Chiến dịch vận động nhân quyền Việt Nam tại Mỹ khai diễn
Trọng tâm của buổi điều trần hôm thứ Tư 17/6 là tình hình nhân quyền Việt Nam và Hiệp định hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP mà Việt Nam đang đàm phán với Hoa Kỳ. |
Cuộc vận động năm nay kéo dài 4 ngày từ 17/6 đến 20/6 còn có sự góp mặt của nhiều người Mỹ từng phục vụ trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Chiến dịch diễn ra giữa lúc tình trạng nhân quyền Việt Nam đang tiếp tục là điểm nóng gây chú ý khi hai nước Việt-Mỹ đang tìm cách xích lại gần nhau trong vấn đề Biển Đông và các cuộc đàm phán tự do thương mại TPP.
Trong cuộc trao đổi với VOA Việt ngữ ngày 18/6, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Giám đốc điều hành Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS, nhà hoạt động dẫn đầu cuộc Tổng vận động, cho biết điều kiện nhân quyền trong TPP cũng chính là mục tiêu ưu tiên của chiến dịch thúc đẩy nhân quyền Việt Nam năm nay.
TS Thắng: Trọng tâm của cuộc tổng vận động nhân quyền năm nay là cài các điều kiện nhân quyền, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, vào các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa Hoa Kỳ với Việt Nam về mậu dịch và an ninh-quốc phòng. Có ba điểm mạnh chúng tôi tập trung. Thứ nhất về tự do tôn giáo, đang có dự thảo luật tôn giáo-tín ngưỡng trong Quốc hội Việt Nam mà ngôn ngữ của nó hoàn toàn đi ngược lại với những tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo. Chúng tôi muốn thúc đẩy Việt Nam phải tôn trọng những cam kết đã có với quốc tế và với Hoa Kỳ. Thứ hai về quyền của người công nhân, họ phải được thành lập và tham gia các nghiệp đoàn tự do, độc lập với đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam. Thứ ba, chúng tôi vận động để Việt Nam phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm trước khi hoàn tất và gia nhập Hiệp ước thương mại TPP.
VOA: Với những điểm nhấn này, nghị trình hành động của chiến dịch năm nay có gì khác hơn, trội hơn so với những chiến dịch trước?
TS Thắng: Năm nay, Ngày Vận động chính hôm nay 18/6 tại Quốc hội rất rầm rộ. Chúng tôi dự kiến sẽ tiếp xúc với 150 dân biểu, thượng nghị sĩ và nhân viên lập pháp của họ để thúc đẩy các trọng tâm chính. Hôm qua tại Hạ viện Mỹ đã diễn ra cuộc điều trần về vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Ngày mai, một phái đoàn đa tôn giáo sẽ gặp gỡ bộ phận phụ trách dân chủ-nhân quyền-lao động trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Chiều mai sẽ diễn ra sự kiện vinh danh, tri ân những ai đã cho người Việt tị nạn sự tự do và tương lai tốt đẹp. Qua sự kiện này, chúng tôi vận động họ cùng với người Việt tị nạn tiếp tục tranh đấu để đưa dân tộc Việt Nam tới tự do.
VOA: Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 40 năm cuộc chiến Việt Nam kết thúc và 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ, các nhà hoạt động muốn gửi thông điệp gì tới chính phủ hai nước Việt-Mỹ?
TS Thắng: Một thông điệp rất rõ ràng là chúng tôi rất quan tâm về vấn đề vi phạm nhân quyền của Việt Nam. Chúng tôi rất mong Việt Nam sẽ thay đổi, sẽ dân chủ hóa, sẽ được tham gia TPP nhưng với điều kiện. Chúng tôi không muốn đẩy Việt Nam ra mà chúng tôi đặt điều kiện để Việt Nam được tham gia trong bối cảnh hai nước đang tiến gần với nhau hơn và Việt Nam đang rất cần sự trợ giúp từ Hoa Kỳ, quốc tế, và thế giới tự do. Trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp thăm Hoa Kỳ và sẽ được tiếp xúc với Tổng thống Obama, một trong những thành quả cụ thể nhất của chiến dịch theo dự trù là một văn thư với chữ ký của rất nhiều dân biểu và Thượng nghị sĩ gửi Tổng thống Obama nêu lên những quan tâm ấy trước khi ông Obama tiếp đón ông Trọng tại Tòa Bạch Ốc.
Trong khuôn khổ cuộc vận động năm nay còn có buổi họp mặt trong hai ngày 19 và 20/6 để các thế hệ lãnh đạo kế tiếp của người Việt thảo luận các chiến lược hành động chung hầu phát triển cộng đồng quốc Việt về nhiều mặt như chính trị, thương mại, và xã hội.
Ngoài ra, trong ngày cuối cuộc vận động (20/6) còn có sự kiện tưởng nhớ lịch sử phát triển cộng đồng người Việt ở Mỹ và vinh danh các nhà lãnh đạo tiêu biểu gốc Việt.
Đây là cuộc tổng vận động lần thứ năm trong 4 năm liên tiếp gần đây. Đặc biệt năm ngoái đã diễn ra hai chiến dịch vận động: ngoài cuộc vận động nhân quyền thường niên còn có cuộc vận động kêu gọi Hoa Kỳ thúc giục Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi Biển Đông sau khi Bắc Kinh kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam nhận chủ quyền.
Hà Nội xem các nỗ lực của cộng đồng người Việt hải ngoại thúc đẩy cải thiện nhân quyền Việt Nam là ‘thiếu thiện chí’ với nhà nước Việt Nam, ‘xuất phát từ động cơ chính trị và thù hận trong quá khứ.’
Việt Nam bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và các nước phương Tây đánh giá là một trong các quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất trên thế giới.