Matt Mahan

ads header

Breaking News

TQ rút ngắn khoảng cách với Mỹ về công nghệ quốc phòng

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 xuất hiện hôm 5/01/2001. Đây là biểu tượng của quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. REUTERS/Kyodo
Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ về công nghệ quốc phòng

(RFI) Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Mỹ ngày 22/09 nhân một chuyến công du mà đỉnh cao sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào ngày 25/09 tại Nhà Trắng. Trước chuyến thăm, giới phân tích đã có nhiều bài viết nhằm so sánh thực lực của hai cường quốc trên mọi địa hạt. Một bài đáng chú ý đã được tờ báo Mỹ International Business Times công bố ngày 22/09, mang tựa đề : « Trung Quốc đang rút ngắn khoảng cách với Mỹ về công nghệ quốc phòng »

Theo nhà báo Christopher Harress, trong nhiều năm qua, việc Lầu Năm Góc sử dụng máy bay không người lái, hệ thống định vị toàn cầu và radar tiên tiến đã biến quân đội Mỹ thành môt siêu thế lực có khả năng áp đặt sự thống trị trên toàn cầu. Nhưng việc cắt giảm ngân sách quân sự Mỹ gần đây, trong lúc Trung Quốc tiếp tục xây dựng quân đội của mình, đã đe doa vị thế của Lầu Năm Góc trong tư cách người dẫn đầu về công nghệ quốc phòng trong bối cảnh quan hệ ngày căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến viếng thăm chính thức cấp nhà nước Hoa Kỳ từ thứ ba, 22/09. Những chủ đề như an ninh mạng, chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, thương mại và đầu tư, được dự kiến là những chủ đề trọng tâm của các cuộc thảo luận, nhưng tiềm ẩn đằng sau chính là vấn đề Quân đội Trung Quốc đang vươn lên nhờ hàng thập kỷ tăng trưởng kinh tế để trở thành nhà chi tiêu quân sự thứ nhì thế giới.

Những tiến triển gần đây về công nghệ tàu ngầm và hỏa tiễn, và sự vươn lên của Hải quân đã có thời hết sức bệ rạc, đã giúp cho Trung Quốc san bằng khoảng cách công nghệ quân sự giữa họ với Mỹ, đồng thời thúc đẩygiới lãnh đạo chính trị và quân sự ở Washington tìm kiếm giải pháp mới để Mỹ tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong cuộc đua.

Eric Heginbotham, chuyên viên cao cấp về khoa học chính trị, chuyên trách vấn đề an ninh Đông Á tại trung tâm tham vấn về chính sách toàn cầu Rand Corp ở Washington, đã cho rằng : « Các khả năng công nghệ mà Trung Quốc đã phát triển thực sự ấn tượng và toàn diện... Trong ngành hàng không chẳng hạn, họ đã đi từ máy bay chiến đấu thế hệ thứ hai, phiên bản của những năm 1950, để tiến đến loại chiến đấu cơ tối tân thế hệ thứ tư. Hiện nay, họ có đến 800 máy bay chiến đấu hiện đại, một tiến bộ đáng kể trong quá trình 10 hoặc 12 năm. »

Sức vươn lên về quân sự của Trung Quốc

Sự vươn lên của Trung Quốc để trở thành một quốc gia quân sự hàng đầu không hề là vấn đề ngẫu nhiên. Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 9,5% trong hai thập kỷ qua, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cũng tăng mạnh. Trong năm 2015 chẳng hạn, ngân sách quốc phòng Trung Quốc tăng 10,1% lên đến 145 tỷ đô la, một mức chi tiêu quân sự lớn thứ hai trên thế giới, sau Mỹ nhưng trước Nga. Để so sánh, ngân sách quốc phòng Trung Quốc chỉ khoảng 10 tỷ đô la mà thôi vào năm 1997.

Theo chuyên gia Heginbotham, cùng với việc tăng khả năng chi tiêu, Trung Quốc cũng đào tạo nhiều kỹ sư hơn bao giờ hết, những người đang nhanh chóng tham gia vào lĩnh vực quốc phòng do chính phủ điều hành. Chỉ cách nay không đầy 10 năm, Trung Quốc còn phải vật lộn với việc điều hành các vùng biển ngoài khơi của mình. Thế nhưng giờ đây, Bắc Kinh đã phát triển được loại tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới gần như mọi ngõ ngách của Hoa Kỳ. Vào cùng thời điểm, lực lượng Hải quân Trung Quốc đang nỗ lực áp đặt ý muốn của mình ở Biển Đông bằng cách tạo ra những hòn đảo mà họ hy vọng sẽ giúp họ tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực và mang về cho Trung Quốc chủ quyền trên các tuyến đường biển, các ngư trường và trữ lượng dầu khí phong phú trong khu vực.

Trong một bài phát biểu tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Không quân Mỹ gần Washington vào tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ghi nhận : « Họ (tức là Trung Quốc) đang phát triển và đưa vào hoạt động các loại máy bay mới và tiên tiến và các kiểu tên lửa đạn đạo, hành trình, chống hạm và phòng không với tầm bắn xa hơn và chính xác hơn... Rõ ràng là các quốc gia như Nga và Trung Quốc đã và đang theo đuổi các chương trình hiện đại hóa quân sự để thu hẹp khoảng cách công nghệ với Hoa Kỳ. Họ đang phát triển các phương tiện được thiết kế để ngăn chặn những lợi thế truyền thống của chúng ta trong việc triển khai lực lượng và tự do đi lại. »

Một báo cáo gần đây của trung tâm Rand kết luận rằng bất kỳ lợi thế công nghệ nào mà quân đội Mỹ vẫn còn có so với quân đội Trung Quốc, sẽ bị cân bằng nếu hai nước đụng độ nhau tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều đó có ý nghĩa lớn đối với Mỹ, bởi vì Lầu Năm Góc đã nỗ lực chuyển hướng chiến lược quân sự qua khu vực này kể từ năm 2012 [...]

Sự xuống dốc của Quân đội Mỹ

Mỹ từng là quốc gia đi đầu trong lãnh vực phát triển các loại công nghệ quân sự đáng kể và quan trọng nhất kể từ những năm 1950. Thế nhưng các khoản cắt giảm lớn trong ngân sách nghiên cứu và phát triển quân sự trong những năm gần đây đã làm cho giới lãnh đạo quốc phòng quan ngại.

Từ rất lâu trước vụ cắt giảm ngân sách bắt buộc vào năm 2013, đã cắt đi 1.200 tỷ đô la trong ngân sách nhà nước, và các khoản chi phí cho nghiên cứu và phát triển, quân đội Mỹ đã từng phải chịu những quyết định cắt giảm chi phí đáng kể khác. Kể từ năm 2005, Lầu Năm Góc đã cắt giảm đến 22% chi phí dành cho nghiên cứu và phát triển, khiến chính quyền của Tổng thống Barack Obama phải tuyên bố rằng điều đó « mang tính chất phá hoại sâu sắc đối với an ninh quốc gia. »

Theo chuyên gia Heginbotham « Chủ trương cắt giảm bắt buộc đối với quân đội Mỹ quả thực là tai hại... Việc giảm ngân sách được chờ đợi kể từ khi nước Mỹ bắt đầu rút khỏi các cuộc chiến tranh dai dẳng ở Trung Đông, nhưng việc cắt giảm đã gây ra rất nhiều tác hại. »

Một bản báo cáo vào tháng 11 năm 2014 của Hiệp hội Công nghệ và Sáng tạo Thông tin (Information Technology & Innovation Foundation), một cơ quan tham vấn phi lợi nhuận về chính sách công, trụ sở tại Washington, đã nêu bật quy mô của việc cắt giảm. Ngân sách dành cho công nghệ của Quân đội và Cơ quan Phòng thủ Tên lửa đã bị giảm gần một nửa trong một thập kỷ, trong khi Hải quân Mỹ bị giảm 20%.

Ngay cả Cơ quan nghiên cứu các đề án quốc phòng tiên tiến Defense Advanced Research Projects Agency, một định chế mà nhiệm vụ duy nhất là duy trì vị trí dẫn đầu về mặt công nghệ của Quân đội Mỹ, cũng bị cắt giảm 18% ngân sách. Riêng Lực lượng Không quân, trong những năm gần đây, đã cắt giảm 4% ngân sách công nghệ của mình.

Đà vươn lên đỉnh cao của Trung Quốc về mặt quân sự đã thúc đẩy giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ theo đuổi một kế hoạch chiến lược mới để duy trì vị trí đi đầu của Mỹ về mặt công nghệ trước các đối thủ cạnh tranh.

Vào tháng 11 năm ngoái, Chuck Hagel, Bộ trưởng Quốc phòng tiền nhiệm của ông Carter, đã có một bài diễn văn đề dẫn trong đó ông cho biết là Lầu Năm Góc sẽ bắt đầu cái mà ông gọi là « Chiến lược bù đắp thứ ba », nối tiếp theo hai chiến lược quân sự quy mô lớn được đưa ra vào những năm 1950 và 1970 nhằm đối phó với sức mạnh của lực lượng Liên Xô và bổ khuyết cho tình trạng thiếu đổi mới công nghệ trong quân đội Mỹ.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Quốc phòng Quốc gia Reagan vào tháng Mười năm 2014, ông Hagel xác định : « Nỗ lực công nghệ của chúng ta sẽ lập ra một chương trình Nghiên cứu Tầm xa (Long-Range Research) và Chương trình Quy hoạch Phát triển (Development Planning Program) sẽ giúp xác định, phát triển và tạo đột phá trong lĩnh vực các công nghệ và hệ thống tiên tiến nhất- đặc biệt là các lĩnh vực robot, hệ thống tự hành, thu nhỏ kích thước, dữ liệu lớn và sản xuất tiên tiến, bao gồm cả công nghệ in ấn 3D. Chương trình này sẽ hướng về thập kỷ tới và xa hơn nữa ».

Thế nhưng, ngay cả các nhà lãnh đạo quân sự cũng phải thừa nhận rằng cần phải đi xa hơn thế rất nhiều.

Trong bản báo cáo thường niên trình lên Quốc hội vào tháng Tư vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ghi nhận : « Đà hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc có tiềm năng làm giảm các lợi thế công nghệ cốt lõi của Quân đội Mỹ ».