Matt Mahan

ads header

Breaking News

TQ, Phi dự kiến mở đàm phán sau phán quyết của Toà LHQ

Thuyền viên Philippines ra dấu với tàu Tuần duyên Trung Quốc khi họ chặn chiếc tàu này tiến vào Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông, 29/3/2014.
TQ, Philippines dự kiến mở đàm phán sau phán quyết của Toà Trọng tài LHQ

TAIPEI / MANILA —
Một nước Trung Quốc phẫn nộ và một nước Philippines hân hoan đang dự tính mở các cuộc đàm phán chính thức, một động thái chính trị được nhiều người ủng hộ bởi vì nó sẽ giảm thiểu nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, sau khi Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc hôm qua bác bỏ căn cứ pháp lý của tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông đang trong vòng tranh chấp.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị châm biếm phán quyết của Toà Trọng tài Liên Hiệp Quốc, bác bỏ tính hợp pháp của tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên 95% diện tích Biển Đông theo “đường 9 đoạn”, một vùng biển rộng 3,5 triệu km vuông phong phú hải sản và tài nguyên như dầu và khí đốt, và cũng là một tuyến hàng hải quan trọng cho thương thuyền qua lại.

Mặc dù vậy, ông Vương cũng đánh tiếng rằng ông muốn có đối thoại. Khuya hôm thứ Ba, Ngoại Trưởng Trung Quốc nói:

“Bây giờ trò hề đã qua, giờ là lúc chúng ta nên quay lại con đường ngay. Phía Trung Quốc nhận thấy rằng tân chính phủ Philippines hồi gần đây đã đưa ra một loạt tuyên bố, kể cả những phát biểu cho thấy họ sẵn sàng tái tục thương thuyết và đối thoại với Trung Quốc về vấn đề Biển Nam Trung Hoa.”

Bắc Kinh từ lâu vẫn nói họ muốn mở các cuộc đàm phán song phương để giải quyết vụ tranh chấp biển đảo, thay vì sử dụng các cơ quan đa quốc gia.

Tại Manila hôm qua, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay miêu tả phán quyết của Toà Trọng tài LHQ là “một quyết định có tính bước ngoặt”, nói rằng phán quyết này đã “đóng góp quan trọng” hướng tới việc giải quyết các cuộc tranh chấp biển đảo vẫn đang tiếp diễn, và ông hối thúc tất cả các bên “hãy tự chế và tỉnh táo.”

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, người lên nhậm chức vào ngày 30/6, từng nói rằng ông muốn thương thuyết tay đôi với Trung Quốc, bất chấp thái độ cứng rắn hơn của ông trong một chiến dịch tranh cử tổng thống được đánh dấu bằng những lời lẽ thô tục và những hứa hẹn.

Đối thoại có thể giúp đẩy lùi bất cứ mối đe doạ chiến tranh và giúp cho các vùng biển giữa hai nước này trở nên an toàn hơn cho những hoạt động thương mại của cả hai nước, đặc biệt là cho ngư dân Philippines. Giải pháp này cũng giúp Trung Quốc cải thiện hình ảnh của mình như một nước ỷ lớn hiếp bé trong cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài 4 thập niên nay, dưới con mắt của mọi người từ Châu Á cho tới Hoa Kỳ.

Vấn đề phức tạp

Trung Quốc đã gây phẫn nộ cho Philippines và 4 nước khác cũng tranh giành chủ quyền Biển Đông với các hoạt động quân sự hoá và các dự án bồi đắp đất xây đảo giữa 500 đảo hay cấu trúc địa lý bé nhỏ, về phần lớn không có điều kiện để sinh sống trong Biển Đông. Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines tuyên bố chủ quyền một phần vùng biển này dọc theo các bờ biển của các nước này.

Chính phủ Philippines dưới thời Tổng thống Benigno Aquino đã khởi tố Trung Quốc ra trước toà án Liên Hiệp Quốc cách đây 3 năm, sau khi Manila đối đầu với các tàu đánh cá Trung Quốc tại một bãi cạn trong vòng tranh chấp. Trung Quốc còn chiếm đóng hai bãi cạn trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Trung Quốc viện dẫn các tài liệu lịch sử để biện minh cho tuyên bố chủ quyền của mình.

Bắc Kinh đặt nghi vấn về tiến trình tìm sự thật của toà án Liên Hiệp Quốc, và nói rằng toà án này không có quyền tài phán trong vụ tranh chấp này.

Mặt khác, phán quyết của Toà Trọng tài LHQ còn là một đòn giáng đối với tuyên bố chủ quyền các vùng lãnh hải tương tự của Đài Loan, đặc biệt sau khi toà bác bỏ lập luận cho rằng các cấu trúc địa lý nổi khi thuỷ triều dâng lên tại quần đảo Trường Sa- kể cả đảo Itu Aba đang do Đài Loan kiểm soát, quyền được có vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý.

Phát biểu từ một tàu chiến lớp La Fayette đang chuẩn bị lên đường thực hiện sứ mạng tuần tiễu Biển Đông hôm nay, thứ Tư 13/7, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn nói việc Itu Aba bị giáng cấp xuống thành một hòn đá “phương hại nghiêm trọng tới vị thế pháp lý của chúng tôi trong việc hành xử quyền chủ quyền và các lợi ích hàng hải liên quan.”

Bà Thái Anh Văn nói Đài Loan sẽ không bao giờ chấp nhận phán quyết đó.

Phán quyết được đưa ra sau 8 tháng thảo luận đã được người dân Philippines hoan nghênh nhiệt liệt, và được cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino ca tụng. Chính phủ của ông đã khởi sự hồ sơ khiếu kiện Trung Quốc ra trước toà án quốc tế đặt tại La Haye, cho rằng Trung Quốc vi phạm các quyền của Philippines được sử dụng các vùng lãnh hải ngoài khơi bờ biển phía Tây Philippines.

Thế bất cân bằng ngoại giao

Tuy nhiên một số người Philippines bày tỏ lo sợ rằng Trung Quốc có thể thách thức phán quyết của toà và gây khó khăn hơn cho các tàu đánh cá Philippines trong các vùng biển đang tranh chấp. Những quan ngại ấy trao thêm quyền cho giải pháp mở đàm phán với Bắc Kinh.

Ông Jay Batongbacal, Giám Đốc Viện Nghiên cứu Hàng Hải và Luật Biển tại Đại học Philippines nói :“Điều rõ rệt là chính phủ của ông Duterte sẽ tìm cách thương thuyết với người Trung Quốc để đạt một giải pháp hữu nghị nào đó.”

Ông nói thêm rằng người Philippines đã giang tay đề nghị hoà bình, mục đích có lẽ là để Trung Quốc trở lại bàn đàm phán để thảo luận về cuộc tranh chấp.

Theo ông Batongbacal, công chúng Philippines rõ ràng trông đợi họ thắng kiện, và họ cũng trông đợi chính phủ của họ phải có một lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc về các vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Giới phân tích nhận định Trung Quốc giờ đây đang lâm vào thế kẹt giữa việc tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình trong tranh chấp Biển Đông và tìm một đường lối ngoại giao để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc về vấn đề này với quốc tế.

Lập trường quá cứng rắn, chẳng hạn như tuyến bố khu nhận dạng phòng không (ADIZ) sẽ phương hại đến hình ảnh vốn đã xấu của Trung Quốc trên khắp Châu Á, khu vực mà Trung Quốc muốn trở thành một láng giềng tốt.

Nói chuyện với VOA, ông Tang Siew Mun, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ISEAS Yusof Ishak nói: “Có phần chắc là Trung Quốc sẽ biểu dương lực lượng để khẳng định chủ quyền của họ, nhưng những biện pháp ấy chỉ làm cho hình ảnh rất xấu của Trung Quốc càng trở nên xấu xí hơn nữa.”