Matt Mahan

ads header

Breaking News

Trung Quốc : vì râu dài, một người Duy Ngô Nhĩ bị 6 năm tù

Giáo sĩ Jume Tahir, phụ trách thánh đường Hồi giáo lớn nhất Trung Quốc, tại Kashgar, bị sát hại hồi tháng 7/2014. Theo công an Trung Quốc, thủ phạm là một số người Duy Ngô Nhĩ "cực đoan". Ảnh chụp giáo sĩ Tahir từ video tháng 7/2011. REUTERS/ Reuters TV
Theo AFP, hôm nay 29/03/2015, một tòa án địa phương khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, kết án sáu năm tù đối với một người Duy Ngô Nhĩ, vì tội « để râu dài », « gây rối trật tự công cộng ». Phán quyết nói trên nằm trong chiến dịch « Liang Li/Lượng lệ » (tạm dịch là « Sáng và đẹp »), mà chính quyền Trung Quốc đang tiến hành nhằm chống lại một số thực hành liên quan đến Hồi giáo tại khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ.

Tòa án Kashgar (tức Khách Thập theo chữ Hán) phạt tù một cư dân của thành phố cùng tên. Theo nhật báo Thanh niên Trung Quốc, người đàn ông 38 tuổi này đã để râu quai nón dài từ năm 2010, trong khi vợ của người này mang mạng che kín mặt và khăn chùm kín người. Người vợ bị kết án hai năm tù trong cùng phiên tòa.

Chiến dịch bài trừ râu dài và khăn trùm, mang tên « Lượng lệ », được tiến hành tại Tân Cương từ hơn một năm nay. Mục tiêu của chính quyền là « cổ vũ » phụ nữ bỏ khăn trùm, để đầu trần, và đàn ông bỏ râu dài, những thực hành khá phổ biến trong cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, nói tiếng Thổ, theo đạo Hồi – sắc tộc thiểu số chủ yếu vùng Tân Cương.

Cặp vợ chồng nói trên bị tòa án buộc tội « đã kích động mâu thuẫn và gây rối trật tự công cộng », tội danh thường được tư pháp Trung Quốc sử dụng, với mục tiêu gia tăng kiểm soát người dân về chính trị, theo các nhà quan sát. Không ít người Trung Quốc đồng nhất việc để râu dài với hành động tôn giáo cuồng tín, hay khủng bố.

Treo thưởng cho ai tố cáo người để râu

Theo tờ báo Trung Quốc nói trên, tòa án thành phố Kashgar bảo đảm là « tất cả những ai chống lại các quy định cấm để râu dài, mang mạng che mặt hay khăn chùm » bị truy tố và kết án kể từ đầu năm 2015. Trước đó, hồi tháng 4/2014, chính quyền huyện Shaya (Tân Cương) từng treo giải thưởng cho những ai tố cáo các láng giềng « để râu dài » hay có « các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp ».

Các chuyên gia và giới bảo vệ nhân quyền thường nhận định, chính sách đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với văn hóa và tôn giáo của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ là nguồn gốc của các căng thẳng tại Tân Cương – vùng đất rộng lớn ở miền Viễn tây Trung Quốc giáp giới với các nước Cộng hòa Trung Á.

Phóng viên AFP không liên lạc được với tòa án Trung Quốc hôm nay để phỏng vấn về vấn đề này.


Trung Quốc triển khai quân tại Urumqi,, thủ phủ Tân Cương. Ảnh tháng 3/2014.  REUTERS/Stringer
Làn sóng di tản của người Duy Ngô Nhĩ

(RFI) Phóng sự của báo Le Monde về đàn áp khốc liệt mà người Duy Ngô Nhĩ đang phải chịu tại Trung Quốc : « Làn sóng di dân lớn của người Duy Ngô Nhĩ ». Bài viết nhận định : « Đàn áp tôn giáo và chính trị, kiểm soát việc đi lại… Sự tàn bạo của chính quyền Trung Quốc đã buộc nhiều người thiểu số Hồi giáo tại Tân Cương phải ra đi. Thổ Nhĩ Kỳ là một hướng chính của những người vượt biên ».

Abdurahman Ozturk - một đạo diễn phim tài liệu người Duy Ngô Nhĩ, rời Trung Quốc năm 2006 để tỵ nạn tại Hà Lan, rồi Thổ Nhĩ Kỳ - đã mô tả lại nỗi khổ ải của các đồng bào vượt biên qua Thái Lan, để hy vọng xin tỵ nạn. Thái Lan là một trong những kênh trung gian mà người Duy Ngô Nhĩ hiện nay lựa chọn, thay thì các nước vùng Trung Á trước đây. Đạo diễn người Duy Ngô Nhĩ là một trong những người cuối cùng được gặp 400 đồng bào Duy Ngô Nhĩ, bị tạm giam từ mười tháng nay tại Hat Yai, một thành phố cực nam Thái Lan giáp giới với Malaysia.

Phân nửa những người tỵ nạn nói trên, trong đó có khoảng 150 phụ nữ và trẻ em, đã được cảnh sát Thái phát hiện tại một đồn điền cao su đầu năm ngoái. Đích đến tiếp theo của những người chạy trốn là Malaysia, quốc gia theo văn hóa Hồi giáo, nơi họ hy vọng có thể được giúp đỡ để sang Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại đã có khoảng 20.000 người Duy Ngô Nhĩ tỵ nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo một đại diện của tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW tại Hồng Kông, nhiều người trong số họ phải chạy trốn vì lý do tôn giáo bị đàn áp. Trong khi đó, theo UHRP (Dự án nhân quyền Duy Ngô Nhĩ), riêng trong năm ngoái, hơn 450 người bị giết chết tại Tân Cương, trong đó một nửa được tính là « những thủ phạm » khủng bố bị lực lượng đặc biệt của chính quyền hạ sát. Riêng ngày 28/07/2014, 59 người bị quy là « khủng bố » đã bị công an bắn hạ. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên án việc an ninh Trung Quốc sử dụng bạo lực giết người bừa bãi, hay lục soát tịch thu vật dụng tôn giáo ngay tại nơi ở của người dân.

Le Monde đưa ra nhiều luận điểm để phản bác các tuyên truyền của Bắc Kinh về việc người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi vượt biên để đầu quân cho lực lượng khủng bố thánh chiến Hồi giáo. Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc đưa được rất ít bằng chứng cho việc này. Một thứ trưởng Công an Trung Quốc mới đây đưa ra con số khoảng 300 người Trung Quốc đi theo tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trong đó đa số là người Duy Ngô Nhĩ.

Vẫn theo đạo diễn phim tài liệu Abdurahman Ozturk, việc rất nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị thảm sát tại Tân Cương, bởi các lực lượng bán quân sự Trung Quốc, có thể đã là động cơ khiến một số người muốn ra đi với mục đích « được huấn luyện để sau đó trở về chiến đấu trong nước ». Theo giám đốc UHRP, « cần đặt vấn đề người Duy Ngô Nhĩ trong bối cảnh Trung Quốc », để thấy rằng, đối với họ nhà độc tài « al-Assad không phải kẻ thù, mà kẻ thủ của họ chính là Bắc Kinh ».

Số phận 400 người tỵ nạn Duy Ngô Nhĩ tại Thái Lan vẫn chưa được quyết định. Ngày 27/03/2015, tư pháp Thái sẽ ra phán quyết về gia đình 17 người đang bị tạm giữ. Đây là những người được Thổ Nhĩ Kỳ cấp hộ chiếu vì lý do nhân đạo.

« Thời kỳ hoàng kim của luyện kim Trung Quốc đã chấm dứt » 

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, sự kiện thép Trung Quốc bị Châu Âu áp thuế chống phá giá là chủ đề chính của nhiều báo. Theo Les Echos, đối với các nhà sản xuất Châu Âu đây là vấn đề sống còn, đối diện với quốc gia vô địch thế giới về xuất khẩu thép. Phụ trương kinh tế Le Figaro giải thích nguồn gốc của việc thép Trung Quốc giá rẻ tràn ra thị trường thế giới là do thị trường trong nước bão hòa, với nhu cầu nội địa sụt giảm (-3,4%) riêng trong năm ngoái. Về chủ đề này, Le Figaro nhận định « Thời kỳ hoàng kim của luyện kim Trung Quốc đã chấm dứt », do đặc phái viên gửi về từ Handan (tỉnh Hồ Bắc), thủ phủ của ngành luyện kim Trung Quốc. Riêng tại Handan, 200.000 việc làm của thành phố 1 triệu dân này bị đe dọa, do xuất khẩu thép sụt giảm.

Bí ẩn bao trùm vụ rớt máy bay Germanwings

Bí ẩn xung quanh nguyên nhân của vụ một máy bay của hãng hàng không Đức Germanwings bị rớt khiến 150 hành khách và phi công thiệt mạng cách nay hai hôm, tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp. Le Monde chạy trên trang nhất hàng tựa « Xúc động Châu Âu về một tai nạn không được giải thích ». Theo tờ báo, mọi giả thuyết về tai nạn đều cần được xem xét. Các nhà điều tra sẽ giải mã hộp đen các âm thanh được ghi lại vừa được tìm thấy, để hiểu được những gì xảy ra trong thời gian 8 phút máy bay rơi.

Le Figaro có hồ sơ « Những giọng nói trong hộp đen, một thách đố ». Theo Le Figaro, kết luận của các chuyên gia về sẽ phải được đưa ra trong ngày hôm nay. Trong khi đó, Libération dẫn lời giám đốc của Văn phòng điều tra và phân tích an ninh hàng không dân sự BEA, theo đó « vẫn còn quá sớm để rút ra một kết luận nhỏ về những gì xảy ra ». Theo các chuyên gia cần nhiều tháng, thậm chí nhiều tuần mới có thể chuyển được hết các dữ liệu âm thanh thành chữ viết và đặt lại chúng vào diễn biến của chuyến bay. Les Echos cũng cùng chung nhận định qua bài « Màn sương bí ẩn quanh vụ rớt máy bay Germanwings dày thêm ở khởi điểm cuộc điều tra ».

Báo Les Echos có bài ghi nhận « Mười một tuần sau vụ ‘‘Hebdo’’, cả Châu Âu chụm lại trong tang tóc ». Les Echos đặc biệt chú ý đến đau thương bao phủ thị trấn nhỏ Hal-tern-am-See, nơi 16 học sinh và hai giáo viên có mặt trong số các nạn nhân của chuyến bay xấu số... « Đức : Thị trấn Haltern với ‘‘ngày đen tối nhất’’ » là một phóng sự của Le Figaro.

Tựa lớn trang nhất Les Echos hôm nay là Tổng thống« Hollande đối mặt với thách thức của một sự phục hồi kinh tế, nhưng thất nghiệp không giảm », ghi nhận một tình trạng đặc biệt của nền kinh tế Pháp trong tháng hai vừa qua.

Libya, một đe dọa cận kề Châu Âu

« Libya, một đe dọa với Châu Âu » là tựa đề bài xã luận của Le Monde. Tờ báo dành nhiều trang cho chủ đề Libya, đặc biệt với cuộc phỏng vấn tướng Khalifa Haftar, lãnh đạo quân đội của chính phủ Libya được quốc tế công nhận, với hàng tựa « Chúng tôi ở đây để cứu Libya ». Hiện tại, hai bên xung đột chính tại Libya đang có cuộc đàm phán dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc tại Maroc, với hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài kể từ khi chế độ của đại tá Kadhafi sụp đổ.

Bài phỏng vấn của Le Monde nhấn mạnh đến thái độ triệt để đối kháng với lực lượng vũ trang đối lập của tướng Khalifa Haftar, mà theo ông họ chỉ có lựa chọn hoặc hạ vũ khí, hoặc rời nước. Thái độ này khiến nhiệm vụ môi giới đàm phán của đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Bernadio Leon trở nên hết sức khó khăn. Bài xã luận của Le Monde lưu ý, ngoài hai phe chính trong cuộc nội chiến, sự xuất hiện mới đây của một chi nhánh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo khiến cuộc chiến tại Libya có tác động trực tiếp đến Châu Âu. Le Monde dẫn sự kiện gần đây, khi một tàu chiến Ý bất ngờ bị bắn, súng bắn ra từ một thuyền chở người di cư bất hợp pháp, rất có thể nằm dưới sự kiểm soát của quân thánh chiến.

Câu hỏi Le Monde đặt ra là việc phe thánh chiến kiểm soát được vùng bờ biển Libya, và liên tục đưa hàng ngàn người nhập cư lậu vào nước Ý, sẽ có « những hệ quả an ninh và chính trị nào đối với Châu Âu ». Lối thoát hiện nay, theo xã luận Le Monde, là « các thành phần ôn hòa trong hai chính phủ đang đối đầu tại Libya phải tìm được tiếng nói chung, nếu không muốn Libya trở thành một vùng đất thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo ».

Lục quân Pháp tăng quân để đối phó với khủng bố trong nước

Đối sách của Pháp trước khủng bố là tít chính của Le Figaro : « Pháp củng cố quân đội trước đe dọa từ bên trong ». Tờ báo cho biết, sau nhiều năm giảm quân số, lục quân Pháp dự kiến sẽ tuyển nhiều hơn 11.000 binh sĩ so với dự kiến cho đến 2017, với tổng số 77.000 quân nhân. Đây là một sự kiện quan trọng đối với nước Pháp, vì kể từ cuộc chiến Algeri đến nay, số lượng binh sĩ tại ngũ không ngừng giảm xuống. Con số gia tăng nói trên gần trùng với số lượng binh sĩ 10.500 người đã được triển khai khắp nước Pháp trong chiến dịch Sentinelle, sau các khủng bố tại Paris hồi tháng 1/2015.

Thủ tướng Israel chiến thắng nhờ chuyên gia truyền thông

Về thời sự quốc tế, Israel tiếp tục là một tâm điểm. « Tân Thủ tướng Netanyahou đang mặc cả để lập chính phủ » trong bối cảnh « Vụ (tình nghi) gián điệp làm lộ ra những bất đồng giữa Israel và Washington » là hai hàng tít chính của trang quốc tế Le Figaro. Phía Israel phủ nhận đã đánh cắp thông tin về các đàm phán hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran, để cản trở một thỏa thuận chung cuộc. Trên thực tế, « kể từ khi Tel Aviv biểu thị sự bất đồng đối với thỏa thuận mà họ xem là quá lợi cho Teheran, Washington bắt đầu bí mật cao độ về những gì liên quan đến thương lượng ».

Le Monde quan tâm đến « Hậu trường của cú ‘‘ngoặt sang hữu’’của ông Netanyahou », người đã thành công trong việc đảo ngược tình thế ngoạn mục trước ngày bầu cử, khi mà đảng cánh hữu của Thủ tướng mãn nhiệm được đánh giá là sẽ về sau. Tờ báo nhấn mạnh đến chiến dịch tranh cử « hiệu quả đáng sợ » ngay trước ngày bầu cử của ông Netanyahou, với thủ lĩnh là một chuyên gia truyền thông nổi tiếng thế giới Aron Shaviv, từng phục vụ trong binh chủng thiết giáo và tình báo quân sự Irael.

« Diễn đàn quốc tế » đầu tiên của các nhóm tân phát xít Châu Âu-Nga

Nỗ lực liên minh giữa « các lực lượng phát xít mới Châu Âu và Nga » trong một « diễn đàn quốc tế » đầu tiên, được tổ chức tại St Petersboug, là một chủ đề khác được Le Monde đặc biệt chú ý trong bài « Phe cực hữu bày tỏ sự ủng hộ đối với Kremli ». Tham gia vào hội nghị quốc tế của « những người bảo thủ », có các đại diện của đảng phát xít mới Bình minh vàng Hy Lạp, lãnh đạo đảng phát xít Ý Roberto Fiore, nghị sĩ Đức cực hữu Udo Voigt, hay người chủ trương chủng tộc da trắng ưu việt Jared Taylor, công dân Mỹ... Nhà tổ chức sự kiện này là đảng chính trị Nga Rodina (Tổ quốc), vốn có lập trường ủng hộ Tổng thống Putin. Các nhân vật trung tâm của sự kiện này là nhiều chiến binh tình nguyện từng đứng về phe nổi dậy, chiến đấu tại miền đông Ukraina.

Thông tín viên Le Monde tại Matxcơva ghi nhận, cho đến giờ các nhóm cực hữu Nga có lập trường chống chính quyền triệt để, nhưng trong thời gian gần đây các lực lượng này có xu hướng xích gần lại các đảng phái thân Kremli. Báo cáo của hiệp hội Sova, chuyên nghiên cứu về các phong trào này, được công bố ngày 24/03, ghi nhận sự chuyển hướng này, với dự báo có thể gây ra « những cạnh tranh nguy hiểm ».

Theo nhiều phương tiện truyền thông, sự có mặt của các thành phần thân phát xít trong hội nghị quốc tế này có thể gây khó cho chính quyền Nga. Matxcơva có thể đã mong muốn có các vị khách dễ chấp nhận hơn trong con mắt họ, ví dụ như lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Marine Le Pen. Hội nghị rầm rộ nói trên, Le Monde bình luận, « tương phản hoàn toàn với các phát ngôn chính thức của Matxcơva, không ngừng mô tả chính quyền Kiev như là một tập đoàn độc tài quân sự và các quân nhân Ukraina như ‘‘phát xít’’ ». Theo hiệp hội Sova, phát biểu của một số nhóm cực hữu Nga không khác lắm với quan điểm của « truyền hình chính thức » nước Nga.