Thế kẹt của Trung Quốc trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh (Hua Chunying), trong cuộc họp báo thường kỳ, tại Bắc Kinh, ngày 06/01/2016 Reuters |
Triển vọng Trung Quốc-Bắc Triều Tiên sưởi ẩm quan hệ thêm xa vời sau vụ Bình Nhưỡng lại thử bom nguyên tử. Dù là điểm tựa duy nhất của chế độ Bắc Triều Tiên, nhưngTrung Quốc cũng không được Bình Nhưỡng thông báo về ý định thử nghiệm bom nhiệt hạch ngày 06/01/2016.
Phải chăng lãnh đạo trẻ tuổi họ Kim muốn chứng minh với Bắc Kinh rằng, dù vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế nhưng Bình Nhưỡng không còn chịu ảnh hưởng của nước láng giềng to lớn này như trong quá khứ, và mối liên hệ lịch sử từng được coi là « môi hở răng lạnh » gắn liền hai chế độ cộng sản tại Đông Bắc Á này đã thuộc về dĩ vãng ? Trái với ông và cha là Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, từ khi lên cầm quyền vào cuối tháng 12/2011, Kim Jong Un chưa từng công du Trung Quốc.
Một tia hy vọng hàn gắn quan hệ giữa Trung Quốc với Bắc Triều Tiên đã lóe lên hồi tháng 12/2015 khi có tin đồn Kim Jong Un viếng thăm Bắc Kinh trong một tương lai không xa. Tiếp theo đó Bình Nhưỡng đã gửi ban nhạc rock nổi tiếng Moranbong sang Bắc Kinh để trình diễn, nhưng rồi vài giờ trước khi lên sân khấu, thì tốp ca nữ này lại phải đột ngột đáp máy bay trở về Bình Nhưỡng mà không có một lời giải thích.
Về phần mình Trung Quốc một mặt kêu gọi Bắc Triều Tiên nhanh chóng trở lại đàm phán với cộng đồng quốc tế, trong khuôn khổ đối thoại 6 bên, chấm dứt các chương trình hạt nhân, mặt khác Bắc Kinh mạnh mẽ lên án việc Bình Nhưỡng thử tên lửa, khiêu khích cộng đồng quốc tế.
Tại Hội Đồng Bảo An, Trung Quốc cũng đồng tình với cộng đồng quốc tế xem xét việc gia tăng trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên theo giới chuyên gia, có nhiều lý do cho thấy, Trung Quốc sẽ không quá mạnh tay với chế độ của Kim Jong Un.
Thứ nhất, theo phân tích của giáo sư Vương Đống (Wang Dong), thuộc trường Đại học Bắc Kinh, vụ thử nghiệm bom vừa qua chứng tỏ Bắc Triều Tiên đã bị dồn vào chân tường và « không còn gì để mất », kể cả với cộng đồng quốc tế trong đó có Bắc Kinh. Cho dù năm 2015 Trung Quốc viện trợ cho Bắc Triều Tiên 23 triệu tấn ngũ cốc và hơn 176 ngàn tấn xăng dầu, nhưng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng cũng đang bị thu hẹp lại.
Lý do thứ hai khiến Trung Quốc sẽ không mạnh tay với Bắc Triều Tiên xuất phát từ chỗ Bắc Kinh không muốn trông thấy chế độ của gia đình họ Kim bị sụp đổ. Đành rằng Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi « cứng đầu », Bình Nhưỡng là một tay đàn em khó bảo, nhưng Trung Quốc bằng mọi giá không muốn để một quốc gia ở ngay sát cạnh lâm vào cảnh hỗn loạn.
Theo lời một chuyên gia về quan hệ quốc tế của tổ chức Crisis Group được AFP trích dẫn, trong nhãn quan của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Triều Tiên có vũ khí hạt nhân không nguy hiểm bằng viễn cảnh quốc gia này rơi vào khủng hoảng chính trị. Chính vì vậy mà, dù các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh tỏ ra cứng rắn với Bình Nhưỡng nhưng báo chí Trung Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên khởi động lại quá trình đàm phán, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Vì những lý do an ninh và chiến lược, Bắc Kinh không thể chấp nhận kịch bản hai miền Nam-Bắc Triều Tiên thống nhất ngay sát với đường biên giới của mình. Trong điều kiện đó, Trung Quốc chỉ có một giải pháp duy nhất : tiếp tục bảo đảm sự sống còn của chế độ nhà họ Kim.
Yếu tố kinh tế sẽ là lý do thứ ba, cho thấy Trung Quốc sẽ không bỏ rơi chế độ Bắc Triều Tiên. Về mặt chính thức Bắc Kinh ủng hộ giải pháp quốc tế tăng cường các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Nhưng do những mối liên hệ chặt chẽ với Bắc Triều Tiên, từ tài chính đến thương mại, nếu thực sự các biện pháp trừng phạt đó có hiệu lực thì các doanh nghiệp và ngân hàng của Trung Quốc bị thiệt hại trước hơn ai hết.
Sau cùng, hiện tại quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cũng đang trong thế rất « nhạy cảm » để Trung Quốc dễ dàng cùng với Hoa Kỳ trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng ý thức được tất cả những cân nhắc của Trung Quốc, cho nên Bắc Triều Tiên lại càng dùng lá bài hạt nhân để bắt bí cộng đồng quốc tế. Theo phân tích của chuyên gia chống phổ biến vũ khí hạt nhân, ông Joe Cirincione, thuộc quỹ Ploughshares của Mỹ, đã đến lúc quốc tế, đứng đầu là Trung Quốc và Hoa Kỳ, cần xét lại chính sách đối với Bắc Triều Tiên.
Trừng phạt Bình Nhưỡng không ngăn cản được chế độ Kim Jong Un chế tạo bom nguyên tử. Vậy thì phải chăng chỉ còn con đường đối thoại ? Cho dù không có gì bảo đảm giải pháp đó sẽ mang lại kết quả. Bởi vì, khoanh tay ngồi nhìn Kim Jong Un chế tạo bom nguyên tử cũng là một giải pháp đầy mạo hiểm.