Matt Mahan

ads header

Breaking News

Nga dùng Syria làm bàn đạp để vươn lại trên trường quốc tế

Tổng thống Vladimir Putin đang có những toan tính để Nga tìm lại ảnh hưởng ở Trung Cận Đông. REUTERS/Alexei Nikolsky/RIA Novosti/Kremlin
Nga dùng Syria làm bàn đạp để vươn lên trở lại trên trường quốc tế

(RFI) Tin tức về việc Nga tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria được dồn dập tung ra gần đây, từ việc xây căn cứ quân sự, đưa hàng chục chiến đấu cơ và oanh tạc cơ qua đồn trú thường trực tại nước này, cho đến việc viện trợ thêm vũ khí cho chế độ Damas, và thông tin mới được tiết lộ hôm nay 24/09/2015 theo đó Matxcơva sẵn sàng đơn phương tấn công vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria nếu đề nghị quốc tế cùng hợp tác với Nga không được đáp ứng. Theo giới phân tích, các động thái trên đây của ông Putin không ngoài mục đích dùng Syria để khôi phục uy tín ở vùng Trung Đông, và rộng hơn nữa là vươn lên trở lại trên chính trường quốc tế.

Yếu tố đầu tiên cần được ghi nhận là ngay từ ban đầu, Nga luôn luôn ủng hộ mạnh mẽ chế độ Bashar al-Assad, do vậy không thể bỏ rơi đồng minh đang bị lâm vào tình trạng suy yếu về quân sự.

Theo báo Pháp Libération vào hôm nay, ông Alexei Malashenko, chuyên gia về Trung Đông tại Trung tâm Carnegie ở Mátxcơva, đã cho rằng : « Không nâng đỡ quân đội Syria vào lúc này đồng nghĩa với việc phó mặc Syria cho một số phận bi thảm và phản bội al-Assad ». Tổng thống Nga Vladimir Putin từng lên tiếng bảo đảm an toàn sinh mạng cho lãnh đạo Syria, nên không muốn « kịch bản Libya » tái diễn, khi lãnh tụ Kadhafi bị giết chết.

Mặt khác, việc bỏ rơi chế độ Damas cũng đồng nghĩa với việc chịu thua Mỹ, điều mà ông Putin không hề muốn vì như vậy sẽ biểu thị « thế yếu » của Nga trên trường quốc tế, và nhất là trước dư luận trong nước, vì đối với người dân Nga, uy tín của Vladimir Putin tùy thuộc vào khả năng ông đối đầu được với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama hay không.

Ngoài những nhân tố mang tính chất cá nhân như kể trên, quan trọng nhất, theo các nhà quan sát, là tham vọng của Nga muốn củng cố vị thế của mình ở vùng Trung Cận Đông, qua đó khôi phục lại vai trò quan trọng của mình trên trường quốc tế : Ông Putin rất muốn đóng vai trọng tài và trở thành tác nhân không thể thiếu vắng trong việc giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra. Chính vì theo đuổi mục tiêu đó mà Mátxcơva đã tính đến việc hiện diện lâu dài tại Syria, mà việc xây dựng căn cứ gần sân bay Lattaquié là một biểu hiện cụ thể.

Khủng hoảng nghiêm trọng tại Syria, với các hành vi tác oai tác quái ngày càng dữ dội của tổ chức Nhà nước Hồi giáo quả là một cơ may cho ông Putin đang rất muốn lợi dụng vấn đề Syria để phá vỡ tình thế bế tắc và bị cô lập mà Nga đang phải chịu vì vấn đề Ukraina.

Một ví dụ cụ thể là đối thoại Nga-Mỹ, theo đúng nghĩa là đối thoại chứ không phải là đả kích nhau, đã được tái lập trên hồ sơ Syria kể từ khi xuất hiện các thông tin về động thái quân sự của Nga tại Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, và đồng nhiệm Mỹ, Ashton Carter, đã bắt đầu nói chuyện với nhau qua điện thoại, song song với các trao đổi giữa ngoại trưởng hai nước.

Thậm chí Tổng thống Israel Benjamin Netanyahu cũng đã ghé Mátxcơva hôm 21/09 vừa qua để thảo luận về hợp tác với Nga tại vùng Trung Cận Đông.

Tóm lại, với sự hiện diện quân sự tại Syria, và những đề nghị hợp tác với Mỹ và Liên minh Quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Nga đang tái khẳng định vai trò quan trọng của mình không riêng gì ở Cận Đông, mà cả trên chính trường quốc tế. Với chiêu bài chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, các hành động này của Nga hầu như không vấp phải phản ứng chống đối công khai nào, trái ngược hẳn với những gì liên quan đến Ukraina.