng cấm mọi người có quốc tịch Malaysia rời khỏi nước này “cho tới khi sự an toàn của các nhân viên ngoại giao và công dân Bắc Hàn ở Malaysia được bảo đảm.” Phía Malaysia coi đây là hành vi bắt giữ con tin và có biện pháp tương tự để trả đũa, đóng mọi cửa biên giới không để cho người Bắc Hàn rời khỏi Malaysia. Hiện có khoảng 1,000 người Bắc Hàn làm việc tại Malaysia.

Malaysia hiện đang truy tầm bảy nghi can Bắc Hàn. Ba người trong số này, gồm cả một giới chức Tòa đại sứ Bắc Hàn, có thể hiện vẫn còn ở Malaysia. Tổng Giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia Khalid Abu Bakar cho hay cả ba người này nhiều phần đang ở trong Tòa đại sứ Bắc Hàn. Tuy nhiên, ông nói rằng cảnh sát sẽ không tiến vào toà đại sứ Bắc Hàn mà sẽ chờ bên ngoài. “Chúng tôi sẽ đợi. Và nếu phải đợi năm năm chúng tôi vẫn sẽ chờ ở bên ngoài. Chắc chắn sau cùng sẽ có người đi ra,”.

Bác sĩ cấp cứu cho Kim Jong-nam không phát hiện dấu hiệu trúng độc

Thứ trưởng Y tế Malaysia Hilmi bin Yahya cho biết những y bác sĩ đầu tiên cấp cứu nạn nhân được cho là Kim Jong-nam nói họ không có dấu hiệu trúng độc thần kinh VX và sẽ được theo dõi sức khỏe trong 2-3 tuần. Thứ trưởng Hilmi bin Yahya nói thêm, họ sẽ bảo quản nguyên vẹn di thể của người mang hộ chiếu có tên Kim Chol, cho tới khi thân nhân tới cung cấp mẫu DNA xác định danh tính.

Nghi phạm Bắc Hàn bị trục xuất tố cảnh sát Malaysia dọa giết vợ con

"Những người cảnh sát này cứ cố bắt tôi nhận tội, nếu không, cả gia đình tôi sẽ bị giết, và tôi cũng sẽ không an toàn. Nếu tôi nhận mọi thứ, họ sẽ sắp xếp để tôi có cuộc sống tốt ở Malaysia", AP dẫn lời ông Ri Jong-chol nói bên ngoài đại sứ quán Bắc Hàn tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết cảnh sát mang ảnh vợ và hai con ông ở Kuala Lumpur ra để đe doạ.

"Đó là khi tôi nhận ra đây là một cái bẫy, họ cố tình âm mưu huỷ hoại thanh danh đất nước chúng tôi", Ri nói.

Ông Ri bị bắt 4 ngày sau cuộc tấn công, nhưng cảnh sát nói họ nghĩ rằng ông này không giữ vai trò gì trong vụ án. Ri bị trục xuất và bị liệt vào danh sách đen, cấm quay trở lại Malaysia. Giới chức Malaysia cho rằng ông Ri tham gia hoạt động bất hợp pháp làm tổn hại an ninh nước này.

Cảnh sát Malaysia bác bỏ cáo buộc dọa giết gia đình ông Ri

Chánh thanh tra cảnh sát Malaysia Khalid Abu Bakar gọi cáo buộc từ Ri Jong-chol là vô lý và nói rằng ông này đã không bị bắt nếu không liên quan tới cuộc điều tra vụ án mạng. "Ông ấy được đối xử giống các nghi phạm khác trong vụ án", ông Khalid nói đồng thời phủ nhận những cáo buộc cho rằng cuộc điều tra của cảnh sát Malaysia là một âm mưu nhằm chống lại cũng như "làm hoen ố danh dự" Bắc Hàn.

"Chúng tôi tuân thủ những quy định nghiêm ngặt trong quá trình điều tra vụ án mạng. Nghi phạm được đối xử tốt", ông Khalid nhấn mạnh.

Ân xá hoàng gia - lối thoát của người bị kết án tử ở Malaysia

Đoàn Thị Hương ngày 1/3 bị tòa án ở Malaysia buộc tội giết người đàn ông Bắc Hàn mang hộ chiếu tên Kim Chol - giới chức Malaysia cho rằng người này là Kim Jong-nam, anh của lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. Hương có thể lĩnh án tử hình nếu bị kết tội.

Án tử ở Malaysia được thực hiện bằng cách treo cổ. Ngoài biện pháp kháng cáo, tử tù ở Malaysia có thể thoát án bằng cách xin Ân xá hoàng gia. Theo Phó thủ tướng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi, từ năm 2010 đến tháng 2/2016, có 95 trong 829 tù nhân bị kết án tử hình đã được Ân xá hoàng gia.

Chỉ có Nhà vua Malaysia và các Sultan (người cai trị các bang ở Malaysia) có quyền ra lệnh Ân xá hoàng gia. Họ có thể ra lệnh xóa án hoàn toàn, giảm từ án tử hình xuống tù chung thân hoặc hoãn thi hành án.

Những người bị kết án tử hình có thể xin khoan hồng bằng cách nộp đơn kiến nghị lên Ban Ân xá, gồm Bộ trưởng Tư pháp Malaysia, người đứng đầu chính quyền bang và tối đa ba thành viên do Nhà vua chỉ định, theo Ask Legal.

Theo Điều 42 của Hiến pháp Liên bang Malaysia, Nhà vua có thẩm quyền ân xá đối với hành vi phạm tội xảy ra ở vùng lãnh thổ liên bang, gồm Kuala Lumpur, Putrajaya và Labuan. Đối với tội ác tại các bang khác, Sultan của bang đó có toàn quyền quyết định.

Về cơ bản, không có quy định cố định nào về quá trình xin Ân xá hoàng gia, cũng không có thời hạn để Nhà vua hay Sultan ra quyết định khoan hồng. Truyền thông địa phương cũng ít đưa tin về các trường hợp được khoan hồng.

Khi ra quyết định, Nhà vua và Sultan có thể xem xét các yếu tố mà tòa án không sử dụng, chẳng hạn như tuyên bố vô tội của tù nhân hay sự bất công trong phán quyết. Tòa đưa ra bản án dựa vào các bằng chứng nhưng Nhà vua và Sultan có thể cân nhắc các yếu tố khác và quyết định dựa vào đánh giá của mình. Nhà vua và Sultan không cần phải đưa ra lý do cho quyết định ân xá của mình. Quyết định của họ không thể bị thách thức tại tòa án.

Năm 2015, một phụ nữ Philippines có tên Jacqueline Quiamno đã thoát án tử hình sau khi bị kết tội buôn lậu ma túy ở sân bay quốc tế Kuala Lumpur. Sultan của Selangor đã ân xá cô này sau khi nhận được đề nghị từ Đại sứ quán Philippines và gia đình cô.

Sultan của Johor, Ibrahim Almarhum Sultan Iskandar, năm ngoái giảm án cho 4 người bị kết án tử hình xuống còn tù chung thân. 4 người này bị kết tội giết người và buôn bán ma túy.

David Wang bị bắt năm 1984 và lĩnh án tử hình năm 1989 vì buôn ma túy. Sau khi kháng cáo thất bại lên tòa án liên bang năm 1996, Wang đã viết thư cho Sultan của Terengganu. Hai năm sau, án tử của anh này được giảm xuống còn tù chung thân (tù chung thân ở Malaysia có mức ngồi tù tối thiểu khi đó là 20 năm, hiện giờ là 30 năm). Anh ta được thả vào năm 1998, khi mới chỉ ngồi tù 14 năm, nhờ có biểu hiện tốt.