Matt Mahan

ads header

Breaking News

Tắm ở sông Hằng làm phúc cho năm người

source: http://www.leonlogothetis.com/
Nhật Ký Việc Làm Từ Thiện:
Tắm Ở Sông Hằng, Làm Phúc Cho Năm Người

• Anh Leon Logothetis là một ký giả cho báo The New York Times. Anh quyết định từ bỏ mọi thứ anh có trên đời để chu du khắp thế giới làm việc từ thiện, giúp đỡ cho tha nhân. Anh ghi lại những việc làm của mình trong cuốn nhật ký gọi là “The Kindness Diaries”- “Nhật Ký Việc Làm Từ Thiện”. Dưới đây là câu chuyện phúc đức anh làm khi anh đến tắm ở sông Hằng (Ganges), Ấn Độ.

Đi bộ dọc theo sông Hằng, tôi gặp một người đàn ông nhỏ bé, ông ta nói với tôi bằng một giọng nói thật lớn, như hét vào mặt tôi: “Đến Ấn Độ bằng chiếc xe gắn máy ba bánh, mầu vàng, trông lạ mắt quá!”. Gần đó, tôi thấy một đám lửa nhỏ, đang cháy giữa trời. Người ta thiêu xác một người mới chết. Phải chăng đó là hình ảnh tiêu biểu của đời sống bên bờ sông Hằng? Thiêu xác người chết ngoài trời, sau đó rải tro xuống dòng sông linh hiển này. Người theo Ấn độ giáo tin rằng khi bạn chết, nếu bạn được ném thân xác xuống sông Hằng, bạn sẽ không phải đầu thai kiếp sau. Và đó cũng là mục đích sau cùng mà mọi người theo Ấn Độ Giáo đều muốn được làm khi qua đời.

Đây là chặng đi cuối trong ngày. Tôi đã theo gót chân của nhiều người khác. Sau nhiều ngày len lỏi đi qua nhiều nơi, tôi đến được bờ sông Hằng. Tôi đến Ấn độ trong cuộc hành trình đi khắp nơi trên thế giới để làm từ thiện, làm việc phúc đức vô lượng. Cách đây vài tháng, tôi đã rũ bỏ tất cả cuộc sống sung túc trong căn nhà của tôi ở Los Angeles để ra đi. Bây giờ, tôi đang cưỡi một chiếc xe gắn máy ba bánh mầu vàng kiểu xưa (và hay bị hư bất tử ở dọc đường) ở cách xa nhà tôi gần nửa điạ cầu. Trong túi tôi không còn một đồng xu, và không có gì để ăn. Khi ra đi, tôi chủ trương tôi sẽ đi, và sống hoàn toàn nhờ vào sự tử tế, lòng tốt của người khác. Đây là nguyên tắc căn bản do chính tôi đặt ra: Tôi sẽ ngửa tay xin thức ăn, và nơi tạm trú, nhưng nhất định không xin tiền. Tôi không muốn làm kẻ đi ăn xin, nhận tiền bố thí, tôi muốn làm người chia sẻ đồng đều. Sự thực là tôi dự tính sẽ đem tất cả số tiền tôi có để giúp những người cần giúp đỡ, tôi gặp trên bước đường chu du khắp thế giới. Mục đích tối hậu của tôi là tạo quan hệ giữa mình với thế giới, và trong một chừng mực nhỏ bé, có thể giúp đỡ người cùng khổ.

Cho tới lúc này, tôi đã dùng xe đạp đi từ nhà ở California đến New York, rồi vượt Đại Tây Dương trên chuyến tầu chở hàng. Có những ngày tháng thật dài, với nhiều khó khăn, vậy mà hầu như chẳng có ai sẵn lòng giúp đỡ tôi.

Khi đến được bờ sông Hằng, thân thể tôi mệt rã rời, có lúc tôi không còn biết mình là ai, tên mình là gì. Tôi chỉ còn biết ngồi nhìn dòng sông, nhìn ngọn khói xanh bay lơ lửng trên trời, và tôi thấy mình đang ở trong một thế giới kỳ lạ.

Một ông già đi ngang qua, rồi ngừng lại hỏi tôi đang làm gì vậy.

Tôi không biết trả lời ông cụ ra sao. Tôi đã chán nản không còn muốn ngỏ lời xin người khác giúp đỡ. Có xin sỏ thì cũng bị từ chối. Cuối cùng tôi trả lời: “Tôi không biết.”

Ông cụ nói với tôi: “Một ngày nào đó, ông sẽ đi đến hoàn cảnh như thế mà thôi.”. Ông ám chỉ những đám cháy đang diễn ra trong nghi thức thiêu xác. Rồi ông nói tiếp: “Hãy sống cho giây phút hiện tại, đừng làm mất nó.”.

Rồi ông quày quả bước đi, mau chóng mất hút vào trong đám đông. Nhưng những lời ông nói với tôi còn vang vọng mãi trong đầu. Những giây phút hiện tại đáng nhớ, ví dụ như lần tôi được đứng ngắm mặt trời lặn ở một nông trại trong vùng Nebraska, hay ngồi uống trà với một người bạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đó là những giây phút bất tử, sống mãi trong lòng tôi.

Tôi đứng bật dậy. Bỗng chốc nước Ấn độ không còn là một quái vật với những chuyện không bao giờ kết thúc, những bước chân nhỏ bé, hay những điều huyền bí giữa muôn vàn nghịch cảnh. Tôi có nhiệm vụ phải tiếp tục sống với giây phút hiện tại. Tôi tiếp tục đi dọc theo sông Hằng, và ít lâu sau, tôi được gặp anh Dilip, một người chèo thuyền trẻ tuổi. Anh đề nghị cho tôi một chuyến đi tắm, ngâm mình dưới nước sông Hằng. Dilip dáng người thấp bé, gầy ốm, nhưng có đôi cánh tay vạm vỡ nhờ anh chèo thuyền hàng ngày, lên xuống trên dòng sông này.

Trong kho chuyện thần thoại Hy Lạp, Charon là một gã chèo thuyền trên sông, lo việc chuyên chở linh hồn người chết vượt qua sông Styx để đến nước Hades, vương quốc của người chết. Khi tôi bước chân lên chiếc thuyền của anh Dilip, đậu ở bãi sình của sông Hằng, tôi có ý định sẽ ra sông và bơi trong dòng sông. Tôi hy vọng anh ta sẽ không đưa tôi vào vương quốc Hades. Tôi chưa muốn chết.

Như các bạn đều biết, ngâm mình trong sông Hằng không sạch sẽ và đẹp như ngâm mình trong hồ Como với nước trong xanh. Mặc dù người ta nói sông Hằng là con sông linh thiêng trên thế giới, song nó cũng là con sông dơ bẩn nhất.Tôi đã từng trông thấy nhiều chiếc thùng thả trôi sông. Một xác con chó, hai xác con bò, trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Chưa kể nhiều thứ khác mà tôi không biết chúng là gì, được ném xuống sông.

Người ta nói với tôi rằng tắm trong sông Hằng, bạn sẽ rửa sạch thân thể của mình, tống khứ ra ngoài những khổ đau, phiền muộn. Trong lúc anh Dilip chèo thuyền đưa tôi đi ra giữa dòng sông, tôi hỏi anh: “Có bao giờ anh tắm ở sông Hằng chưa?”.

Anh vui vẻ trả lời: “Có chứ” với giọng thản nhiên, không một chút khó chịu như tôi nghĩ. Anh nói thêm: “Giống như nhiều người khác ưa làm, tôi cũng tắm ở sông Hằng nhiều lần.”. Về sau, tôi được biết anh Dilip thuộc vào tầng lớp xã hội gần thấp nhất. Trong xã hội gồm nhiều giai cấp ở Ấn Độ, giai cấp “untouchables” hay giai cấp cùng đinh là thấp nhất, anh Dilip ở giai cấp trên giai cấp này một chút. Do đó, được làm chân chèo thuyền trên sông, anh cảm thấy mãn nguyện lắm rồi.

CUỐI CÙNG THÌ ANH DILIP CŨNG ĐEM CON THUYỀN RA GIỮA DÒNG SÔNG, và neo nó đứng yên một chỗ để chúng tôi nhảy xuống sông, ngâm mình trong nước sông Hằng, thanh lọc thân mình cả về tinh thần lẫn thể xác. Tôi hy vọng việc ngâm mình này sẽ không làm tôi vướng bệnh sốt thương hàn.

Tôi hỏi anh Dilip: “Anh có chắc rằng việc ngâm mình trong nước sông Hằng là điều khôn ngoan không?”. Lúc đó trong lòng tôi đang mon men ý nghĩ lo sợ, khi trên người chỉ còn mặc có một chiếc quần xà lỏn.

“Vâng, đúng thế.”, anh Dilip lớn tiếng trả lời tôi. “Bơi trong sông Hằng sẽ giúp thanh lọc nghiệp chướng trong người anh.”. Anh đưa cho tôi mượn một chiếc khăn lớn mầu đỏ, quấn ngang bụng, và để ngó chừng mực nước. Anh Dilip giải thích: “Đây là ý muốn của Thượng Đế. Cảm nhận sự vận chuyển, rung động của mặt nước, bạn sẽ thấy mọi thứ trên đời này đều thay đổi.”.

Chúng tôi cùng nhau đọc một bài kinh cầu nguyện ngắn, và tôi bắt đầu nhúng chân vào nước lạnh. Anh Dilip nhảy xuống thật nhanh, anh vượt qua khỏi tôi, anh ngụp lặn trong nước vài cái, trồi lên, lấy tay vớt nước vuốt lên mặt mình.

Tôi bơi đi xa hơn một chút, và hỏi anh: “Ngày nào anh cũng ngâm mình trong nước hay sao?”.

Anh gật đầu. Tôi gặng hỏi thêm: “Thế anh có bị bệnh không?”.

Dilip lắc đầu. Tôi hỏi thêm: “Anh có uống nước sông này không?”

“Có chứ”, anh trả lời tôi, và cúi xuống uống một ngụm nước cho tôi xem.

Cách chúng tôi không xa, một đám cưới tổ chức bằng thuyền đang đi trên sông. Thời gian trôi mau, anh Dilip tiếp tục giăng thuyền cho đến lúc mặt trời lặn. Tôi nhìn xung quanh, và có một lúc tôi không nghĩ rằng mình đang ở trên trái đất. Thay vào đó, tôi nghĩ rằng mình đang trở về thời kỳ của những chuyện thần thoại Hy Lạp tôi được đọc khi còn đi học. Tôi nghĩ đến những nhân vật anh hùng đi ngang qua sông trên chiếc thuyền của Charon. Họ là Heracles, Orpheus, Dionysus, và dĩ nhiên có cả Odysseus. Tất cả những anh hùng này đều trở về đất liền để sống một cuộc đời mới, tinh khôi, và khôn ngoan hơn sau chuyến đi trên dòng sông. Nếu những vị anh hùng đó làm được sự chuyển biến như vậy thì tại sao tôi không làm được?

TRONG LÚC NGÂM MÌNH TRONG DÒNG SÔNG, tôi kể cho anh Dilip nghe về việc tôi đang làm: “Tôi bắt đầu chuyến du hành của tôi từ nhà mình ở Los Angeles, nơi anh thấy dòng chữ qunảg cáo Hollywood thật to ghi trên vách núi. Đây cũng là nơi chủ nghĩa tư bản thành công vượt bực. Thế mà giờ này, tôi đi đến sông Hằng, thánh điạ của người Hindu, cùng với anh, một người tôi vừa mới quen, ngâm mình trong dòng sông.”

Dilip đứng thẳng lên, trồi mình ra khỏi mặt nước, mỉm cười, nói: “Vâng, đúng vậy, bởi vì Thượng Đế thường làm điều lành.”.

Anh làm dấu hiệu ban phước lành, và rủ tôi cùng cầu nguyện với anh bằng tiếng Hindi. Anh bảo tôi hãy lập lại từng câu với anh. Hai đứa chúng tôi nắm tay nhau, cùng cầu nguyện. Hai gã đàn ông từ hai thế giới xa lạ đang đứng bên nhau ở giữa sông Hằng, cầu nguyện để được tầy sạch linh hồn.

Sau khi chúng tôi lên bờ, anh Dilip rủ tôi cùng đến nhà chung vui buổi tối với gia đình. Chúng tôi đi bộ về nhà anh. Tôi gặp vợ anh, chị Dharmin, và hai cháu trai con của anh: cháu Amrit năm tuổi, cháu Ashish mới hai tuổi.

Trong lúc ngồi ăn cơm tối, anh Dilip cắt nghĩa cho tôi biết cháu Armit đã đi học một thời gian, bây giờ cháu phải nghỉ học.

“Tiền học bây giờ đắt quá, và nhiều khi tôi chèo thuyền không có khách, nên đành phải cho cháu nghỉ học.”, anh Dilip tâm sự với tôi như vậy. Ở bên Tây phương chúng ta coi chuyện trẻ em đi học là một quyền căn bản, không phải là một đặc quyền. Nhưng ở Ấn độ, muốn đi học phải có tiền, dù cho nhà nghèo không đủ tiền ăn.

Tôi được đi học miển phí từ khi còn nhỏ, và tôi xem chuyện này như là điều đương nhiên. Hồi nhỏ tôi ghét đi học lắm, nhưng không bao giờ nghĩ mình dám bỏ học. Tại nhà trường tôi say mê những bài học lịch sử. Chính vì vậy, tôi hay ngồi chơi với quả điạ cầu, tìm hiểu về những nơi tôi muốn đi thăm. Mặc dù tôi học rất kém về môn đại số và hoá học, nhưng tôi cũng học được cách làm quen, và kết bạn với người khác.

Tôi nhìn hai cháu Amrit và Ashish, tôi không thể tưởng tượng để hai cháu mất cơ hội đi học. Sức mạnh của giáo dục, dù cho đó là giáo dục truyền thống, hay giáo dục để mở mang tâm trí, đều là những chất liệu qúi báu, có thể làm thay đổi cuộc đời con người.

Khi mặt trời lặn, tôi cùng anh Dilip và hai cháu trai đi tản bộ ra ngoài, dọc theo bờ sông. Anh Dilip bồng cháu Ashish trên tay, thỉnh thoảng anh thảy cháu lên trời, nựng cháu với tất cả sự thương yêu, trìu mến của người cha. Tôi nghĩ chính tình yêu này sẽ giúp con người chúng ta sống sót, trở thành bất tử. Trẻ em là những thế hệ sẽ giúp chúng ta tiếp nối từ quá khứ qua khỏi cái chết, và đến tương lai, hay xa hơn nữa. Anh Dilip giải thích vì sao anh muốn hai đứa con có một cuộc đời tốt hơn cuộc sống của anh.

Nước mắt dưng dưng, và với sự quyết tâm, anh nói với tôi: “Tôi sẽ dạy cho chúng.”.

“Anh sẽ đích thân dạy chúng?”, tôi hỏi lại anh.

Anh trả lới tôi: “Vâng, tôi sẽ dạy cho các cháu vào buổi tối. Khi tôi về nhà là tôi lo dạy cho các cháu. Vấn đề thiếu tiền nong xảy ra ở khắp mọi nơi. Ông tìm cho tôi xem có ai không tránh khỏi khó khăn về tiền bạc?”.

THÊM MỘT LẦN NỮA, TÔI PHẢI QUANH TRỞ LẠI VỚI THỰC TẠI, tôi tự hỏi làm sao trên đời này lại có người đàn ông chấp nhận nghịch cảnh một cách êm ả như vậy. Tại đây, tôi chứng kiến hệ thống xã hội có nhiều đẳng cấp, và một người chỉ muốn tranh đấu cho con cái của mình thoát ra khỏi giai cấp thấp kém. Anh ta chấp nhận hoàn cảnh hiện tại, mặc dù anh không thích chút nào.

Anh nói với tôi: “Thượng đế sẽ giúp tôi, vì tôi là một người tốt và lương thiện.”.

Tôi cảm ơn anh Dilip đã giúp đỡ, tiếp đãi tôi với tất cả sự ân cần, từ tế. Song quan trọng hơn cả là anh giúp tôi chấp nhận giây phút hiện tại của mình. Có lẽ chấp nhận hiện tại và tranh đấu không hẳn lúc nào cũng mâu thuẫn với nhau. Có lẽ tôi nên chấp nhận căn nhà tôi đang ở, song vẫn có quyền đặt nghi vấn. Chính vì câu hỏi đó khiến tôi không được tự mãn, hài lòng.

Tôi quyết định giải thích cho anh Dilip phần thứ hai của chương trình du lịch của tôi. Đó là phần “đền ơn, và cho đi”. Tôi nói với anh: “Đối với tôi, giáo dục không phải chỉ là học những gì dạy trong trường. Nó là việc hỏi về đời sống. Nó là chuyện học về những ước mơ. Vì vậy, nếu anh đồng ý, tôi xin được tình nguyện trả tiền học cho hai đứa con của anh cho đến năm các cháu được 18 tuổi.”.

Nụ cười biến mất trên môi của anh Dilip. Anh lẩm bầm trong miệng: “Mười tám tuổi ư?”. Tôi lo ngại mình đã làm anh phiền lòng.

Ngồi vừa lắc lư qua lại trên ghế, anh Dilip chậm rải nói với tôi: “Thật khó có thể nhận được điều này.”.

Tôi bèn phải tìm cách thuyết phục anh Dilip: “Anh nói với tôi rằng anh không muốn các con của anh sẽ phải làm việc cực khổ như anh. Anh nói với tôi rằng anh lúc nào cũng tử tế với mọi người, và anh không hề biết điều gì sẽ xảy ra khi anh tử tế với người khác. Anh nói là anh cầu nguyện Thượng Đế mỗi ngày để Người thay đổi cuộc sống của anh. Vậy thì bây giờ, con của anh sẽ có cơ hội sống một cuộc đời có giáo dục, anh đồng ý không?”.

Tôi tiếp tục nói để thuyết phục anh cho đến khi tôi thấy nụ cười từ từ xuất hiện trên khuôn mặt của anh. Anh ứa nước mắt và chấp thuận. Anh nhìn thật lâu vào mắt tôi, rồi anh cười to: “Ông sẽ giúp hai đưa con tôi ư? Ông sẽ chăm lo cho tương lai,và việc học hành của hai đứa con trai của tôi? Chao ôi, như thế thì tuyệt quá. Tôi sung sướng vô cùng. Tôi sẽ nói cho vợ tôi biết, vợ tôi sẽ sung sướng biết mấy.”.

Nỗi vui mừng của anh Dilip lan đi rất nhanh. Anh biết rõ hơn tôi. Việc tôi giúp anh mang ý nghĩa nhiều hơn là một món quà tặng cho một con người. Giống như vấn đề điện năng cho một ngôi làng, điện lực được mọi người cùng nhau chia sẻ. Giống như anh Dilip đã thoát khỏi giai cấp của mình bằng nghề lái tầu trên dòng sông, nhờ thế mà con anh có thể đi học, và phá vỡ khuôn phép cũ. Nào ai biết rồi đây sẽ còn có bao nhiêu người soi ánh đuốc cho người khác đi?.

Tôi ôm lấy anh Dilip và hai đứa con trai của anh. Tôi dặn cháu Amrit nhớ gửi học bạ cho tôi biết, để xem cháu học hành ra sao ở trong trường. Và như vậy là cuối cùng tôi đã cho đi một điều tôi luôn luôn ghét đó là chuyện đi học. Nhưng thú thực tôi cũng mang ơn một thứ mà tôi không dám nói ra, đó là trường học.

Trích trong Nhật Ký của Leon Logohtetis đăng trên Reader’s Digest tháng 2/2015

Nguyễn Minh Tâm dịch