LHQ và RSF lên án Việt Nam bỏ tù blogger Anh Ba Sàm
Blogger Nguyễn Hữu Vinh (Anh Ba Sàm) (rsf.org) |
Ngày 24/03/2016, từ Bangkok, Văn phòng của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ra tuyên bố « rất quan tâm » về bản án và « bản cáo trạng dựa theo điều 258 đi ngược lại những cam kết của Việt Nam đối với quốc tế ».
Đại diện của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vùng châu Á Laurent Meillan « kêu gọi chính phủ Việt Nam chấm dứt những bản án theo điều luật 258 và những điều khoản mơ hồ khác ». Ông cũng kêu gọi « chính phủ Việt Nam ngưng truy bức những cá nhân sử dụng quyền tự do phát biểu ý kiến ». Một ngày trước, tại phiên toà, ông Nguyễn Hữu Vinh và cô Nguyễn Thị Minh Thúy đều khẳng định vô tội nhưng vẫn bị kêu án nặng nề 5 năm và 3 năm tù.
Trong khi đó, bản cáo trạng quy buộc họ tội quản lý một trang blog thu hút 3,7 triệu lượt người đọc, bôi nhọ lãnh đạo đảng Cộng Sản và làm giảm niềm tin trong dân chúng. Xuất thân là sĩ quan công an, ông Nguyễn Hữu Vinh lập trang blog anhbasam để giúp công luận tìm hiểu lịch sử và thông tin ngoài luồng của báo chí và của hệ thống tuyên truyền một chiều. Ông rất được giới tranh đấu nhân quyền, tự do báo chí và dân oan mến phục.
Giới quan sát và nhiều chính trị gia quốc tế xem ông là biểu tượng can đảm tranh đấu cho tự do thông tin. Ngày ông Nguyễn Hữu Vinh ra toà có hàng trăm người biểu tình và nhiều đại diện ngoại giao của Mỹ và châu Âu đến tận nơi quan sát. Một ngày trước, tại Hà Nội, các nhà ngoại giao cùng một dân biểu Đức, Martin Patzelt, và một số nhân sĩ, thanh niên Việt Nam đã tham gia buổi lễ ra mắt quyển sách Anh Ba Sàm do nhà xuất bản Trẻ ấn hành.
RSF đòi Hà Nội hủy bản án nhắm vào hai blogger Việt Nam
Trong thông cáo đề ngày 24/03/2016 đại diện của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới RSF đặc trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Benjamin Ismaïl, lên án Việt Nam một lần nữa đã "bắt giam các nhà báo muốn phổ biến thông tin một cách độc lập". RSF kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực với chính quyền Việt Nam để ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự của ông là cô Nguyễn Thị Minh Thúy chóng được trả tự do.