Matt Mahan

ads header

Breaking News

Khi Người Phi Công Bị Bệnh Trầm Cảm

Phút cuối cùng tiết lộ trong hộp đen của chuyến bay Germanwings cho thấy phi công trưởng bên ngoài hét lên khi Lubitz đang trong buồng lái: "Mở cửa chết tiệt".
CÓ MỘT SỐ NGHỂ CHUYÊN MÔN đòi hỏi trách nhiệm rất cao. Tình trạng sức khoẻ tinh thần của người hành nghề đó hết sức quan trọng. Ví dụ nghề bác sĩ, cảnh sát và phi công, sự an toàn của người khác đặt trong tay họ.Vì thế khi có nhiều bằng cớ rõ ràng về tình trạng tâm thần của Andreas Lubitz, người phi công trong chuyến bay của hãng Germanwings đâm đầu vào núi, nêu lên một vấn đề hết sức quan trọng làm thế nào để tránh xảy ra những thảm kịch như vậy.

Lufthansa, công ty mẹ của hãng Germanwings nói rằng phi công Lubitz có báo cho hãng hàng không trong năm 2009 anh ta đã trải qua “những giai đoạn trầm cảm nghiêm trọng”, khi đó anh đang thụ huấn khoá đào tạo phi công. Các điều tra viên cũng ghi nhận hồ sơ cá nhân của Lubitz cho thấy anh ta “có xu hướng muốn tự tử”. Cho đến nay không ai biết được vì sao Lubitz cố tình lái máy bay dăm vào vách núi Alps thuộc Pháp. Tuy nhiên một câu hỏi lớn được đặt ra là hệ thống kiểm tra sức khoẻ các phi công tỏ ra không hoàn hảo, nên không thể thấy được sự suy sụp tinh thần của các phi công.

Ở Hoa Kỳ, tất cả các phi công từ 40 tuổi trở lên, mỗi sáu tháng đều phải nộp báo cáo thẩm định tình trạng sức khoẻ của phi công cả về thể lực cũng như tâm lý. Dưới 40 tuổi phải đệ nạp báo cáo mỗi năm một lần. Tuy nhiên, tình trạng sức khoẻ về thể lực tương đối dễ thẩm lượng, còn tình trạng tâm thần rất khó biết. Bác sĩ Alpo Vuorio, y sĩ trưởng của Trung Tâm Y Tế phi trường Mehilainen ở Phần Lan, chuyên nghiên cứu về tình trạng trầm cảm, và ý muốn tự tử của các phi công, nói rằng: “Bạn quan sát một phi công để đoán xem người đó có bình thường về tâm thần hay không. Đó là điều không dễ làm.”.

Hầu hết các hãng hàng không đều có chương trình yểm trợ tinh thần cho phi hành đoàn, người ta muốn các phi công tận dụng chương trình này. Nhưng theo Giáo sư Scott Shappell, dạy ở trường Embry-Riddle Aeronautics University thì “Không một phi công nào đứng ra thú nhận mình “yếu xìu”, suy xụp tinh thần. Vấn đề sĩ diện khiến cho không ai muốn nhờ chương trình này giúp đỡ.”. Chính vì lý do đó, theo bác sĩ Vuorio một chuyên gia tâm thần của cơ quan Quản Trị Hàng Không Hoa Kỳ -US Federal Aviation Administration nói rằng chỉ có khoảng một nửa phi công báo cáo họ từng trải qua tình trạng trầm cảm, và thành thực báo cáo.

Các chuyên gia tâm lý nói rằng đa số những người bị trầm cảm không đem lại nguy hiểm cho cá nhân họ hay cho người khác, và được chữa trị lành bệnh – nhưng tì vết vẫn còn. Cho đến năm 2010, cơ quan FAA mới ra lệnh cấm dùng thuốc chống trầm cảm, những ai dùng thuốc này sẽ bị cho nghỉ việc, không được lái máy bay nữa. Sau nhiều cuộc nghiên cứu, người ta thấy rằng thuốc chống trầm cảm không làm suy yếu, ảnh hưởng đến tâm thần, và sự tỉnh táo của người phi công. Vì vậy cơ quan FAA thay đổi quan niệm về thuốc chống trầm cảm.

Cơ quan FAA và Cơ Quan An Ninh Hàng Không Âu châu (EASA) đều buộc các phi công thương mại phải làm bản báo cáo tự kiểm về những loại thuốc chữa bệnh, hay thuốc an thần họ dùng, và những bác sĩ đang chữa bệnh cho họ. Nhưng nhiều phi công chẳng chịu báo cáo. Ông Shappell nghĩ rằng: “các phi công ngại việc báo cáo đó khiến họ có hồ sơ xấu.”. Bất cứ phi công nào báo cáo mình bị bệnh trầm cảm, lập tức người đó bị cấm bay, cho xuống đất làm việc, chờ đến khi nào hồ sơ trong sạch, mới được bay trở lại.

Chứng bệnh trầm cảm giống như nhiều chứng bệnh khác về tâm thần, rất khó phát hiện trừ phi người bệnh tự ý đi tìm chữa trị. Bác sĩ Vuorio thú nhận: “Nếu người phi công không thật thà, cố tình muốn che dấu, chúng ta không thể biết được.”. Nếu người phi công bị bắt gặp che dấu những vần đề bệnh trạng về thể lực hay tâm thần, người đó lập tức sẽ bị cơ quan FAA trừng phạt rất nặng: tiền phạt cao, và rút giấy phép hành nghề.

Bài tường trình của Alice Park trên báo TIME ngày 13/4/2015

Nguyễn Minh Tâm dịch