Matt Mahan

ads header

Breaking News

Ngộ thật, ai đời "HUẾ " nhớ ..... " O " ?


Ngộ thật, ai đời "HUẾ " nhớ ..... " O " ?

* Lê-Ngọc Châu

Nói đến Huế, người Việt chúng ta thường ca ngợi "Huế xinh như mộng đẹp như mơ" với những hình ảnh đặc sắc của xứ Thần Kinh.

Cảnh Huế, và đặc biệt những cô gái Huế đã gây rung động lòng nhiều người phương xa nếu có lần ghé lại, làm quan dưới các triều đại vua chúa thời bấy giờ, đi du lịch hay ra học ở đó, điển hình học trò ngày xưa ra Huế thi trong niềm hy vọng đổ đạt để làm quan, tiến thân mà Nam Trân Nguyễn học Sỹ (1907-1967) phải diễn tả tâm trạng của những chàng trai quê mùa lều chỏng ra kinh đô thi là

"học trò trong Quảng ra thi,
thấy cô gái Huế chân đi không đành",

Huế đẹp. Huế thơ. Huế là mảnh đất ươm mầm những tài năng thi ca, âm nhạc, hội họa... Thiên nhiên đã ưu ái cho Huế cảnh sắc thơ mộng và Huế đã gợi ra cho các Thi-Văn-Nhạc sĩ cảm xúc vừa rạo rực vừa dịu ngọt, lãng mạn viết thành nhiều tác phẩm giá trị, nổi tiếng.

Về nhạc thì có Nhạc sĩ Phạm đình Chương chọn sông Hương để đại diện cho miền trung (ca khúc Tiếng sông Hương) trong trường ca Hội trùng dương rất nổi tiếng.

Nhạc sĩ Duy Khánh cũng đã chọn Sông Hương và núi Ngự Bình được nhắc đến trong lời bài hát "Ai ra xứ Huế ". Nhạc sĩ Đổ Lễ với "Huế Dịu Dàng" hay nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng với " Tôn Nữ Còn Buồn ".... Còn nhạc sĩ Anh Bằng thì cho ra đời với tác phẩm " Huế Đã Xa Rồi ".

Riêng về thơ có nhiều bài Thơ hay đề cập đến Huế nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta biết đến thi phẩm nổi tiếng của Hàn Mặc Tử (1912-1940) người Quảng Bình là bài "Đây thôn Vỹ Dạ"
......

Từ lâu tà áo dài Việt Nam - (mời đọc, nếu chưa: "Tản Mạn về Chiếc Áo Dài Việt Nam" theo đường Link : https://vietbao.com/a255010/tan-man-ve-chiec-ao-dai-viet-nam-) -, chiếc nón bài thơ nghiêng che e ấp của người con gái Huế đã đi sâu vào thi văn Việt Nam, nhiều cảnh đẹp, thơ mộng của Huế đã làm xao xuyến biết bao thi nhân, từ con đường, cơn mưa - điển hình "sông An Cựu nắng đục, mưa trong" hay tiếng chuông Thiên Mụ, sông Hương, núi Ngự… Ngày nay, Huế đã không còn đậm nét như ngày xưa nữa, nhưng nỗi buồn của Huế thì vẫn luôn còn đó, cái đẹp, cái " hồn, cái ủy mị và duyên dáng của các cô gái Huế, hay nỗi đau, tang thương của Huế " vẫn còn mãi với thời gian, ngay cả đối với người Việt đang sống tha hương !.

Thú thật, tôi hân hạnh chỉ ghé thăm Huế một lần, sống ở đó tại nhà người thân quen suốt mùa Hè nghỉ học nên cũng có vài kỷ niệm thời niên thiếu của một cậu học trò với Huế. Tưởng rằng mình sẽ có dịp trở lại đất thần kinh để ôn lại vài kỷ niệm ngày nào nhưng định mệnh nghiệt ngã đẩy đưa nên đành phải chôn vùi ước vọng nhỏ bé của mình kể từ khi tôi rời quê hương, chấp nhận cuộc sống tha hương cho đến nay. Không biết mình còn sống để một ngày nào đó có thể thực hiện tâm nguyện ngay trên quê Mẹ của mình ?.

Ngược dòng thời gian trở về quá khứ thì riêng tôi nghe biết Huế qua Thầy Cô và bạn bè gốc Huế thời Trung học. Và biết Huế nhiều hơn nữa qua biến cố Tết Mậu Thân 1968 mà người dân miền Nam là nhân chứng sống đã nhìn thấy rõ là hàng ngàn nạn nhân thuộc thành phần Quân-Cán-Chính bị Việt cộng giết hại một cách thê thảm trong cuộc tổng tấn công miền Nam VN của cộng sản Bắc Việt và tay sai. Đây cũng chính là động cơ làm cho tôi hay tò mò khi đọc thi phẩm, đoản văn hay bản nhạc nào đó có liên quan đến Huế.

Tình cờ du ngọan trên Google một cuối tuần tôi chợt "bắt gặp" bài hát có tên hơi lạ lạ "Huế Nhớ O". Tò mò thêm tí nữa thì mới khám phá ra đó là nhạc phẩm do nhạc sĩ Anh Bằng ( mà tôi hân hạnh cũng quen biết qua email khi ông còn sống, nhân duyên là vì tôi đóng góp một bài viết và được chọn đăng trong Tuyển Tập : "Kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng, Dòng nhạc trong lòng Dân Tộc", phát hành năm 2009 ) phổ thơ của một cô em mới quen gần đây qua Facebook. Thật là một hân hạnh vì tôi nghe biết Dáng Thơ ( DT, cô em tôi được làm quen!) đa tài, rất năng động trong các sinh hoạt của người Việt tỵ nạn ở Melbourne/úc Châu nhưng ... không ngờ cô nàng lại là một thi sĩ. Và càng ngạc nhiên hơn nữa là thi phẩm của cô nàng được nhạc sĩ tài danh Anh Bằng phổ thành nhạc, giống như cô em khác là thi sĩ Phi Loan Hoàng Thị Cỏ May (USA) với sáng tác " Áo Dài Em Tặng " .

Tuy không phải là văn sĩ và văn chương chữ nghĩa chẳng bao nhiêu vì xưa vốn là dân ban B (Bê trên như "Bò" hay "Bê Em Về (BMW)" chứ không phải "Bê dưới" là P như Phở !) nhưng tôi "xí xọn" thử đưa bài thơ theo tôi có Tít ngộ ngộ Huế Nhớ O lên " bàn mổ " xem " thân xác nàng thơ " có chi lạ và đặc biệt ?. Xin nói trước chẳng phải tay nghề nên tài tử tôi nếu lỡ mổ xẻ sai trật mong quý độc giả, các bậc thức giả và nhất là cô em thi sĩ DT hoan hỷ cho. Đa tạ.

Thông thường chúng ta hay nghe, nói "nhớ ai, nhớ ông bà, cha mẹ vợ con, hay nhớ cái gì, nhớ kỷ niệm hoặc nhớ đến thành phố mình đã đến ; ví dụ nhớ Việt Nam, Mỹ, Úc, Đức ...hay nhớ người tình Y, nhớ Paris, Roma, London hay Sài Gòn, Đà Lạt, Huế ...Ít khi bảo rằng Melbourne, Munich, Rotterdam... nhớ A. Cho nên nội cái tên của bài thơ Huế nhớ O thôi, thi sĩ tác giả đã làm cho tôi bỗng nhiên đâm ra "thắc mắc, tò mò".

Ai là người xứ Huế đều rõ chữ O là danh từ để diễn tả đối tượng nào rồi và có lúc chính tôi thường sử dụng hỏi " Hello, O ..., lúc ni O thế nào, trốn ở mô rứa mà sao lâu quá không thấy O xuất hiện (?), O được sử dụng khi đề cập đến một " cô ", ví dụ " O nớ ..." muốn ám chỉ "Cái Cô ...!).

Dáng Thơ (D)T mở đầu thi phẩm của mình với nỗi buồn ray rứt khi nghĩ đến Huế :

Chiều ni nghe Huế buồn chi lạ

để rồi vì bặt tin và muốn biết cô nàng hiện ở đâu với ngôn từ của con dân đất thần kinh:

Dáng nhỏ mô rồi O ơi O !
Rèm hoa tóc rũ trăng mời gọi
Chừ vắng tin rồi O ở mô ?

Kỷ niệm khó quên chợt về, luôn hiện hữu trong tâm tư tác giả được gói ghém như sau:

Bài thơ O ép còn vương đọng
Bồ kết thơm nồng quyện tóc mây

Khi nhắc đến cô gái Huế người ta không quên đến chiếc nón bài thơ. Trời nắng quá hay khi cơn mưa phùn chợt đến hoặc cơn gió nhẹ làm tung bay nhẹ làn tóc thì các cô thiếu nữ VN thường lấy cái nón che đầu, che mặt. Đặc biệt các O gái Huế yểu điệu hơn với chiếc nón lá mà DT khéo léo không những nhắc đến kỷ niệm mà còn muốn biết O mình quen giờ ở đâu:

Nón lá O che nghiêng chiều tím
Răng chừ O đã ở nơi mô ?

O ở "mô" khi kỷ niệm còn đó, tưởng chừng như mới vừa xảy ra. "Bửa tê" được DT sử dụng để đề cập đến thời gian; còn tả cảnh, tả người tuy cô đọng trong lời thơ nhưng rất tuyệt vời đủ để cho riêng tôi cũng có thể tự phát họa ra được điều tác giả muốn diễn tả:

Bửa tê O thoáng qua Thành Nội
Áo trắng 2 tà bay nắng vui

Chưa hết, DT còn cho độc giả thấy được tính nết, sự dịu hiền, thẹn thùng e lệ (mà chúng ta thường hay nói đùa kiểu em chả, em chả !) của con gái Huế, rất tài tình chỉ vỏn vẹn với một câu thơ thật đơn giản :

O cười e ấp khi nhìn vội

Và lại càng lãng mạn, trữ tình hơn tuy ngẫu nhiên nhưng ánh mắt cô nàng đã "cướp lấy trái tim ai đó " hồi nào không hay:

Vô tình đôi mắt nhốt tim tôi

Ngày xưa, tuy còn nhỏ nhưng tôi cũng đã thấy nhiều anh chàng có lẽ vì yêu thầm nhớ trộm lửng thửng im lặng đi theo sau một nàng con gái. Ngay cả người viết tuy lúc xưa thuộc loại "cù lần lửa" chưa biết yêu là gì và đã từng nghịch ngơm chạy xe gắn máy tà tà theo chân mấy cô nữ sinh xinh xắn tha thướt trong tà áo dài trắng, tóc thề phủ ngang vai khi tan trường về cho đến khi cô nàng khuất bóng sau cổng nhà....nhưng khác điều là sau đó vẫn còn nhớ đường về vì vậy rất dễ thông cảm qua 2 câu thơ tả chân, tả cảnh và tả tình sau đây:

Tôi theo gót đỏ quên đường về
O thả tóc thề gió ngẩn ngơ

Tuyệt, gió còn ngẩn ngơ với mái tóc thề của mấy O , huống chi những chàng trai mới lớn khi con tim vừa chớm biết rung động .

Kỷ niệm là những gì đã có, một thời ai đó đã sống qua khó quên và tùy hoàn cảnh theo không gian thời gian đôi khi chợt về, đã được thi sĩ tác giả gợi nhớ để kết thúc bài thơ :

Bây chừ một gã ngồi đây nhớ
Huế đợi O về, Huế nhớ O

Quê hương, Sài Gòn, Đà Lạt, Qui Nhơn, Huế ... đợi quý vị hay hay chờ DT hoặc tôi về thăm là chuyện bình thường, dễ hiểu. Tuy nhiên như đã nói, điều ngộ ngộ tôi nhận thấy làm cho mình tò tò và từ đó "xí xọn" hơn một chút thử mổ xẻ bài thơ xem có chi lạ do cô em DT tôi quen đã cho ra đời thi phẩm "khêu gợi sự hiếu kỳ" mang tên " Huế Nhớ O "!.

Thành thật mà nói "Nếu có O mô hay người quen nào nhớ đến 'Xí xọn Sĩ, vốn là phó thường dân như tôi' thì là điều mừng hết lớn, còn chuyện một thành phố nhớ đến mình thì có lẽ chỉ là giấc mơ đối với một người đang sống tha hương như tôi !". Phải chăng "cô em thi sĩ tác giả (chưa bao giờ hội kiến) Dáng Thơ ở tận xứ Canguru (Kangaroo) xa xôi " cũng mang một tâm trạng tương tự ? .

Để kết thúc bài phóng tác, người viết mời quý độc giả dành hơn 4 phút vừa nghe nhạc vừa chiêm ngưỡng dung nhan thiếu nữ Huế và Việt Nam duyên dáng, xinh đẹp trong những chiếc Áo Dài Việt Nam với chiếc nón bài thơ cũng như vài hình ảnh của Huế qua Video Clip do tôi tự biên tự diễn với hình ảnh được sưu tầm từ Internet và tự minh họa. Mong quý độc giả hoan hỷ cho do mọi sơ sót khó tránh khỏi và xin chân thành cám ơn tác giả của những tấm hình đẹp góp nhặt từ Facebook & diễn đàn cũng như mong quý chị em phụ nữ thông cảm cho sự mạo muội rằng tôi (người thực hiện Video) đã sử dụng hình mà chưa hỏi trước. Cám ơn.

Trân trọng giới thiệu Video với thi nhạc phẩm Huế Nhớ O (Lời: Thơ Dáng Thơ, phổ nhạc: Anh Bằng qua giọng ca điêu luyện của Tâm Đoan & Đặng thế Luân theo đường Link:

https://www.youtube.com/watch?v=PmOT7VSlvHs&feature=youtu.be

• © Lê-Ngọc Châu (Nam Đức, chiều 17. August 2016)

HUẾ NHỚ O. Lời: Thơ DángThơ. Nhạc: Anh Bằng. Casĩ: Tâm Đoan & Đặng Thế Luân. Video:Chau6168