TPP: Tin mừng cho lao động Việt?
Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất chăn mền, gối và đệm ở ngoại ô Hà Nội, ngày 27 tháng 1, 2015. |
Việt Nam cũng sẽ cho các công đoàn được phép tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công đoàn quốc tế như Liên đoàn lao động và Hiệp hội của các tổ chức công nghiệp Hoa Kỳ.
Theo thỏa thuận, 5 năm sau khi TPP có hiệu lực, nếu Hà Nội không tuân thủ các yêu cầu đã cam kết, Mỹ có thể ngưng các lợi ích giao thương với Việt Nam.
Mỹ cho rằng đây là cơ hội tốt nhất từ nhiều năm nay để khuyến khích cải tổ thể chế ở Việt Nam, thúc đẩy nhân quyền bị nhiều tai tiếng của Hà Nội.
Kỳ vọng này có cơ sở hay không qua đánh giá và trải nghiệm thực tế của giới hoạt động trong nước tranh đấu vì quyền lợi của công nhân? Viễn ảnh và triển vọng của công đoàn độc lập tại Việt Nam hậu TPP thế nào? Tạp chí Thanh Niên hôm nay ghi nhận qua cuộc trao đổi với Đỗ Thị Minh Hạnh và Trương Minh Đức, hai nhà hoạt động bênh vực quyền lợi công nhân vừa bị hành hung và bắt giữ cuối tháng rồi tại Đồng Nai khi đang tư vấn miễn phí cho công nhân công ty Yupoong Vietnam về các quyền lao động và thành lập công đoàn độc lập. Minh Hạnh và Minh Đức thuộc tổ chức Lao Động Việt ngoài nhà nước không được công nhận, chuyên bảo vệ quyền lợi công nhân.
Trà Mi: Là nhà hoạt động công đoàn, Hạnh thấy thực tế của người công nhân Việt Nam hiện nay thế nào?
Minh Hạnh: Công nhân hiện nay thường bị chấm dứt hợp đồng từ phía công ty. Nhiều công ty còn hạ nhục, xúc phạm nhân phẩm công nhân. Đồng lương thấp, người công nhân không đủ khả năng nuôi gia đình. Con của họ nhiều trường hợp không được đến trường. Có những trường hợp hai vợ chồng lên thành thị làm công nhân mà không đủ gửi tiền về quê nuôi con.
Minh Đức: Công nhân bị chi phối bởi giới chủ và chính quyền. Họ luôn gây khó khăn cho công nhân. Khi công nhân hợp tác với nhau đấu tranh đòi quyền lợi thì luôn bị áp lực từ chính quyền địa phương, bị công an cho là tụ tập gây rối, kích động. Khi công nhân có bức xúc với giới chủ, nhiều khi bị chủ thuê côn đồ đe dọa. Đó là thực tế mà công nhân Việt Nam đang đối mặt.
Trà Mi: Tổng Liên đoàn lao động, Liên đoàn lao động, và các tổ chức lao động cơ sở giúp ích như thế nào?
Minh Hạnh: Một công đoàn của một công ty, một là do chính công ty lập ra rồi trả lương, hai là công ty cử người ra để công nhân bầu. Do vậy, công nhân có bầu ai thì cũng nằm trong danh sách chịu sự chi phối của công ty. Công đoàn phí công nhân vẫn phải đóng hằng tháng. Đến cuối năm, công đoàn trích tiền đó ra mua vài ký đường hay vài lít dầu ăn cho công nhân, bảo là công đoàn lo cho công nhân. Thực tế không phải vậy, đó giống như là một sự ‘bỏ ống heo’ của công nhân để mua những thứ đó. Nhưng thật ra công nhân không cần những điều đó, họ cần bảo vệ quyền và lợi ích thực sự của họ. Quyền và lợi ích của công đoàn gắn liền với giới chủ và bị chi phối bởi nhà nước. Công đoàn lệ thuộc vào giới chủ, cho nên, khi xảy ra tranh chấp công đoàn không đủ khả năng để bảo vệ công nhân.
Trà Mi: Công đoàn độc lập tại Việt Nam cho tới thời điểm này đã sẵn sàng ra đời hay chưa?
Minh Hạnh: Chưa. Họ sẵn sàng ra tay trù dập, đánh đập, sử dụng côn đồ để trấn áp. Như vụ Minh Hạnh và anh Đức bị đánh vừa qua, họ còn trắng trợn hơn khi cho công an bắt Hạnh về đồn đánh đập như vậy. Công nhân Việt Nam chưa biết những quyền lợi của họ trong TPP. Họ phải công khai hóa các điều khoản của TPP cho công nhân hiểu rõ hơn về quyền thành lập công đoàn độc lập. Công nhân khát khao có được một nghiệp đoàn như vậy, nhưng còn nhiều khó khăn. Họ chưa biết phải làm thế nào khi vẫn còn nỗi lo sợ vì sự đàn áp, bắt bớ. Cho nên, lý thuyết là một chuyện, nhưng thực tế không phải đơn giản làm được.
Trà Mi: Vậy nên làm thế nào để Việt Nam có công đoàn độc lập thực chất? Điều kiện tiên quyết hiện nay các bạn nhìn thấy là gì?
Minh Đức: Thứ nhất, nhà nước phải công bố minh bạch về quyền lợi của công nhân khi lập công đoàn độc lập. Thứ hai, công nhân phải mạnh dạn kết nối lại với nhau. Việt Nam nếu có thiện chí như cam kết trong TPP, nên sớm luật hóa việc thành lập công đoàn độc lập và thay đổi những luật lệ về công đoàn.
Minh Hạnh: Trước mắt phải có sự quan tâm của nhiều người. Chẳng hạn như các nước tham gia TPP cần có tiếng nói và hành động cụ thể để công nhân Việt Nam tin tưởng vào đó mà thành lập nghiệp đoàn của riêng mình. Nếu Việt Nam vi phạm quyền của công nhân thì phải có tiếng nói bảo vệ cho công nhân. Hơn nữa, công nhân cần hiểu biết luật pháp, kiến thức về nghiệp đoàn. Chúng ta thấy hiện nay tiếng nói của công nhân Việt Nam chưa ra được bên ngoài. Những sự chèn ép, bóc lột công nhân cần phải được phơi bày ra thế giới bên ngoài để nhận được sự hỗ trợ để tạo niềm tin và hy vọng cho công nhân.
Trà Mi: Ngoài sự quan tâm, hỗ trợ từ bên ngoài đối với người lao động Việt Nam. Còn ngay trong xã hội Việt Nam thì sao?
Minh Hạnh: Những người đấu tranh cho nhân quyền và các tổ chức xã hội dân sự đã bắt đầu quan tâm tới công nhân, nhưng chỉ quan tâm giống như một hiện tượng mới do TPP mang lại, chứ chưa thật sự sâu sắc lắm.
Trà Mi: Có cách nào nâng cao ý thức, sự quan tâm của xã hội Việt Nam đối với quyền của người lao động?
Minh Đức: Muốn làm những việc này, nhà nước Việt Nam cần xem các tổ chức xã hội dân sự là các tổ chức giúp đỡ người dân, trong đó có tổ chức Lao động Việt. Nhà nước cần cởi mở hơn, cần coi lại lời nói và hành động của họ.
Minh Hạnh: Nói cam kết thì Việt Nam đã cam kết nhiều rồi chứ không phải tới TPP mới có. Quan trọng là sự trừng phạt thế nào nếu vi phạm. Mới đây thôi, ngay sau khi vừa ký kết TPP, họ đã đánh đập các nhà hoạt động công đoàn như vậy, thử hỏi sắp tới các công đoàn độc lập sẽ được hình thành thế nào, sẽ phải trải qua những khó khăn gì?
Minh Đức: Tôi mong sự giám sát, chế tài phải được thực hiện rất cụ thể thì mới mong đem lại thành quả tốt.
Minh Hạnh: Các tòa án thường nghiêng về giới chủ nhiều hơn vì họ chịu sự chi phối, ảnh hưởng của đảng và nhà nước. Cần có những cụ thể hóa trong vấn đề kiện tụng tranh chấp công đoàn. Công đoàn độc lập, nếu được thành lập, phải có quyền hạn tương đương với công đoàn nhà nước, được tham gia vào quá trình đề xuất và thay đổi luật lao động.
Trà Mi: Vậy công đoàn độc lập tại Việt Nam còn đề ra vấn đề tòa án độc lập?
Minh Đức: Đúng vậy. Nói về tòa án độc lập tại Việt Nam thì quả là một vấn đề nan giải. Muốn có tòa án độc lập tại Việt Nam đòi hỏi cơ chế của Việt Nam phải thay đổi nhiều hơn nữa. Công đoàn độc lập khi xảy ra tranh tụng mà xét xử không độc lập thì tôi e rằng chưa đi tới cái lợi cho người công nhân theo đúng nghĩa của nó. Việc ‘độc lập’ trong các lĩnh vực là điều rất mâu thuẫn và khó khăn cho xã hội Việt Nam hiện nay.
Trà Mi: Các bạn nhìn thấy viễn ảnh và triển vọng của công đoàn độc lập tại Việt Nam hậu TPP thế nào?
Minh Hạnh: Tuy khó khăn nhưng vẫn có kỳ vọng. Những cái trong TPP đã mở ra một thế giới mới. Dù khó khăn thế nào, chúng ta sẽ vẫn tiếp tục khơi dậy trong lòng những người công nhân ý thức và kiến thức để họ hiểu biết rõ ràng về công đoàn độc lập.
Minh Đức: Tôi mong các tổ chức lao động trên thế giới quan tâm hơn nữa tình hình lao động tại Việt Nam sau khi Việt Nam vào TPP, tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội dân sự trong nước giúp đỡ công nhân, hướng dẫn công nhân thành lập công đoàn độc lập. Dù khó khăn nhưng chúng tôi có nhiều phương cách để bảo vệ và hướng dẫn công nhân trong xu hướng sắp tới với xu hướng truyền thông và phong trào phát triển internet mạnh mẽ hiện nay. Mong các cơ quan truyền thông cũng quan tâm và giúp đỡ chúng tôi hơn nữa. Một khi các nước đã ký kết TPP với Việt Nam có những chế tài, tôi hy vọng rằng người công nhân Việt Nam có thể thay đổi được cuộc sống.
Trà Mi: Dù viễn ảnh công đoàn độc lập tại Việt Nam khó khăn, nhưng không phải vô vọng vì ngoài những áp lực từ quốc tế còn có những tiếng nói can đảm đã đổi bằng máu và sự tự do của riêng mình để bênh vực cho người lao động trong nước như các bạn đây. Mong nguyện vọng của các bạn sớm trở thành hiện thực với sự gia tăng nỗ lực và hợp đoàn với nhau trong những ngày hậu TPP. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.