Matt Mahan

ads header

Breaking News

Lý Quang Diệu, một "gương mặt huyền thoại của Châu Á"

Cảnh người dân Singapore đặt hoa ở bệnh viện, cầu chúc sức khỏe cho ông Lý Quang Diệu, ngày 21/03/201  Reuters
Là người có công đưa đất nước thoát khỏi ách thuộc địa, để trở thành một trong những đảo quốc phồn thịnh nhất thế giới, cha đẻ của Cộng hòa Singapore, Lý Quang Diệu vừa từ trần ngày 23/03/2015, thọ 91 tuổi.

Sức khỏe của cựu lãnh đạo Singapore đã sa sút đáng kể từ nhiều tuần qua. Ông phải nhập viện hồi đầu tháng Hai vì bệnh viêm phổ cấp tính.

Khi hay tin ông Lý Quang qua đời, chuyên gia học viện quốc phòng Úc, Carlyle Thayer nhận định : Sẽ không có đất nước Singpore ngày nay, nếu không có ông Lý Quang Diệu.

Sinh năm 1923 trong một gia đình gốc Hoa, ông là Thủ tướng đầu tiên của Singapore khi giành được độc lập từ Anh Quốc. Ông Lý Quang Diệu lên cầm quyền vào năm 1959, ở tuổi 35 tuổi. Singapore thoát khỏi chế độ thuộc địa Anh đã gia nhập Liên bang Malaysia. Nhưng những bất đồng đã chóng nảy sinh giữa ông Lý Quang Diệu với Thủ tướng Malaysia thời đó là ông Abdul Rahman. Thủ tướng Singapore cực lực chống đối các chính sách ưu đãi dành cho người Malaysia theo đạo Hồi. Xung đột sắc tộc giữa cộng đồng người Hoa và người theo đạo Hồi vào những năm 1964-1965 dẫn tới việc Singapore bị trục xuất khỏi Liên bang Malaysia vào năm 1965. Thủ tướng họ Lý đứng trước một đất nước với tương lai đầy bất trắc.

Nhưng chỉ trong 30 năm, Singapore đã phát triển rất mạnh trên phương diện kinh tế để trở thành một trong bốn « con rồng của Châu Á », cùng với Hàn Quốc, Đài Loan và Hồng Kông. Về phương diện tài chính, từ những năm 1980, Singapore đã trở thành thị trường năng động nhất tại Châu Á, chỉ sau có Tokyo. Đảo quốc với gần 5 triệu dân này, ngày nay đã trở thành một trong hai hải cảng lớn nhất tại khu vực, và mới chỉ bị Thượng Hải qua mặt gần đây.

Singapore còn là một trong những trung tâm hàng đầu về mặt công nghệ, là một trong những quốc gia có hệ thống y tế tân tiến nhất trong khu vực Đông Nam Á, là một trong những địa điểm du lịch được ưa chuộng nhất.

Một nhà quan sát tại Singapore, được AFP trích dẫn, nhấn mạnh, nhờ ông Lý Quang Diệu mà Singapore, một vùng đất có diện tích còn nhỏ hơn so với thành phố Berlin của nước Đức, nhưng lại chiếm một vị trí hết sức quan trọng trên bình diện quốc tế.

Thành công đó có được nhờ vào một nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa. Thứ nhất theo như đánh giá của một chuyên gia thuộc đại học Flinder tại Úc, Michael Barr, ông Lý Quang Diệu đã huy động được cả một đội ngũ các chuyên gia vừa có năng lực vừa có tài quản lý thực sự. Thứ hai, trong suốt thời kỳ cầm quyền, ông luôn chủ trương xây dựng một Nhà nước trong sạch và hiệu quả. Singapore không bị tham nhũng và các hành vi bè phái lũng đoạn.

Nếu như không một ai phủ nhận vai trò và công lao của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu trong việc đưa Singapore thành một quốc đảo thịnh vượng nhất thế giới, thì ngược lại, ông thường bị giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích.

Luật an ninh nội địa của Singapore bị coi là nhằm bóp nghẹt mọi tiếng nói đối lập và chận đường các đối thủ chính trị của ông. Đảng Hành động Nhân dân của ông Lý Quang Diệu liên tục cầm quyền từ năm 1959 tới nay và hiện đang có 80 trên tổng số 87 ghế trong Quốc hội. Năm 1990, ông Lý Quang Diệu nhường lại chiếc ghế Thủ tướng cho một người thân cận là ông Goh Chok Tong, trước khi con trai ông, Lý Hiển Long, được chỉ định vào chức vụ Thủ tướng năm 2004.

Đại diện của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch tại khu vực Châu Á Phil Robertson lưu ý, trong những năm tháng ông Lý Quang Diệu cầm quyền, tự do ngôn luận, tự do hội họp ở Singapore đã bị giới hạn đáng kể. Có lẽ đã đến lúc đảo quốc này cần nối lại đối thoại để phần nào cởi trói cho hoạt động chính trị tại Singapore.