Matt Mahan

ads header

Breaking News

Bốn quốc vương vùng Vịnh không dự Thượng đỉnh với Obama

Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman ben Abdelaziz al-Saoud.  AFP PHOTO/HO/SPA
(RFI) Ngày thứ Tư 13/05 và thứ Năm 14/05/2015 tới sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ với sáu quốc gia vùng vịnh Persic. Chủ đề chính của thượng đỉnh là các vấn đề « chống khủng bố, an ninh hàng hải, an ninh tin học và hệ thống phòng vệ chống tên lửa đạn đạo », trong bối cảnh các cường quốc sắp đạt được một thỏa thuận về hạt nhân với Iran, tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, cuộc thượng đỉnh này đã bị nguyên thủ đa số nước vùng Vịnh tẩy chay.

Trong số sáu quốc vương vùng Vịnh được mời, chỉ có đích thân nguyên thủ Qatar và Koweit tới Hoa Kỳ. Sự kiện đặc biệt gây chú ý là việc Quốc vương Ả Rập Xê Út từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ. Thông tin được Bộ Ngoại giao Ả Rập Xê Út loan báo hôm qua, 10/05/2015. Người được cử dẫn đầu phái đoàn của Ryad là hoàng tử kế vị Mohammed ben Salman, và Bộ trưởng Quốc phòng, một con trai khác của vua.

Về mặt chính thức, Quốc vương Ả Rập Xê Út Salman ưu tiên có mặt trong nước để theo dõi thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen, sẽ có hiệu lực từ tối mai, 12/05, tuy nhiên nhìn từ Hoa Kỳ, đây rõ ràng là một dấu hiệu không tốt lành.

Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio cho biết cụ thể,

"Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và các nước khối Hội đồng hợp tác vùng Vịnh CCG có mục tiêu bảo đảm với các quốc gia của khối về triển vọng thương thuyết đang diễn ra với Teheran. Ả Rập Xê Út – đối thủ của Iran - đặc biệt lo ngại trước khả năng quốc tế dỡ bỏ trừng phạt đối với nước này.

Cho dù các cuộc gặp trù bị cho thượng đỉnh đã diễn ra, nhưng chắc chắn các cuộc họp đã không có hiệu quả như phát biểu của Nhà Trắng. Các quốc gia vùng Vịnh không che giấu thực tế này. Sáu nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh hy vọng có được với Hoa Kỳ một hiệp định quốc phòng chung, để đối trọng lại với thỏa thuận sắp đạt được giữa Iran và khối 5+1 (gồm năm thành viên Hội đồng Bảo an và Đức). Tuy nhiên, một hiệp định đi ngược lại quyền lợi của Israel sẽ không có hy vọng được thông qua, do sự phản đối của Hạ viện Mỹ, đa số thuộc đảng Cộng hòa. Một thỏa thuận như vậy do đó không nằm trong lịch trình của thượng đỉnh.

Việc bán vũ khí cũng là một chủ đề gây căng thẳng khác. Washington từ chối bán một số thiết bị quân sự tối tân cho các nước Ả Rập. Và điều này cũng do không muốn Israel bực tức. Như vậy, rõ ràng là Phủ Tổng thống Mỹ sẽ phải có nhiều nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình trạng khủng hoảng hiện nay.

Theo thông tin thêm của RFI, một trong các lý do khiến vua Ả Rập Xê Út từ chối lời mời dường như là do phía Ả Rập Xê Út không cảm thấy được bảo đảm, sau cuộc hội kiến giữa Ngoại trưởng nước này, ông Adel al-Jubeir, với người đồng nhiệm Hoa Kỳ John Kerry tại Paris, hôm 08/05, mặt khác, vua Salman cũng đã sắp 80 tuổi, một chuyến đi như vậy có thể là quá mệt mỏi với ông".

Phe Houthi ủng hộ việc ngừng bắn với liên quân

Về tình hình Yemen, theo AFP, sau hơn sáu tuần không kích của liên quân do Ả Rập Xê Út đứng đầu, lực lượng nổi dậy người Houthi, theo hệ phái Shia – được Iran ủng hộ -, đã có phản ứng « tích cực » trước đề nghị ngừng bắn trong năm ngày của liên quân, vì lý do nhân đạo.

Chiến dịch can thiệp của liên quân Ả Rập, khởi sự từ ngày 26/03, có mục tiêu ngăn chặn cuộc nổi dậy của phe Houthi, lật đổ chính quyền được Liên Hiệp Quốc công nhận. Kể từ tháng 3 đến nay, hơn 1.400 người thiệt mạng trong các xung đột, theo Liên Hiệp Quốc. Khoảng 70.000 người – trong đó có 28.000 trẻ em - phải sơ tán khỏi tỉnh Saada, căn cứ địa của người Houthi, do các cuộc không kích. Mười bảy tổ chức phi chính phủ đã ra thông cáo chung, kêu gọi ngừng bắn.