Matt Mahan

ads header

Breaking News

Bầu cử Berlin 2016, SPD và CDU mất quyền

Lá Thư từ Đức Quốc

Bầu cử Berlin 2016, SPD và CDU mất quyền nhưng một chính phủ liên minh mới "màu đỏ-đỏ-xanh (SPD + Linke + Xanh)" có thể thành hình !

Lời phi lộ: Người viết rất ngại và muốn tránh hiểu lầm nên không đề cập đến "cái tôi đáng ghét". Tuy nhiên cho tôi được một lần nói tí xíu về mình đối với độc giả thường theo dõi, đọc Lá Thư từ Đức quốc do tôi biên soạn hay phóng dịch. Tôi đơn thuần là một người tỵ nạn chính trị vì cộng sản và xin hiểu theo nghĩa chính xác, hoạt động hoàn toàn độc lập. Tôi nói riêng vốn biết nếu so với Úc, Mỹ , Pháp hay Canada ...thì học vị của mình chẳng thấm thiá vào đâu nhưng cũng mạo muội được phép nói ra là tuy vất vả vì tự lập nhưng gặp khá nhiều may mắn nên tôi cũng đã vượt qua được kỹ sư bậc cao học của Đại Học Kỹ Thuật Đức. Sau khi tốt nghiệp đã làm "thợ khách" ở Đức hơn ba thập niên và vì "lười" nên xin về nghỉ hưu non, trước khi hưu chính thức. Nhờ có vốn liếng tiếng Việt khi còn theo học ban Toán ở VN, không nhiều lắm cộng thêm với chút ít tiếng Đức học hỏi được và với sự khích lệ của anh bạn tôi lâu nay được làm quen với "chữ nghĩa, văn chương" và từ đó viết lách, dịch thuật trở thành một trong vài "món quà giải trí tinh thần" cho riêng tôi, nhất là từ khi nghỉ hưu non !.
Như đã thưa ở trên, văn chương chữ nghĩa của tôi có giới hạn nên chắc chắn không tránh khỏi sơ sót. Xa hơn nữa, mục đích chính của tôi ngoài chuyện trao dồi thêm kiến thức vốn hạn hẹp của mình, ngoài giải trí còn muốn giới thiệu đến độc giả ngoài Đức cũng như đồng hương ở Đức vì hoàn cảnh chưa hiểu hết tin tức, thời sự, đời sống xã hội nơi mình ở với hy vọng là độc giả sẽ hiểu rõ hơn qua những bài viết hay Lá Thư do tôi biên soạn, phổ biến trên vài tờ báo, trang mạng điện tử ở Mỹ, Úc ...

Một lần nữa xin quý độc giả hoan hỷ cho mọi sơ sót -tuy luôn cố gắng- khó tránh từ phía người viết.
Dựa trên căn bản học hỏi và cầu tiến, cá nhân tôi mong đón nhận được sự chỉ giáo có tính cách xây dựng sự của các bậc thức giả. Trân trọng (LNC_Đức)

* * *

Hôm nay, 18 Tháng Chín 2016 một nghị viện (Quốc hội) cho nhiệm kỳ mới được bầu lại tại Bá Linh. Khoảng 2,48 triệu người được kêu gọi để quyết định cho 149 ghế đại biểu trong nghị viện.

Gần 2,5 triệu người dân Berlin ngày nay được kêu gọi đi bầu. Liên minh màu đỏ-đen theo khảo sát trước bầu cử không thể tiếp tục cầm quyền. Nhưng một liên minh màu đỏ-xanh-đỏ dưới sự lãnh đạo của SPD có khả năng thành hình theo kết quả khảo sát.

Trong 78 khu vực bầu cử có 652 vị ứng cử trực tiếp vào nghị viện. Số còn lại ít hơn 52 ghế được phân định theo danh sách đảng. Chủ đề trong chiến dịch bầu cử là người tị nạn, thị trường nhà ở, trường học và hành chánh hết hy vọng (desolat). Dự án sân bay hầu như không quan trọng.

Ứng cử viên (ƯCV) hàng đầu của SPD là đương kim Đô trưởng Mueller. Đối thủ của Mueller là ông Henkel (52 tuổi, CDU) đương kim tổng trưởng Nội vụ Berlin. Xanh gửi một lần đến 4 ƯCV, hai chủ tịch khối nghị sĩ là Ramona Pop (38) và Antje Kapek (39) cũng như các nhà lãnh đạo đảng Bettina Jarasch (47t) và Daniel Wesener (40t) vào cuộc đua. Tả Khuynh đưa  chủ tịch khu vực Klaus Lederer (42t)và dẫn đầu AFD là cựu sĩ quan quân đội liên bang Georg Pazderski (64t), FDP với tổng thư ký Sebastian Czaja (33t). Nhìn qua thành phần ƯCV cũng đủ cho chúng ta thấy là cuộc bầu cử ở Bá Linh tương đối quan trọng vì hầu như đảng nào cũng muốn lọt vào nghị viện Bá Linh, thủ đô của CHLB Đức.

Song song với các cuộc bầu cử nghị viện Bá Linh, các hội đồng địa phương trong mười hai quận/huyện (BVV) cũng được lựa chọn lại. Được dự đoán, đặc biệt là ở phía đông của thành phố rằng aFD khá mạnh và sẽ đạt được vài ghế nghị viên của  hội đồng thành phố - và như vậy sẽ nhận "quyền lực hành chính ".

Hiếm khi có cuộc bầu cử rất căng thẳng, khá gay cấn ở Berlin và không thể đoán trước !.

Để quý đọc giả tiện theo dõi, so sánh người viết ghi lại kết quả bầu cử Berlin cách đây năm năm. Năm 2011, cử tri đi bầu là 60,2 phần trăm. Tại thời điểm đó, SPD đã đạt 28,3% trước CDU (23.3%), Xanh (The Greens) 17,6%, Tả khuynh (Linke) 11,7% và đang cướp biển (Hải tặc) đạt 8,9 phần trăm. Năm 2011 thì FDP (1,8%) thất bại và đảng AfD chưa ra tranh cử.

Một đảng mới trong những năm gần đây đã tạo nên sự kích động - thậm chí ở Berlin: đảng AfD (die Alternative für Deutschland, tạm dịch là "Giải pháp cho Đức" (đúng nghĩa là: Sự phải chọn một trong các giải pháp khác nhau cho Đức !). AFD đã được "ngồi" trong chín nghị viện ( quốc hội ) tiểu bang. Theo các cuộc thăm dò ý kiến -  riêng tại Bá Linh AfD chiếm từ 10 đến 15 phần trăm và lần đầu tiên họ cũng có thể di chuyển vào nghị viện Berlin.

Ý nghĩa lá phiếu của bạn (tức của cử tri) hôm nay là gì?. Ghi chú thêm từ người viết cho cử tri gốc Việt ở Đức biết nếu chưa rõ: Trên lá phiếu có ghi phiếu thứ nhất (Erststimme) và khung tròn nhỏ để đánh dấu chéo chọn người muốn bầu. Lá phiếu thứ hai (Zweitstimme) là chọn đảng mình muốn bầu mà người ta đã ghi sẵn tất cả ra rồi (chỉ cần dò tên đảng nào và đánh dấu chéo vào khung tròn).

Với lá phiếu đầu tiên, chọn một nữ ứng cử viên hoặc một nam ứng cử viên từ khu vực bầu cử của mình. Với lá phiếu thứ hai để lựa chọn "đảng trên danh sách".

Các ứng cử viên có số phiếu bầu đầu tiên nhiều nhất trong khu vực bầu cử được bầu trực tiếp vào nghị viện. Điều này được gọi là "một giấy uỷ nhiệm trực tiếp (Direktmandat)".
Số lá phiếu thứ hai xác định có tất cả bao nhiêu ghế cho một đảng nhận được trong nghị viện.

Và sau đây là kết quả bầu cử (dự đoán lúc 18h00, kết quả sơ khởi đợt đầu lúc 18h15) đợt hai vào lúc 19h00 và đợt 4 sau khi tính kỹ hơn lúc 21h145 được công bố qua đài truyền hình ZDF:


SPD : 21,7% tính ra được 35 ghế
CDU : 17,8% được 29 ghế
Xanh : 15,3% tương đương 25 ghế
Tả Khuynh (Linke) : 15,6% được 26 ghế
FDP : 6,6% chiếm 11 ghế và
AfD : 13,9% được 23 ghế
Hải tặc : 1,7% thất bại thê thảm (mất 7,2% từ 8,9%).


Nghị viện Bá Linh có tất cả 149 ghế, để cầm quyền tại đây liên minh cần tối thiểu 75.
 
Thay lời kết: Dựa vào kết quả bầu cử kể trên, người viết đưa ra vài nhận định riêng sau đây:

- kết quả bầu cử chính thức sẽ được ngày mai nhưng có thể nói là không thay đổi bao nhiêu sau bốn đợt kiểm phiếu và như vậy có 6 đảng thắng cử, được tham chính tại Berlin.

- Liên minh đang cầm quyền SPD + CDU mất đa số phiếu tuyệt đối, hay nói đúng hơn không thể tiếp tục cầm quyền tại nghị viện Bá Linh. SPD và CDU sút giảm nặng so với 2011.

- Đảng FDP được tham chính trở lại.
- Đảng Hải tặc thất cử, không còn chỗ đứng ở Berlin và bị loại ra khỏi nghị viện.

- AfD lần đầu tiên ra tranh cử tại Bá Linh và lọt vào ngay nghị viện. Như vậy sau 9 lần trước đây thành công tại các tiểu bang của Đức thì thủ đô Bá Linh là nghị viện thứ 10 có AfD tham chính.
Nhân tiện người viết khách quan nói thêm là AfD liên tục thắng 4 tại 4 tiểu bang kể cả Berlin kể từ tháng Ba năm 2016 với chủ đề chống lại "chính sách tỵ nạn" của bà Merkel và chính phủ đương nhiệm. Còn 6 lần trước đó diễn ra khi người tỵ nạn chưa ào ạt vào Đức cho nên nếu bảo rằng AfD "100% cực đoan tuy họ từng tuyên bố mang tính cách bài ngoại thấy rõ" thì lý do này có lẽ thiếu cơ sở, chưa đứng vững được. Chẳng lẽ những người bầu cho AfD trong năm 2014 đến giữa 2015 đều "hữu khuynh" hết cả sao ?. Tôi nghĩ rằng nếu các chính trị gia kinh nghiệm của Đức quan niệm như vậy thì không chuẩn lắm, khác hẳn (cũng theo nhận định của tôi) với những cử tri bầu cho Linke là hậu thân của đảng cộng sản cũ khi mà DDR đã vứt bỏ chủ nghĩa cộng sản vào thùng rác từ cuối năm 1989 đưa đến sự thống nhất nước Đức vào 03. Oktober 1990. Đề cập đến điều này để thự đặt ra câu hỏi : vậy những người bầu cho Linke là ai, phải chăng họ còn "ưa thích chủ thuyết cộng sản" mà họ chưa lột xác được mà nó vẫn còn tiềm ẩn trong họ ?. Xin nhường sự nhận xét lại cho độc giả. Tuy nhiên cũng nói thêm cho dù kết quả bầu cử ở Bá Linh tốt thì AfD cũng chỉ đóng vai trò đối lập mà thôi vì ngay từ đầu các đảng phái khác tuyên bố là họ KHÔNG liên minh với AfD.

- Lực lượng mạnh nhất ở Bá Linh là SPD, kế đến là CDU, Linke, Xanh, AfD và FDP. Qua đó, SPD ưu tiên được quyền thương lượng với các đảng khác để thành lập "chính phủ" và thông thường thì đảng mạnh nhất sẽ lãnh đạo, trong trường hợp này ông Mueller (SPD) giữ chức Đô trưởng Berlin.

- Theo toán học và dựa vào kết quả bầu cử thì chỉ có thể có một liên minh tay ba cầm quyền.
- Như báo chí Đức đã thông tin, Mueller (SPD) cho biết ông yêu thích nhất là liên minh màu Đỏ-Xanh nếu hội đủ đa số phiếu tuyệt đối. Trường hợp này đã không xảy ra ở Bá Linh vì SPD + Xanh tính chung mới đạt được 37%.

Thử phân tích tiếp từ người viết, dựa vào đa số ghế tuyệt đối là 75 để cầm quyền ở Bá Linh:

a) Liên minh tay ba mạnh nhất là SPD+CDU+Xanh (89 ghế) hoặc SPD+CDU+Linke gồm 90 ghế nhưng có lẽ khó thành hình theo người viết vì Xanh và nhất là Linke không mặn mà với CDU, chưa nói đến chuyện trên phương diện chính trị Xanh và Linke muốn đẩy CDU ra khỏi chính quyền.

b) Có thể thành lập Liên minh Đỏ-Đỏ-Xanh, mạnh thứ hai. CDU bị loại và trở thành đối lập cùng với FDP+AfD. Tôi nghĩ, nếu theo dõi kỹ những tuyên bố của các ứng cử viên hàng đầu củ SPD, Xanh và Linke thì người ta nhận thấy ra ngay Đỏ+Đỏ+Xanh muốn liên minh để lên nắm quyền ở Bá Linh, lý do cả ba đảng đã công khai tuyên bố KHÔNG liên minh và hợp tác với ƯCV Henkel, dù bà Merkel ủng hộ Henkel trong kỳ vận động tranh cử. Rõ ràng là SPD, Xanh và Linke gián tiếp muốn loại CDU khỏi nghị viện Bá Linh ngay trước khi xảy ra bầu cử !. Ngoài ra liên minh này có nhiều điểm tương đồng và chiếm đến 86 ghế sẽ dễ dàng thông qua các nghị quyết cần biểu quyết trong nghị viện.

c) Một giải pháp nữa theo tôi cũng khó thành là liên minh tay ba nhưng yếu hơn giữa SPD + CDU + FDP. Liệu SPD có sẵn sàng liên minh với CDU và FDP?. Đây cũng là một giải pháp khác cho Bá Linh dù rất yếu với 75 ghế tổng cộng (đa số tuyệt đối mỏng manh là 75 ghế !).

Người viết dự đoán là sớm muộn gì cũng phải có một liên minh lên nắm quyền tại thủ đô Bá Linh vì chuyện bầu cử lại khó diễn ra lý do là các đảng phái Đức nói chung sợ mất sự ủng hộ của cử tri, chưa kể mất thời gian, tốn công sức và tài chánh.

Tóm lại, Bá Linh (Berlin) đang đứng trước ngã ba đường !. Và ...tôi nghĩ rằng liên minh SPD, Xanh và Linke (màu đỏ-đỏ-xanh) sẽ lên cầm quyền tại thủ đô Bá Linh của Đức quốc và nếu đúng như vậy thì CDU, một "đảng nhân dân" luôn được tham chính và cầm quyền bỗng trở thành đối lập và đó là một thất bại cay đắng nữa dành cho CDU nói chung và cho bà Merkel nói riêng vì rõ ràng lá phiếu dân chủ của cử tri Đức phản ảnh ý muốn của họ liên quan đến sự bất mãn đối với chính sách tỵ nạn của chính phủ do nữ thủ tướng Merkel chủ xướng, cũng dễ hiểu thôi vì người bản xứ, nhất là những ai thiếu may mắn không có đời sống sung túc cảm thấy rằng "họ bị bỏ rơi", chưa nói đến tình trạng an ninh nội điạ Đức không còn an toàn như xưa !.

• © Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, 22h22 tối ngày 18. September 2016)
Nguồn: AFP, DPA, Yahoo News và đài truyền hình ZDF.