Matt Mahan

ads header

Breaking News

Chế tạo bom H: Mỹ, Nhật, Hàn đòi phạt nặng Bình Nhưỡng

Tổng thống Hàn Quốc, Park Geun-Hye (giữa), trong cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, tại Phủ Tổng thống, Seoul ngày 06/01/2015. REUTERS/Presidential Blue House/Yonhap
(RFI) Ngay sau khi Hội đồng Bảo an nhất trí xem xét việc gia tăng trừng phạt Bắc Triều Tiên, vào sáng nay, 07/01/2016, theo giờ châu Á, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thảo luận qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Trong một thông cáo được phủ Tổng thống Hàn Quốc công bố, hai lãnh đạo Mỹ-Hàn nhất trí cho rằng vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đáng bị « những biện pháp trừng phạt dữ dội và toàn diện nhất ». Đối với ông Obama và bà Park Geun Hye, « Bắc Triều Tiên sẽ phải trả một cái giá thích đáng ».

Nhật Bản cũng phản ứng cứng rắn. Thủ tướng Nhật và Tổng thống Mỹ cùng nhất trí với nhau là phải đi đầu trong việc thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất nhắm vào Bắc Triều Tiên. Riêng Tokyo còn xem xét một số trừng phạt của riêng Nhật Bản. Nước Pháp cũng tiếp tục lên án Bắc Triều Tiên. Sau Phủ Tổng thống, tối hôm qua, đến lượt Bộ Ngoại giao Pháp lên tiếng tố cáo mạnh mẽ hành động thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, dù tố cáo Bắc Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, Mỹ và Nhật đều công khai tỏ ý hoài nghi về thành công của cuộc thử nghiệm được Bình Nhưỡng phô trương. Theo ông Josh Earnest, phát ngôn viên Nhà Trắng Mỹ, thì các phân tích đầu tiên mà Hoa Kỳ thực hiện về vụ nổ đều không khớp với các loan báo của Bình Nhưỡng theo đó Bắc Triều Tiên đã thử nghiệm thành công một quả bom khinh khí.

Nhật Bản cũng cho biết là ba phi cơ được phái đi để « đánh hơi » phóng xạ, đều trở về tay không, không thấy dấu vết phóng xạ trong các mẫu không khí thu thập để xét nghiệm.

Mỹ-Hàn phối hợp đối phó với Bắc Triều Tiên

Còn theo bản tin Reuters, dẫn lời một giới chức quân sự Hàn Quốc, thì Seoul đang thương lượng với Washington để triển khai « các phương tiện chiến lược Mỹ » trên lãnh thổ nước này. Giới chức Hàn Quốc không nói rõ phương tiện chiến lược nào. Việc sử dụng từ « phương tiện chiến lược » có thể khiến người ta nghĩ đến vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đã nói rõ Seoul cự tuyệt ý định trang bị vũ khí hạt nhân, cho dù Bắc Triều Tiên coi như đã sở hữu được bom H kể từ giờ. Phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc, lãnh đạo Quốc phòng Han Min-goo tái khẳng định chính sách « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ».

Trước mắt, phản ứng đáng kể nhất của Hàn Quốc là nối lại các chương trình tuyên truyền xuyên biên giới Liên Triều, với các loa phóng thanh cực lớn. Chương trình này được ngưng lại hồi tháng 8/2015, sau các căng thẳng dâng cao tại vùng biên giới, đến mức có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự.

Một thỏa thuận xuống thang đã được ký kết giữa hai bên, theo đó, Hàn Quốc chấp nhận ngưng hoạt động này, sau khi Bắc Triều Tiên tỏ ý tiếc về vụ nổ mìn khiến hai quân nhân Hàn Quốc bị thương. Theo thỏa thuận này, các loa phát thanh qua biên giới sẽ im tiếng « trừ khi có một tình huống bất thường xảy ra ».