Singapore của Lý Quang Diệu mô hình mở cửa cho Trung Quốc
Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Reuters |
Chỉ trong vòng ba thập kỷ, ông Lý Quang Diệu, một người gốc Hoa, đã biến Singapore từ một hòn đảo nhỏ, không tài nguyên, tiềm năng gì ghê gớm trở thành một đảo quốc có nền kinh tế phát triển, có xã hội ổn định trật tự, đời sống người dân ở mức cao nhất châu lục. Sự kỳ diệu của Sigapore không chỉ làm các nước trong vùng ngưỡng mộ thán phục mà nó còn gây ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, những người vốn mang nặng tư tưởng nước lớn.
Giờ đây ai cũng biết người khởi xướng cuông cuộc mở cửa đem lại sự phát triển ngoạn mục của Trung Quốc trong vòng ba chục năm qua không ai khác chính là ông Đặng Tiểu Bình. Ngay khi được hồi phục sau màn đấu đá nội bộ khốc liệt, năm 1978 Đặng Tiểu Bình đã tới Singapore gặp ông Lý Quang Diệu với mục đích để tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm thành công của quốc đảo Singapore.
Trong một cuốn sách xuất bản năm 2013, ông Lý Quang Diệu đã ghi lại về cuộc gặp với nhân vật số 1 Trung Quốc lúc bấy giờ rằng : « Tại Singapore, Đặng đã tận mắt thấy là một hòn đảo nhỏ không tài nguyên thiên nhiên lại có thể mang lại điều kiện sống tốt cho dân như thế nào ». Ông Lý kể tiếp : « Đặng trở về với niềm tin rằng cần phải mở cửa kinh tế Trung Quốc ra thế giới. Đó là thời điểm mấu chốt cho lịch sử Trung Quốc, một bước ngoặc lớn... »
Không chỉ có kinh tế, chế độ cộng sản Trung Quốc còn nhìn thấy ở Singapore một mô hình quản lý xã hội đáng học hỏi. Năm 1992, trên tờ Nhân dân nhật báo, Đặng Tiểu Bình đã bình luận rằng « Nhờ có sự kiểm soát nghiêm ngặt mà trật tự xã hội ở Singapore được bảo đảm rất tốt ». Người được đánh giá là cha đẻ cho chính sách đổi mới mở cửa kinh tế Trung Quốc này cho rằng « Chúng ta (Trung Quốc) phải học theo những kinh nghiệm của họ (Singapore) để quản lý xã hội tốt hơn ».
Còn với giới chuyên gia thì sao ? Theo nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc Willy Lam việc « khẳng định mô hình Singapore đã ảnh hưởng căn bản lên sự phát triển kinh tế Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng ». Cần phải biết là với Đảng hành động nhân dân (PAP) do chính ông sáng lập năm 1959, Lý Quang Diệu đã lãnh đạo thành công Singapore bằng một chế độ độc đảng, một nét tương đồng với chế độ Bắc Kinh.
Đến tận bây giờ, vẫn có hàng nghìn cán bộ lãnh đạo Trung Quốc hàng năm vẫn đến Singapore để học hỏi kinh nghiệm cách quản lý hành chính cũng như các cơ sở kinh tế tài chính của đảo quốc nhỏ bé này. Ngược lại bản thân lãnh đạo Singapore lúc sinh thời cũng rất chú trọng phát triển quan hệ với Bắc Kinh, nhất là ông có lợi thế là người gốc Hoa.
Theo cổng thông tin điện tử Netease, Lý Quang Diệu đã thực hiện không dưới 33 chuyến thăm Trung Quốc từ năm 1976. Giới quan sát đánh giá điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của Lý Quang Diệu trong quan hệ với Trung Quốc, một nước lớn có tư tưởng bá quyền trong khu vực. Vì thế mà Lý Quang Diệu có thể đóng vai như là một cố vấn được các lãnh đạo Trung Quốc lắng nghe, ngay cả trong những hồ sơ lớn như Đài Loan.