Matt Mahan

ads header

Breaking News

Một Rủi Ro Có Tính Toán

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry (thứ hai từ trái sang) và Bộ trưởng Năng lượng Hoa Kỳ Ernest Moniz (trái) tại cuộc họp về chương trình hạt nhân Iran với các giới chức từ Pháp, Trung Quốc, EU, và Iran ở Lausanne, Thụy Sĩ, 31/3/2015.
Năm 1974, chính quyền Ford kết thúc cuộc thương lượng về vũ khí nguyên tử với Iran. Lúc bấy giờ Vua Shah Mohammed Reza Pahlavi đang trị vì nước Iran. Ông thừa kế Ngai Vàng Peacock, và là đồng minh của Hoa Kỳ. Vua Shah khẳng định Iran cần phải xây dựng nhà máy làm vũ khí nguyên tử. Henry Kissinger và Brent Scowcroft đứng ra thương thuyết để được buộc Iran sẽ không chế tạo bom nguyên tử. Hai cố vấn đã tìm cách thuyết phục Quốc Hội lúc đó rất cứng đầu. Một văn thư mật của Bạch Cung tóm tắt vụ thương lượng này như sau: “Một bảo đảm đặc biệt nào đó có thể làm hài lòng Quốc Hội Mỹ… nhưng phía Iran họ sẽ không chấp nhận.”.

Kết quả là thương lượng của chính quyền Ford bị thất bại. Sau đó chính quyền Carter tiếp tục thương thuyết, nhưng chẳng đi đến đâu. Năm 1979, Vua Shah bị phe Cách Mạng Iran lật đổ. Giáo chủ Ayatollah Khomeni tin rằng chế tạo bom nguyên tử là không đúng với giáo lý của Hồi Giáo, ông gác vấn đề vũ khí nguyên tử của Iran sang một bên, không đả động đến nữa. Sau cái chết của ông Khomeni xảy ra vào năm 1989, những người kế nhiệm ông tìm đủ mọi cách thương lượng, lén nhập cảng, và lắp ráp những bộ phận xây dựng nhà máy làm bom nguyên tử. Đến năm 2009, họ thiết kế xong nhà máy nguyên tử, và tuyên bố rằng chỉ vài năm nữa họ sẽ có khả năng làm bom nguyên tử. Đó chính là di sản mà Tổng Thống Obama phải lãnh đủ để giải quyết. Sau sáu năm thương thuyết ngoại giao cật lực, mang danh từ là thương thuyết về năng lượng, do Ngoại Trưởng John Kerry cầm đầu, một thỏa thuận sắp sửa thành hình. Ông John Kerry là người duy nhất ở Hoa Thịnh Đốn say mê việc thương lượng này.

Chi tiết về thoả ước chưa được công bố cụ thể. Đại lược là Iran sẽ ngưng chương trình vũ khí nguyên tử, nếu họ bội ước, ít ra họ cũng cần phải mất hơn một năm mới làm được bom, và họ phải chấp nhận cho đoàn thanh tra vào khám xét. Đổi lại, Hoa Kỳ Liên Hiệp Âu Châu, Nga và Trung quốc sẽ đồng ý chấm dứt áp dụng những chế tài về kinh tế. Phe Cộng Hoà dự trù họ sẽ dành được ghế Tổng thống năm 2016, và tuyên bố họ sẽ không công nhận thỏa ước ký kết với Iran. Thái độ thời cơ chủ nghĩa của họ được Thủ tướng Do Thái ông Benjamin Netanyahu hoan hô trong diễn văn đọc tại Quốc Hội hồi đầu tháng. Hai việc này khiến cho ông Obama khó có thể biện gỉai lý luận của ông. Theo ông, cuộc thương thuyết có thể mang đến một ít rủi ro, nhưng vẫn còn tốt hơn là không có giải pháp nào cho vấn đề.

Rủi ro đầu tiên có thể xảy ra là Iran sẽ ăn gian, giống như trong quá khứ họ đã từng làm. Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2009, nước Iran đã xây được cơ sở ly tâm khổng lồ ở dưới chân ngọn núi phía nam Teheran trước khi phe Tây Phương khám phá ra sự lừa gạt này. Theo Cơ Quan Năng Luợng Nguyên Tử Quốc Tế thì cho đến nay Iran vẫn chưa hoàn toàn rửa sạch vết nhơ trong lịch sử. Đó là chuyện bí mật xây dựng nhà máy làm vũ khí nguyên tử. Tuy nhiên, phe Cộng Hoà có tật hay thổi phồng quá đáng để gây sợ hãi. Kỹ thuật khám phá nguyên tử năng tuy không hoàn toàn ngăn ngừa được những trường hợp gian dối, nhưng kỹ thuật này khá tốt. Họ chỉ cần dùng phương pháp thử nghiệm nước và không khí là biết ngay nơi nào có vũ khí bí mật. Âm mưu lừa gạt qui mô để làm bom nguyên tử không dễ gì qua mặt được. Muốn làm ra bom nguyên tử cần phải làm phong phú chất uranium đồng vị. Nếu Iran bị bắt quả tang lừa gạt, họ sẽ bị trừng phạt nặng về kinh tế, chưa kể là có thể gây nên chiến tranh.

Điểm bế tắc cần bàn ở đây là khi nới lỏng trừng phạt về kinh tế, Tây phương sẽ giúp Iran vững mạnh hơn, vào thời điểm giá dầu đang xuống thấp, nước này có thể sẽ phải giảm bớt việc tài trợ cho hoạt động của các phong trào nổi dậy trên khắp vùng Trung Đông. Lần sau cùng của cuộc chiến tranh giữa hai hệ phái Sunni và Shi ite biến thành Chiến Tranh 30 năm vô cùng tàn khốc: Bắt cóc hàng loạt, nô lệ tình dục, chặt đầu. Chỉ có một vài tổ chức là vô tội. Nói chung, hành động xâm lược của Iran hết sức tàn bạo.

Quân đội Cách Mạng Iran từng huấn luyện cho quân lính của nhóm Hezbollah ở Lebanon và Syria, cung cấp cho phong trào này hàng triệu đô la. Có nhiều bằng chứng ngoài chiến trường cho thấy sĩ quan Iran trong lực lượng đặc biệt Quds Force cùng tham chiến bênh cạnh quân lính của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Hành vi bành trướng sức mạnh của Iran không phải chỉ nhằm giúp những phe chống Mỹ. Có đôi lúc kẻ thù của Mỹ cũng là kẻ thù của Iran, ví dụ như hai tổ chức Islamic State và al- Queda. Nhưng kẻ thù của Iran là đồng minh với Mỹ vẫn là con số đông hơn, đứng đầu là Do Thái. Tuần trước, ở nước Yemen cường độ chiến sự gia tăng trong một nước chia năm xẻ bảy. Máy bay của Saudi Arabi ném bom tàn sát nhóm phiến loạn được Iran hỗ trợ.

Tuy nhiên gần đây, hành vi xâm lăng của Iran có vẻ như vượt khỏi khả năng của nước này. Trừng phạt bằng kinh tế khiến cho mức xuất cảng dầu hoả giảm đi một nửa, và nền kinh tế bị co rút lại. Thiện chí muốn kết thúc cuộc thương lượng về thỏa ước nguyên tử với chính phủ Obama cho thấy Teheran bị áp lực của phe Quân đội đòi phải có thêm ngân sách cho quân đội của Lực Lượng Cách Mạng.

Vì sao việc ngưng trừng phạt kinh tế lại giúp phục hồi hành vi bành trướng của Iran? Nếu Chính phủ Obama chưa có kế hoạch, họ nên thảo ngay một kế hoạch mới. Hồi tuần trước, ở thành phố Tikrit, nơi sinh quán của Saddam Hussein, máy bay Mỹ ngấm ngầm yểm trợ phe nổi dậy Shi ite, được Iran đứng sau lưng. Máy bay Mỹ ném bom các vị trí của phe Islamic State, và phiến quân Shi ite giúp quân đội Iraq xông vào tái chiếm Tikrit. Tổng thống Obama đang phải tham dự cuộc chiến lâu dài ở Iraq với sự tiếp tay của Iran. Họ dự tính sẽ tấn công lấy lại thành phố Mosul. Lực lượng phe Islamic State thành công vì họ đáp ứng ước vọng của những người Iraq thiểu số theo phe Sunni. Nhưng tấn công phe Sunni bằng lính của phe Shi ite thì cũng giống như chữa cháy bằng dầu xăng. Nếu sự bành trướng ảnh hưởng của Iran ở Iraq đem lại kết quả tốt nhờ ký kết thoả ước nguyên tử với phe Tây phương, thì đây là một điều đáng tiếc. Nó sẽ làm cho tình hình ở Trung đông càng xấu thêm.

Xét theo lịch sử, những can thiệp của Hoa Thịnh Đốn vào tình hình ở Iran và Iraq chỉ đem lại kết quả tồi tệ. Thuở trước, chính quyền của Tổng thống Reagan ngấm ngầm hỗ trợ cuộc chiến tranh kéo dài từ năm 1980 đến năm 1988. (Khi cuộc chiến gần tàn, Saddam Hussein dùng cả vũ khí hoá học tấn công các vị trí đóng quân của Iran, người đứng đầu Lực Lượng Cách Mạng Iran phải viết thư lên giáo chủ Khomeini nói rằng muốn Iran trở thành hùng mạnh, bắt buộc phải chế tạo bom nguyên tử.) Chính quyền của Tổng thống Bush xâm lăng Iraq, lật đổ Saddam để rồi đưa đến kết quả là gây ra cuộc chiến tranh giữa hai giáo phái: phá tan sự cai trị của phe Sunni, mở đường cho sự xâm lược của Iran.

Mục tiêu của cuộc thương lượng mà ông Kerry đang làm ở Thụy sĩ là đem lại sự ổn định cho toàn vùng. Theo ông, phải ngăn cản cơ hội cho Iran làm bom nguyên tử để tránh xảy ra cuộc thi đua vũ khí nguyên tử giữa các nước ở trong vùng. Mục tiêu này đáng làm dù có phải chấp nhận rủi ro. Nhưng cuộc thương lượng sẽ đem lại kết quả tốt, đáng công để chấp nhận rủi ro nếu nó đi kèm theo chiến lược chính trị tách rời hai phe Shi ite và Sunni, xây dựng vùng lãnh thổ tự trị cho phe Sunni chống lại thế lực của phe Islamic State, giảm thiểu chiến tranh, bạo lực và chấm dứt sự can thiệp của Iran vào Syria, Yemen, Lebanon, Bahrain và Gaza.

Trong suốt bốn thập niên. Các Tổng thống Mỹ thuộc cả hai đảng đều công nhận rằng không thể để Iran có bom nguyên tử, và phương cách duy nhất để làm được việc này là qua thương thuyết. Sau sáu năm cầm quyền, nghe theo lời khuyên của các vị tướng lãnh, và chỉ các dự đoán của mình đều thất bại, ông Obama quyết định đánh liều chọn gỉai pháp thương thuyết ngoại giao về vũ khí nguyên tử thay vì tiếp tục chiến tranh. Đây là một chọn lựa tốt nhất trong những số những gỉải pháp không mấy gì hay. Nhưng có còn hơn không.

Bài phân tích của Steve Coll trên THE NEW YORKER ngày 6/4/2015

Nguyễn Minh Tâm dịch