Tôi viết cho ngày 17/2/1979 ngày Trung Quốc xâm lược VN
Tôi phải thốt lên đau đớn khi thú nhận rằng, thế hệ của tôi hầu như không hề biết gì về cuộc chiến xâm lược tàn ác của Trung Quốc năm 1979. Và tôi nghĩ, ở Việt Nam, nhiều người cũng không biết như tôi. Điều hiển nhiên, sự hào hùng của thế hệ Cha Anh sẽ được ghi danh vào trang sử chói lọi của dân tộc thì, tội ác của kẻ xâm lược cũng cần phải được "minh bạch, không giấu diếm" để thế hệ con cháu khắc ghi và cảnh giác bởi, từ ngàn xưa, Phương Bắc luôn nung nấu muốn thâu tóm dải đất chữ S này.
Không phải đến hôm nay (sau gần 40, kể từ ngày cuộc chiến nổ ra), trên trang báo VNExpress mới viện dẫn câu nói khắc khoải của cựu Chiến binh biên giới 1979 là "KHÔNG SỢ KẺ THÙ, CHỈ SỢ LÃNG QUÊN", đó là nguyện vọng của tất cả mọi người. Cần hiểu xa hơn về câu nói này, không phải những chiến sĩ năm xưa hiện còn sống hay ngã xuống sợ thế hệ sau "quên ghi ơn họ" mà các Anh chỉ sợ con cháu "lãng quên cuộc chiến" vì, khi đứng lên chống lại kẻ thù, họ không hề tiếc sinh mệnh của mình, họ chỉ biết, tấc đất Tổ Quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nếu thế hệ con cháu "lãng quên", giọt máu xưa kia sẽ trở nên vô nghĩa.
Khi nhìn thấy tấm hình các em học sinh trường THPT An Thới (Phú Quốc, Kiên Giang) cúi đầu tưởng nhớ về ngày 17/2/1979 bất hủ, trong tôi lại dấy lên niềm tự hào nhưng lại vô cùng xót xa. Tôi tự đặt câu hỏi cho mình, là tại sao chỉ có các em học sinh ở Phú Quốc "được" và cần thực hiện điều đó mà không phải là toàn bộ các em học sinh trên cả nước hay toàn bộ người dân đất Việt ?
Tàn nhẫn hơn, những người dũng cảm khi đến các tượng đài anh hùng dân tộc để thắp nén nhang tưởng nhớ về Cha Anh lại bị "thế lực vong ơn" dùng thủ đoạn hèn hạ cản trở (lẽ ra, hành động kia đương nhiên phải làm nhưng đất nước này, tôi phải dùng từ "dũng cảm").
Xin đừng ghán ghép cho họ hai từ "phản động". Tôi và nhiều người cần sự phản động tri thức và nhân nghĩa nhiều, nhiều như thế. Từ PHẢN ĐỘNG, nếu có, hãy dành cho kẻ nào dấu giếm và vô ơn với công lao của Cha Anh ngã xuống vì dân tộc này mà thôi.
Chúng tôi không cần "4 tốt và 16 chữ vàng" nếu lịch sử hào hùng bị lãng quên. Chúng tôi cần được biết và con cháu chúng tôi cũng cần phải biết.
P/s: Bài viết này là dòng chia sẻ ngắn, xin được thay nén nhang để tưởng nhớ và biết ơn vong linh Cha Ông.
Tôi không viết bài này vào ngày 17/02 mà hôm nay tôi mới viết bởi, tôi muốn, dù ngày nào, thời gian nào, chúng ta luôn phải khắc ghi.
Sài Gòn, ngày 18/02/2017
LS Lê Ngọc Luân