Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến Con Đường Tơ Lụa trên biển
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Chủ tịch nước Trung Quốc tiếp đón tại Đại Sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ngày 7/4/2015. |
Hãng tin tài chính Bloomberg hôm nay đăng một bài viết với tựa đề “Vì sao hàn gắn quan hệ với Trung Quốc lại có lợi cho kinh tế Việt Nam?” bài báo lần lượt liệt kê những lý do sau đây để trả lời câu hỏi đó.
Thứ nhất: ngành du lịch Việt Nam đã bị tác động nặng nề vì cuộc tranh chấp giữa hai nước, với số du khách Trung Quốc tới Việt Nam giảm mạnh, xuống 40% trong năm 2014 cho tới quý đầu năm nay, so với tỷ lệ tăng 49% trong cùng kỳ năm trước đó, dựa trên các dữ kiện do Bloomberg ghi nhận. Bloomberg lưu ý rằng Trung Quốc là thị trường lớn nhất cho kỹ nghệ du lịch Việt Nam, lớn hơn cả Nam Triều Tiên và Nhật Bản cộng lại.
Bloomberg dẫn lời bà Trần thị Việt Hương, quyền quản trị viên tiếp thị và thông tin của Viettravel, một trong các công ty tua du lịch lớn nhất Việt Nam, nói rằng con số du khách Trung Quốc của công ty này giảm 30% trong quý đầu năm nay, so với năm ngoái, ảnh hưởng nặng nề tới thu nhập của công ty.
Lý do thứ nhì được nêu ra là cán cân thương mại bất cân xứng giữa hai bên.
Tờ báo trích số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế nói rằng từ năm 2007, sau khi qua mặt cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Cán cân mậu dịch nghiêng hẳn về phía Trung Quốc, với mức thâm hụt về phía Việt Nam lên tới 20,1 tỉ đôla trong năm 2013, tương đương với khoản thặng dư mậu dịch với đối tác Hoa Kỳ là 20,7 tỉ đôla.
Các số liệu do Bloomberg thu thập từ các nguồn Trung Quốc vốn sử dụng các dữ kiện khác, cho thấy mức thâm hụt trong cán cân mậu dịch Việt Nam với Trung Quốc năm 2013 là 31,7 tỉ đôla, và 43,7 tỉ đôla trong năm 2014.
Lý do thứ ba được Bloomberg nêu ra là sức mua. Về thu nhập trung bình, Trung Quốc đã qua mặt Việt Nam từ năm 1987 dựa trên sự khác biệt về sức mua. Từ đó, Việt Nam không thể nào theo kịp Trung Quốc, với mức thu nhập tính trên đầu người là 11,907 trong năm 2013 ở Trung Quốc, cao hơn gấp đôi mức thu nhập trung bình của Việt Nam trong cùng năm là 5,294 đôla.
Tuy nhiên, tờ báo ghi nhận một điểm sáng là tuy không thể sánh với Trung Quốc với đà tăng trưởng cao gấp đôi, Việt Nam đã khép lại khoảng cách biệt với Philippines, quốc gia gần nhất về mặt dân số với Việt Nam.
Tường trình về cuộc hội kiến giữa lãnh đạo hai Đảng Cộng sản, Tân Hoa Xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, thừa nhận rằng các cuộc tranh chấp biển đảo là một trở ngại cho sự phát triển quan hệ Việt-Trung, nhưng hãng tin nói thêm rằng các cuộc tranh chấp này không phải là một thách thức không thể nào giải quyết, có nguy cơ làm tan vỡ quan hệ lâu đời giữa hai nước.
Tân Hoa Xã nêu lên sáng kiến do Trung Quốc đề ra liên quan tới việc hình thành Đường Tơ Lụa Trên Biển, là một sáng kiến mà tờ báo nói có khả năng làm giảm căng thẳng giữa hai nước.
Tân Hoa Xã nói Con đường Tơ Lụa trên Biển cho thể kỷ 21 bao phủ nhiều khu vực rộng lớn trong Biển Đông có mục đích cổ vũ cho sự thịnh vượng chung, và là một giải pháp ‘tất cả các bên đều thắng’ cho Châu Á, và xa hơn nữa.
Đường Tơ Lụa Trên Biển Đông trải dài từ bờ biển phía Đông Trung Quốc tới vùng Trung Đông và Châu Âu thông qua Ấn Độ dương. Việt Nam, theo tờ Nikkei Asian Review, có thể là một nối kết thiết yếu trong sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Trên Biển, nhờ vị trí địa lý đặc biệt của mình.
Bài viết tường thuật rằng Trung Quốc đã mời Việt Nam tham gia sáng kiến này, và điều đó chứng minh sự thành thực của Bắc Kinh trong việc chia sẻ các cơ hội phát triển với Việt Nam, đồng thời phản ánh nguyện vọng của Trung Quốc muốn khai thác nhiều phương cách để biến Biển Đông, thành một khu vực hợp tác và hòa bình.
Báo The Diplomat hôm 8 tháng 4 dẫn báo Nikkei Asian Review, đề cập tới nội dung cuộc họp giữa ông Nguyễn Phú Trọng ông Tập Cận Bình về con Đường Tơ Lụa Trên Biển. Tờ Nikkei nói hai nhà lãnh đạo đã thoả thuận thành lập các toán đặc nhiệm để thăm dò hợp tác về các dự án cơ cấu hạ tầng và tài chính. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, ông Nguyễn Phú Trọng chỉ nói rằng Việt Nam đang cứu xét việc tham gia Con Đường Tơ Lụa Trên Biển.
Hãng tin Reuters tường trình về cuộc hội kiến giữa lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Việt Nam-Trung Quốc tại Đại sảnh đường Nhân dân, nói rằng ông Tập nói với ông Trọng rằng “Hai nước phải tuân thủ các thoả thuận tương nhượng đạt được với nhau, là cùng quản lý và kiểm soát các cuộc tranh chấp biển, duy trì bức tranh toàn diện về các quan hệ hữu nghị cũng như tình trạng hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.
Nguồn: Bloomberg, Xinhuanet, The Diplomat