Matt Mahan

ads header

Breaking News

93 Ngày gian khổ bị Somalia bắt cóc, giam cầm.

Nguồn hình: http://www.dailymail.co.uk/
93 Ngày Gian Khổ Bị Quân Khủng Bố Somalia Bắt Cóc, Giam Cầm.

• Là một nhân viên cứu trợ người Mỹ, cô Jessica Buchanan bị quân khủng bố Somalia bắt cóc làm tù nhân trong 93 ngày. Cô kể lại những ngày gian khổ của cô trong cuốn sách vừa xuất bản, nhan đề: “Impossible Odds.””Tai Vạ Không Tránh Được.”.

Chồng tôi, anh Erik Landemalm gắt gỏng nói với tôi: “Anh không thích cái việc đó.”. Tôi trả lời anh: “Em cũng đâu có muốn, nhưng em không còn chọn lựa nào khác.”. Cả anh Erik lẫn tôi đều nghĩ rằng đi đến tỉnh Galkayo, Somalia vào lúc này là điều không nên làm. Đây là một thị trấn nhỏ chỉ cách khu vực Green Line nguy hiểm một đoạn đường ngắn. Green Line là vùng ngăn cách giữa một bên là lãnh thổ do chính phủ kiểm soát, và bên kia là khu vực bị các nhóm quân khủng bố Hồi Giáo hung dữ kiểm soát. Nhưng tôi đang làm nhân viên cứu trợ cho một tổ chức phi chính phủ (NGO), và tổ chức này muốn gửi tôi đến để lập một văn phòng ở đó.

Tôi bắt đầu cuộc đời đi làm thiện nguyện trong vùng Phi châu từ năm 2006, với tư cách là cô giáo dạy học ở Kenya. Tại đây tôi gặp anh Erik. Anh là người Thụy Điển đến Phi châu với mục đích thám hiểm, và du lịch. Chúng tôi thành hôn năm 2009, và dọn về sống ở tỉnh Hargelsa, Somalia. Tôi làm việc cho một tổ chức phi chính phủ của nước Đan Mạch. Tôi có nhiệm vụ dạy cho người dân ở đây cách né tránh bãi mìn, những trái mìn chưa nổ còn chôn trong lòng đất. Đây là một tai hoạ làm cho nhiều người bị cụt chân.

Nhưng đi làm việc từ thiện không có nghĩa là chúng tôi được che chở, bảo vệ, thoát khỏi những tình huống bạo động, và giết chóc. Chiến tranh giữa các bộ lạc đang hoành hành khắp miền Nam nước Somalia. Gần đây nhất, một chiếc xe chở hành khách trên tuyến đường chúng tôi thường hay đi, bị giật mìn nổ tung. Chúng tôi cũng rất sợ nạn cướp bóc xảy ra cho chúng tôi. Người Da Trắng Tây phương thường là những mục tiêu để bọn ăn cướp giật đi một ít tiền nóng. Nhưng chúng tôi hết sức thận trọng trong việc đi lại, chỉ đi khi nào có việc cần thiết, và được bảo vệ an ninh cẩn thận.

Anh Erik nói với tôi: “Thôi em cứ đi đi. Làm cho xong việc thật nhanh rồi về lại đây.”. Anh dang hai tay ra ôm lấy tôi thật chặt, và quay người tôi một vòng. Tôi vẫn thường đi đến những vùng nguy hiểm, nhưng lần này, anh tỏ ra đặc biệt lo ngại, vì hình như tôi đang có thai. Chúng tôi hy vọng sẽ có đưá con đầu lòng.

NGÀY 24 THÁNG 10 NĂM 2011, tôi đáp chuyến máy bay của Liên Hiệp Quốc đi đến tỉnh Galkayo. Ở đây tôi sẽ gặp một đồng nghiệp của tôi, anh Poul Thisted, người Đan Mạch và một vài nhân viên phụ trách an ninh. Chúng tôi nghỉ đêm tại nhà khách của tổ chức Phi Chính Phủ, nằm ở phía bắc khu vực Green Line. Tôi nhận được lời nhắn của anh Erik: “Anh yêu em. Ráng giữ mình nghe em.”.

Sáng hôm sau, anh Poul và tôi cùng tham dự khoá huấn luyện tại văn phòng của t ổchức. Sau đó, tôi gửi một text message cho Erik: “Em đang đau bụng vì bị hành kinh. Có lẽ mình đoán sai về vụ em có thai. Tôi để lần sau, ráng cố gắng làm lại.”.

Trước khi Erik kịp trả lời thì xe của đến đón chúng tôi để đưa chúng tôi trở lại nhà khách. Ông Abdirizak, quản lý phụ trách an ninh leo lên ngồi phía sau chiếc Land Cruiser, trong lúc anh Poul leo lên ngồi phía trước, cạnh tài xế. Tôi nhận ra anh tài xế này là người mới. Lẽ thường tôi phải hỏi vì sao lại đổi tài xế. Nhưng anh Poul không tỏ ý gì quan ngại cả. Vì thế tôi cũng im lặng, không lên tiếng hỏi.

Mười phút sau, giống hệt như khi nghe trọng tài thổi kèn tu huýt bắt đầu trận đá bóng, cuộc tấn công khởi sự. Một chiếc xe lớn gầm thét tiến về phía trước để chặn đầu xe của chúng tôi. Xe chúng tôi phải thắng gấp để ngừng lại, khiến cho bùn văng tung toé lên mặt kính xe. Một đám người Somali ôm súng AK-47 vây quanh chúng tôi, họ gõ báng súng vào cửa xe, và la hét om xòm.

Hai tên giựt cửa xe mở tung ra, và nhảy vào trong xe. Một tên sau này tôi biết tên của nó là Ali, nắm lấy ông Abdirazak, lôi ông ra ngoài. Mặt của Ali mang những nét ghê rợn, vừa xấu xí vì đầy mụn, vừa dữ tợn vì đôi mắt đỏ ngầu, chứng tỏ hắn nhai rất nhiều lá “khat”, một loại lá gây kích thích, giống như ma túy.

Ali chĩa súng vào đầu tôi. Tài xế lái xe, không hiểu hắn có làm việc cho bọn khủng bố Somali hay không, vội vàng đóng xập cửa xe lại, và bỏ chạy mất. Chúng tôi bị nhốt cứng trong xe. Ali và đồng bọn, hươi súng lên trước mặt chúng tôi, rồi hắn hét bằng tiếng Anh: “Mobile!”. Nó muốn hỏi điện thoại để ở đâu.

Sau khi lấy điện thoại của chúng tôi, Ali leo lên phía trước ngồi, và bảo anh Poul ngồi ở băng ghế sau. Tôi nhìn chòng chọc vào anh Poul và hỏi nhỏ anh: “Chuyện gì xảy ra vậy?”. Anh nói: “Chúng mình bị bắt cóc rồi.”.

Mấy tên trên xe vội quát vào mặt anh Poul, bảo anh câm miệng lại, và chiếc xe phóng đi vào bóng tối, cánh cửa xe rung mạnh vì gặp phải đoạn đường gồ ghề.

“TIỀN ĐÂU!” Ali hét to lên, anh Poul nói không có tiền. May sao, bọn chúng không lục soát người chúng tôi. Tôi nhớ lại những lời dặn của huấn luyện viên trong khoá học vừa rồi. Họ dạy chúng tôi phải làm gì khi bị bắt làm con tin. Ông ta dặn chúng tôi phải tuyệt đối giữ bình tĩnh, đừng biểu lộ sự tức giận. Chọc giận bọn giặc trong lúc chúng đang hung hăng, hứng chí có thể khiến chúng giết mình một cách oan uổng. Chưa chắc chúng dự tính sẽ giết mình. Huấn luyện viên dặn chúng tôi phải nhớ thuộc lòng số điện thoại của người thân để mình có thể liên lạc được. Đó là “bằng chứng của sự sống” khi người nhà nhận đuợc điện thoại của mình. Cách duy nhất để giúp bạn sống sót trong trường hợp bị bắt cóc là phải có số điện thoại để liên lạc khi kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc.Tôi không bao giờ quên được số điện thoại của chồng tôi, anh Erik.

Cho đến lúc này, chúng tôi chưa nhận được tín hiệu gì về ý đồ của bọn bắt cóc. Chúng tôi không biết họ là ai, thuộc phe nào, và bọn chúng sẽ đưa chúng tôi đi đâu. Tôi và anh Poul chỉ còn biết trao đổi với nhau những tia nhìn sợ hãi, lo âu.

Bọn bắt cóc chúng tôi đeo vũ khí đầy trên người, những băng đạn dài được chúng khoác lên vai trông thật đáng sợ. Mỗi khi chúng thay xe, hay đổi tài xế, đạn trên người chúng nhảy tưng lên trông phát sợ. Chúng tiếp tục lái xe đi mãi trong bóng tôi, đi hoài. Tôi ngủ gà ngủ gật vì chán nản, chẳng biết làm gì. Bỗng dưng, xe ngưng lại, và Ali ra lệnh cho chúng tôi phải bước ra khỏi xe.

Hắn hét lên: “Đi ra” và tay hắn chỉ vào con đường mòn trước mặt.

Nói xong, nó dậm mạnh chân bước đi. Nó không đi theo chúng tôi. Một nhóm người khác tiếp tục thay thế Ali, và ra lệnh cho chúng tôi đi theo. Tôi chịu không nổi, tôi nhìn thẳng vào mặt một tên, và hỏi: “Tại sao đi hoài vậy.”.

Bụng tôi quặn đau. Tôi từ chối không đi nữa, trong lúc chúng gào thét bắt tôi đi tiếp. Đưá nào cũng có đôi mắt sưng vù, và đỏ mọng vì nhai nhiều lá “khat”.

Anh Poul nhẹ nhàng nắm tay tôi, kéo tôi đi, anh nói nhỏ với tôi: “Jessica, Không sao đâu. Mình phải làm theo lệnh của chúng thôi.”.

Tôi thì thầm nói với anh: “Không! Cùng lắm thì chúng nó giết mình.”

Anh năn nỉ tôi: “Jessica, trừ phi mình hợp tác với chúng, nếu không chúng sẽ giết mình.”.

Tôi đảo mắt ngó quanh, nhìn lũ người đang uy hiếp chúng tôi. Tôi cảm thấy tuyệt vọng, và không còn gì gọ là an toàn nữa. Khi chúng tôi phải cúi đầu đi theo bọn người bắt chúng tôi. Tôi bật miệng khóc và nói với anh Poul: “Tôi còn trẻ quá, sao họ nỡ giết tôi.”. Anh nhìn tôi trân trân, không nói gì, và tiếp tục bước đi.

Bọn chúng dẫn chúng tôi đi qua rất nhiều bụi cây, sâu tuốt vào bên trong. Trời ban đêm bắt đầu trở lạnh, tôi cảm thấy rùng mình. Anh Poul đi bên cạnh tôi, nhưng chúng tôi bị cấm nói chuyện. Đôi xăng đan tôi mang trên bàn chân trở nên cứng ngắc vì đạp phải nhiều bụi gai, và đất sình.

Tôi không thể nín lặng được nữa, tôi khóc tức tưởi, rấm rứt, không thành tiếng. Cuối cùng chúng tôi cũng đi đến được điạ điểm phải tới. Thế là xong, đến nơi rồi.

Bọn bắt cóc ra lệnh chúng tôi qùi gối xuống, xây lưng lại phía chúng.

Tôi lâm râm cầu nguyện, nghĩ rằng chúng sẽ bắn mình chết. Nhưng không, chúng ra lệnh cho chúng tôi: “Ngủ đi.”

Hai chữ “ngủ đi” nghe sung sướng làm sao. Trong giây phút chúng tôi quên đi sự nguy hiểm, và muốn cảm ơn bọn bắt cóc đã cho chúng tôi ngủ. Đây là một dịp nghỉ ngơi để lấy lại sức. Bọn chúng đã ban phước lành cho chúng tôi.

SÁNG HÔM SAU, KHI MẶT TRỜI VỪA LÓ DẠNG, tôi mới biết mình còn sống. Tôi cảm thấy tươi tỉnh, vui trong lòng một chút, thay vì uể oài, biếng nhác vì thiếu nghỉ ngơi. Bọn bắt cóc dẫn chúng tôi đến một chòi lá, xung quanh có nhiều cây keo. Ngay ỡ giữa là một ụ đất khá lớn do mối vun lên thành gò đất. Anh Poul ra hiệu cho tôi nên tìm cách nhớ kỹ cảnh vật xung quanh. Chúng tôi ra dấu, nói chuyện theo lối người câm, xin phép chúng cho liên lạc với tổ chức Phi Chính Phủ (NGO) của chúng tôi. Lời đề nghị của bị từ chối, nhưng rồi có một tên đứng ngoài sau lên tiếng nói rằng phải chờ lệnh của “Ngài Chủ Tịch”. Chẳng biết tên đó là ai, nhưng khi thấy chúng gọi y là Ngài Chủ Tịch, tức là theo hệ thống tổ chức kinh doanh, không phải theo lối “giáo sĩ” là chúng tôi mừng.

Tôi xin phép được đi vệ sinh, và được chúng miễn cưỡng cho đi, với những lời lầm bầm chửi ruả. Tôi lựa một bụi cây ở thật xa, hẻo lánh, dõi mắt quan sát xem có đứa nào đi theo hay không. Tôi nhìn thật kỹ, và thấy có một con đường đi. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ chạy trốn? Nhưng chạy đi đâu bây giờ? Tôi đang ở một nơi hoang vắng, không giấy tờ tùy thân, và không có tiền trong túi. Bất cứ mưu toan chạy trốn nào rồi cũng sẽ thất bại, và bị bắt lại.

Sau khi đi vệ sinh, quanh trở lại lều tạm trú, một gã tự giới thiệu mình là Abdi. Hắn nói được một chút tiếng Anh, và bảo đảm với tôi rằng chúng sẽ không giết tôi. Chúng muốn tiền chuộc, một số tiền thật lớn. Sau vài lần nhắm mắt ngủ được một chút, và nhiều lần xin đi vệ sinh không bị quấy rầy, tôi cảm thấy dễ chịu phần nào. Điều Abdi hứa không giết chúng tôi có lẽ là đúng, ít ra là vào lúc này.

Chúng tôi tiếp tục ở trong căn nhà tranh dưới bóng cây keo. Buổi tối chúng tôi phải nằm ngủ trên chiếc chiếu ngoài sân cỏ.

Được ít lâu, chúng tôi lại di chuyển. Chúng tôi đến chỗ mới, một trạm dừng chân để nghỉ lại vài ngày. Trạm nghỉ này là một lều tranh khá lớn, bao quanh một cây cột thật cao. Abdi đóng vai trò đội trưởng. Hắn giữ nhiệm vụ đôn đốc đàn em hoàn thành công việc được giao phó. Abdi thích nói chuyện, nói nhiều lắm, nhất là sau khi nhai lá “khat”. Nhưng hắn có cái tật cọc cằn, và thay đổi tánh tình bất chợt. Có lúc hắn say sưa thảo luận về triết lý, rồi ngay sau đó, hắn trở mặt la hét, chửi rủa thô tục trong điện thoại khi cần ra lệnh, hay khi đòi thuốc lá, và lá “khat” để nhai.

Tôi khát nước, có lẽ trong miệng tôi có đầy đất cát. Mỗi ngày chúng tôi chỉ được một chai nước nhỏ. Anh Poul đòi cho thêm nước. Đòi mãi, anh bị một tên bảo vệ chửi rủa thậm tệ, bắt anh im miệng lại. Một lúc sau, tên lính bảo vệ mang cây súng trường đến gần anh. Nó kéo cơ bẩm, bóp cò súng. May thay súng không có đạn.

VÀI NGÀY SAU, MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG LỚN TUỔI TÊN LÀ Jabreel đến đây. Hắn nói tiếng Anh, và tự giới thiệu mình là “thông dịch viên trung lập” từ thủ đô Mogadishu đến đây. Hắn nói với chúng tôi: “Mấy thằng này điên. Chúng nó đòi tiền chuộc $45 triệu mới thả hai người ra.”

Tôi trả lời hắn: “Không có ai chịu trả $45 triệu để chuộc hai nhân viên cứu trợ.”.

Hắn phân trần: “Tôi đến đây để giúp gỉải quyết vấn đề. Tôi nói với chúng là tối đa chúng chỉ có thể lấy được $900,000 mà thôi.”.

Khi trời xập tối, cái tên gọi là “Ngài Chủ Tịch” đến nơi. Trông hắn vào khoảng ngoài 40 tuổi, với một ít râu trên mặt. Hắn bàn luận với Jabreel vài câu. Sau đó tên này ra lệnh cho chúng tôi: “Gọi điện thoại.”.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng liên lạc được với người nhà qua điện thoại, gọi là “bằng chứng con tin còn sống.”. Tôi theo dõi Jabreel bấm số điện thoại, và thấy mã số quốc gia gọi là Kenya. Tôi nghe một người xưng danh là Mohammed. Jabreel đưa điện thoại cho tôi trả lời, và người đó nói rằng ông ta là trợ lý cố vấn an ninh. Ông hỏi tôi vài câu để kiểm tra an ninh, chẳng hạn như con chó đầu tiên của tôi tên là gì. Chỉ có bấy nhiêu thôi. Sau đó, Jabreel giật lấy chiếc điện thoại trong tay tôi, và dành nói chuyện với Mohammed, y muốn biết chắc là Mohammed đang làm việc cho cơ quan Phi Chính Phủ.

Tôi rất mừng được liên lạc với thân nhân để cho họ biết tôi còn sống. Nhưng tôi ngạc nhiên người nói chuyện với tôi không phải là anh Erik. Sau lần nói chuyện ngắn ngủi, chúng tôi lại bị luà vào trong trại, rồi dẫn ra ngoài cánh đồng. Đến cuối ngày, khi những tên bảo vệ dơ cao súng lên, bắn thị uy, chúng tôi lại trở về trại, đi ngủ theo lệnh.

Qua ngày hôm sau, tên Jabreel nói với chúng tôi rằng bọn chúng đang lo vì có lẽ máy bay trên cao, và vệ tinh đang theo dõi chúng. Tôi nói: “Bọn tao chỉ là nhân viên cứu trợ, không ai dùng máy bay, hay vệ tinh để tìm kiếm làm gì.”.

Cứ như vậy, ngày nào cũng như nhau, sáng sớm chúng tôi bị lôi dậy, nằm ngồi lê lết dưới bóng cây keo, đến tối thì ngủ ngoài trời sa mạc. Tôi bị nhiễm trùng đường tiểu. Với kiểu ăn uống chung một cái chén, cái tô, bốc bằng tay, tôi bị đau bụng, tiêu chảy. Luân phiên khi thì đi tiêu chảy, khi thì ói mửa. Tôi đòi bọn chúng phải kiếm bác sĩ cho tôi. Tôi khóc vì đau bụng, và mệt lả. Bọn chúng bực mình, rất ghét khi nghe tôi khóc. Chúng hét lớn bảo tôi im miệng lại. cuối cùng, chúng cũng tìm cho tôi một bác sĩ. Người bác sĩ này chỉ khám sơ qua, và ném cho tôi vài viên thuốc, sau đó, hắn đi nhai lá “khat” với tên Jabreel.

Một buổi sáng, tên Abdi từ bên ngoài vào trại. Hắn la hét om xòm trong điện thoại. Hắn chọn một cây gậy lớn, và đánh anh Poul. Nó bắt anh nằm xuống đất, tiếp tục đánh.

Tôi nghe tên Abdi vừa vung cây gậy đánh anh vừa hỏi: “Số tiền lớn đâu? Sao không có?”.

Anh Poul phân trần: “Đó không phải là lỗi của tôi.”.

Nó vung gậy quất vào người anh Poul trong lúc bắt anh nằm dang chân dang tay ở dưới đất. Anh Poul hét lớn đòi nó ngưng đánh. Trong lúc đó, tôi cũng nức nở khóc vì bực tức. Tên Abdi trông thấy nét khổ sở tên mặt tôi, nhưng như thường lệ, sự đau khổ đó không làm cho chúng mủi lòng, thương hại. Thay vào đó, nó dậm chân và bước đến phía tôi, tay vung cây gậy lên, và nói: “Còn mày nữa. Đứng dậy. Đi Đi.”.

Tôi đứng dậy bước đi. Thằng Abdi bước theo và hét lớn: “Tiền chuộc mạng cho chúng mày đâu?”.

Tôi ráng trả lời trong không khí im lặng, căng thẳng: “Tao không biết. Poul cũng không biết. Chúng mày có đánh chết, bọn tao cũng không biết.”.

Nó chặn tôi lại, và ấn tôi ngồi xuống. Kế đến, nó ngồi xổm, kê sát mặt tôi, hỏi: “Tiền chuộc đâu?”. Nó nhìn thẳng vào mắt tôi, và viết con số 18 trên mặt đất bằng ngón tay. Nó giải thích: “Trong vòng bẩy ngày, phải đưa bọn tao $18 triệu nếu không chúng mày sẽ bị chặt đầu.”.

Một hôm, chúng đem hai đứa tôi ra bãi sa mạc để thu hình video. Hai thằng lính gác ôm súng trường đứng hai bên. Chúng buộc anh Poul phải nói trong video là cả hai chúng tôi đều mạnh khoẻ, bình an. Và anh phải lên tiếng yêu cầu đừng tấn công chúng bằng binh lính. Sau đó, anh Poul năn nỉ gia đình nên thu xếp tiền bạc để chuộc cho anh. Mặc dù anh biết gia đình anh không có đủ số tiền đó.

Cũng vào khoảng thời gian này, tên Jabreel liên lạc với chồng tôi. Nó đưa chiếc điện thoại cho tôi để tôi nói chuyện. Tôi nói: “Đây là Jessica.” Vừa nói tôi vừa thở mạnh vì hồi hộp.

Đầu dây bên kia, tiếng anh Erik nói: “Đây là Erik, Jess Em có khoẻ không?” Anh cố gắng nói hết ý của anh trong một thời gian ngắn.

Tôi trả lời: “Em cũng OK.” Tôi năn nỉ anh nên chọn Mohammed làm ngưoời trung gian thương lượng cho hai gia đình, và nói với tên Abdi rằng họ đang cố gắng tìm cách thu xếp số tiền chuộc. Sau đó, tôi nói với tên Jabreel đi tìm Abdi cho tôi.

Tôi nói với anh Erik còn ở trên dây điện thoại: “Tên thủ lãnh của chúng sắp đến nói chuyện với anh để anh nghe về điều kiện của bọn chúng. Nhưng trước khi nó đến, em muốn nhắn với anh là em yêu anh nhiều lắm.”.

Tôi nghe tiếng anh nghẹn ngào nói: “Anh cũng yêu em nhiều.”

Tôi dặn anh: “Em sẽ cố gắng vượt qua khó khăn này.”

Anh vắn tắt nói với tôi: “Tốt lắm, Jess.”. Hình như anh đang ở trong căn phòng có khá đông người.

Abdi đi vào, cầm điện thoại nói chuyện, mắt nó sưng mọng vì nhai nhiều lá “khat”. Trong khi đó, tên Jabreel nói với anh Erik: “Tôi không phải là người trong tổ chức, tôi chỉ làm theo lệnh của họ.”.

Sau đó, tên Abdi nói chuyện với anh Erik. Anh hứa với nó rằng gia đình sẽ làm đúng theo kết quả thương thuyết của Mohammed. Anh nói lớn vào trong máy điện thoại: “Jessica, anh cầu nguyện cho em được an toàn, và anh sẽ làm đủ mọi cách để đem em và anh Poul trở về.”.

Tên Jabreel cắt điện thoại. Thế là xong.

SAU LẦN NÓI CHUYỆN BẰNG ĐIỆN THOẠI, bọn bắt cóc tách rời anh Poul xa khỏi tôi. Từ đó, tên Jabreel bắt đầu dở trò xàm sỡ, đòi sờ mó, tấn công tình dục đối với tôi. Tôi nói với nó: “Đừng làm như vậy Jabreel. Tao có chồng và mày cũng đã có vợ.”. Nhưng cũng từ lúc đó, tôi phải tìm cách xa lánh tên này, kẻ duy nhất giúp tôi phiên dịch sang tiếng Anh khi cần nói chuyện. Nó biết tôi muốn né tránh, nhưng càng ngày nó càng thèm muốn lại gần tôi. Một hôm khi thức dậy, tôi đã thấy nó nằm ngay bên cạnh. Tay của nó đang mò mẫm trong tấm mền tôi đắp, rờ vào chân tôi. Tôi đẩy tay nó ra, và xoay mình trở ngược lại.

Tôi mơ màng mình được về nhà với anh Erik. Đầu óc tôi miên man nghĩ đến căn phòng của chúng tôi, đến anh Erik, anh đang mong tôi trở về. Giây phút mơ màng đó chợt đến, rồi chợt đi. Nhưng thực tế trước mắt là tôi không có ai giúp đỡ cả.

HAI TUẦN SAU, CHÚNG ĐEM ANH POUL TRỞ VỀ TRẠI. Không một lời giải thích. Anh ở đó một ngày, tôi vội vàng hỏi thăm anh chuyện gì đã xảy ra, nhưng rất khó cho chúng tôi nói chuyện trước mặt những tên bắt cóc chúng tôi.

Một hôm chúng tôi nghe có tiếng ù ù từ xa, mãi tận trên không trung rất cao. Chúng tôi không thấy gì cả, nhưng những tên bắt cóc cứ nhất định bắt chúng tôi phải trốn dưới tàng cây.

Một buổi tối, tôi mở mắt nhìn vào bóng đêm. Trời ban đêm tối đen như mực, không trăng sao, và có bóng hỏa mù che khuất những tia sáng le lói của ánh sao đêm. Lúc đó vào khoảng 2 giờ sáng. Đúng giờ này tôi thường đi ra bụi cây để đi vệ sinh. Vì bị nhiễm trùng đường tiểu, nên ban đêm tôi thường phải thức dậy để đi tiểu. Tôi đứng dậy, và nói khẽ: “Toilet.”. Tôi phải xin phép mới được bước ra khỏi chiếu của mình.

Không một ai trả lời tôi. Tôi đứng lặng yên, nín thở, lắng nghe. Tôi nghe tên lính gác đang ngủ, chúng ngáy rất lớn. Tôi nói lớn hơn một chút: “Ê tụi bay! Nghe tao nói gì không? Tao muốn đi tiểu.”.

Không một tiếng trả lời. Có lẽ chúng không nghe, hay chẳng thèm để ý.

Tôi đi một mình ra bụi cây gần nhất. Lúc đó chỉ có một mình tôi, thật bình yên. Bóng đêm như đang che chở cho tôi. Tôi chợt nẩy ra ý nghĩ chạy trốn. Tôi thấy sức khoẻ đã khá hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn đau quặn ở dưới bụng. Chạy trốn ư? Phải rồi, nên chạy trốn đi mới được.

Tôi quanh trở lại chiếc chiếu, đặt mình nhẹ nhàng nằm xuống, cong người như con tôm.

Tiếng động nghe như tiếng cành cây gẫy, làm tôi thức giấc. Không chừng đó là tiếng kêu của thú vật, hay là một nhánh cây khô bị gió thổi làm gãy xuống. Nhưng rồi sao lạ quá, hết nhánh cây này gẫy lại đến nhánh cây khác. Chuyện gì đang xảy ra ở ngoài kia?Tôi đang mơ ngủ, hay là tỉnh? Cứ mỗi lần tôi tỉnh trí là lại nghe tiếng nhánh cây gẫy. Rồi tôi nghe như tiếng chim chút chit, nhón mình ra khỏi tổ. Ngay sau đó, tôi nghe tiếng động mạnh ở cạnh chiếu tôi nằm.

Bọn lính Somali lập tức nhảy nhỏm dậy, và chúng kéo cơ bẩm súng, lên đạn sẵn sàng. Một khoảng im lặng kéo dài khá lâu, sau đó thì tiếng súng nổi lên dòn dã. Cuộc đấu súng quyết liệt xảy ra ở tứ phía. Chắc là tôi đã la hét lớn lắm, nhưng tiếng hét của tôi bị tiếng súng nổ lấn át. Hay là một bộ tộc khác đến đây đánh nhau với bọn này để dành giật chúng tôi, lấy tiền chuộc mạng? Tôi lâm râm cầu nguyện Thượng Đế, và nhắn gửi thương yêu của tôi đến anh Erik.

Tôi nghe tiếng bọn khủng bố Somali la hét ra lệnh cho nhau, rồi tôi nghe tiếng đạn xé tan không gian im lặng, và tiếng người hực lên trước khi chết. Tôi nghe có người kêu: “Trời ơi.” Và y thở hắt ra trước khi chết.

Một bàn tay mạnh mẽ nắm lấy tấm mền của tôi. Tôi tìm cách cưỡng lại. Nhưng rồi một giọng đàn ông gọi tên tôi: “Jessica.”

Tôi giật mình tỉnh rụi, như có người vừa tát vào mặt tôi. Một người nói giọng Mỹ?

Bóng đêm đen tối che dấu những khuôn mặt người lạ. Trông họ như những bóng ma, với vũ khí cực mạnh. Tôi không tin những người này đến đây để cứu tôi. Vì thế tôi dùng hết sức bình sinh để kháng cự lại. Dù biết rằng mình có thể bị giết, nhưng tôi bất cần, tôi chống lại theo bản năng. Sau đó tôi nghe họ nói:

“Jessica! Đây là quân đội Mỹ. Cô được gỉải cứu rồi. Chúng tôi sẽ đem cô về nhà.”.

Ngày 25 tháng Giêng năm 2012, bằng mệnh lệnh của Tổng thống Barack Obama, 24 chiến sĩ Biệt Kích US Navy SEAL được biệt phái thực hiện chuyến nhảy dù đánh đột kích vào nước Somalia, giết chết một số tên bắt cóc, và giải cứu được cô Jessica Buchanan và anh Poul Thisted bằng máy bay trực thăng.

Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest tháng 3/2015