Matt Mahan

ads header

Breaking News

Ấn Độ và Trung Quốc đối địch trên biển

Tư lệnh Hải quân Ấn Độ RK Dhowan (thứ 4 từ trái sang) trước hàng không mẫu hạm INS Viraat tại Bombay, 20/04/2015. REUTERS/Shailesh Andrade
(RFI) Hôm 02/05/2015, Hải quân Pháp và Ấn Độ đã kết thúc năm ngày tập trận trên Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đều đang tăng cường sức mạnh Hải quân. Đây là cơ hội để hạm đội Ấn học hỏi kỹ năng của Hải quân Pháp. Đặc phái viên báo Le Figaro đã theo chân chiến hạm chống tàu ngầm Jean-De-Vienne và hàng không mẫu hạm Charles-De-Gaulle của Pháp trong cuộc tập trận này.

Bài phóng sự mô tả lại một đêm săn tìm tàu ngầm trên chiếc Jean-De-Vienne. Đêm hôm ấy, chiến hạm này hộ tống Deepak, một tàu tiếp liệu của Hải quân Ấn. Jean-De-Vienne mở đường, chạy trước khu trục hạm Mumbai ; hai chiến hạm Gomati và Tarkash của Ấn Độ lướt sóng hai bên hông.

Tại trung tâm chỉ huy của chiếc Jean-De-Vienne, hơn một chục thủy thủ dán mắt vào màn hình, chăm chú theo dõi các thông tin do hai máy dò siêu âm của tàu thu thập được. Truy tìm tàu ngầm đòi hỏi sự kiên nhẫn. Một sĩ quan Pháp giải thích : « Tại đây, đáy biển dày đặc đá và bùn lầy, địa hình này có thể hút mất các sóng siêu âm ».

Cuộc tập trận giữa Hải quân Pháp và Ấn Độ diễn ra ngoài khơi Goa, phía tây miền duyên hải nước Ấn được đặt tên là « Varuna ». Đây là cuộc tập trận gần như thường niên kể từ năm 2001, trong khuôn khổ hiệp định đối tác chiến lược Pháp-Ấn được ký kết năm 1998.

Ấn Độ Dương đã trở thành biển của người Trung Quốc

Năm nay, « Varuna » lần thứ 14 được mặc chiếc áo hoàn hảo hơn, cho phù hợp với Hải quân Ấn Độ đang lao vào cuộc đua vũ trang với địch thủ Trung Quốc. Hạm đội của Giải phóng quân Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện, tại một đại dương không còn mấy dấu ấn của Ấn Độ.

Theo nghiên cứu của Đại học Hàng hải Mỹ, từ năm 2008, quân Trung Quốc tham gia các chiến dịch chống hải tặc, và trong bốn năm đầu đã triển khai 10.000 quân trên 37 chiến hạm. Đây là một cuộc cách mạng đối với một lực lượng Hải quân cách đây 20 năm bị các nhà quan sát cho rằng chỉ là « lực lượng tuần duyên ». Đồng thời Bắc Kinh xây dựng các hải cảng xung quanh Ấn Độ Dương để tiếp liệu các tàu của mình : tại Gwadar, phía đông duyên hải Pakistan và tại Djibouti ở phía tây.

Emmanuel Müller, thuyền trưởng tàu tiếp liệu La Meuse cũng tham gia cuộc tập trận Varuna cùng với Jean-De-Vienne và Charles-De-Gaulle nhận xét : « Cách đây 20 năm, chỉ có các hạm đội phương Tây qua lại nơi đây. Ngày nay tất cả các nước châu Á, và nhất là Trung Quốc, đều đưa tàu đến vùng biển này ».

Đối với cả Bắc Kinh và New Delhi, Ấn Độ Dương là một « xa lộ » không thể không đi qua : 90% lượng hàng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đi qua tuyến đường này. Để bảo đảm an ninh, Trung Quốc mạnh tay hiện đại hóa hạm đội.

ONI, cơ quan tình báo Hải quân Mỹ trong một báo cáo công bố vào đầu năm 2015 cho biết năm ngoái Trung Quốc đã cho xuất xưởng 60 chiến hạm – có chiếc vừa hạ thủy, có chiếc đã đi vào hoạt động – và trong năm 2013 con số cũng tương tự. ONI ước lượng tốc độ này sẽ còn tiếp tục trong năm nay.

Tất cả các loại tàu đều được hiện đại hóa : khu trục hạm, tiềm thủy đĩnh, hàng không mẫu hạm…Trên chiếc Charles-De-Gaulle, Chuẩn Đô đốc Eric Chaperon, chỉ huy trưởng lực lượng dù đặc nhiệm 473 của Pháp cảnh báo : « Một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ dựa vào sức mạnh Hải quân để áp đặt các luật chơi của họ và thay đổi luật hàng hải ».

Trong cuộc chạy đua dài hơi về vũ trang Hải quân, Ấn Độ đã bị chậm trễ. Một sĩ quan Hải quân Ấn tiếc nuối : « Trung Quốc có nhiều khu trục hạm và tàu ngầm hơn chúng tôi, sở hữu nhiều chiến hạm hiện đại hơn. Những năm gần đây, họ đã bắt chước được kỹ thuật của Nga - cóp nhặt lại rồi sản xuất tại các nhà máy của họ ».

Linh hồn của cuộc chạy đua là ngân sách : năm nay Bắc Kinh dành ít nhất 130 tỉ euro cho quân đội, trong khi New Delhi tự bằng lòng với 35 tỉ. Và tại Ấn Độ, thủ tục gọi thầu rắc rối cho tới nỗi Bộ trưởng Quốc phòng Ấn hồi đầu năm cũng thú nhận là không nắm hết. Tuy vậy, Hải quân Ấn Độ vẫn nuôi tham vọng.

Tham vọng của Ấn Độ : Bốn hàng không mẫu hạm

Thuyền trưởng Pierre Vandier tiết lộ : « Khi nói chuyện với các sĩ quan Ấn, họ cho biết muốn sở hữu ba tàu sân bay loại cổ điển và một hàng không mẫu hạm nguyên tử lực. Rất dễ hiểu : với các chiến hạm bình thường, bạn chỉ ngang sức với đối thủ còn với tàu sân bay, tầm vóc cuộc hải chiến lớn hơn hẳn và bạn trên cơ với địch quân ».

Khó thể biết đến bao giờ Ấn Độ mới cụ thể hóa được giấc mơ Hải quân hùng cường. Hiện New Delhi có một hàng không mẫu hạm do Nga sản xuất được hiện đại hóa là chiếc Vikramaditya, hoạt động từ năm 2013. Đến sang năm tàu sân bay này sẽ đơn độc vì chiếc Viraat mua lại của Anh, làm việc từ 56 năm qua sẽ bị cho về hưu. Một hàng không mẫu hạm thứ hai là chiếc Vikrant đang được đóng tại Cochin, sẽ được hạ thủy năm 2018, trễ mất bốn năm.

Cho dù có chậm chạp, Pháp vẫn coi tham vọng hiện đại hóa Hải quân của Ấn Độ là cơ hội cho mình. New Delhi đang thiết kế tàu sân bay thứ ba là Vishal, nhưng chưa xác định được loại phi cơ nào sẽ hoạt động trên tàu.

Trong lãnh vực này, Ấn Độ không đi sau Trung Quốc bao nhiêu. Bắc Kinh chỉ mới có chiếc Liêu Ninh, được sử dụng vào việc huấn luyện phi công, và đang đóng chiếc hàng không mẫu hạm thứ hai, mà theo ONI, không thể nào hoàn tất trước năm 2020.

Cuộc chiến tàu ngầm

Ngược lại, đội tàu ngầm của Trung Quốc khiến Hải quân Ấn Độ lo lắng. Một sĩ quan Pháp giải thích : « Tàu ngầm là một loại vũ khí bí mật và cụ thể, đáng ngại nhất đối với Hải quân. Nếu một ngư lôi lao vào ngay giữa vỏ tàu, nó sẽ cắt đôi và đánh đắm chiến hạm trong vài phút ». Trong khi đó Trung Quốc sở hữu đến 68 tiềm thủy đĩnh, trong đó có 9 tàu ngầm nguyên tử, nổi tiếng trong các hoạt động bí mật.

Còn Ấn Độ chỉ có một đội tàu ngầm gồm 14 chiếc đã cũ, trong đó có một tàu nguyên tử lực. Sáu tiềm thủy đĩnh « Scorpène » loại cổ điển, đóng tại Bombay với sự hỗ trợ của tập đoàn Pháp DCNS, ra đời chậm mất ba năm rưỡi. Đã xảy ra hai tai nạn, trong đó có vụ nổ tháng 8/2013 làm tàu Sindhurakshak bị chìm và 18 thủy thủ tử nạn.

Le Figaro kết luận, thế nên không phải là ngẫu nhiên khi cuộc tập trận Varuna 2015 đặt trọng tâm vào chiến đấu chống tàu ngầm. Hải quân Ấn Độ muốn học hỏi xem người Pháp sử dụng máy dò siêu âm như thế nào. Một sĩ quan Hải quân Ấn nói : « Pháp đi đầu trong lãnh vực này, và các sĩ quan chúng tôi được gởi đi học tại các trường đào tạo của Pháp ». Không thể để cho Trung Quốc qua mặt trong lãnh vực tàu ngầm.