Xây cây xăng ở đảo Phú Lâm, TQ tiếp tục ‘nắn gân’ Việt Nam?
Ảnh minh họa: Xây xăng của tập đoàn nhiên liệu lớn nhất Trung Quốc Sinopec tại Bắc Kinh. |
Tập đoàn nhiên liệu lớn nhất của Trung Quốc Sinopec đang xây dựng một trạm tiếp xăng dầu trên đảo Phú Lâm, hòn đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng dân sự tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông. Hành động mới nhất của Trung Quốc được xem là lấn tới một bước đối với các nước có tuyên bố chủ quyền ở hòn đảo này.
Theo Reuters, phải mất khoảng 1 năm để tập đoàn Sinopec của Trung Quốc xây dựng trạm tiếp nhiên liệu và bể chứa đi kèm trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Các trạm xăng và bồn chứa sẽ đáp ứng nhu cầu nhiên liệu tại các đảo và đá ngầm mà Trung Quốc kiểm soát ở Biển Đông trong vài năm tới.
“Các đại gia mới phất, hãy đi câu ở Tam Sa, và nhớ mang theo thẻ đổ xăng”, thông báo của Sinopec quảng cáo về trạm tiếp liệu viết.
Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh thành lập trên đảo Phú Lâm vào tháng 7/2012, nhằm khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo và khu vực quần đảo Hoàng Sa mà nước này đã chiếm cứ sau cuộc chiến đẫm máu với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1974.
Một trong những nhà nghiên cứu về Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long của Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói đảo Phú Lâm và quần đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí đặc biệt quan trọng mà ông gọi là ‘yết hầu’ của Biển Đông.
“Từ lâu rồi tôi đã nói, Hoàng Sa là một chỗ rất nguy hiểm cho cả thế giới chứ không phải chỉ cho Việt Nam”.
Đảo Phú Lâm có dân số khoảng 1.000 người. Từ năm 2013, các đại lý du lịch của Trung Quốc đã bắt đầu cung cấp các chuyến du lịch trên biển trong năm ngày đến quần đảo Hoàng Sa, nơi có gần 40 đảo nhỏ, đá ngầm và rạn san hô.
Xây trạm tiếp liệu là động thái mới nhất của Bắc Kinh trong một loạt các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực nhằm khẳng định chủ quyền. Các giới chức Trung Quốc trước đó đã thúc đẩy việc xây dựng các tòa nhà dân cư, một trường tiểu học và các cơ sở khác tại thành phố Tam Sa.
Tập đoàn Sinopec và giới hữu trách địa phương cho biết trạm tiếp liệu sẽ hoàn tất trong vòng 3 tháng nữa và có khả năng trữ 2.000 met khối nhiên liệu.
Chính quyền thành phố Tam Sa cho biết việc tăng cường nguồn cung cấp nhiên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của số tàu cá, máy móc, thiết bị xây dựng ngày càng tăng lên trong khu vực, đồng thời giảm bớt áp lực của việc vận chuyển đường dài các sản phẩm xăng, dầu đến hòn đảo này.
Tập đoàn Sinopec hiện chưa đưa ra bình luận gì về việc liệu trạm xăng mới có làm ảnh hưởng đến quan hệ với Việt Nam trong tương lai hay không.
Trong khi chính phủ Việt Nam chưa lên tiếng về động thái mới nhất của Bắc Kinh ở Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng hiện Việt Nam “chưa làm đủ” trong việc đối phó với thái độ hung hăng của Bắc Kinh.
“Người Việt Nam nói chung và chính phủ Việt Nam phải lên tiếng, phải vận động thế giới, phải cho thế giới biết khu vực này quan trọng như thế nào. Việt Nam chưa làm đủ vấn đề đó nên Trung Quốc thấy là Trung Quốc muốn khiêu khích thêm”.
Phản ứng trước việc xây dựng đảo nhân tạo và các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở Biển Đông, Hoa Kỳ gần đây đã đưa tàu khu trục USS-Lassen và máy bay B-52 tới tuần tra tại đây, động thái khiến Bắc Kinh giận dữ và cho là “gây căng thẳng” trong khu vực.
Mặc dù chính quyền Việt Nam có tỏ ý ủng hộ sự hiện diện của Mỹ, nhưng nhiều người dân Việt Nam cho rằng phản ứng của chính quyền là quá yếu ớt và chậm chạp.
Trung Quốc tuyên bố hầu hết Biển Đông, vùng biển giàu năng lượng và có lưu lượng thương mại hàng hải đến 5 nghìn tỷ đôla mỗi năm.
Ngoài Việt Nam, Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.