Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc đang hồi hấp hối?
Bảo đảm an ninh cho Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. ngày 05/11/2012. REUTERS/China Daily |
Đầu tiên, tác giả dẫn lại định đề gây chấn động của ông David Shambaugh cho rằng, " Bất chấp vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị của Trung Quốc đã bị tàn phá nghiêm trọng và không ai hiểu rõ điều đó bằng chính bản thân đảng Cộng sản TRung Quốc. Ông Tập Cận Bình, người đầy quyền lực nhất, hy vọng rằng các cuộc trấn áp các nhà đối lập và chống tham nhũng sẽ củng cố sự ngự trị của đảng. Ông ta kiên quyết không muốn trở thành một Gorbachov của Trung Quốc. Nhưng thay vì là phản đề của Gorbachov, Tập rất có thể đi đến cùng một kết quả. Chủ nghĩa chuyên chế gây áp lực nặng nề lên hệ thống chính trị Trung Quốc cũng như xã hội, khi đưa cả hai hệ thống này tiến gần đến sự rạn nứt ". Cuối cùng ông dự báo rằng "hồi kết đang được khởi động " qua các dấu hiệu đáng báo động như nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng rò rỉ chất xám ra nước ngoài, kinh tế trì trệ...
Đương nhiên, giới truyền thông Trung Quốc đã có những phản ứng gay gắt, lên án một "sự bất tài" và "những kết luận không cơ sở" của vị chuyên gia Mỹ. Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Pháp về Trung Quốc học, ông Jean-Pierre Cabestan, thuộc đại học Hồng Kông, nếu xem kinh tế trì trệ như là một tín hiệu báo động cũng chưa hẳn là chính xác. Bắc Kinh vẫn còn rất nhiều nhân tài để thực hiện công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế thông qua các chính sách cải cách như thuế khóa, ngân hàng.... Điều đó có thể giúp cho Trung Quốc tránh được những cú sốc và các ràng buộc về kinh tế.
Một quan điểm cũng được ông Hu Xingdu, giáo sư kinh tế Viện Công nghệ Bắc Kinh đồng chia sẻ. Theo khẳng định của giáo sư "sẽ không có khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc, đó chỉ là tăng trưởng chậm lại". Đối với Bắc Kinh, bất bình đẳng đáng báo động, thiếu các chính sách an sinh xã hội hiệu quả, sự ngán ngẩm của người dân về nạn ô nhiễm và tham nhũng lan tràn cũng như cảm giác bất an mới là những thách thức nghiêm trọng.
Cuộc chiến chống tham nhũng và cải cách có củng cố được chế độ?
Theo nhận định của tác giả, việc gia tăng các cuộc điều tra nhắm vào thượng tầng lãnh đạo cho tới cựu lãnh đạo ngành an ninh quốc gia Chu Vĩnh Khang và nhiều tướng lĩnh trong quân đội như cựu phó chủ tịch cơ quan quyền lực Quân ủy Trung ương gây căng thẳng và bế tắc trong nội bộ đảng.
Cũng vì cho rằng chính tham nhũng đã làm sụp đổ chế độ Xô Viết, ông Tập Cận Bình đã xem tệ nạn này là mối họa chính mà đảng phải đối mặt. Chiến dịch "Bàn tay sạch" của ông trở nên nổi tiếng nhưng nhiều người tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả thật thụ và tác động khách quan lên người dân. Do bởi bản chất của chiến dịch ngày càng lộ rõ nét đó cũng là một vũ khí để loại bỏ các đối thủ của ông Tập Cận Bình.
Một cảm giác nghi ngờ tương tự cho các chính sách cải cách của ông Tập. Nhất là lời hứa "cải tiến chính phủ theo pháp luật". Sự mất niềm tin đó được khẳng định rõ qua việc tăng cường trấn áp các nhà đối lập, các luật gia, những người viết blog, nhà báo, các tổ chức phi chính phủ, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích còn lưu ý là hình ảnh của Tập Cận Bình hầu như hiện diện khắp nơi trên hệ thống truyền thông, mọi ngả nẻo đường, thậm chí trong các hàng quán cũng có ảnh chân dung của nhà lãnh đạo. Điều các chuyên gia, hiện tượng tôn sùng cá nhân là một chiếc áo choàng nhằm làm quên đi sự thiếu vắng ý thức hệ của Đảng.
Sự trống vắng một hệ tư tưởng còn lộ rõ qua việc tuyên chiến với các giá trị phương Tây, các giá trị nhân quyền, tự do hay nền dân chủ mà Trung Quốc xem như đó là những mối họa cho sự ngự trị của đảng. Theo nhận định của chuyên gia người Pháp Jean-Pierre Cabestan, "việc cấm đoán quả là nực cười. Đảng cộng sản đang chơi trò may rủi bởi vì người dân Trung Quốc rất hiếu kỳ với những tư tưởng và kinh nghiệm của phương Tây".
Làm thế nào bảo tồn chủ nghĩa xã hội theo đặc trưng Trung Quốc?
Tác giả bài viết cho rằng hiện ông Tập đang cố cải tiến ý thức hệ của Đảng bằng cách tổng hợp giữa ý tưởng của Mao với Đặng Tiểu Bình, cha đẻ của công cuộc cải cách và bằng cách sửa những điểm không phù hợp. Lý thuyết về "tứ toàn" nhắm đến việc xây dựng một xã hội " tương đối phồn thịnh ", củng cố cải cách, nhà nước theo pháp quyền và kỷ luật trong đảng.
Thế nhưng, theo đánh gia của một số chuyên gia việc phủ bóng Mac-xít bằng chủ nghĩa dân tộc có thể có những nguy hiểm tiềm tàng do vì có thể dẫn đến việc mất khả năng kiểm soát và làm vuột mất các giá trị khổng giáo.
Cuối cùng, tác giả bài viết nhận định hiện bên cạnh Trung Quốc giờ chỉ còn có Cuba, chế độ có thể tồn tại được nhờ vào việc đối đầu với Hoa Kỳ. Trung Quốc buộc phải giữ Bắc Triều Tiên cho đến cùng vì không muốn thấy chế độ cộng sản nào khác sụp đổ dẫn đến hiệu ứng domino. Nhưng cũng không ai có thể liều lĩnh cá cược về trường tồn của đảng, một chế độ có thể kéo dài thêm nhiều thập niên nữa hay bất ngờ bị vấp ngã dưới tác động của một tính toán sai lầm.
Đi tù do đấu tranh cho nữ quyền
Cũng tại Trung Quốc, nhưng trên lãnh vực xã hội, nhật báo Le Monde cho hay "Nhiều nhà đấu tranh vì nữ quyền quá đòi hỏi bị gởi đi tù". 10 nhà đấu tranh nữ vì muốn phản đối chống lại nạn bạo hành tình dục trong các phương tiên công cộng đã bị bắt giam từ hôm 06/03/2015.
Không chỉ đấu tranh chống lại nạn bạo hành trên các phương tiện công cộng, những người đấu tranh trẻ tuổi này còn chống lại nạn phân biệt đối xử trong nhiều lãnh vực khác như nạn thiếu điểm vệ sinh công cộng cho nữ giới, bạo hành trong gia đình, nhất là lên án việc kiểm tra trinh tiết trong việc tuyển công chức nữ.
Hoa Kỳ phản đối AIIB, sai lầm về chiến lược?
Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực ngân hàng, Le Monde trở lại vụ việc Bắc Kinh kêu gọi các nước tham gia thành lập ngân hàng Đầu tư Hạ tầng AIIB do Bắc Kinh chủ xướng. Vụ việc đang gây chia rẽ trong nội bộ phương Tây. Le Monde trong xã luận đề tựa "Mai phục trên Con đường tơ lụa" cho rằng việc Hoa Kỳ phản đối Ngân hàng AIIB của Trung Quốc là một sai lầm chiến lược.
Thế giới tài chính từ sau thỏa thuận Bretton Woods 1944 được thống trị bởi ba định chế lớn là Ngân hàng Thế giới World Bank (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB. Một cách truyền thống, cả ba định chế này lần lượt do Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản lãnh đạo. Các nước mới trỗi dậy và nhất là Bắc Kinh đã phản đối sự ngự trị đó cho rằng cả ba định chế này không còn phù hợp với thực tế gánh nặng kinh tế của từng quốc gia. Mãi cho đến năm 2010, một loạt các hiệu chỉnh mới được đưa ra để cải tổ lại IMF và cho phép Trung Quốc có một đại diện trong định chế. Cải tổ này từ lâu đã bị Hoa Kỳ cản trở nhất là từ phe Cộng Hòa.
Bất bình, Trung Quốc với nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào, quyết định tự thành lập định chế mới của riêng mình, dựa theo mô hình của phương Tây, nhưng vẫn trung thành với chiến thuật của mình. Có thể xem AIIB như là một bản sao của Ngân hàng Phát triển Á Châu, chỉ khác về kích cỡ: nghĩa là Nhật Bản chỉ chiếm có 15,7% trong ADB, nếu thêm cả phần đóng góp của Mỹ nữa cũng chỉ hơn 30%. Trong khi đó, tại AIIB riêng Trung Quốc đã chiếm tới 49% phần đóng góp. Dưới vỏ bọc kêu gọi đa phương, nhưng trên thực tế AIIB là một công cụ của Trung Quốc.
Công cụ là vì Bắc Kinh muốn sử dụng AIIB để phát triển dự án "Con đường tơ lụa mới" thông qua các dự án đầu tư Hạ tầng như xây cầu đường, cảng biển, đường sắt, sân bay hay viễn thông... những nhu cầu hạ tầng Châu Á rất cần. Thông qua con đường tơ lụa đó, Bắc Kinh sẽ vươn cánh tay tới những vùng miền mà người Trung Quốc gọi là Tây Á, phương Tây quen gọi là Trung Đông. Một trong những dự án đầu tiên do AIIB tài trợ sẽ là tuyến đường sắt Bắc Kinh - Bagdad.
Đối với Hoa Kỳ, AIIB là một cách thức để Trung Quốc vươn sức mạnh ra ngoài thông qua các tài trợ mờ ám và gây hại môi trường. Châu Âu không cùng quan điểm cho rằng chỉ có tham gia vào dự án mới là cách tốt nhất để các dự án được thực hiện minh bạch và tôn trọng các quyền và môi trường. Chính vì vậy mà các nước anh em Hoa Kỳ như Anh quốc, rồi Đức, Pháp Ý cũng như là các quốc gia "họ hàng khác" như Úc, và có thể là Hàn Quốc hùa vào tham gia. Có như vậy, Châu Âu mới có cơ hội có được một ghế đại diện Châu Âu trong định chế.
Do đó, Le Monde cho rằng khi ngăn chặn sự phát triển của thỏa thuận Bretton Woods, Hoa Kỳ đã tự bắn một phát vào chân của mình. Mỹ lẽ ra nên theo các nước Châu Âu và thay đổi chiến lược bằng cách tham gia vào AIIB. Theo bài viết, hành động ngay từ trong nội bộ để áp đặt những quy định cho sự điều hành đúng đắn nhất bằng cách liên kết các đối tác với ADB hay WB sẽ có hiệu quả hơn là phủ nhận thực tế đối trọng kinh tế của Trung Quốc cũng như là giảng đạo đức với Châu Âu.