Matt Mahan

ads header

Breaking News

Họa sĩ Lương Trường Thọ và trường phái hội họa khỏa thân

Tạp chí hội họa của WAF giới thiệu họa sĩ Lương Trường Thọ
Họa sĩ Lương Trường Thọ và “trường phái” khỏa thân trong hội họa
Trúc Giang MN

1* Mở bài

Họa sĩ Lương Trường Thọ rất vinh hạnh được thu nhận vào tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (WAF=World Art Foundation) là một tổ chức tuyển chọn những họa sĩ và điêu khắc gia chuyên nghiệp và tài năng nhất thế giới.

Ông Jojo Marengo là người sáng lập và cùng với con trai là Antoine Marengo quản lý. Đã có 400 họa sĩ và điêu khắc gia của 53 quốc gia trên thế giới được thu nhận vào WAF.

Họa sĩ Lương Trường Thọ là người Việt Nam đầu tiên, người Á châu duy nhất được Hội đồng Nghệ thuật của tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới tuyển chọn và xếp vào hạng Master Art.

Chủ trương của WAF là: “Chúng ta là những người có sứ mạng xây dựng một xứ sở toàn cầu (We are people with a mission building a global nation).

Cũng như những họa sĩ tài danh thế giới, Lương Trường Thọ cũng có một số tranh khỏa thân, nhưng tranh nude của anh thuộc về loại trừu tượng. Khỏa thân nhẹ nhàng.

2* Sắc màu vượt không gian, đường cọ xuyên biên giới.

2.1. Họa sĩ Lương Trường Thọ được tuyển chọn vào tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới

“Một điều không ai có thể ngờ tới đã trở thành hiện thực. Đó là vào ngày 23-7-2009, tại Hoa Kỳ, tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (World Art Foundation-WAF) đã công bố tuyển chọn thành viên mới là một họa sĩ người Việt Nam, Lương Trường Thọ. Đó là một vinh dự lớn không những đối với người Việt Nam mà còn với cả giới cầm cọ Đông Nam Á, bởi vì từ trước đến nay chưa có một họa sĩ Châu Á nào có mặt trong WAF cả.

Họa sĩ Lương Trường Thọ và hiền thê
Được chọn làm thành viên của WAF, họa sĩ phải hội đủ nhưng tiêu chuẩn nghệ thuật rất cao, qua sự duyệt xét gắt gao, mà những ai thành danh thật sự, mới được tuyển chọn.

Tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (WAF) do ông Jojo Marengo sáng lập vào ngày 31-10-2008 tại Orange County, California. Thành viên của tổ chức nầy gồm những họa sĩ, điêu khắc gia chuyên nghệp trên thế giới.

Ông Jojo Marengo tuyên bố: “Là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, thành viên của WAF, chúng tôi tập họp dưới một ngọn cờ để tạo thành một một ngành công nghiệp nghệ thuật thống nhất. (As the professional artists and members of WAF, we congregate under one banner to form a unified art industry)

Gia đình Marengo làm chủ 21 tạp chí nghệ thuật dưới cái tên là Umbrella Publishing.

Là một người đam mê sắc màu, Lương Trường Thọ biết cầm cọ suốt một chiều dài thời gian trên 40 năm. Có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao qua những cuộc triển lãm quốc tế từ Thái Lan, Singapore, Hamburg (Đức), Mỹ, Seoul (Hàn Quốc).

Tranh của họa sĩ Lương Trường Thọ cũng góp mặt khá nhiều trong những gallery (phòng trưng bày tranh), những bộ sưu tập khắp nơi trên thế giới như Đức, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch, Anh, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Họa sĩ Lương Trường Thọ đã xác định được vị thế và khả năng của mình trong thế giới sắc màu vượt không gian và đường cọ xuyên biên giới của tổ chức Mỹ Thuật Thế Giới (WAF), mà người sáng lập WAF là ông Jojo Marengo và con trai ông là Antoine Marengo làm giám đốc điều hành.

Ông Jojo Marengo (trái)và  Họa sĩ Lương Trường Thọ (phải)
Ông Jojo Marengo đang nổ lực sáng lập cho thế giới nghệ thuật một giải thưởng danh giá, The World Master Art (WMA) để sánh vai cùng giải Oscar của điện ảnh và giải Grammy của âm nhạc.

2.2. Hồn Việt trong tranh Lương Trường Thọ

Mặc dù sắc màu vượt không gian, đường cọ xuyên biên giới nhưng tranh của Lương Trường Thọ cũng còn là một thế giới riêng của sự hồi nhớ, suy tưởng cảm nhận ẩn chứa hồn Việt: nón lá, ào dài, bóng dáng khói sương của người phụ nữ và biển cả, núi sông…

Lương Trường Thọ là một trong 30 Master Artist đã được WAF chọn tham dự triển lãm mùa đông qua mười thành phố Hoa Kỳ từ 17-10-2009 đến giữa năm 2010. Lương Trường Thọ là người Châu Á duy nhất ở đẳng cấp Master.

Anh Thọ nói với đồng hương Ninh Hòa (Nha Trang) như sau: “Đặc biệt với WAF, tôi được kết nạp ở đẳng cấp Master Artist, và được chọn là 1 trong 30 Họa sĩ đủ mọi quốc tịch trên thế giới tham dự Triển lãm Hành trình Mỹ - All America Tour - qua 10 thành phố nổi tiếng về mỹ thuật. Cuộc triển lãm này chỉ có một mình tôi là người Việt Nam và cũng là người Châu Á độc nhất. Tôi rất vui mừng và tự hào là một đức con Ninh Hòa, góp mặt sánh vai với các đồng nghiệp trên cả thế giới”.

WAF đã chọn hai tranh sơn dầu của anh đi triển lãm. Đó là bức “Vòng tay âu yếm” (Hustler) và bức “Mộng Điệp” (Deep Enchanted Dream).

Trong cuộc triển lãm All America Tour, bức Mộng Điệp của anh được đánh giá cao. Chính ông Jojo Marengo luôn đứng bên bức tranh Mộng Điệp để giới thiệu bức tranh và trước cuộc họp báo.

3* Họa sĩ Lương Trường Thọ là thành viên của những tổ chức nghệ thuật Việt Nam và thế giới 

Lương Trường Thọ sinh năm 1948 tại Khánh Hòa. Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Gia Định, vẽ tranh từ năm 1966 đến nay. Là hội viên của các tổ chức nghệ thuật sau đây:

- Hội Mỹ Thuật Sài Gòn
- Mekong Art
- Exotic Art Club Hamburg, Cộng Hòa Liên Bang Đức năm 2001
- Hội viên World Art Foundation. Là hội viên người Việt Nam đầu tiên và người châu Á duy nhất từ năm 2009.
- Hội viên California Art Club, một hội được thành lập năm 1909.
- Thành viên của Họa sĩ Việt Nam Hải Ngoại
- Thành viên của nhóm Họa Sĩ Nam Cali.
- Hội viên California Art Club, một hội được thành lập năm 1909.

4* Tham gia những cuộc triển lãm Hoa Kỳ và quốc tế

4.1. Triển lãm tại Hoa Kỳ

1). Triển lãm Xuân Ất Mùi 2015

Triển lãm Xuân Ất Mùi (19-2-2015) Chủ đề “Giòng Kỷ Niệm”
Họa sĩ Lương Trường Thọ là thành viên của Hội Họa Sĩ Việt Nam Hải Ngoại do họa sĩ ViVi làm Hội trưởng, đồng thời cũng là thành viên của Nhóm Họa Sĩ Nam Cali, đã tích cực tham gia các sinh hoạt nghệ thuật và triển lãm của các nhóm.

Cuộc triển lãm Xuân Ất Mùi bắt đầu từ ngày mồng một Tết Ất Mùi (19-2-2015) tại Trung tâm Văn hóa chùa Bảo Quang (Santa Ana, CA). Chủ đề triển lãm là “Giòng Kỷ Niệm” gồm tranh của chín họa sĩ tham dự: các họa sĩ Lương Trường Thọ, Ái Lan, Trương Đình Uyên, Đặng Ngọc Sinh, Vi Hương, Chính Mung, Lam Thủy (trưởng nhóm), Huy Dũng, Nguyễn Văn Bảy, và họa sĩ khách mời Thanh Trí Cao.

“Với phong cách khác nhau, nhiều chất liệu khác nhau, mỗi họa sĩ mang đến cuộc triển lãm một góc tâm hồn, một thông điệp nghệ thuật, tạo nên những sắc màu nội tâm phong phú. Đây là món quà đầy ý nghĩa của Nhóm Họa Sĩ Nam Cali mang đến cho những người yêu hội họa trong dịp đầu Xuân năm mới”. (Băng Huyên-VienDongDaily.com)

2). Triển lãm hội họa Cảm Tác Mùa Thu

Khen ngợi họa sĩ Lương Trường Thọ qua tranh “Motherhood” 2015
Lương Trường Thọ cùng 13 họa sĩ thuộc Nhóm Họa Sĩ Nam Cali tham gia cuộc triển lãm với chủ đề Cảm Tác Mùa Thu vào ba ngày 5,6,7 tháng 9 năm 2014 tại hội trường VNCR, Westminster, CA.

Nhóm họa sĩ có nhã ý tặng 20% tiền bán tranh cho việc xây dựng tượng đài Đức Thánh Trần.

Thị trưởng Westminster, ông Tạ Đức Trí, Nghị viên Diana Carey, và đặc biệt nhất là bà Magie Rice, Phó thị trưởng mặc trang phục lộng lẫy đến dự lễ khai mạc và xem tranh.

Thị trưởng Tạ Đức Trí cám ơn 14 họa sĩ đã góp phần làm phát triển văn hóa của thành phố. Ông đã trao cho mỗi họa sĩ một bằng tưởng lục của thành phố.

“Chúng ta phải cám ơn những họa sĩ. Họ là những người làm đẹp cho đời”, một quan khách phát biểu như thế.

Ngoài ra, họa sĩ Lương Trường Thọ cũng tham gia vào những cuộc triển lãm được tổ chức ở Cali như: “Họa Sĩ Việt Nam Đem Sắc Màu Vào Cuộc Sống”, “Sắc Màu Việt Nam 7, Đem Tươi Đẹp Đến Cho Đời”…

3). Chương trình triển lãm hành trình nước Mỹ (All America Tour)

Từ trái sang: Nữ ký giả báo Santa Fe, hoạ sĩ Lương Trường Thọ, Chủ tịch đồng thời là nhà sáng lập WAF Jojo Marengo và giám đốc điều hành WAF Antoine Marengo bên bức tranh Mộng điệp tại cuộc triển lãm “Hành trình nước Mỹ.”
Ông Jojo Marengo luôn đứng bên bức tranh Mộng Điệp để giới thiệu bức tranh và trước cuộc họp báo.

Tác phẩm của họa sĩ Lương Trường Thọ là đại diện duy nhất của khu vực Á châu, và tác phẩm của 30 thành viên Mỹ Thuật Thế Giới do WAF tuyển chọn, đã được trưng bày lần lượt tại 10 thành phố lớn Hoa Kỳ: Los Angeles, Laguna Beach, La Jolla (Cali), Santa Fe (New Mexico) Scottsdale, Sedonia (Arizona), Chicago (Illinois), Cleveland (Ohio), Pittsburg (Pensylvania) và New York.

Mục đích cuộc triển lãm là giới thiệu những tác phẩm nổi bật của các thành viên WAF đến khán giả, tại các đô thị nghệ thuật của Hoa Kỳ. Đồng thời, tác phẩm của họ cũng sẽ được trưng bày tại các Gallery uy tín ở Hoa Kỳ.

Khẩu hiệu của WAF là: “Chúng ta là những người có sứ mệnh xây dựng một xứ sở toàn cầu” (We are people with a mission building a global nation). Có ý nghĩa là sắc màu của nghệ thuật không còn biên giới của quốc gia nữa.

Từ các nơi trên thế giới, các nghệ sĩ của WAF đến gặp gỡ nhau, trao đổi, chia xẻ kiến thức, nâng cao kỹ năng, những kinh nghiệm nghề nghiệp và cả cơ hội đưa tác phẩm ra thị trường.

Họa sĩ Lương Trường Thọ là người Việt Nam đầu tiên, người Á châu duy nhất được Hội đồng Nghệ thuật của Hội Mỹ Thuật Thế Giới (World Art Foundation –WAF) tuyển chọn và xếp vào hạng Master Art.

Hội Mỹ thuật Thế Giới WAF bao gồm 400 họa sĩ và điêu khắc gia của 53 quốc gia trên thế giới, được sáng lập bởi ông Jojo Marengo.

Tranh của họa sĩ Lương Trường Thọ được WAF chọn tham gia triển lãm tại Hoa Kỳ và các quốc gia khác trên thế giới.

4.2. Họa sĩ Lương Trường Thọ tham gia triển lãm quốc tế

Tham gia các cuộc triễn lãm quốc tế như:

Cộng Hoà Liên Bang Đức, Hoà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Thụy Sĩ, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Thái Lan, Singapore.

Các giải thưởng:
Ngôi sao vàng BID, Madrid, Tây Ban Nha
Huy chương vàng mỹ thuật gỗ, Hội Mỹ Thuật VN.

Những tác phẩm đoạt giải:
Vòng tay âu yếm (Hustler) sơn dầu 122x92 cm.
Mộng Điệp (Deep Enchanted Dream) sơn dầu 120x100 cm

5* Họa sĩ Lương Trường Thọ và “Trường phái” khỏa thân

Thật ra không có trường phái nào chính thức mang tên trường phái khỏa thân cả. Nhưng khỏa thân là một bộ môn tả chân dung con người không thể thiếu tại các trường mỹ thuật. Đó là chủ đề tả những nét đẹp của con người, đặc biệt là cơ thể phụ nữ.

Tranh khỏa thân của các họa sĩ nổi tiếng thế giới được ưa chuộng và có giá trị về giá cả rất cao.

Tranh khỏa thân của họa sĩ Lương Trường Thọ

Có một số tranh khỏa thân của họa sĩ Lương Trường Thọ nhưng không phải là khỏa thân hiện thực vì bóng dáng phụ nữ chìm trong mớ đường nét và màu sắc “hỗn độn” rối bời như cuộn chỉ. Người xem phải quan sát kỹ mới nhận bóng dáng khỏa thân của phụ nữ.

Bức tranh Mộng Điệp được đánh giá cao nhất trong cuộc triển lãm ở 10 thành phố Hoa Kỳ do WAF tổ chức. Một phụ nữ khỏa thân mờ ảo.

Ngoài ra còn có những tranh khỏa thân trừu tượng như Tắm Nắng, Bản Năng Người Mẹ, Biển Tím…

Tắm Nắng 


6* Con gái khỏa thân cho cha vẽ gây tranh luận kịch liệt.



Tập tranh sơn dầu 30 bức khỏa thân mang tên Nữ Thần Núi Rừng Phương Đông của họa sĩ Lý Tráng Bình, đã tham gia Triển Lãm Mùa Xuân ở Bắc Kinh năm 2009.

Câu chuyện không có gì ầm ĩ nếu như tờ Trùng Khánh Buổi Sáng không phát hiện nữ thần trong tranh chính là con gái của họa sĩ Lý Tráng Bình, tên Lý Tần.

Con gái khỏa thân làm mẫu cho cha vẽ.

6.1. Sáng tạo nghệ thuật hay loạn luân?

Tranh Nữ Thần Núi Rừng Phương Đông
Tờ Trùng Khánh viết: “Nghệ thuật phải giúp tâm hồn con người tốt đẹp hơn, nhưng sự kiện nầy làm cho chúng ta cảm thấy nhức nhối, khó chịu.

Xét về khía cạnh luân lý thì hành vi nầy không chính đáng. Dư luận xã hội phải lên án mạnh mẽ cho dù họa sĩ có biện bạch thế nào đi nữa. Ông ta đã biến xưởng vẽ của mình thành một nhà thổ.

Vậy sáng tạo nghệ thuật hay loạn luân?”

6.2. Để tìm sự nổi tiếng

Tở Straits Times của Singpore, quốc gia có 80% người Hoa, đã đăng một bài tựa đề “Cuộc cách mạng về tình dục hay là sự cùng quẫn”. Bài báo viết: “Vốn là một họa sĩ tỉnh lẻ chẳng ai biết tới nhưng chỉ một ngày sau khi sự kiện bị phanh phui tên của ông ta chẳng những nổi lên trong nước mà cả thế giới nữa.

Đa số dư luận Trung Quốc cho rằng đó là một hành vi bịnh hoạn được khoác lên cái vỏ sáng tạo nghệ thuật để tìm sự nổi tiếng”.

6.3. Chỉ trích của trang mạng Art.com

“Việc người ta khỏa thân làm mẫu cho các sinh viên và họa sĩ vẽ là chuyện bình thường nhằm thể hiện cái đẹp của cơ thể con người. Sự cống hiến cho nghệ thuật của họ rất đáng trân trọng. Nhưng việc một cô gái đã trưởng thành cởi hết quần áo trước mặt cha ruột để làm mẫu thì thực sự bại hoại, không thể chấp nhận được, cho dù họa sĩ thanh minh rằng không hề có ý nghĩ tà dâm. Hành vi của Lý Tráng Bình là sự xúc phạm nghệ thuật chứ không phải sáng tạo. Cứ đà này, thời gian tới đây sẽ có nữ họa sĩ Trung Quốc cũng bảo con trai đã trưởng thành khỏa thân trước mặt mình để sáng tác. Như vậy còn gì là thuần phong mỹ tục?”.

6.4. Biện bạch của họa sĩ Lý Tráng Bình

Lý Tráng Bình biện bạch: “Cách đây 6 năm, tôi có ý định sáng tác bộ tranh Nữ Thần Núi Rừng Phương Đông. Khi đó tôi nảy ra ý định dùng con gái làm mẫu và được vợ tôi ủng hộ.

Ngay từ lúc Lý Tần 9 tuổi tôi đã quản lý nó chặt chẽ, không để tiếp xúc linh tinh với bạn bè, đồng thời cũng dạy con vẽ tranh. Lý Tần còn trong trắng như vậy phù họp với chủ đề Nữ Thần Núi Rừng Phương Đông.

Ngoài việc phê phán gay gắt, nhiều tạp chí khiêu dâm nước ngoài đã đăng hình con gái tôi, điều đó gây sức ép tâm lý rất lớn, và dồn con gái tôi vào chỗ gần như tuyệt vọng. Lý Tần ngại ra đường, gặp gỡ bạn bè thậm chí không dám tới thăm họ hàng thân thích. Suốt ngày, nó đóng cửa phòng và khóc.”

6.5. Lý Tráng Bình không lùi bước


“Tôi không vì sự phê phán mà chùn bước. Sắp tới đây tôi sáng tạo một số đề tài về con gái như tập tranh có tựa đề Cô Gái Rồng Xanh và Hoa Tiên Nữ. Chúng tôi không quan tâm đến những màu mắt kiếng mà người khác đeo nó để nhìn vào chúng tôi.”

Ông cho biết “Hiện có nhiều nhà sưu tầm đặt mua bộ tranh Nữ Thần Núi Rừng Phương Đông với giá rất cao. Nhiều cơ quan báo chí và truyền hình nước ngoài mời cha con tôi tới Bắc Kinh và ra nước ngoài để phỏng vấn, nhưng cha con tôi từ chối”.

6.6. Phản ứng của Lý Tần

Lý Tần ngậm ngùi nói: “Tưởng rằng cống hiến cho nghệ thuật nào ngờ bị lên án và phê phán gay gắt. Giờ đây tôi không còn mặt mũi nào nhìn mọi người. Ra đường cứ nơm nớp, thấp thỏm lo sợ và cảm thấy mình luôn luôn bị rình rập để chụp ảnh, quay phim làm đề tài cho những chuyện xấu xa. Chỉ cần thấy ống kiếng của phóng viên là tôi sợ bắn người, như điện giật”.

Mẹ của Lý Tần đã từng vận động con gái khỏa thân cho cha vẽ. Bà nói: “Con gái tôi rất đẹp, tôi cảm thấy ganh tỵ với nó. Tôi cho rằng đây là một cách hay để nó lưu giữ lại những thời khắc đẹp của tuổi xuân thì. Tôi rất buồn vì tôi đã không có một cơ hội như nó khi tôi còn trẻ”.

Báo chí Trung Quốc cho rằng sự kiện nầy chẳng những gây chấn động trong nước và nước ngoài, bởi vì đây là sự kiện chưa từng có, không những chỉ là vấn đề nghệ thuật mà còn đụng chạm đến nhiều vấn đề về xã hội, đạo đức, luân lý gia đình và thuần phong mỹ tục, cũng như cuộc sống và sinh hoạt tình dục giới tính nữa.

Người mẫu và người vẽ không có một liên hệ nào đến tính sáng tạo nghệ thuật cả. Đó là một quyết định “táo bạo” vượt qua phong tục, tập quán và văn hóa của người Trung Hoa. Vượt qua dư luận và chống lại dư luận dưới danh nghĩa nghệ thuật thuần túy. Vụ việc cho thấy người chỉ trích nhiều hơn người khen ngợi.

7* Tuyệt phẩm khỏa thân siêu hiện thực của họa sĩ Omar Ortiz

Omar Ortiz sinh năm 1977, tại thành phố Guadalajara, Bang Jalisco, thuộc Liên bang Mexico

Omar Ortiz rất thành công trong lĩnh vực vẽ chân dung thiếu nữ khỏa thân và đạt tới đỉnh cao trong lĩnh vực hội họa này.

Tranh vẽ của Omar Ortiz giống như ảnh được chụp bằng máy
Hầu hết tranh của Omar Ortiz thoạt nhìn, thấy giống như ảnh chụp phóng khổ lớn. Nhưng không, đó là những tác phẩm hội họa mà Omar Ortiz vẽ trực tiếp, những thiếu nữ khỏa thân trong tranh của Omar Ortiz rất lãng mạn và dịu dàng, được thực hiện rất công phu và tỷ mỷ, chính xác đến tận “chân tơ kẽ tóc”, nhưng không kém phần khoáng đạt, bay bổng, thánh thiện và kiêu sa…


8* Mười tranh khỏa thân đắt nhất thế giới

Những bức tranh nổi tiếng về chân dung và hình thể con người vẫn được lưu giữ và truyền tay nhau từ hàng ngàn năm nay.

Tranh khỏa thân là một loại hình nghệ thuật không những hấp dẫn thu hút sự quan tâm của những người yêu nghệ thuật mà còn đấu giá rất cao. Mười tranh khỏa thân đắt giá nhất thế giới được ghi nhận dưới đây:

1. Nude in a Black Armchair “khỏa thân trên ghế bành đen”

Tác giả: Pablo Picasso. Vẽ năm 1932. Giá 45.1 triệu USD
2. Study of Nude with Figure in a Mirror

Tác giả: Francis Bacon. Vẽ năm 1992. Giá 39.7 triệu USD
3. Benefits Supervisor Sleeping

Người mẫu của bức tranh là bà Sue Tilley, dáng người phúc hậu, nặng 127 kg
Tác giả: Lucien Freud. Vẽ năm 1995. Trị giá: 33,6 triệu USD. Đây chỉ là môt bức vẽ giản đơn về một phụ nữ nằm tựa trên ghế sofa. Điểm thú vị ở đây là cô chẳng có vẻ gì là đẹp đối với quan niệm hiện đại về cái đẹp cả.

4. Les Femmes d’Alger (O)


Tác giả: Pablo Picasso. Bán năm 1997.Trị giá: 32 triệu USDCNN cho hay, bức tranh sơn dầu được danh họa Pablo Picasso vẽ năm 1955 chốt giá cuối cùng trong phiên đấu giá ngày 12/5/2015 là 179,365,000 USD.

5. Nu Couché de Dos

Tác giả: Amedeo Modigliani. Trị giá: 26,9 triệu USD
6. Nu au Collier


Tác giả: Pablo Picasso. Vẽ năm 1930. Bán năm 2002. Trị giá: 24 triệu USD. Hình ảnh được diển tả bằng những đường cong nữ tính.

7. Naked Portrait with Reflection

Tác giả: Lucien Freud. Vẽ năm 1980.Trị giá: 23,5 triệu USD.
8. Tượng Eve, grand modele-version sans rocher

Tác giả: nhà điêu khắc Auguste Rodin. Trị giá: 18,97 triệu USD.
9. Les Femmes d’Alger (J)

Tác giả: Pablo Picasso. Vẽ năm 1955. Trị giá: 18,6 triệu USD.
10. Nu assis sur un divan (la belle Romaine)

Tác giả: Amedeo Modigliani. Trị giá: 16.77 triệu USD.
Tranh bên phải_Ngoài ra tranh Nu Couché” (Khỏa thân nằm tựa) của danh họa người Ý Amedeo Modigliani vừa được bán với mức giá rất cao, trở thành bức họa có giá cao thứ hai trong lịch sử các cuộc đấu giá nghệ thuật, 170.4 triệu USD.

9* Kết luận

Họa sĩ Lương Trường Thọ là một tài năng khiêm nhường. Bạn bè và đồng nghiệp rất quý mến và hãnh diện về anh. Tranh của anh mang màu sắc vượt không gian, đường cọ xuyên biên giói, tuy nhiên cũng còn giữ được cái hồn Việt trong đó.

Tìm hiểu giá trị nghệ thuật của một bức tranh thật là vô cùng khó khăn, nhất là đối với tranh lập thể của danh tài Pablo Picasso.

Một trong những điều cần thiết để hiểu tranh là hiểu biết mối tương quan giữa chủ thể và bối cảnh chung quanh nó.

Ví dụ về hai bức tranh nói về “sự bình yên”. Bức một. Mặt hồ nước trong vắt phản chiếu đỉnh núi cao chót vót, bầu trời trong xanh, mây trắng mịn màng. Đa số người xem cho đó là sự bình yên.

Bức hai. Những ngọn núi trần trụi, lởm chởm đá. Bầu trời giận dữ như sắp đổ mưa kèm theo sấm chớp. Bên vách núi, một dòng thác giận dữ đổ bọt trắng xóa…Bức tranh không thể hiện sự yên tĩnh chút nào cả.

Nhưng nhìn kỹ hơn, sau dòng thác là một bụi cây mọc lên từ vết nứt của vách đá. Trong bụi cây, một chim mẹ bình thản đứng bên bờ tổ của mình.

Đó mới thật sự là nơi bình yên. Sự bình yêu không chỉ là nơi không có ồn ào, không có đe dọa, khó khăn, cực nhọc.

Sự bình yên thật sự là cho dù ở ngay trong phong ba bão táp mà tâm trí cảm thấy sự bình yên.

Xem tranh cần nhận thức được sự liên quan giữa những sự việc trong tranh.

Trúc Giang
Minnesota ngày 4-1-2016