Pearl Harbor: Nhật Abe và Mỹ Obama đồng lòng hòa giải
Căn cứ không quân Mỹ tại Trân Châu Cảng bị quân Nhật tấn công, ngày 07/12/1941. Kyodo/via REUTERS |
(RFI) Lịch sử tới đây có lẽ sẽ ghi nhận : Ngày 26/12/2016, lần đầu tiên sau ba phần tư thế kỷ, một thủ tướng Nhật – ông Shinzo Abe – chính thức đến Hawaii, 75 năm sau cuộc tấn công của quân đội Nhật Hoàng đánh vào căn cứ Mỹ tại Trân Châu Cảng (Pearl Harbor). Một hôm sau, ngày 27/12, thêm một sự kiện lịch sử khác : Thủ tướng Nhật Bản cùng một tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack Obama – đến đài tưởng niệm tôn vinh những người Mỹ đã hy sinh trong cuộc tấn công của Nhật. Ý nghĩa biểu tượng của sự hòa giải Mỹ-Nhật này lại càng cao khi ông Abe luôn được coi là một nhân vật diều hâu, trong lúc Obama được xếp vào diện bồ câu, từng được trao giải Nobel Hòa Bình.
Phải nói là ý nghĩa biểu tượng của trận đánh Trân Châu Cảng rất to lớn, vì nó là nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ chính thức lao vào cuộc Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, dẫn đến một kết cuộc bi thảm cho Nhật Bản với hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki.
Cuộc tấn công của Nhật vào Trân Châu Cảng được khởi động vào sáng sớm hôm 07/12/1941. Trước đó, phó đô đốc Nhật Nagumo Chūichi đã nhận được mật lệnh « Leo núi Niitaka », để tung hạm đội của mình đến đánh Trân Châu Cảng. Trong vòng một tuần trước ngày tấn công, 6 hàng không mẫu hạm Nhật, chở theo gần 400 chiến đấu cơ, cùng với hai thiết giáp hạm, ba tuần dương hạm, chín khu trục hạm, ba tàu ngầm và tám tàu tiếp liệu đã rình rập trong sương mù ở vùng biển giữa quần đảo Kuril và Hawaii.
Đúng ngày tấn công, lợi dụng lúc đối thủ đang còn ngủ, vào lúc 07g30 sáng, một chiếc phi cơ Nhật Bản đầu tiên đã bay qua căn cứ Mỹ và tung ra tín hiệu: « Trân Châu Cảng đang ngủ ». Chỉ 23 phút sau, một đàn chiến đấu cơ, oanh tạc cơ và máy bay phóng phóng ngư lôi của Nhật lao đến đánh phá các tàu Hải Quân Mỹ đang neo đậu tại cảng.
Đó tuy nhiên chỉ là đợt đầu tiên trong một chiến dịch tấn công ồ ạt bất ngờ, đã khiến cho gần 2.500 người Mỹ thiệt mạng, một nửa trong vụ nổ chiếc tàu USS Arizona. Về phía Nhật Bản, họ chỉ bị mất 29 máy bay và sáu mươi binh sĩ.
Tuy nhiên, cái may cho phía Mỹ, và cũng là cái rủi cho phía Nhật Bản, là ba tàu sân bay Mỹ ở Thái Bình Dương, nhờ không có mặt tại Trân Châu Cảng lúc xẩy ra cuộc tấn công, cho nên vẫn còn nguyên vẹn, giúp Mỹ bảo toàn được lực lượng để sau này phản công.
Điều được giới quan sát ghi nhận là chiến thắng trên bề mặt của Nhật Bản tại Trân Châu Cảng đã khích động lòng yêu nước của người Mỹ, với những hệ quả là Mỹ tham chiến, đẩy lùi Nhật Bản ở khắp nơi trên vùng Thái Bình Dương và đẩy nước Nhật đến chỗ phải đầu hàng.
Hệ quả của trận Trân Châu Cảng còn vượt xa quy mô của cuộc chiến vì chính từ khi ấy mà Hoa Kỳ đã càng lúc càng tăng cường ảnh hưởng và sự hiện diện của mình trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, một điều đã được chính ông Obama nhắc lại khi ông khẳng định vai trò « Cường quốc Thái Bình Dương » của nước Mỹ.
Trong lịch sử Mỹ-Nhật, Hiroshima là vết thương lòng đối với người Nhật, trong lúc Pearl Harbor là một cái gai nhức nhối đối với người Mỹ. Thế nhưng với thời gian, các vết thương như đã được khép lại, và một cách ngẫu nhiên, chính ông Shinzo Abe, một chính khách nổi tiếng diều hâu của Nhật Bản lại trở thành đối tác trong việc thúc đẩy hòa giải giữa hai nước đã trở thành đồng minh.
Tiến trình hòa giải đã chuyển qua một bước ngoặt vào tháng năm vừa qua, khi chính tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Hiroshima, nơi quả bom nguyên tử Mỹ đã sát hại 140.000 người vào năm 1945. Sự kiện ông Shinzo Abe đến Pearl Harbor ngày 27/12 đã bổ sung vào tiến trình hòa giải.
Bên cạnh đó, cử chỉ lịch sử của ông Abe sẽ góp phần củng cố liên minh Nhật-Mỹ, nhắc nhở rằng sự ổn định ở châu Á từ sau Thế Chiến Thứ II đã dựa trên sự phát triển các nước trong vùng, kể cả Trung Quốc, và sức mạnh quân sự của Mỹ. Trân Châu Cảng còn là một sự kiện kết thúc một chu kỳ của chủ nghĩa biệt lập kinh tế tại Mỹ, có khả năng được tổng thống Mỹ tới đây là Donald Trump thúc đẩy trở lại.