Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tập Cận Bình công du Mỹ trong mối quan hệ căng thẳng

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình duyệt đội quân danh dự tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Thế Chiến II, Bắc Kinh, ngày 03/09/2015. Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tại điện Kremlin, ngày 08/05/2015. REUTERS/Sergei KarpukhinChuyến công du cấp Nhà nước của nguyên thủ Trung Quốc tại Hoa Kỳ vào cuối tháng 09/2015, trước hết nhằm ca ngợi mối quan hệ vững chắc giữa hai nước, nhưng AFP đánh giá sự kiện này là tế nhị vì diễn ra vào đúng thời điểm mối quan hệ « xây dựng » giữa Washington và Bắc Kinh đang gặp sóng gió.

Ba chủ đề nổi cộm trong cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Mỹ sắp tới là : nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, thái độ của Bắc Kinh tại Biển Đông và các vụ tin tặc.

Bất đồng về nhân quyền và tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông

Về chính sách biển đảo, Bắc Kinh tỏ ra ngày càng hung hăng hơn trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng, trong đó đa số là đồng minh của Washington. Theo Lầu Năm Góc, từ 20 năm nay, Bắc Kinh đã bồi đắp và xây thêm 1.200 ha đảo nhân tạo ở vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Hơn nữa, vào ngày 03/09/15 lần đầu tiên Trung Quốc phô bày loại tên lửa diệt hàng không mẫu hạm Đông Phong - 21D. Sự kiện này càng củng cố ý kiến cho rằng Bắc Kinh ưu tiên phát triển lực lượng hải quân và có thể làm thay đổi hiện trạng tại Thái Bình Dương.

Một chủ đề bất đồng khác là nhân quyền. Ngày 09/09, khoảng mười tổ chức bảo vệ nhân quyền đã yêu cầu Tổng thống Obama mời các nhà đấu tranh vì nhân quyền bị truy bức tới Nhà Trắng, trước chuyến công du của nguyên thủ Trung Quốc. Trong một bức thư ngỏ, họ tố cáo tình trạng đàn áp « nhẫn tâm chưa từng có từ hai thập niên gần đây ». Hồ sơ biến đổi khí hậu cũng sẽ là một yếu tố căng thẳng cần được đề cập trong cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Tin tặc và tình báo kinh tế

Tội phạm tin học vẫn luôn là chủ đề căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Căng thẳng tăng thêm một bậc vào tháng Sáu vừa qua khi Washington phát hiện vụ đánh cắp thông tin cá nhân của hàng triệu công chức Mỹ và sự kiện này vẫn còn hằn trong tâm trí người dân nước này.

Trước đó, tháng 05/2014, tư pháp Hoa Kỳ đã kết tội năm sĩ quan quân đội Trung Quốc « đánh cắp tin học » và « gián điệp kinh tế ». Tuy nhiên, cáo buộc trên chỉ mang tính tượng trưng vì những sĩ quan này sẽ không bao giờ đặt chân vào một tòa án Mỹ.

Về phần mình, chính phủ Trung Quốc cáo buộc những lời kết tội trên là « vô trách nhiệm ». Ngoài ra, Bắc Kinh cũng luôn chỉ trích Washington là « đạo đức giả » vì thường xuyên tố cáo việc do thám công nghiệp và kinh tế, trong khi chính Hoa Kỳ đã triển khai một hệ thống theo dõi khắp thế giới thông qua các cơ quan tình báo.

Từ vài tuần nay, khi chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc đến gần, nhiều quan chức Mỹ ẩn danh nêu lên khả năng trừng phạt kinh tế nhằm vào một số lãnh đạo hay tập đoàn Trung Quốc. Thậm chí, một vài cơ quan truyền thông Mỹ còn cho rằng các biện pháp trên sắp được đưa ra nay mai. Giả thuyết này có lẽ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ ngoại giao của hai nước.

Ông Adam Segal, thuộc Hội Đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, đánh giá : « Những biện pháp trừng phạt có thể sẽ mang lại hiệu quả hơn vì nó có hiệu lực trong thời gian dài. Bằng cách nhắm tới những cá nhân hay công ty Trung Quốc hưởng lợi từ những vụ tin tặc này, các biện pháp trừng phạt còn nhằm tách những thành phần liên can khỏi hệ thống tài chính và phong tỏa tài sản của họ ». Thế nhưng, theo ông, những biện pháp trừng phạt trên ít có khả năng được công bố trước chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình và có thể thông tin trên được tung ra nhằm gây sức ép đối với Trung Quốc.

Các chiến dịch tranh cử tại Mỹ luôn là cơ hội cho những lời đả kích gay gắt chống Trung Quốc. Và các phong trào vận động cho cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào năm 2016 cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều ứng viên thuộc Đảng Cộng hòa đã yêu cầu Tổng thống Obama hủy bỏ buổi chiêu đãi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc. Ông trùm bất động sản Donald Trump còn đi xa hơn khi kêu gọi Nhà Trắng nên mời Chủ tịch Trung Quốc « đi ăn bánh hamburger ở MacDonald’s » thay vì tổ chức tiệc chiêu đãi.

Hiện đang đứng đầu danh sách những ứng viên Cộng hòa theo kết quả thăm dò gần đây, ứng viên Donald Trump còn có nhiều tuyên bố chống Trung Quốc, như khẳng định người Trung Quốc cướp việc làm của dân Mỹ. Ngoài ra, nhà tỉ phú luôn phê phán chính quyền Obama thiếu khả năng trên trường quốc tế.

Còn ứng viên Cộng hòa Marco Rubio, thượng nghị sĩ bang Florida, khẳng định : « Tập Cận Bình cố gắng thuyết phục 1,3 tỉ dân nước mình là cách duy nhất để Trung Quốc trở thành một cường quốc là làm suy yếu Hoa Kỳ » và Trung Quốc tìm cách « đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á ».