Giáo hoàng thúc đẩy hòa giải giữa các Giáo hội Thiên chúa giáo
Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill và Giáo hoàng Phanxico sẽ có buổi gặp vào ngày 12/02/2016 tại Cuba. REUTERS/Maxim Shemetov/Files |
Cuộc gặp gỡ ở Cuba mang tính lịch sử là vì kể từ khi giáo hội Thiên chúa giáo phương Tây và phương Đông bị chia cắt vào năm 1054, chưa bao giờ lãnh đạo của hai bên gặp nhau. Hôm qua, 05/02/2016, khi thông báo cuộc gặp gỡ giữa giáo hoàng Phanxicô với thượng phụ Kirill, phát ngôn viên của Tòa Thánh, cha Federico Lombardi cho biết cuộc gặp này đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ hai năm qua.
Sự phân hóa giữa Công giáo với Chính thống Giáo từ năm 1054 không chỉ là do những vấn đề thần học, tôn giáo, mà còn có những lý do chính trị : Phương Tây muốn hành xử quyền lực trên toàn bộ các giáo hội Thiên chúa giáo thông qua giáo hoàng, trong khi giáo hội Phương Đông thì muốn duy trì sự độc lập.
Cho dù khá gần gũi về các quan điểm thần học, hai giáo hội cho tới nay vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc. Giáo hội phương Đông vẫn không chấp nhận vai trò lãnh đạo của giáo hoàng. Cuộc xung đột ở Ukraina càng khiến hai giáo hội thêm ngăn cách, vì xung đột này một lần nữa gây chia rẽ giữa các tín đồ Công giáo Hy Lạp ở Ukraina, trung thành với Vatican, với tín đồ Chính thống giáo Ukraina trực thuộc Matxcơva.
Vào năm 1964, giáo hoàng Phaolô đệ lục đã gặp thượng phụ Athénagoras, thượng phụ Chính thống giáo Hy Lạp Constatinople, khai mào một tiến trình hòa giải giữa hai giáo hội. Những giáo hoàng kế nhiệm Gioan Phaolồ đệ nhị và Phanxicô đã tiếp tục con đường hòa giải này.
Nhưng Giáo hội Constantinople chỉ có 3,5 triệu tín đồ, trong khi Giáo hội Chính thống Nga có đến ít nhất 130 triệu người, đông nhất trong tổng số 14 giáo hội Chính thống giáo. Thế mà từ bao lâu nay, quan hệ giữa Matxcơva với Vatican rất lạnh nhạt, nếu không muốn nói là giá lạnh, bởi vì phía Nga vẫn cáo buộc Tòa Thánh thúc đẩy việc truyền đạo Công giáo trên đất Chính thống giáo.
Không chỉ là lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga, thượng phụ Kirill còn là nhân vật vẫn ủng hộ chế độ Matxcơva, từ thời Liên Xô cho đến chính quyền Vladimir Putin. Cũng như điện Kremlin, thượng phụ Kirill vẫn có thái độ nghi kỵ phương Tây và nói chung chia sẻ niềm tự hào về một nước Nga hùng mạnh.
Theo chiều hướng cải thiện quan hệ với Chính thống giáo Nga, Tòa Thánh đã phản ứng chừng mực về chính sách của tổng thống Putin can thiệp vào Ukraina. Phản ứng này gây thất vọng cho tín đồ Công giáo Hy Lạp ở Ukraina, nhưng Mátxcơva thì rất hài lòng. Giáo hoàng Phanxicô nay cũng nhấn mạnh rằng người Thiên chúa giáo bất kể giáo hội nào phải hợp lực chống Hồi giáo cực đoan.
Cũng theo chiều hướng hòa giải giữa các giáo hội Thiên chúa giáo, Vatican gần đây loan báo là ngày 31/10/2016 tới, giáo hoàng Phanxicô sẽ đến Thụy Điển để dự lễ kỷ niệm 500 cuộc Cải cách Tin Lành của Martin Luther. Một cử chỉ khác cho thấy là lãnh đạo Giáo hội Công giáo La Mã sẵn sàng vượt qua mọi xung khắc lịch sử để đạt được mục tiêu Đại kết giữa những người thờ kính cùng một Chúa trời.