Đời sống của công nhân Việt Nam đi xuất khẩu lao động
Thu nhập
Các lao động đi xuất khẩu lao động với mong muốn tạo thêm thu nhập để nuôi sống gia đình và mong sao gia đình của họ bớt khó khăn, tuy nhiên với chi phí ra đi của họ khá đắt đỏ nên tính ra thu nhập của họ cũng không mấy sáng sủa, nhất là đối với những thị trường lao động nghèo.
Anh Nguyễn Quang Nhật làm ở Malaysia cho biết:
“Cũng tùy theo công ty, như ở bên này tiền lương cơ bản 900 Ringgit = 4.500.000Tr VND và tùy theo công việc và tỷ lệ làm thêm nữa, ở công ty em là công ty cơ khí nên nó tính giá cao hơn, 1 tháng ít nhất của em là 1.500 Rinhgit và tháng cao nhất là 2.300 Ringgit = 11.500Tr VND. Bây giờ Ringgit nó hạ nên cũng được ít nữa”
Anh Lâm Khánh Xình một lao động chui cho biết, dù lao động chui khó khăn khổ cực nhưng thu nhập còn gấp mấy lần Việt Nam:
“Anh sang Nga du lịch 3 tháng sau 3 tháng anh phải về nước nhưng anh ở lại lao động chui mỗi tháng anh làm được 500$. Cũng khổ cực lắm nhưng còn hơn ở Việt Nam. Ở Việt Nam mà làm được 500$ thì rất khó khăn thì có đi ăn cướp mới được 10 Tr VND”
Đối với những nữ giúp việc nhà thường được gọi là ‘ô sin’ hiện đang làm việc ở Ảrậpxêút thì chi phí họ đi không mất tiền; thế nhưng lại bị các công ty môi giới bán theo dạng nô lệ mới, nên họ làm việc vất vả, công việc nhiều mà thu nhập một tháng lại rất thấp. Ngoài ra thu nhập của họ còn tùy theo gia đình đó tốt hay xấu, nếu gia đình đó tốt họ sẽ trả thêm còn gia đình không tốt thì tiền lương họ trả không hết.
Chị Ngọc Hoàng Diễm Thủy cho biết thêm:
“1 tháng được 1,300 tiền tính theo Viát = 7.700Tr VND”
May mắn hơn chị Thủy thì chị Khương 1 tháng nhận được số tiền có cao hơn, dù công việc làm giống nhau:
“1 tháng lương em nhận được 1.500 Viát =8.900Tr VND tính theo bản hợp đồng thì em được nhận như vậy”
Khó khăn trong cuộc sống
Những công nhân đi xuất khẩu lao động thì họ phải xa gia đình, thiếu thốn tình cảm.
Chị Hồng làm ở Đài Loan cho biết, khi sang làm mới thấy những khó khăn:
“Khi sang đây mình mới thấy rõ cuộc sống vô cùng thiếu thốn trong sinh hoạt và trong cuộc sống hằng ngày
Anh Nhật làm ở Malaysia thì có gặp may mắn hơn vì được công ty có đối đãi tốt với công nhân, nên những khó khăn trong cuộc sống cũng ít:
“Làm ở bên này cũng ổn định, công ty nó cũng dễ với công nhân và công việc cũng nhiều”
Đối với các công nhân lao động chui thì khó khăn nhất là không có giấy tờ, nếu bị bắt thì bị phạt, anh Lâm Khánh Xình cho biết khó khăn:
“Khó khăn nhất là không có giấy tờ, làm chui bên này thì sợ công an, côn đồ”
Các anh các chị trong dòng họ Vũ Võ hãy giúp em gái của các anh các chị với, em đi đơn hàng này không đúng như những gì hôm lên Hà Nội gặp mặt, em đến nhà chủ này một mình em phải dọn 2 nhà và trông 2 đứa trẻ con một đứa nằm liệt 7 tuổi và một 7 tháng giờ mỗi ngày em bế thằng bé 7 tuổi, lưng em rất đau không chịu được nữa rồi và một ngày em phải làm từ 6 giờ sáng đến 10 giờ 30 đêm. Các anh các chị hãy đến công ty Dầu Khí làm mạnh giúp em để em nhanh được về Việt Nam vì lưng em đau lắm, em xin mọi người giúp em với, em xin chân thành cảm ơn các anh các chị.
Có trường hợp vì lao động quá cực nhọc phải lên tiếng kêu cứu trên Facebook. Chị Vũ Thị Khương cho biết:
“Ở bên đây thì làm một ngày mười mấy tiếng, 20 tiếng cũng có, dọn dẹp Trong một ngày đầu thì vẫn phải làm hết, dọn dẹp 2 nhà to, dọn dẹp xong thì sang bên bế em bé, một đứa liệt 6 tuổi nằm giường, một thằng 7 tháng, bế lên thì đứng không được bế lên khóc thì ngồi xuống trẻ con không đứng được thì sao mà ngồi được. Còn nhồng thi lại sàm sỡ mình”
Chị Hoàng Ngọc Diễm Thủy cũng cho biết:
“Cũng có khi khó khi dễ, toàn những việc không tên, thấy việc gì là làm. Nhà nào có con nít thì coi con nít, lau chùi, dọn dẹp, rửa chén bát, giặt đồ. Con người ta thức dậy thì mình cũng dậy pha sữa. Không có giờ ổn định, người ta cho gì thì mình ăn cái đó. Người ta nói gì thì mình phải tuân theo, không được cãi lại. Bên đây không có giờ giấc ổn định, làm đến 2 giờ 3 giờ, có lúc 4, 5 giờ sáng mới ngủ”
Không những là làm việc vất vả, thời gian nhiều mà các cô còn bị chủ nhà bỏ đói chị Khương cho biết thêm.
“Ăn uống của hội em thì trong hợp đồng nói là gia đình nhà chủ phải cung cấp ăn uống đầy đủ cho hội em. Nhưng sang bên này ăn uống của hội em 1 ngày chỉ được 1 bữa cơm thôi.”
Bế tắc và ước vọng
Đối với các Ô sin làm việc ở Ảrậpxêút với công việc khó khăn và lương không cao nên mong muốn của họ là được về nước sum họp với gia đình nhưng nếu về trước thời hạn thì họ phải bồi thường hợp đồng cho công ty môi giới có thể lên tới 50 Tr VND.
Chị Hoàng Ngọc Diễm Thủy cho biết:
“Nhiều lần muốn về rồi nhưng mình nghĩ giờ về thì phải đền bù hợp đồng cho người ta. Mới làm một năm nên đền bù không được. Nên phải chịu cực chịu khổ vì không làm thì phải đền bù cho người ta, dù sao cũng phải làm. Nếu mình về trước hạn thì phải đền bù cho người ta tùy theo thỏa thuận với nhau. Nếu ai làm không được thì về nhưng tiền vé thì mình phải bỏ ra chứ nó không chịu. Hợp đồng hai năm nhưng giờ mới được một năm thôi.”
Chị Hồng làm việc ở Đài Loan cho biết nguyện vọng của mình:
“Mình thật sự hy vọng quê hương mình có thể thay đổi và phát triển thật là mạnh mẽ, để thể hệ sau không còn cảnh xuất khẩu lao động bôn ba vất vả nơi xứ người như mình hiện tại”
Tương tự chị Hồng thì anh Nhật cũng có nguyện vọng tương tự:
“Em mong sao ở nhà đất nước nó phát triển để đỡ sang đây làm việc và có việc làm ổn định ở Việt Nam”
Anh Lâm Khánh cho biết lý do mà anh phải chấp nhận chịu khổ cực để ở lại Nga làm lao động chui.
“Thật sự anh làm thế này cũng mong muốn có tiền gửi về quê cho vợ con để trang trải cuộc sống, nhà cửa cho đàng hoàng”
Có thể nhận thấy nhiều người lao động Việt Nam đi xuất khẩu đang ở trong thế ‘tiến thoái lưỡng nan’. Trong khi đó ở trong nước vẫn có những người vì bế tắc không tìm được việc làm lại mong muốn ra đi. Nhiều cơ quan môi giới vẫn hoạt động nhộn nhịp như không có gì bất ổn xảy ra đối với những người mà qua họ đã đến tại nước ngoài và đang phải lao động cực nhọc chứ không như được hứa hẹn.
Hoàng Dung, thông tín viên RFA
2015-10-01